Saturday, May 12, 2007

Cười: Ra mắt người yêu

Một anh chàng lần đầu tiên đến nhà người yêu. Anh cảm thấy rất lo lắng. Gặp ông bố người yêu.
A:Cháu chào bác ạ?
B: Không dám. Chào anh.
Lúc sau, hai người ngồi uống nước:
A: Mời bác uống nước ạ?
B: Không dám. Nước tôi tôi uống.
Ngồi một lúc chẳng nói gì ông bố đứng dậy quét nhà:
A: Bác để cháu quét cho ạ?
B: Không dám. Nhà tôi tôi quét.
Anh bối rối vô cùng chẳng biết làm gì? Quét xong nhà, ông bố ngồi xuống.Anh nhanh trí rút bao thuốc lá từ trong túi:
A: Bác xơi điếu thuốc cho thơm miệng ạ! (Của tôi đấy, ông hết nói nhé -->A nghĩ thầm)
B: A ...Mồm tôi hôi lắm hay sao mà anh nói vậy.....
A:..????

---Bó tay, bỏ cuộc thôi!! Ha ha...--

Tứ đại mỹ nhân Trung Quốc

Ðể trả lơì 1 số câu hỏi về vài điển tích trong bài "Hương Xưa" của Cung Tiến, anh Phạm Văn Bân đã bỏ công sưu tập và viết lên các điển tích của bốn người đẹp lừng lẫy trong văn học sử Trung quốc. Ðó là những người mà chim nhạn đang bay mà thấy thì phải rớt xuống (Tây Thi lạc nhạn), cá phải lặn sâu (Chiêu Quân trầm ngư), trăng phải đóng bít lại (Ðiêu Thuyền bế nguyệt) và hoa phải đâm ra xấu hổ (Dương Quý Phi tu hoa). Người Việt hay nói thoát đi là "đẹp đến nỗi chim sa, cá lặn, nguyệt thẹn, hoa nhường" là ám chỉ họ vậỵ

1) Chiêu Quân cống Hồ

Chiêu Quân tên thật là Vương Tường, là một cung phi của vua Nguyên đế nhà Hán (48 - 53 trước Tây lịch). Lúc bấy giờ vua nằm mộng thấy mỹ nhân cùng giao ước 100 năm. Nhà vua cứ ngày đêm mơ tưởng đến người trong mộng nên truyền các quan địa phương tìm cho được người đẹp trong giấc mộng. Thái sư Mao Diên Thọ lãnh phần việc ấy. Mao Diên Thọ thừa "nước đục thả câu", ăn hối lộ của cung phi. Hễ ai đút lót tiền thì cho vẽ đẹp đẽ, xinh tươi dâng lên vua. Chiêu Quân đẹp nhất nên không chịu lo lót, lại còn xỉ vả Mao Diên Thọ. Do đó, khi cầm bức vẽ Chiêu Quân, hắn lấy viết chấm dưới mắt Chiêu Quân một chấm làm thành nốt ruồi. Rồi khi dâng tranh lên vua, hắn sàm tấu rằng Chiêu Quân tuy đẹp nhưng có nốt ruồi mà sách tướng gọi là "thương phu trích lệ". Ðó là nốt ruồi sát phu. Nhà vua nghe vậy nên không đoái hoài đến Chiêu Quân. Nhưng nhờ tiếng đàn tuyệt diệu, Chiêu Quân đã khiến cho Hoàng hậu thấu rõ oan tình và dàn xếp cho gặp Hán vương. Chiêu Quân được phong làm Tây Cung vì nhà vua nhận ra đúng là người đã gặp gỡ trong mộng. Mao Diên Thọ bị kết án nhưng trốn được qua đất Hồ, đem dâng Phiên chúa bức tranh của Chiêu Quân làm Phiên chúa say đắm! Giặc Hung Nô khởi loạn, binh Hán đại bạị Phiên chúa đòi phải cống Chiêu Quân thì mọi việc được yên. Trước cảnh giang sơn nghiêng ngửa, vua Hán đành phải ngậm ngùi đưa Chiêu Quân sang cống Hồ. Khi qua ải Nhạn Môn, trong nỗi niềm thương nước nhớ nhà, giận kẻ gian thần, nàng xuống kiệu, hướng về quê hương và dùng đàn khảy lên khúc "Khúc quá quan". Giọng đàn bi ai thảm thiết, mọi người theo đưa đều não lòng nhỏ lệ Cây cỏ bên đường cũng héo hắt, gục xuống mặt đất như để buồn lây ... Nhìn một con chim lẻ cánh bạt gió về chiều, nàng xót xa cảm cho thân thế, cất tiếng ngâm: Cánh én cô đơn đượm tủi sầu, Ngang trời gió cuốn bạt về đâu. Quan san ngàn dặm vương thương nhớ, Hồ Hán từ nay cách biệt nhau. Khi sang đến đất Hồ, Chiêu Quân yêu cầu Phiên chúa xây một chiếc cầu trên sông Hắc Thủy để tạ ơn Trời Ðất. Lên cầu, nhìn cánh nhạn bay, nhìn dòng sông Hắc Thủy, nàng xót xa đau đớn, ngao ngán thở dài: Thủy hà sóng lạnh gió đìu hiu, Cánh nhạn lê thê giải nắng chiều. Thấp thoáng mây về nơi lữ thứ, Mơ màng một giấc mộng cô liêu. Ngâm thơ xong, nàng lao mình xuống sông Hắc Thủy! Cái chết trinh liệt của nàng khiến cho mọi người, kể cả Phiên chúa, ngậm ngùi thương tiếc và cảm phục. Văn thơ đời Hán và đời sau có nhiều bài nói về cuộc đời và sự hy sinh thanh cao của Chiêu Quân. Ðến đời nhà Tấn (265 - 419), vua Tấn Tư Mã Chiêu đổi tên Chiêu Quân thành Minh Phi. Thạch Sùng sáng tác khúc ca Vương Minh Quân. Có khúc cổ nhạc gọi là "Chiêu Quân oán", "Chiêu Quân cống Hồ". Trong "Truyện Kiều" của Nguyễn Du, lúc Kiều đánh đàn cho Kim Trọng nghe, có câu: Quá quan này khúc Chiêu Quân, Nửa phần luyến chúa, nửa phần tư gia. Trong "Lục Vân Tiên" của Nguyễn Ðình Chiểu có câu: Chiêu Quân xưa cũng cống Hồ, Bởi người Diên Thọ họa đồ gây nên! Tỉnh Tuy Viễn ở Trung quốc, bắc giáp Mông cổ, cách 10 cây số về phía Nam hãy còn mộ của Vương Chiêu Quân. Nơi đây có 3 tòa cổ miếu xây bằng đá: mộ của Chiêu Quân ở ngôi miếu giữa, hai bên là mộ của hai nữ tỳ đã cùng tự tử với nàng. Trên mộ bia có khắc mấy dòng chữ đã mờ vì thời gian "Vương Chiêu Quân chi mộ" Tương truyền cỏ ở chung quanh vùng này đều màu trắng, chỉ có cỏ mọc trên mộ Chiêu Quân màu đỏ, là giống cỏ ở Trung quốc mới có. Phải chăng đó là hồn thiêng của đất nước của người kỳ nữ đã hun đúc chuyện lạ để tiếng muôn đời?

2) Tây Thi và Trịnh Ðán

Tây Thi, còn gọi là Tây Tử, tên Di Quang, là một giai nhân tuyệt sắc ở nước Việt (một nước thuộc tỉnh Chiết Giang, Giang Tô và một phần Sơn Ðông ngày nay) thời Chiến Quốc. Nàng xuất thân từ một gia đình nghèo, cha đốn củi, nàng dệt vải ở thôn Trữ La. Trữ La có hai thôn: Ðông thôn và Tây thôn, phần nhiều họ Thi. Vì nàng ở Tây thôn nên gọi là Tây Thi. Bạn nàng là Trịnh Ðán cũng là một giai nhân sắc nước, hương trời. Nhà ở gần sông, ngày ngày hai nàng cùng nhau ra đập sợi ở ven sông. Má hồng, nước biếc, hai bóng lộn nhau trông như hai đóa phù dung của buổi bình minh tươi đẹp. Vua nước Việt là Câu Tiễn bại trận, phải cùng vợ sang làm người tù chăn ngựa cho vua Ngô. Sau khi được thả về, lòng uất ức căm hờn, mong rửa thù. Ðại phu Văn Chủng hiến cho 7 kế phá Ngô. Một trong 7 kế là đem mỹ nữ sang dâng để mê hoặcvua Ngô. Câu Tiễn liền thực hành ngaỵ Trong vòng nửa năm tuyển được 2,000 mỹ nữ, lại chọn 2 người đẹp nhất là Tây Thi và Trịnh Ðán. Câu Tiễn sai Tướng quốc là Phạm Lãi đem 100 nén vàng đến thôn Trữ La rước 2 nàng về, trang sức lộng lẫy, cho ngồi trong xe có màn phủ. Người trong nước nghe tiếng mỹ nữ, ai cũng muốn xem mặt, tranh nhau ra ngoài đón coi. Ðường phố chật cứng! Phạm Lãi liền để 2 nàng trong quân xá rồi truyền dụ rằng: "Ai muốn xem mặt mỹ nhân phải nộp một đồng tiền." Chỉ trong một lúc ngắn mà tiền thu đầy quỹ. Hai nàng lên lầu, đứng tựa bao lơn, trông không khác nào tiên nga giáng hạ. Hai nàng lưu ở ngoài kinh thành 3 ngày, tiền thu không kể xiết. Câu Tiễn cho hai nàng ở riêng tại Thổ thành, rồi sai lão nhạc sư đến dạy múa hát. Ba năm qua, Tây Thi và Trịnh Ðán cùng một số mỹ nữ đã học múa hát thành thạo. Câu Tiễn liền truyền Phạm Lãi đem sang cống cho vua Ngô là Phù Sai. Phù Sai vừa trông thấy hai nàng là xính vính, cho là thần tiên giáng trần, hồn phách mê mẩn, mắt nhìn như ngây, như dại .... Tây Thi và Trịnh Ðán được Phù Sai cực kỳ yêu mến. Nhưng riêng Tây Thi vì có sắc đẹp lộng lẫy lại khéo chiều chuộng, có nghệ thuật làm người say đắm nên Ngô vương sủng ái hơn: Tây Thi được ở đài Cô Tô với Phù Sai. Trịnh Ðán ghen với Tây Thi, uất ức không nói được, một năm sau thì chết! Phù Sai đem chôn ở Hoàng mao sơn và cho lập đền thờ. Tây Thi có chứng đau bụng. Mỗi lần đau thì nhăn mặt, mà nhăn mặt thì lại đẹp thêm! Phù Sai đắm đuối trước nét đẹp thiên kiều bá mị của Tây Thi. Phù Sai xây cung Quán Khuê ở núi Linh Nham, trang trí toàn bằng châu ngọc để làm cảnh cho Tây Thi đi dạo, ngắm cảnh. Lại cất Hưởng điệp lan, Ngoạn hoa trì, Ngoạn nguyệt trì, Ngô vương tỉnh, v.v... để Tây Thi ngắm hoa lan, coi ao hoa, thưởng trăng và soi bóng mình dưới giếng. Phù Sai lập cầm đài để Tây Thi đàn những cung đàn tuyệt diệu cho Phù Sai thưởng thức. Phù Sai lại cho đào một con sông nhỏ ở trong thành, rồi cùng Tây Thi dong thuyền, gọi là Cẩm phàm hình. Và còn nhiều nữa, kể không hết. Từ khi được Tây Thi, Phù Sai cứ ở luôn trên Cô Tô đài, bốn mùa vui chơi, không thiết gì đến việc nước. Tây Thi, con người kiều diễm ấy, tuy có thân hình mảnh mai như cành liễu yếu mềm nhưng tiềm tàng một ý chí phi thường là quyết lật đổ cả một triều Ngô. Hai bàn tay ngà ngọc xinh xắn ngày nào dệt vải, quay tơ nhưng nay lại dùng để bóp nát cả một nước Ngô binh hùng, tướng mạnh. Mắt nàng cau một cái là một cái đầu rơi. Môi nàng cười một nét là kho nhà Ngô vơi đi bạc vàng, châu báu. Ngũ Viên, một vị tướng quốc kiên trung, đa mưu túc trí, đầy tài dũng lược đã vì nàng mà chết dưới thanh kiếm Chúc lâu của Phù Sai! Nước Ngô ngày càng suy yếu. Nước Việt thừa thế tấn công. Ngô bại trận, Phù Sai tự tử.

Tây Thi làm tròn sứ mạng đối với tổ quốc; xin được về lại thôn Trữ La. Nhưng vương phi của Câu Tiễn sợ rằng chồng sẽ mê say sắc đẹp Tây Thi nên bí mật sai người bắt Tây Thi neo đá quăng xuống dòng sông Tam giang. Ðó là viết theo chính sử.

Có truyện chép : Phạm Lãi yêu Tây Thi nhưng thấy Câu Tiễn muốn lấy Tây Thi nên ghen; sau đó, bày mưu cho vợ Câu Tiễn giết Tây Thi.

Có truyện lại chép: Phạm Lãi trước đã cùng Tây Thi yêu nhau. Vì vậy, khi đốt phá đài Cô Tô, Phạm Lãi đã đón Tây Thi xuống thuyền, rồi cả hai bỏ nước đi du Ngũ hồ cho trọn cuộc tình. Có lẽ người đời sau giàu tình cảm và trí tưởng tượng nên không nỡ chia lìa đôi trai tài gái sắc Phạm Lãi - Tây Thi nên tạo câu chuyện du Ngũ hồ để an ủi oan hồn Tây Thi chăng?

3) Dương Quý Phi

Tên là Dương Ngọc Hoàng, nguyên là vợ của Thọ Vương Mạo . Thọ Vương Mạo là con của vua Ðường Huyền Tông (tên thật là Lý Long Cơ, còn gọi là Ðường Minh Hoàng. Triều Ðường: 618 - 907), nhưng vì quá say mê sắc đẹp của Dương Quý Phi nên Ðường Huyền Tông chiếm đoạt và phong làm Quý Phi, gọi là Dương Quý Phi.

Dương Quý Phi vừa đẹp, vừa thông minh nên vua Ðường đắm đuối yêu thương, bỏ mặc việc triều chính cho gian thần Lý Lâm Phủ trông coi. Lúc bấy giờ An Lộc Sơn, người Hồ, là tướng dũng mãnh, được nhà vua trọng dụng. Nhất là đối với Dương Quý Phi, nhờ khéo léo nịnh nọt nên họ An rất được yêu thương. An Lộc Sơn xin làm "con nuôi" của Dương Quý Phi để tiiện ra vào làm chuyện gian dâm với Dương Quý Phi!

Năm 755, An Lộc Sơn cử đại binh làm phản, đem 150,000 binh lính Khiết Ðan từ Phạm Dương kéo về chiếm Hà Bắc, Hà Nam, công hãm thành Lạc Dương, tự xưng là Yên Ðế rồi tấn công thẳng vào kinh đô Trường An. Binh triều đại bại, vua cùng một số quần thần phải bỏ kinh thành chạy vào Ba Thục.

Ðến Mã Ngôi, tướng sĩ không chịu chạy nữa, đồng lòng giết chết gian thần Dương Quốc Trung (anh họ của Dương Quý Phi) và bức bách vua Ðường phải thắt cổ Dương Quý Phi thì họ mới chịu phò vua. Lương thực hết, quân sĩ bất mãn, gặp bước đường cùng, vua Ðường đành dấu mặt, đứt ruột mà hy sinh "người đẹp khuynh nước, khuynh thành." Mối tình vương giả này sẽ bị chìm vào quên lãng nếu không có ngòi bút tài hoa của Bạch Cư Dị tô điểm cho thêm phần lâm ly bi đát.

Bạch Cư Dị tự Lạc Thiên, quê ở Thái Nguyên, Sơn Tây, đậu Tiến sĩ năm 27 tuổi, nhậm chức Hàn lâm học sĩ. Chứng kiến cảnh thảm khốc của một bi tình lụy của Ðường Minh Hoàng, họ Bạch cảm xúc làm bài "Trường hận ca" nổi tiếng, được dịch qua tiếng Pháp bởi Georges Soulié de Morant và tiếng Việt bởi Yã Hạc và Trinh Nguiên. Vì bài "Trường hận ca" dài quá nên chỉ liệt kê 4 câu cuối như sau:

(Tại thiên nguyện tác tị dực điểu,
Tại địa nguyện vi tiên lý chị
Thiên trường địa cửu hữu thời tận,
Thử hận miên miên vô tuyệt kỳ)

Trên trời nguyện hóa chim liền cánh,
Dưới đất làm cây nhánh dính liền.
Trời Ðất lâu bền rồi sẽ tận,
Hận này muôn thuở vẫn miên miên...

Tập "Tây Bắc thảm kỳ" của Ðào Ngọc Sơn đời nhà Minh (1368 - 1628) có chép truyện "Quái nham Quý Phi toàn dục bích họa", nghĩa là bức họa trên vách tả cảnh Dương Quý Phi tắm suối ở Quái Nham.

Quái Nham là một hòn núi hiểm hóc ở Thiểm Tây, không có dấu chân ngườị Ðường Minh Hoàng đã hạ chỉ bắt xây dựng cầu mây để đưa Dương Quý Phi vào đó vui chơi, tốn kém không biết bao nhiêu là tiền của, chưa kể nhiều người chết do làm cầu. Cửa hang nơi Dương Quý Phi vào tắm thì càng vào trong càng rộng. Tới mãi trong cùng thì có một bãi đất lộ thiên rộng tới vài chục mẫu, cỏ mọc xanh rờn như một tấm nệm trải phẳng phiu. Có nhiều thứ cây lạ. Chung quanh bãi ấy, thân núi dựng đứng như bức tường dài. Vách núi nhiều chỗ lại phẳng trơn như mài, bóng loáng rất đẹp. Dưới những vách đá là một con suối chảy lượn theo triền núi. Cách khoảng có những giọt nước từ trên khe đá tí tách rơi xuống hay những tia nước từ trong các mạch đất cuồn cuộn tuông ra, hợp với tiếng nước suối chảy tạo nên những tiếng nhạc êm tai. Dòng suối lại có những khúc rất sâu, nước trong vắt thấy tới đáy! Thật là một cảnh thần tiên.

Ngày nay, di tích Dương Quý Phi vẫn còn. Trên vách đá phía Ðông thấy có hàng chữ "Dương Quý Phi toàn dục diễm tích" (dấu vết xinh đẹp khi Dương Quý Phi tắm suối). Các nét vẽ đều chạm khắc sâu vào thân vách nên dù có hơi phai nhạt màu nhưng trông như mới. Tất cả chừng 10 bức vẽ: lúc Dương Quý Phi cổi áo, lúc nàng nghịch nước, lúc lội suối với ngấn nước trong veo dần dần mờ in trên thân hình tha thướt, uyển chuyển, da trắng như tuyết, .... Dưới các bức vẽ có đề ngày 25 tháng 5 năm Thiên Bảo thứ 10 (tức năm 752). Cuốn "Dị Văn Lục' chép khúc vũ Nghê Thường là do Ðường Minh Hoàng lên chơi cung trăng mà ra. Lúc ấy, trăng sáng Ðường Minh Hoàng mơ được lên chơi cung trăng. Ðạo sĩ La Công Viễn dùng phép tiên biến giải lụa trắng thành chiếc cầu đưa Ðường Minh Hoàng lên nguyệt điện. Trong điện có tiếng nhạc du dương, các nàng tiên xiêm y lộng lẫy, mùi nước hoa quyến rũ đâu đây, uyển chuyển múa hát như đàn bướm muôn màu tha thướt bay lượn bên hoa. Ðường Minh Hoàng càng nhìn càng say mê, quên cả trời gần sáng, nếu không có La Công Viễn nhắc thì đã ...quên trở về hạ giới. Khi trở về, Ðường Minh Hoàng nhớ lại và ghi thành khúc "Nghê thường vũ y" để rồi cứ đến rằm tháng Tám, Ðường Minh Hoàng cùng Dương Quý Phi uống rượu dưới trăng, ngắm đoàn cung nữ múa khúc Nghê Thường mà tưởng chừng như đang ở Nguyệt điện.

Tài liệu trên có tính cách thần thoạị Còn cuốn "Ðường Thư" ghi có phần thực tế hơn như sau:

Ðường Minh Hoàng mơ lên chơi Nguyệt điện, thấy các tiên nữ mặc áo cánh chim, xiêm y ngũ sắc, hát bài "Tây thiên điệu khúc"; đến khi trở về hạ giới thì còn nhớ mang máng. Nhằm lúc đó, có Tiết độ sứ là Trương Kính Thuật từ Tây Lương (Cam Túc ngày nay), đem khúc hát Bà La Môn đến hiến nên Ðường Minh Hoàng truyền đem san định lại và đổi tên là khúc "Nghê thường vũ y". (Nghê: cầu vồng. Thường: xiêm ỵ Nghê thường nghĩa là xiêm y may bằng vải năm màu của cầu vồng. Vũ y: áo dệt bằng lông chim). Ðúng ra, căn cứ vào các tài liệu sử học và khoa khảo cổ, người ta cho rằng khúc "Nghê thường vũ y" là một vũ khúc Ấn Ðộ truyền sang Trung quốc qua "con đường tơ lụa" (route de la soie), khi đến Trung quốc thì được cải biến cho hoàn chỉnh hơn.

Trong "Cung Oán ngâm khúc" của Nguyễn Gia Thiều có câu:

Dẫu mà tay múa, miệng xang,
Thiên tiên cũng ngảnh Nghê thường trông trăng

Trong "Bích câu kỳ ngộ" có câu:

Ðong đưa khoe thắm, đưa vàng,
Vũ y thấp thoáng, Nghê thường thiết tha

4) Ðiêu Thuyền và kế liên hoàn.

Văn học Trung quốc ban đầu có 6 cuốn sách được các nhà phê bình lỗi lạc gọi là"Lục Tài Tử thư", cho đến khi bản "Tam quốc chí" của Trần Thọ, đời nhà Tấn, ra đời thì được xếp vào hàng thứ bảy. Sau đó, có nhiều ấn bản về giai đoạn 60 năm đặc sắc này của sử Trung quốc nhưng nổi bật là ấn bản "Tam Quốc Diễn Nghĩa" của nhà văn tài ba La Quán Trung. Ðiêu Thuyền xuất hiện trong truyện "Tam Quốc Diễn Nghĩa".

Ðiêu Thuyền bị loạn Ðổng Trác nên gia cảnh tan tành, cha mẹ bị giết hết, phiêu bạt lênh đênh, xin vào làm người ở cho quan Tư đồ Vương Doãn. Thấy nàng đẹp, có tài hát hay, đàn giỏi nên Vương Doãn nhận làm con nuôi.

Ðổng Trác vốn làm chức quan nhỏ nhưng nhờ khéo léo dùng lễ vật làm nhân tình, lo lót nên thăng đến chức quan cao, thống lãnh hơn 200,000 quân ở Hiệp Tâỵ Lòng tham không đáy, Ðổng Trác nuôi mộng chiếm luôn ngôi vua.

Nhân dịp triều đình bị loạn Thập thường thị (10 tên hoạn quan), Ðổng Trác lấy cớ bảo giá kéo quân về triều. Ðổng Trác chuyên quyền, khống chế các quan, giết vua Thiếu đế, Hà hậu, và Ðường phi. Ðổng Trác vào cung gian dâm cùng cung nữ và ngủ luôn trên long sàng, làm nhiều điều ngang ngược.

Ðổng Trác có đứa con nuôi tên Lữ Bố, sức đánh trăm người nên Ðổng Trác càng kiêu ngạo, hống hách. Ai chống đối thì bị giết ngay. Trước sự tàn bạo của Ðổng Trác, lòng dân căm phẩn, tất cả 18 chư hầu nổi lên nhưng đều bị Lã Bố dẹp yên. Ðại thắng, hắn càng kiêu căng. Và càng thẳng tay giết chóc.

Vương Doãn nghĩ đến hành vi lộng quyền, sát nhân của Ðổng Trác mà xốn xang, phiền muộn và muốn tìm cách giết đi . Mãi suy nghĩ mà chưa ra một kế nào thì một hôm, Ðiêu Thuyền nói với Vương Doãn rằng nàng tình nguyện làm bất cứ điều gì để báo ơn nuôi dưỡng của Vương Doãn. Vương Doãn cả mừng nói:

"Cha tin lòng của con nhưng ngại con không thực hiện được. Nguyên cha con thằng Ðổng Trác là phường hiếu sắc, bây giờ cha muốn dùng "liên hoàn kế", trước đem con hứa gả cho Lữ Bố rồi sau lại hiến con cho Ðổng Trác. Con ở giữa tùy cơ ứng biến làm cho hai cha con nó trở lại giết hại lẫn nhau.

Nếu làm được như vậy là con liều thân giúp nước, công nghiệp vô cùng to lớn."

Ðiêu Thuyền vâng lời. Vương Doãn bày tiệc tại nhà, mời Lữ Bố đến dự Trong bữa tiệc, Vương Doãn không ngớt lời ca tụng sức mạnh oai dõng của Lữ Bố làm cho Lữ Bố hừng chí, uống rượu hết bát này đến bát khác. Ðộ một lát, Vương Doãn truyền quân hầu đi nghỉ, chỉ để vài thị nữ ở lại châm rượu. Khi thấy Lữ Bố đã thấm hơi men, Vương Doãn truyền thị nữ phò Ðiêu Thuyền ra Mặt hoa mơn mởn, lại trang điểm vô cùng diểm lệ, mình liễu uyển chuyển, Lữ Bố vừa trông thấy giựt nẩy mình, tưởng là tiên nữ hạ phàm, nhìn không chớp mắt! Vương Doãn bảo Ðiêu Thuyền mời rượu Lữ Bố. Nàng uốn hai bàn tay ngà ngọc nâng ly rượu mời, anh mắt long lanh như sóng nước hồ thu đưa tình, bốn mắt nhìn nhau, rồi lại nhìn nhau nữa khiến cho kẻ ngẩn ngơ, người ngơ ngẩn. Vương Doãn giả say. Lữ Bố mời Ðiêu Thuyền ngồi. Có phải là "Tình trong như đã, mặt ngoài còn e" không? (!) Lữ Bố rõ ràng là "chết ngắc', cứ ngồi ngây người ra như tượng gỗ! Sau đó, Vương Doãn bảo Lữ Bố:

"Lão muốn đưa con gái lão qua làm tiểu thiếp tướng quân để hầu hạ trang anh hùng duy nhứt thời nay. Chẳng hay tướng quân có lòng thương yêu dung nạp không?"

Tất nhiên là Lữ Bố còn gì sung sướng cho bằng. Vương Doãn lại bảo là để chọn ngày lành rồi nay mai sẽ đưa Ðiêu Thuyền sang làm vợ Lữ Bố.

Ngày hôm sau, Vương Doãn lại mời Ðổng Trác đến nhà ăn tiệc. Vương Doãn ra lệnh tấu nhạc, rồi mời Ðổng Trác uống rượu. Khi trời về chiều, rượu đã ngà say Vương Doãn mời Ðổng Trác vào hậu đường. Bấy giờ, đuốc hoa đốt lên ráng rực cả nhà. Vương Doãn chỉ giữ lại mấy cô hầu dâng rượu, rồi thưa với Ðổng Trác:

"Nhà cũng có phường giáo nhạc nhưng sợ kém cỏi vụng về, sợ không đẹp ý Thái sư nên không cho ra diễn tấu. Duy còn một kỳ nữ tài hoa khá lắm, xin cho phép gọi ra hầu."

Ðổng Trác okay. Vương Doãn liền sai kéo rèm. Rèm châu vừa cuốn lên, cùng với tiếng đàn phách sinh huỳnh vang lên thánh thót là Ðiêu Thuyền nhè nhẹ gót hài bước ra, xiêm y tha thướt, mình liễu uyển chuyển múa trước rèm châu như thiên tiên nhập động ...Có bài ca khen Ðiêu Thuyền rằng:

Phải người cung cũ Chiêu Dương?
Xiêm y mây cuốn vương vương cánh hồng
Nhẹ nhàng mình liễu như bông,
Gót hài uyển chuyển trên lòng bàn taỵ
Ðộng đình lạc lối hoa bay,
Lương châu thoăn thoắt sen cài bước chân
Nhà vàng gió cợt cành xuân,
Trăm hoa nhường vẻ thanh tân một người!

(Chú giải: Bài ca này có ý khen Ðiêu Thuyền đẹp như nàng Triệu Phi Yến ở Chiêu Dương cung của Hán Thành đế: hai bàn chân nhỏ bằng hai ngón tay cái làm cho lúc đi thân hình trở nên uyển chuyển nhẹ nhàng, có thể đứng trên bàn tay người ta được (Ðây là chuyện thật của tục bó chân ngày xưa.)

Ðổng Trác nhìn đắm đuối, đờ đẫn như kẻ mất hồn, ngây ngẩn ngẩn ngây. Ðiêu Thuyền lại cầm phách, gõ nhịp cất tiếng ca. Giọng trong như oanh kêu, cao như hạc gọi, khi trầm khi bổng, nghe thánh thót như rót vào tai, mà huyền huyền ảo ảo làm mê hồn tục khách! Ðó chính là:

Nhất điểm anh đào khải giáng thần
Lưỡng hàng toái ngọc phún dương xuân
Ðinh hương thiệt thổ hành cương kiếm
Yêu trảm tà gian loạn quốc thần!

Một đóa anh đào chúm chím môi,
Ðôi hàng răng ngọc rạng xuân tươi.
Hương đưa đầu lưỡi tàng hơi kiếm:
Chém chết gian thần có lúc thôi!

Trong cơn say rượu thịt, sắc đẹp, hát hay, múa giỏi thì đúng là ... Ðổng Trác "hồn phi, phách tán". Vương Doãn lại hứa dâng hiến Ðiêu Thuyền cho Ðổng Trác.

Sau đó, Ðiêu Thuyền về làm vợ cho Ðổng Trác nhưng lại "câu rê" Lữ Bố để càng ngày càng ly gián hai cha con ra. Trong hậu trường, hai cha con Ðổng Trác và Lữ Bố ngày càng thù ghét nhau chỉ vì "đòn sóc hai đầu" của Ðiêu Thuyền.

Một hôm, Ðổng Trác bị cảm, Ðiêu Thuyền tận tụy chầu chực thuốc men, cơm cháo. Trác lấy làm vui lòng lắm. Bố nghe tin vào phòng vấn an. Vừa lúc Trác còn ngủ, Ðiêu Thuyền đứng sau giường nhìn Lữ Bố, lấy tay chỉ lòng mình rồi lại chỉ Ðổng Trác và hai hàng lệ chảy ròng trên má. Bố đau đớn vô cùng. Ðổng Trác giựt mình thức dậy, thấy Lữ Bố đứng nhìn sau giường mãi thì trở mình qua, lại thấy Ðiêu Thuyền nên nổi giận nạt Lữ Bố:

-Sao mi dám giễu cợt ái cơ ta?

Một lần khác, Lữ Bố lén gặp Ðiêu Thuyền. Ðiêu Thuyền tỏ vẻ tươi cười bảo Lữ Bố:

-Lang quân ra sau vườn đến Phụng nghi đình mà chờ thiếp.

Ðiêu Thuyền trang điểm xong, vội vàng bước ra Phụng nghi đình gặp Lữ Bố, rưng rưng nước mắt nói:

-Thiếp tuy là con nuôi của quan Tư đồ song người coi như con đẻ. Người gả thiếp cho lang quân là chọn chỗ xứng đáng cho thiếp trao thân, gởi phận. Mừng chưa kịp no, không dè Thái sư (tức Ðổng Trác) lòng trâu dạ chó, bắt thiếp cưỡng bức như thế này. Sở dĩ thiếp chưa chịu chết vì chưa gặp mặt chồng. Nghĩ lại thiếp ngày nay chẳng khác hoa tàn, nhụy rữa còn phụng sự anh hùng sao đặng. Vậy thiếp xin tự tử trước mặt lang quân để lang quân hiểu rõ nỗi lòng của thiếp.

Nói xong Ðiêu Thuyền nhắm ngay ao sen toan nhảy xuống. Lữ Bố lật đật ôm lại, cảm động nói:

-Ta biết rõ lòng nàng lắm rồi

Gặp đã lâu, Lữ Bố sợ Ðổng Trác về bắt gặp nên xách kích muốn đi. Ðiêu Thuyền nói:

-Thiếp ở chốn khuê phòng nghe danh tiếng lang quân anh hùng trên đời có một, không ngờ lại bị có người kiềm chế như thế!

Nói rồi lại khóc òa lên như mưa như gió một cách bi thảm. Bố lấy làm thẹn thùa, xấu hổ để kích xuống, ôm lấy Ðiêu Thuyền, móc khăn mouchoir chậm nước mắt cho nàng, tìm lời vỗ về an ủi. Hai người đang bịn rịn, âu yếm, không nỡ buông nhau thì thấy Ðổng Trác! Trác nổi máu ghen sùng sục, Lữ Bố hoảng hồn bỏ chạy, quên cả cây kích dựa lan can. Trác cúi xuống, cầm kích phóng ngay vào người Lữ Bố nhưng không trúng.

Sau đó, do lời khuyên của Lý Nhu, Ðổng Trác muốn gả Ðiêu Thuyền cho Lữ Bố nên gọi Ðiêu Thuyền vào và nói:

-Sao mi dám tư thông với thằng Lữ Bố?

Ðiêu Thuyền khóc nấc lên rồi kể:

-Thiếp đương xem hoa nơi sau vườn, thình lình Lữ Bố bước vào, thiếp hoảng sợ toan chạy trốn. Hắn nói hắn là con của Thái sư, không hề chi, rồi cầm kích rượt thiếp đến Phụng nghi đình. Thấy nó sinh tâm xấu xa như vậy, thiếp định liều mình nhảy xuống ao sen. Nó lại ôm cứng lấy thiếp.

Ðương cơn bối rối thì vừa may ngài vào kịp nên thiếp mới toàn tính mạng. Vậy mà Thái sư không thương lại còn nói oan, nói xấu cho thiếp.

Trác nói:

-Ý ta muốn gả mi cho Lữ Bố, vậy mi có bằng lòng không?

Ðiêu Thuyền thất sắc, nức nở:

-Thiếp đã thất thân với Thái sư, bây giờ Thái sư lại nỡ lòng đem đưa thiếp cho con là một thằng thất phu như thế thì trái đạo quá. Vậy thiếp thà chết còn hơn sống mà chịu nhơ danh.

Nói xong Ðiêu Thuyền bước lại rút lấy gươm treo trên vách toan đâm vào cổ. Trác hốt hoảng, vội giựt gươm, ôm Ðiêu Thuyền vào lòng, v.v....

Cuối cùng, trong âm mưu với Vương Doãn và Lý Túc, chính Lữ Bố là người cầm kích đâm ngay yết hầu của Ðổng Trác.

Trong "Thánh Thán Ngoại Thư", nhà phê bình trứ danh Mao Tôn Cương viết về Ðiêu Thuyền như sau:

"18 lộ quân chư hầu không giết nổi Ðổng Trác, mà một thiếu nữ đào tơ liễu yếu như Ðiêu Thuyền lại giết nổi Trác. Ba anh em Lưu, Quan, Trương hùng liệt không thắng nổi Lữ Bố, mà chỉ một nàng Ðiêu Thuyền thắng nổi. Ôi, lấy chăn chiếu làm chiến trường, lấy son phấn làm khôi giáp, lấy mày ngài làm cung nỏ, lấy nước mắt nũng nịu làm tên đạn, lấy lời tình tứ ngọt ngào làm chiến lược mưu cơ. Xem thế thì cái bản lãnh của "nữ tướng quân" quả là tuyệt cao cường, đáng sợ thay!

Tây Thi với Ðiêu Thuyền cùng lấy sắc khuynh thành. Nhưng việc làm của Tây Thi còn dễ, việc của Ðiêu Thuyền khó hơn. Tây Thi chỉ phải đánh ngã một mình Ngô Phù Sai. Ðiêu Thuyền phải đồng thời đánh ngã cả Lữ Bố và Ðổng Trác. Phải luôn luôn nghĩ mưu kế trong lòng, thay đổi bộ mặt để đối phó với cả hai bên. Ta nghĩ rằng cái công của Ðiêu Thuyền đáng ghi vào sử xanh.

Nếu như, khi Ðổng Trác bị giết rồi, Vương Doãn không vụng về mà gây ra cái loạn Lý Thôi, Quách Dĩ thì cơ đồ nhà Hán đã phục hưng ngay từ đó. Và như thế thì một cô gái như Ðiêu Thuyền há lại không đáng ghi tên vào nơi Phượng các, không được tô tượng ở chỗ Lân đài hay sao ?

..................

Cái tuyệt diệu của kế "liên hoàn" không phải là làm cho Lữ Bố giết Ðổng Trác đâu. Ngược lại, nhằm làm cho Ðổng Trác giết Lữ Bố. Nếu Trác cầm kích, phóng trúng Lữ Bố tức là Trác đã tự chặt một cánh tay và Trác sẽ bị tiêu diệt dễ dàng. Ðó mới là chủ ý.

Riêng ta, ta yêu nàng Tây Thi thật lòng trở về với Phạm Lãi; và yêu nàng Ðiêu Thuyền giả vờ sống chết với Lữ Bố. Bởi vì tuy thân đứng trước Lữ Bố, nhưng lòng Ðiêu Thuyền bao giờ cũng chỉ nghĩ đến báo công nuôi dưỡng cho Vương Doãn mà thôi.

Sau khi thành Hạ Bì thất thủ, Lữ Bố bị Tào Tháo giết, không biết tông tích của Ðiêu Thuyền ở đâu cả. Nàng chính là con rồng thiêng, chỉ lộ cái đầu, cái mình với đời mà không cho đời sau biết cái đuôi mình ẩn đi đâu hết! Có thế danh tiếng mới khỏi bị tổn thương."

(Phạm Văn Bân)