Thursday, January 31, 2008

Chỉ có đạo đức mới khỏi lụy mà thôi

Một hôm Trang Tử cùng học trò đi chơi ở trong núi. Thấy một cây to, cành lá rườm rà, có người đốn gỗ, chống búa đứng ở bên, mà không chặt.
Trang Tử hỏi: Sao không chặt cây này thế?
- Người đốn gỗ đáp: Cây này tuy thế mà gỗ xấu không dùng được việc.
Trang Tử nói: Cây này chỉ vì không ra gì mà sống lâu được mãi.
Ra khỏi núi, Trang Tử vào chơi nhà một người quen. Chủ nhà vui mừng, bảo đầy tớ đem chim nhạn làm thịt.
Trang Tử hỏi: Một con gáy được, một con không gáy thì làm thịt con nào?
- Chủ bảo: Làm con không gáy.
Hôm sau, học trò hỏi Trang Tử rằng:
Cái cây ở núi vì bất tài mà sống lâu, con nhạn ở nhà chủ vì bất tài mà phải giết chết. Giá như tiên sinh thì xử vào địa vị nào?
- Trang Tử cười, rồi nói: Ta xử vào trong cái khoảng tài và bất tài. Như vậy, thì tránh khỏi tai nạn, song chưa phải kế vẹn toàn. Chỉ những bậc đạo đức cao xa, không quản khen chê, lúc như rồng, lúc như rắn, không hẳn rõ ra tài hay bất tài, lúc lên, lúc xuống, chỉ cốt lấy đức hóa làm mực, siêu việt cả muôn vật, tuy là người mà lại khác người... Những bậc như thế, thì còn gì lụy đến thân được!
Còn thói đời thường tình nào có thế? Hợp với người, thì có lúc lìa; làm nên việc, thì có người chê; ngay thẳng thì bị đ è nén; tôn trọng thì bị chê bai, thì có kẻ phá; giỏi thì có kẻ ghen; không ra gì thì thiên hạ khinh bỉ... Nhân tình như thế, làm thế nào được? Thương ôi! Các ngươi nên ghi lấy:
"Chỉ có đạo đức mới khỏi lụy mà thôi."

Vẽ gì khó ...

.....Chép cho hệt khó bao nhiêu thì bày vu vơ lại dễ bấy nhiêu. Nên ta chớ nhầm, thấy kẻ làm kỳ quái khác thiên hạ đã vội coi thánh tướng lắm. Ta phải trọng những người quý thực tế, biết làm hết bổn phận mình hàng ngày. Nhiều khi ở đám bình dân mộc mạc quê mùa, mà có bao nhiêu người trung, hiếu, tiết nghĩa, dũng cảm, hào hiệp, hơn là hạng tục học, vẽ ma, vẽ quỷ… loè đời mà kỳ thực tự tư, tự lợi, có hại không thể nói hết được.

Có người thợ , vẽ cho vua nước Tề mấy bức tranh.

Vua hỏi: “Vẽ cái gì khó?”

Thưa: “Vẽ chó, vẽ ngựa khó”.

- Vẽ cái gì dễ?

- Vẽ ma, vẽ quỉ dễ.

- Sao lại thế?

“Chó ngựa ai cũng trông thấy, vẽ mà không giống thì người ta chê cười, cho nên khó vẽ. Ma quỉ là giống vô hình, không ai trông thấy, tuỳ ý muốn vẽ thế nào cũng được, không sợ ai bẻ, cho nên dễ vẽ”.

Người nào bỏ những công việc thiết thực bình thường, chỉ chăm làm những công việc kì dị, quái gở để loè thiên hạ, thì cũng chẳng khác nào như người thợ chỉ vẽ ma, vẻ quỉ, nghĩa là tránh cái khó mà làm cái dễ vậy.

LỜI BÀN:

Trong bài nói chó, ngựa, mà thực bao rộng cả những vật hữu hình, mắt có thể trông thấy; chỉ nói ma quỷ, mà thực bao rộng cả những vật vô hình trí não tưởng tượng ra. Một đằng vẽ vật hữu hình là chép lại, một đằng vẽ vật vô hình là bày ra; ai chẳng cho chép dễ hơn bày. Nhưng xét thực, chép cho hệt khó bao nhiêu thì bày vu vơ lại dễ bấy nhiêu. Nên ta chớ nhầm, thấy kẻ làm kỳ quái khác thiên hạ đã vội coi thánh tướng lắm. Ta phải trọng những người quý thực tế, biết làm hết bổn phận mình hàng ngày. Nhiều khi ở đám bình dân mộc mạc quê mùa, mà có bao nhiêu người trung, hiếu, tiết nghĩa, dũng cảm, hào hiệp, hơn là hạng tục học, vẽ ma, vẽ quỷ… loè đời mà kỳ thực tự tư, tự lợi, có hại không thể nói hết được.


(Theo “Cổ học tinh hoa” của Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân – NXB Trẻ)

Tài nghề con lừa

Bài này có ý nói: Ở đời có lắm người, lắm sự, lúc mới biết cho là lạ, thì còn ưa, còn sợ, đến lúc đã biết rõ rồi thì lại khinh thường, chẳng coi vào đâu nữa

Đất Kiềm(1) xưa nay vốn không có lừa. Có người hiếu sự(2) tải một ít lừa đến đấy nuôi.

Lừa thả ở dưới chân núi. Buổi đầu, hổ trong núi ra, trông thấy lừa cao lớn, lực lưỡng, tưởng loài thần vật mới giáng sinh. Lại thấy lừa kêu to, hổ sợ quá, cong đuôi chạy. Dần dần về sau hổ nghe tiếng, thấy lúc nào lừa kêu cũng thế lấy làm khinh thường. Một hôm, hổ thử vờn, nhảy xông vào đầu lừa. Lừa giận quá, giơ chân đá, đá đi, đá lại, quanh quẩn chỉ có một ngón đá mà thôi. Hổ thấy vậy mừng, bụng bảo dạ rằng: “Tài nghề con lừa ra chỉ có thế mà thôi”. Rồi hổ gầm thét, chồm lên, vồ lừa, cấu lừa, cắn lừa, ăn thịt lừa, đoạn rồi đi.

Liễu Tôn Nguyên(3)

Lời bàn:

Bài này có ý nói: Ở đời có lắm người, lắm sự, lúc mới biết cho là lạ, thì còn ưa, còn sợ, đến lúc đã biết rõ rồi thì lại khinh thường, chẳng coi vào đâu nữa:

Nhác trông ngỡ tượng tô vàng,
Nhìn ra mới biết chẫu chàng ngày mưa.

Nhưng bài này lại có ý chê người khờ dại không biết giữ thân cho kín đáo, để đến nỗi người ta dòm được tâm thuật của mình mà làm hại mình, như con lừa bị con hổ hại vậy. Những nhà làm văn vẫn thường hay dùng hai chữ “Kiềm lô” (lừa đất Kiềm) để chỉ những người tài nghệ kém cỏi, không có gì lạ.


(1) Kiềm: nước Sở thời Chiến Quốc, tức là huyện Nguyên Lăng, tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc) bây giờ.

(2) Hiếu sự: hay bày việc, sinh việc.

(3) Tên tự là Tử Hậu, tinh nhanh tuyệt vời, văn chương nổi tiếng, đỗ Tiến sĩ, làm quan Thứ sử, là một bậc danh nhân đời nhà Đường.

Lợn mẹ giết lợn con

Người quân tử không bao giờ lấy cái hình sắc khác nhau mà thành bụng yêu hay sinh bụng ghét, lại nhất là, không lấy cái tư tưởng thế lợi trái nhau mà lúc hợp, lúc ly, lúc thân, lúc sơ, lúc thề ước, lúc tàn hại nhau bao giờ.

Họ Tử Xa(1) có con lợn nái sắc đen tuyền đẻ một lứa ba con, hai con đen tuyền, một con loang lổ. Lợn nái nuôi hai con lợn con giống mình rất chăm chỉ cẩn thận, hơi một tí cũng lo sợ. Còn con lợn loang lổ khác mình thì ghét bỏ, sau cắn chết xé cả gan ruột nát nhừ mới thôi.

Tử Hoa Tử nói: “Gớm thay tâm thuật(2) hay chuyển di(3). Mắt đã mờ về kẻ giống mình hay khác mình, thì bụng sanh ngay ra có kẻ yêu, kẻ ghét. Đã ghét, đến con ruột đẻ ra mà cũng hại cả con mà không hối huống chi là người khác máu với mình. Người đời lúc bình cư thì âu yếm thân thiết, thề ước cùng nhau tưởng keo sơn cũng không bằng. Khi lâm đến thế lợi(4), chỉ chênh nhau bằng sợi tơ sợi tóc, thì mặt đã đổi sắc, cơn giận nổi lên và tìm cách tàn hại nhau ngay lập tức. Gớm thay! Tâm thuật chuyển di, tưởng chẳng khác gì con lợn nái.

Tử Hoa Tử

LỜI BÀN:

Thói thường, đồng chủng đồng tông, hay đồng tình, đồng chí thì ưa nhau, mến nhau, còn ngoại giả, thì đem bụng ngờ vực, ghen ghét, coi người ta như cừu địch cả, thực là hẹp hòi đáng tiếc! Người quân tử không bao giờ lấy cái hình sắc khác nhau mà thành bụng yêu hay sinh bụng ghét, lại nhất là, không lấy cái tư tưởng thế lợi trái nhau mà lúc hợp, lúc ly, lúc thân, lúc sơ, lúc thề ước, lúc tàn hại nhau bao giờ. Người ta tuy không cùng nòi giống, cùng tư tưởng, cùng chí hướng với mình, nhưng người ta là hạng quang minh chính đại, mình cũng nên có lòng thân yêu, có lượng cao cả để đối với người ta thì mới đáng gọi là yêu đồng bào và trọng nhân đạo. Nếu không thì tâm thuật lợn nái mất rồi!


(Theo “Cổ học tinh hoa” của Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân – NXB Trẻ)

(1) Quan đại phu nước Tần

(2) Cách nghĩ trong tâm não làm thế này thế kia

(3) Thay đổi

(4) Quyền thế, tài lợi.

Chết mà còn răn được vua

Đời quân chủ chuyên chế, phải có những chức gián quan thì mới có người hạn chế được quyền vua, can vua bỏ điều xằng, khuyên vua làm điều hay. Nhưng một đằng vua cứ nhất định không nghe, một đằng mình cố sức can mãi đến lúc chết chưa thôi, còn lấy xác can nữa, thì thực là đáng khen cái tâm chí sâu xa bền chặt ấy!

Cừ Bá Ngọc là người hiền mà vua Linh Công nước Vệ không dùng. Di Tử Hà là người dở mà vua lại dùng.

Sử Ngư thấy thế, đã răn nhiều lần, mà vua không nghe. Lúc ông có bệnh, sắp mất dặn con rằng:

- Ta làm quan tại triều nước Vệ, không tiến(1) được Cừ Bá Ngọc, thoái(2)được Di Tử Hà thế là bầy tôi không khuyên răn nổi vua, thì khi ta nhắm mắt không được làm đủ lễ. Cứ để thây ta dưới cửa sổ, thế là xong việc cho ta.

Lúc ông mất, người con cứ làm theo lời dặn. Vua Linh Công đến viếng thấy vậy, lấy làm ngạc nhiên. Người con đem lời di chúc của cha tâu lại. Vua thất sắc nói rằng:

- Ấy là cái lỗi của quả nhân!

Rồi sai người đem xác ông Sử Ngư vào nhà, bắt khâm liệm và mai táng cho đủ lễ.

Sau quả nhiên vua Linh Công dùng Cừ Bá Ngọc mà bãi Di Tử Hà.

Khổng Tử nghe chuyện ấy, nói:

- Đời cổ những gián quan(3) đến lúc chết là hết cả mọi việc, chưa có ai được như Sử Ngư chết rồi mà còn dùng xác để can vua, làm cho vua phải cảm động mà nghe mình. Thế chẳng là trung trực lắm ư?

Gia Ngữ

Lời bàn:

Đời quân chủ chuyên chế, phải có những chức gián quan thì mới có người hạn chế được quyền vua, can vua bỏ điều xằng, khuyên vua làm điều hay. Nếu khuyên can vua không được thì chẳng làm hết cái chức trách rất trọng của gián quan ư? Nhưng một đằng vua cứ nhất định không nghe, một đằng mình cố sức can mãi đến lúc chết chưa thôi, còn lấy xác can nữa, thì thực là đáng khen cái tâm chí sâu xa bền chặt ấy! Xem chuyện Sử Ngư lại nhớ chuyện bác sĩ Bergonité suốt đời hết lòng với khoa học, lúc chết, cũng hiến xác cho người ta mổ xẻ để nghiên cứu về y học. Như thế mới thực là gương sáng tận tâm với chức vụ để cho thiên hạ soi chung.


(Theo “Cổ học tinh hoa” của Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân – NXB Trẻ)


(1) Cử lên làm một chức gì

(2) Trừ bỏ đi

(3) Chức quan chủ việc can ngăn vua mà dàn hoặc các quan khi có lỗi.

Giáp Ất tranh luận

Cứ xem Giáp, Ất tranh luận, thì cũng phân vân không rõ tiếng kêu là tự chuông hay tự dùi ra. Chuông là đồng vốn kêu, nhưng không có dùi đánh vào, không kêu. Vậy có muốn tiếng kêu, tất phải có cả chuông cả dùi mới được...

Giáp hỏi Ất: “Đúc đồng làm chuông, đẽo gỗ làm dùi, lấy dùi đánh chuông tiếng kêu boong-boong, thì tiếng kêu ấy là gỗ kêu hay là đồng kêu?”.

Ất đáp: “Lấy dùi gõ vào tường vách không kêu, gõ vào chuông kêu, thế thì tiếng kêu ở đồng”.

Giáp hỏi: “Lấy dùi gõ vào đồng tiền trinh(1) không kêu, thế thì có chắc tiếng kêu ở đồng mà ra không?”.

Ất nói: “Đồng tiền đặc, cái chuông rỗng, vậy tiếng kêu ở các đồ vật rỗng mà ra”.

Giáp hỏi: “Lấy gỗ, lấy bùng làm chuông đánh không ra tiếng, thế thì có chắc tiếng kêu là ở đồ vật rỗng mà ra không?…”

Âu Dương Tu(2)

Lời bàn:

Cứ xem Giáp, Ất tranh luận, thì cũng phân vân không rõ tiếng kêu là tự chuông hay tự dùi ra. Chuông là đồng vốn kêu, nhưng không có dùi đánh vào, không kêu. Vậy có muốn tiếng kêu, tất phải có cả chuông cả dùi mới được.. Tiếng kêu là gì? Chẳng qua là cái âm thanh từ hai vật chọi nhau, chạm vào nhau mà sinh ra. Tuy vậy, nếu nói tiếng kêu là tự cả chuông, cả dùi mà ra, thì hình như giữ cái chủ nghĩa “hai phải“ trắng, đen là một. Thế mới hay: Lẽ phải không cùng, càng nghị luận lắm, có khi lại càng như bối rối thêm ra không tài nào gỡ nổi. Nên biết được thế nào, thì hay thế, chớ cứ chấp nhất câu nệ cho mình là phải không biết cái phần phải của người, thì là có tính thiên và lượng hẹp. Nói cho đúng: Muốn rõ vật lý, cần phải có khoa học. Không biết khoa học mà bàn luận vật lý thì không tài nào xác thực được.


-----------------

(1) Tiền đồng, có người cho tiền cho tiền đồng bên Trung Quốc đem sang ta đầu tiên là tiền đồng niên hiệu Càn Trinh nên gọi là tiền trinh.

(2) Người đời nhà Tống thi đỗ tiến sĩ làm quan hiếu sư, là một nhà văn có tiếng

Bán mộc bán giáo

Có người nước Sở làm nghề vừa bán mộc(1), vừa bán giáo(2).

Ai hỏi mua mộc, thì anh ta khoe rằng:

- Mộc này thật chắc, không gì đâm thủng.

Ai hỏi mua giáo thì anh ta khoe rằng:

- Giáo này thật sắc, gì đâm cũng thủng.

Có người nghe nói, hỏi rằng: “Thế bây giờ lấy giáo của bác đâm vào mộc của bác thì thế nào?”

Anh ta không làm sao đáp được.

Hàn Phi Tử

Lời bàn:

”Ôi! Một cái chắc, đâm không sao thủng, với một cái sắc, đâm gì cũng thủng, hai cái phản đối hẳn nhau thì cùng đi với nhau sao được! Thế mà người nước Sở dám khoe mộc, lại khoe giáo luôn ngay một lúc. Chẳng qua là chỉ vì mối lợi mà thành ra nói dối. Nhưng cái trò nói dối hay cùng, khi người ta hỏi đến lẽ, là không đối đáp làm sao được nữa. Có khác gì kẻ đem tượng gỗ ra chợ bán, khoe rằng: “Ai mua tượng về nhà, thì được giàu sang”. Đến lúc có người bẻ: “Thế sao bác không để ở nhà cho được giàu sang, lại mang ra chợ bán làm gì?” thì tắc khẩu mà đành vác tượng ra về.


(Theo “Cổ học tinh hoa” của Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân – NXB Trẻ)

--------------------------------

(1) Đồ binh khí bằng gỗ hình bầu dục dùng để đỡ khi mũi nhọn đâm xỉa. Cái khiên thì đan bằng mây và hình tròn

(2) Đồ binh khí, đầu nhọn, cán dài, dùng để đâm. Trong bài này, chữ “giáo” dịch từ chữ “mâu” (vật để đâm), chữ “mộc” dịch từ chữ “thuẫn” (vật để chống đỡ). Do đó mà Từ Hán Việt “mâu thuẫn” được dùng với nghĩa phổ biến như hiện nay.

Đánh dấu thuyền tìm gươm

Có người nước Sở(1) đi đò qua sông. Khi ngồi đò, vô ý, đánh rơi thanh gươm(2) xuống sông. Anh ta vội vàng đánh dấu vào mạn thuyền, nói rằng:”Gươm ta rơi ở chỗ này đây”.

Lúc thuyền đỗ vào bến, anh ta cứ theo chỗ đánh dấu, lặn xuống nước tìm gươm.

Thuyền đã đi đến bến, chớ gươm rơi đâu thì vẫn ở đấy, có theo thuyền mà đi đâu? Tìm gươm như thế, chẳng khờ dại lắm ư!

Lã Thị Xuân Thu

Lời bàn:

Thanh gươm rơi xuống sông thì ở ngay chỗ rơi. Nếu muốn tìm thấy gươm, tất phải lặn ngay xuống chỗ rơi mà tìm. Chớ sao lại đánh dấu vào thuyền đợi đến lúc thuyền đỗ vào bến, mới lặn xuống bến tìm? Người tìm gươm này có khác nào như người đánh đàn sắt đem gắn cả ngựa lại, tưởng ngựa không di dịch được là các âm vận tự nhiên điều hòa được đúng! Than ôi! Người cố chấp bất thông, chỉ câu nệ biết giữ chặt một cái đã nắm chặt trong tay, chớ không hiểu nghĩa chữ “Thời” là gì?


(Theo “Cổ học tinh hoa” của Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân – NXB Trẻ)

------------------------

(1) Một nước lớn thời Xuân Thu ở vùng Hồ Bắc, Hồ Nam (Trung Quốc) bây giờ.

(2) Tục xưa người ta đi đâu hay đeo gươm để thủ thân mà lại là giữ lễ nữa.

Đi trắng về đen

Lúc đi mặc áo trắng, lúc về mặc áo thâm, chính mình không biết mình thay đổi, con chó thấy khác thì xua đuổi. Mình đánh nó chẳng hóa ra nhầm lắm rồi! Lỗi tại mình thay đổi, không tại con chó cắn xằng.

Một hôm trời nắng, Dương Bố đi chơi. Khi ở nhà ra, thì mặc áo trắng; đi được nửa đường, gặp trời mưa, quần áo ướt hết, mới vào ẩn mưa ở nhà một người bà con. Người ấy thấy Dương Bố ướt cả cho mượn cái áo thâm.

Một lúc trời tạnh, Dương Bố mặc áo thâm về nhà. Con chó trông thấy, vừa cắn vừa xua đuổi. Dương Bố giận, toan cầm gậy đánh.

Anh là Dương Chu chạy ra bảo: “Đừng đánh nó làm gì! Nó đuổi như thế cũng phải. Giả sử con chó trắng nhà ta, lúc đi thì trắng, lúc về thì đen, phỏng em có lấy làm lạ mà không ngờ được không?”

Liệt Tử

Lời bàn:

Lúc đi mặc áo trắng, lúc về mặc áo thâm, chính mình không biết mình thay đổi, con chó thấy khác thì xua đuổi. Mình đánh nó chẳng hóa ra nhầm lắm rồi! Lỗi tại mình thay đổi, không tại con chó cắn xằng. Vậy nên, ở đời khi mình làm điều gì khác thường mà người ta không rõ thì tất nhiên người ta bàn trái bàn phải. Nếu mình không tự xét mình thay đổi hay hay dở, chỉ biết trách người nghị luận nọ kia thì chẳng khác nào như Dương Bố đánh chó trong truyện này.


(Theo “Cổ học tinh hoa” của Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân – NXB Trẻ)

Tăng Sâm giết người

Tăng Sâm vốn là người hiền hậu, hiếu thảo, bà mẹ vốn là người trung tín, một bụng tin con. Đột nhiên có kẻ bảo: “Tăng Sâm giết người”. Bà mẹ không tin, người thứ hai bảo, còn chưa tin; đến người thứ ba bảo, thì cuống cuồng chạy trốn. Như thế mới hay cái dư luận của thiên hạ rất là mạnh.

Ông Tăng Sâm(1) ở đất Phi. Ở đấy có kẻ trùng tên với ông giết chết người.

Một người hớt hải chạy đến báo mẹ ông Tăng Sâm rằng: “Tăng Sâm giết người”. Bà mẹ nói: “Chẳng khi nào con ta lại giết người”. Rồi bà điềm nhiên ngồi dệt cửi.

Một lúc, lại có người đến bảo: “Tăng Sâm giết người”. Bà mẹ không nói gì, cứ điềm nhiên dệt cửi.

Một lúc nữa lại có người đến bảo: “Tăng Sâm giết người”. Bà mẹ sợ cuống, quăng thoi, trèo qua tường chạy trốn.

Quốc Sách

Lời bàn:

Tăng Sâm vốn là người hiền hậu, hiếu thảo, bà mẹ vốn là người trung tín, một bụng tin con. Đột nhiên có kẻ bảo: “Tăng Sâm giết người”. Bà mẹ không tin, người thứ hai bảo, còn chưa tin; đến người thứ ba bảo, thì cuống cuồng chạy trốn. Như thế mới hay cái dư luận của thiên hạ rất là mạnh. Một việc, dù cho sai lầm đến mười mươi, nhiều người đã cùng có một nghị luận đều như thế cả, thì cũng dễ khiến cho ta nghi nghi hoặc rồi đem bụng tin mà cho là phải, nom đỉa hoá ra rươi, trông con chó thành ra con cừu. Đến như giữa chợ làm gì có cọp! Thế mà một người, hai người, đến ba người nói có cọp, thiên hạ cũng tin có cọp thật nữa là! Những bậc ra được ngoài vòng dư luận, giữ vững được bụng như cây giữa rừng, như kiềng ba chân rất là hiếm, nhưng có thế được, mới cao. Một chân lý có chứng minh rõ ràng mười phần chắc chắn, thì mới nên công nhận.

(Theo “Cổ học tinh hoa” của Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân – NXB Trẻ)

---------------------------

(1) Tăng Sâm: người thời Xuân Thu, tính chất chân thật và rất có hiếu, học trò đức Khổng Tử và sau truyền được đạo của ngài

Lấy của ban ngày

Đã là kẻ thấy của tối mắt, tham vàng bỏ nghĩa, thì dù ít, dù nhiều cũng là đáng khinh cả, song, đem những kẻ tai to, mặt lớn, vì ham mê phú quý, mà lừa thầy, phản bạn hại ngầm đồng bào so với những quân cắp đường, cắp chợ, giữa ban ngày để nuôi miệng thì tội đáng nặng hơn biết bao nhiêu. Thế mà trách đời chỉ biết chê cười những quân trộm vặt, chớ không biết trừng trị những kẻ đại gian đại ác.

Nước Tấn có kẻ hiếu lợi(1), một hôm ra chợ gặp cái gì cũng lấy. Anh ta nói rằng: “Cái này tôi ăn được, cái này tôi mặc được, cái này tôi tiêu được, cái này tôi dùng được”. Lấy rồi đem đi. Người ta theo đòi tiền. Anh ta nói:

“Lửa tham nó bốc lên mờ cả hai con mắt. Bao nhiêu hàng hoá trong chợ, tôi cứ tưởng của tôi cả, không còn trông thấy ai nữa. Thôi, các người cứ cho tôi, sau này giàu có, tôi sẽ đem tiền trả lại”.

Người coi chợ thấy càn rỡ, đánh cho mấy roi, bắt của ai phải trả lại người ấy. Cả chợ cười ồ. Anh ta mắng:

“Thế gian còn nhiều kẻ hiếu lợi hơn ta, thường dụng thiên phương, bách kế(2) ngấm ngầm lấy của của người ta. Ta đây tuy thế, song lấy giữa ban ngày so với những kẻ ấy thì lại chẳng hơn ư? Các ngươi cười ta là các ngươi chưa nghĩ kỹ!”.

Long Môn Tử(3)

Lời bàn:

Đã là kẻ thấy của tối mắt, tham vàng bỏ nghĩa, thì dù ít, dù nhiều cũng là đáng khinh cả, song, đem những kẻ tai to, mặt lớn, vì ham mê phú quý, mà lừa thầy, phản bạn hại ngầm đồng bào so với những quân cắp đường, cắp chợ, giữa ban ngày để nuôi miệng thì tội đáng nặng hơn biết bao nhiêu. Thế mà trách đời chỉ biết chê cười những quân trộm vặt, chớ không biết trừng trị những kẻ đại gian đại ác.


(Theo “Cổ học tinh hoa” của Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân – NXB Trẻ)

--------------------------

(1) Hiếu lợi: ham tiền của quên cả phải trái

(2) Thiên phương, bách kế: mưu này chước khác xoay đủ trăm nghìn cách.

(3) Long Môn Tử: Tức là Tư Mã Thiên làm quan Thái Sư nhà Hán là một nhà sử ký có danh

Không nhận cá

Làm quan như Công Nghi Hưu thật là thanh liêm. Dù đến con cá, là vật nhỏ mọn mà ông cũng còn cân nhắc không chịu nhận. Ông hiểu cái lẽ rằng: Người ta vị mình mà chiều mình chỉ được có một thời, sao cho bằng chính mình trọng lấy mình, mới là kế lâu dài mãi mãi.

Công Nghi Hưu(1) làm tướng nước Lỗ, tính hay thích ăn cá. Một hôm có người đem cá biếu, ông lại không nhận. Em ông lấy làm lạ, hỏi: “Anh thích ăn cá, người ta đem cá cho, sao anh lại không nhận?”.

Công Nghi Hưu nói: “Người ta đem cá cho chắc ý cầu ta việc gì. Nếu ta nhận, tất ta phải giúp việc người. Giúp việc người, lỡ làm trái phép thì đến mất quan. Mà mất quan thì chẳng những không có cá biếu, mà đến cá mua lấy cũng không có nữa. Cho nên ta không nhận cá, chính là ta muốn được có cá ăn lâu dài mãi mãi đó. Ông Lão Tử xưa có câu rằng: “Để thân mình lại sau, thế mà thân mình đứng trước; gác thân mình ra ngoài, thế mà thân mình vẫn còn”. Thế chẳng phải là bởi mình không có lòng riêng mà được thoả lòng riêng của mình ư?

Hàn Thi Ngoại Truyện

Lời bàn:

Làm quan như Công Nghi Hưu thật là thanh liêm. Dù đến con cá (trong sách không nói rõ cá gì), là vật nhỏ mọn mà ông cũng còn cân nhắc không chịu nhận. Ông hiểu cái lẽ rằng: Người ta vị mình mà chiều mình chỉ được có một thời, sao cho bằng chính mình trọng lấy mình, mới là kế lâu dài mãi mãi.

Thiên hạ chưa lo đến mà mình đã lo trước cho thiên hạ; thiên hạ đã vui rồi, mà mình mới vui sau thiên hạ, thế là mình gác thân mình ra ngoài để thân mình lại sau mà không có điều gì riêng tư vậy. Khi thân mình lại được trước, lại vẫn còn thì lòng riêng gì của mình mà không thoả. Nếu làm quan mà chỉ chăm chăm hại người để cầu lợi riêng cho mình thì người còn, bụng chết tự cho là sướng mà kỳ thật có sung sướng gì đâu?


(Theo “Cổ học tinh hoa” của Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân – NXB Trẻ)

-----------------------------------

(1) Công Nghi Hưu: làm tướng cho Mục Công nước Lỗ đời Chiến quốc. ông là người tính khí điềm đạm, công minh giữ phép, không cùng dân tranh lợi.

Biết rõ chữ "nghĩa"

Hoa Hâm(1) chạy loạn, cùng đi với một bọn sáu bảy người. Giữa đường gặp một người lại cũng chạy loạn, đến kêu nài, xin nhập bọn. Chúng lấy làm ái ngại, thuận cho. Một mình Hoa Hâm nói:

Không nên, đang bước nguy hiểm, sinh, tử, hoạ, phúc có nhau, ta đi bấy nhiêu người cũng như một người vậy. Bây giờ vô nhận một người lạ, lỡ khi xảy ra việc gì, thì có bỏ được người ta không?”.

Chúng nhận cố nói với Hoa Hâm cho người kia cùng đi. Hoa Hâm bằng lòng.

Người kia đi được một quãng đường, chẳng may sa chân ngã xuống giếng. Cả bọn muốn bỏ mặc để đi cho rảnh thân. Một mình Hoa Hâm nói:

Không nên. Người ta cùng đi với mình là người bạn mình. Người ta gặp sự chẳng may như vậy mà mình bỏ người ta sao cho đành!”.

Nói rồi, bảo bấy nhiêu người cùng ở lại vớt người kia lên. Sau cứu mãi không được, Hoa Hâm lại bảo phải ở lại mai táng chu tất rồi mới đi.

Lời bàn:

Vô cớ cho một người lạ nhập bọn, nghĩa là cũng không nên, một là e xảy ra sự gì hại đến thân mình, hai là sợ không được thuỷ chung với người ta. Đã nhận người ta đi với mình thành một bọn, giữa đường người ta gặp sự chẳng may mà bỏ mặc người ta, nghĩa lại càng không nên lắm, vì như thế là bạc ác, bất nhân, chỉ biết nhau trong lúc vô sự, đến khi nguy hiểm rồi lại bỏ nhau. Biết được cái đạo không nên nhận và cái đạo đã nhận như Hoa Hâm đây mới thực là người hiểu rõ chữ “nghĩa” tức là hiểu việc nên làm thế nào mới là phải vậy.

(Theo “Cổ học tinh hoa” của Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân – NXB Trẻ)

Ý nghĩa các thông số trong fstab

1.Mở đầu
Có lẽ trong chúng ta ai cũng đã từng dùng lệnh mount để mount một partition vào để làm việc, nhằm giúp cho việc mount tự động khi boot hoặc giảm nhẹ việc đánh lệnh mount quá dài để có thể mount được ổ đĩa ta đưa những thông tin cấu hình vào trong file /etc/fstab. Nhưng trong chúng ta có mấy ai hiểu hết được ý nghĩa từng column trong file này?

Chú ý: Trong bài viết đôi khi dùng lẫn lộn giữa partition và thiết bị (device), bạn có thể hiểu nó đề cập đến các phân vùng trên ổ cứng, ổ đĩa mềm, CD, USB Flash...

2.File fstab là gì và tại sao ta lại cần nó
fstab là một tập tin cấu hình chứa các thông tin về các phân vùng trên ổ cứng cũng như các thiết bị lưu trữ khác trong máy tính của bạn. Tập tin này nằm trên thư mục /etc.
/etc/fstab chứa các thông tin cần thiết để xác định xem một phân vùng hay thiết bị của bạn được mount như thế nào và mount vào đâu trong cấu trúc thư mục.Nếu như bạn không thể truy xuất các phân vùng của Windows (NTFS hoặc FAT32) từ Linux, không thể mount CD hoặc ghi file lên ổ mềm với quyền hạn user bình thường, hoặc gặp vấn đề với CD-RW của bạn, có lẽ bạn đã không cấu hình đúng file /etc/fstab rồi. Để có thể điều chỉnh fstab bạn cần có quyền root và dùng một chương trình xử lý văn bản như vi hoặc gedit để điều chỉnh.

3.Mô tả sơ lược về fstab
Đây là cấu trúc một file /etc/fstab mẫu


----1----------2-----------3----------------4---------------5-----------------6----
LABEL=/ / ext3 defaults 1 1
LABEL=/boot /boot ext3 defaults 1 2
LABEL=swap swap swap defaults 0 0
/dev/sda8 /working vfat auto,user,exec,rw 0 0
/dev/sda9 /eLib ntfs-3g auto,user,noexec 0 0


4.Ý nghĩa cột thứ 1 và 2:
Thiết bị cần mount và nơi mặc định để mount.
Cột thứ nhất là ổ đĩa hoặc thiết bị cần mount vd như /dev/fd0 (mặc định là ổ đĩa mềm), /dev/hda1, /dev/sda1...
Cột thứ 2 chính là nơi mount mặc định.
Hãy nhìn thử nội dung file fstab trong phần 3 dòng cuối cùng: nếu như từ dòng lệnh bạn gõ:
$mount /eLib thì nó tương đương với việc bạn phải gõ đầy đủ như sau
#mount /dev/sda9 /eLib (mặc định quyền root mới được mount) đó là chưa kể thông số về file system và các thông số phụ
#mount /dev/sda9 -t ntfs /mnt/ nếu muốn chỉ định file system
Bạn có thể sử dụng tên của partition thay vì dùng /dev/sda1... cũng được, bảng trên là một ví dụ

5.Cột thứ 3: loại file system
Đây chính là định dạng file hệ thống của thiết bị của bạn
ext2 và ext3: thường dùng cho các hệ thống Linux
reiserfs: nếu ổ đĩa bạn định dạng kiểu ReiserFS thì dùng tuỳ chọn này.
swap: được sử dụng cho swap partition
vfat, ntfs, ntfs-3g: vfat được dùng cho các ổ đĩa FAT32 trên Windows còn ntfs dành cho NTFS (chú ý một số distro như RedHat không đưa hỗ trợ ntfs vào mặc định do đó bạn cần compile lại kernel hoặc cài thêm module ntfs vào). ntfs-3g là một giải pháp cho việc read-write ntfs partition trên Linux tương đối tốt hiện nay.
auto: tự động detect, nếu không biết partition của mình định dạng kiểu gì thì hãy thử tuỳ chọn này.

6.Cột thứ 4: Các tuỳ chọn mount
Đây có lẽ là cột quan trọng nhất đây, nó quy định xem có mount tự động lúc khởi động không, user có quyền mount không, có cho phép thực thi các file trên đó không (nhiều trường hợp lỗi khi thực thi các script, exec file không được là do phần tuỳ chọn này).
- auto và noauto: Với tuỳ chọn auto, thiết bị sẽ tự động mount lúc khởi động máy tính, đây là tuỳ chọn mặc định. Nếu bạn không muốn thiết bị của mình được mount tự động hãy dùng tuỳ chọn noauto, khi đó khi nào bạn ra lệnh mount thì hệ thống mới mount cho bạn.
- user và nouser: tuỳ chọn user cho phép những user bình thường có thể mount thiết bị, ngược lại nouser chỉ cho phép root mới có quyền mount mà thôi. Tuỳ chọn nouser là mặc định, nếu bạn không thể mount CD, ổ đĩa từ windows... bạn hãy điều chỉnh lại thông số này.
- exec và noexec: exec cho phép bạn thực thi các file thực thi tồn tại trên partition đó, đây là tuỳ chọn mặc định. Tuỳ chọn noexec sẽ không cho phép bạn thực thi những file này, tuỳ chọn này thường được áp dụng đối với những phân vùng không có file thực thi hoặc không muốn cho thực thi.
- ro: mount partition ở chế độ read-only. Với chế độ này bạn chỉ có thể đọc mà không thể ghi được vào partition đó.
- rw: Mount partition ở chế độ read-write, đôi khi bạn phải đau đầu vì tuỳ chọn này do không thể ghi vào đĩa mềm mà không hiểu nguyên nhân vì sao.
- sync và async: đây là tuỳ chọn cho việc đọc và ghi lên file system. sync nghĩa là tất cả được làm đồng thời với nhau, tuỳ chọn này thường được áp dụng cho đĩa mềm. Một vd: khi bạn ra lệnh copy một file lên đĩa mềm, với tuỳ chọn sync file sẽ được chép ngay lập tức khi bạn ra lệnh, với tuỳ chọn async (không đồng thời) thì file đó chưa hẳn đã được chép lên đĩa. Nếu như bạn rút đĩa ra mà không umount thì có thể file đó không tồn tại trên đĩa mềm. async là tuỳ chọn mặc định.
- defaults: sử dụng các tuỳ chọn mặc định đó là rw, suid, dev, exec, auto, nouser, and async
Các tuỳ chọn được cách nhau bằng dấu phẩy (,)

7.Cột thứ 5 và 6: Các tuỳ chọn cho lệnh dump và fsck
Dump là gì? Đó là một tiện ích backup filesystem, gõ lệnh $man dump để biết thêm thông tin
Thế còn fsck? Đó chính là tiện ích để kiểm tra file system xem có bị hư hỏng gì không (và sửa lỗi nếu được).
Cột thứ 5 chính là thông số tuỳ chọn cho dump. Dump sẽ dựa vào con số bạn cấu hình để biết phải làm gì, nếu nó là 0 thì dump sẽ bỏ qua và không làm gì, hầu hết các trường hợp thông số này đều bằng 0!
Cột thứ 6 chính là thông số tuỳ chọn cho lệnh fsck. Nó quy định thứ tự để kiểm tra file system, nếu thông số này bằng 0 đồng nghĩa với việc fsck sẽ không kiểm tra

8. Kết luận
Với những thông số tuỳ chọn cho file /etc/fstab hy vọng bạn sẽ không còn những giây phút đau đầu mà không hiểu nguyên nhân tại sao. Hy vọng bài viết này sẽ giúp ích cho bạn trên con đường chinh phục chú chim cánh cụt dễ thương!

Tác giả: YTH.
Nguồn: HVAonline.net