Thursday, April 26, 2007

Phát hiện hành tinh cực giống trái đất

Các nhà thiên văn vừa phát hiện hành tinh giống trái đất nhất cho tới nay, nằm ngoài hệ mặt trời của chúng ta, nơi nước có thể chảy trên bề mặt.

Hành tinh này có quỹ đạo quanh ngôi sao mờ Gliese 581, cách trái đất 20,5 năm ánh sáng, nằm trong chòm sao Libra.

Các nhà khoa học đã phát hiện ra nó nhờ kính viễn vọng Eso 3,6m tại Chile. Họ cho biết nhiệt độ vừa phải trên hành tinh này có nghĩa là có thể có nước dưới dạng lỏng trên hành tinh, và do vậy cũng có khả năng trên ở đó có sự sống.

"Chúng tôi ước tính nhiệt độ trung bình của hành tinh 'siêu giống trái đất' này trong khoảng 0-40 độ C, và do vậy nước sẽ ở dạng lỏng. Hơn nữa bán kính của hành tinh chỉ lớn gấp 1,5 lần bán kính của trái đất và những mô hình khoa học dự đoán nó có cấu tạo bằng đá - giống trái đất - hoặc được bao phủ bằng các đại dương”, Stephane Udry từ Đài thiên văn Geneva, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết.

Xaiver Delfosse, một thành viên của nhóm nghiên cứu nói: “Theo chúng tôi, nước lỏng là tối quan trọng đối với sự sống”. Ông cho rằng hành tinh này giờ đây có thể trở thành mục tiêu rất quan trọng đối với các chuyến thám hiểm vũ trụ trong tương lai nhằm tìm kiếm sự sống ngoài trái đất.

Các nhà du hành vũ trụ sẽ đặt các kính viễn vọng trong không gian để thu nhận những “tín hiệu” ánh sáng đi kèm với các quá trình sinh học, nếu có. Những đài quan sát này sẽ thăm dò dấu vết của các khí trong bầu khí quyển như khí như methane và thậm chí những chất tạo ra chất diệp lục - sắc tố của thực vật thực vật đóng vai trò quan trọng trong quá trình quang hợp trên trái đất.

Hành tinh nói trên là nhỏ nhất trong số các hành tinh ngoài trái đất từng được phát hiện, với chu kỳ quay một vòng quanh sao mẹ chỉ mất 13 ngày. Tương ứng, khoảng cách từ nó đến sao mẹ gần hơn 14 lần so với khoảng cách trái đất - mặt trời. Tuy nhiên, do sao mẹ của nó nhỏ hơn và lạnh hơn so với mặt trời (nghĩa là sáng yếu hơn), nên hành tinh mới nằm trong vùng "có thể ở được”, nơi nước có thể ở dạng lỏng.

No comments: