Monday, April 30, 2007

Cười: 10 qui định của bố vợ tương lai

1- Nếu cậu phóng xe đến nhà tôi rồi bấm còi “pim pim” thì cậu sẽ phải đi chơi tối hôm đó một mình. Tốt hơn hết là xuống xe bấm chuông.

2- Không được phép chạm vào con gái tôi trước mặt bố nó. Liếc thì được nhưng trong trường hợp ánh mắt cậu chạy xuống phía dưới cổ nó thì cậu sẽ biết tay tôi. Nếu cậu không làm chủ được mắt và tay mình, tôi và nắm đấm của tôi sẽ giúp cậu làm việc đó.

3- Cậu mặc quần xệ xuống, đến độ người ta nghĩ nó sắp tụt ra khỏi người cậu đến nơi. Nếu cậu đồng ý, tôi sẽ ghìm nó vào người cậu bằng cách dập ghim sau đó dán tem vào đó nếu cậu định mạng con gái tôi ra đường.

4- Cậu đã nghe nói tới tình dục không an toàn? Nghĩa là nếu cậu định quan hệ với ai đó mà không có một thứ ba-ri-e chắn ở giữa thì cậu sẽ chết. Trong trường hợp con gái tôi, chính tôi sẽ là cái ba-ri-e đó. Nếu cậu định gì gì đó, tôi sẽ giết chết cậu.

5- Thứ duy nhất tôi muốn cậu nói là một lời hứa sẽ mang con gái tôi về nhà nguyên vẹn. Và thông tin duy nhất tôi nói với cậu về chủ đề này là “sớm”.

6- Nếu con tôi phật lòng về cậu, cậu sẽ chỉ được hẹn với một mình nó mà thôi. Nếu cậu làm nó khóc, tôi sẽ làm cho cậu phải khóc.

7- Đừng có thở dài hay tỏ ra suốt ruột mỗi khi phải đợi cả tiếng đồng hồ để con tôi xuất hiện. Nếu cậu muốn đến rạp chiếu phim đúng giờ thì nên đi một mình. Con tôi đang phải trang điểm, công việc tốn nhiều thời gian hơn cả việc vẽ bức Mona Lisa. Thay vì đứng đó nhìn đồng hồ, tại sao cậu không làm việc gì đó có ích, như lắp hộ tôi cái máy bơm nước chẳng hạn.

8-Những chỗ sau đây không thích hợp để mang con gái tôi đến: những nơi có giường, ghế sa lông hay bất kể thứ gì mềm hơn ghế gỗ, những nơi nằm ngoài tầm mắt của bố mẹ, công an và cả nữ tu sĩ, những chỗ nhảy nhót, cầm tay hôn hít, những chỗ có nhiệt độ ấm áp đến độ con tôi phải mặc quần soóc và áo may ô. Cấm không được ngồi xem bộ phim quá lãng mạn. Xem bóng đá thì được. Mà xem TV ở nhà cùng bố mẹ thì càng tốt.

9- Đừng bao giờ nói dối tôi. Trông tôi có thể già yếu, bụng phệ, mắt kém. Nhưng bất cứ điều gì xảy ra với con gái tôi , tôi đều biết hết. Tôi là chúa tàn nhẫn trong vũ trụ của cậu. Nếu tôi hỏi cậu vừa đi đâu, với ai thì cậu chỉ có một cơ hội để nói một sự thật mà thôi. Toàn bộ sự thật và không khác gì ngoài sự thật. Tôi vẫn còn khẩu súng trường, một cái xẻng và 100m2 vườn đằng sau nhà. Chớ coi thường.

10- Cuối cùng, nếu như một ngày đẹp trời nào đó, tôi mời cậu uống rượu thì điều đó không có nghĩa là các quy định của tôi đã được dỡ bỏ. Đơn giản, đó chỉ là vì tôi muốn con gái tôi vui vẻ một chút, hay cũng có thể ngày hôm đó tôi vừa trúng xổ số. Chớ vội mừng!

(theo Sonxam's Blog)

Bông hồng cho Thị Nở - Y Nguyên!

Tôi là một đứa con gái không đẹp!

Tôi biết mình không đẹp từ tuổi mười sáu - tuổi bắt đầu biết... soi gương. Chả trách mà ba cứ thỉnh thoảng lại lén nhìn tôi; rồi lắc đầu, quay mặt. Còn mẹ, bắt gặp cái lắc đầu của ba, cũng thở ra, mắt rượi buồn...
Bảo rằng tôi không đẹp là nói... cho oai. Thực tình tôi xấu. Xấu đến mức "ma chê quỷ hờn" chưa thì tôi không rõ; bởi tôi chưa bao giờ dám đứng lâu để "thưởng thức" dung nhan mình trước gương. Tôi không thích - nếu không muốn nói là căm thù - những chiếc gương. Mà, hình như cũng đã lâu, nhà tôi không có gương. Vật dụng trong nhà ba mẹ sắm đủ mọi thứ - trừ gương. Về điểm này, bao giờ ba mẹ cũng đạt được "nhất trí cao", khỏi bàn!

Tôi thích văn học; nhưng tôi không thích nhà văn Nam Cao; càng không thích truyện "Chí Phèo" của Nam Cao. Của đáng tội, động cơ "không thích" này hoàn toàn mang tính... riêng tư. Văn Nam Cao hay, tôi biết thế. Ông chỉ có mỗi tội đã "đẻ" ra Chí Phèo. Nói đến Chí Phèo, người ta lập tức nhớ ngay Thị Nở. Ác thay, tên tôi cũng là Thị Nở - Trương Thị Nở. Lúc sinh tôi, ba mẹ - hoặc là vô tình, hoặc là... chưa đọc Nam Cao - nên mới nhè đặt cho tôi cái tên tai hại ấy. Cũng không thể trách ba mẹ. Chị tôi - Trương Thị Hoa; và tôi - Trương Thị Nở; "hoa" thì phải "nở". Đúng. Còn chuyện cái cô "Thị Nở" của cụ Nam Cao lò dò... đầu thai nhằm nhà tôi thì ba mẹ chẳng biết, chẳng có lỗi gì...

Tôi học không đến nỗi nào. Có dở cũng là... lớp phó học tập. Nhưng cái oai hờ ấy không cứu nổi tôi thoát khỏi sự châm chọc của lũ bạn nhất quỷ nhì ma. Có chuyện bất bình, chúng lại nhấm nháy, độc địa ngâm nga.

Trông xa thì tưởng Thúy Kiều
Lại gần mới hóa... người yêu Chí Phèo!

Thơ gì mà đểu! Tức muốn... trào cơm; nhưng chẳng có cớ để nói; bởi ra miệng thì có khác chi "lạy ông tôi ở bụi này"...

Chuyện đau đầu chưa phải đã hết!

Gã lớp trưởng tôi tên Chí, Nguyễn Hải Chí. Tên hắn trùng tên cúng cơm của họa sĩ Chóe, chuyên vẽ tranh biếm. Thật tình, tôi mặc xác việc hắn trùng tên với họa sĩ, thi sĩ, bác sĩ. Tôi chỉ bực việc hắn trùng tên với... Chí Phèo. Công bằng mà nói, hắn to cao, đẹp trai, học hành giỏi gian - tóm lại, chẳng "bà con chi" với Chí Phèo. Nhưng tính hắn thật... quá quắt. Bầu bạn gọi tôi "Thị Nở" khiến tôi nổi cục, còn gọi hắn là "Chí Phèo" hắn lại cứ... cười khì! Hình như hắn khoái cái tên Chí Phèo lắm lắm; càng khoái hơn về chuyện "Chí Phèo" và "Thị Nở" bị... cặp đôi! Cái máu "cà tửng" của ông họa sĩ trứ danh kia lây sang hắn bằng đường nào tôi không hiểu. Giá mà hắn cũng bực dọc, cũng nỗi khùng ắt tôi còn có đường vớt vát. Đằng này, khốn khổ, nghe lời trêu ghẹo của đám bạn tôi đã muốn phát điên; thêm điệu bộ cười cười của hắn khiến tôi lộn tiết! "Vèo" một phát, cây thước kẻ bay vù, phang trúng vai hắn. Đám bạn cười ré. Hắn ôm vai nhăn nhó. Ấy vậy mà vẫn chưa thôi; còn làm bộ lịch sự đểu, cúi nhặt thước, đưa đến tận bàn... Dễ ghét! Tâm lý hả hê vừa thoáng qua chợt tắt ngấm. Tôi những muốn lồng lên, băm vằm hắn cho hả giận. Nhưng vô phương! Tôi chỉ có thể "băm" hắn bằng... nước mắt. Nước mắt tôi trào ra, nhỏ giọt, nhòe nhoẹt cả trang vở. Vũ khí ấy xem ra lợi hại. Giọng cười đám bạn tắt ngấm. Nụ cười của hắn cũng tắt ngấm. Hắn khổ sở, vụng về, lóng ngóng như anh nông dân quen ở trần nay phải... thắt cà vạt, mặc comlê! Chờ đám bạn lảng đi, hắn rón rén lại gần, xìa cho tôi mảnh giấy. Tôi quay mặt; nhưng mảnh giấy cứ tần ngần, trêu ngươi khiến tôi không thể... không liếc! Loáng thoáng một hàng chữ, to như quả trứng ngỗng: "Mình xin lỗi!". Hứ, lại còn xin lỗi! Ai thèm...

Tôi vùi đầu vào học. Năm cuối cấp, bài vở dồn ứ. Tôi học như để "trả thù đời". Thây cha cái chuyện "Thị Nở Thị Búp". Hãy đợi đấy, đậu đại học rồi hẵng hay! Cái "sổ đen" dài dằng dặc của tôi bây giờ - ngoài tên... ông Nam Cao - thì hắn, thằng cha lớp trưởng, đứng đầu danh sách! Tôi học và học. Trăm thứ hầm bà lằng phải học. Ôn thi đòi hỏi cả kiến thức cũ lẫn mới. May, kiến thức nền tôi vững nên chẳng nhọc nhằn mấy. Suốt cả năm lớp mười, mười một tôi chỉ biết học, không chơi bời phất phơ như lũ bạn "Thúy Kiều". Con trai ư? Tôi chẳng thèm để ý (đúng hơn, chẳng tên nào... thèm để ý tôi!). Việc ấy lại hóa hay. Ừ, cứ cho tôi là Thị Nở; thì đã sao? Tôi xấu như Thị Nở; nhưng tôi dứt khoát không chịu đần như Thị Nở; và Thị Nở tôi cũng cóc cần một gã Chí Phèo - ngay cả loại "Chí Phèo" học giỏi, đẹp trai... như tên lớp trưởng không đội trời chung chẳng hạn. Dạo này, hắn có vẻ đổi tính. Hắn cũng gầy rạc đi vì học; nhưng công tác cán bộ lớp hắn vẫn làm tốt. Hắn còn mẫn cán đến mức... làm thay cả việc của tôi. "Lấy điểm chuộc tội" đây mà! Thây kệ! Tôi phớt lờ, như không thèm quan tâm. Hắn là kẻ thù số một. Tôi không bao giờ quên điều đó; mặc dù, thỉnh thoảng, tôi bắt gặp hắn len lén nhìn tôi với đôi mắt hối lỗi, khẩn cầu...

Cầm giấy báo nhập học, tôi thở phào. Vậy là xong. Tôi đã không uổng cơm cha mẹ, không phí hoài công sức của thầy cô. Cho chúng biết thế nào là Thị Nở! Tôi vào đại học Sư phạm, khoa văn. Giã từ trường trung học. Giã từ đám bạn trời đánh một thời bị tôi ghi cẩn thận “sổ đen”. Cũng kỳ, ở chung thì bực bội, giờ xa nhau lại thấy thương thương. Hôm chia tay, nhiều đứa khóc. Tôi cũng chực khóc, nhưng kịp kìm. Đêm trước lúc lên đường, tôi quyết định… đốt sổ. Thôi, xúy xóa; “tha” đi để còn… lấy phước. Nhưng xóa ai thì xóa, tôi nhất định không “xóa” thằng cha lớp trưởng Chí Phèo. Cũng may, từ giờ trở đi, có lẽ tôi đã thoát cái xui phải gặp “Chí Phèo”. Nghe đâu, hắn thi Xã hội Nhân văn thành phố…

Tôi cắm cúi rà danh sách lớp. Rà từ dưới lên trên, từ trên xuống dưới. Hình như toàn “bá tánh thập phương”; chẳng có vị nào cùng quê, cùng tỉnh. Mắt tôi chợt dừng nơi vần “C”. Trời hỡi! Lù lù trên giấy trắng mực đen cái tên “Nguyễn Hải Chí”. Tôi dụi mắt, cố nhìn vớt vát vào dòng ghi quê quán: Tuy Hòa, Phú Yên. Thôi rồi, ghét của nào trời trao của ấy; lại đúng là hắn, Nguyễn Hải Chí, Chí “Phèo”! Mắt tôi tối sầm; chân khuỵu, chực ngã…

Sự đời quả lắm nỗi oái oăm. Lúc rà danh sách, tôi khấn thầm cho gặp một đồng hương; nhưng trí tưởng tượng tôi chưa bao giờ đủ phong phú để tưởng tượng đồng hương của tôi lại là… hắn. Sau này mới biết, hắn thi Xã hội Nhân văn thiếu nửa điểm; theo nguyện vọng 2, được chuyển về Sư phạm. Ma xui quỷ khiến thế nào, hắn lại đâm sầm vào lớp tôi. Đúng là oan gia! Càng “oan gia” hơn, ngay năm một, hắn được bầu làm lớp trưởng; còn tôi, lại là… lớp phó học tập! Gặp tôi, hắn vui lắm. Hắn hỏi đủ thứ chuyện. Tôi đáp nhát gừng, gióng một, mặt lầm lầm…

Chưa bao giờ tôi hiểu rõ tại sao mình ác cảm dữ dội với Chí “Phèo”. Chuyện hắn hùa đám bạn chọc ghẹo tôi ngày xưa đã… cũ mèm, đã thành dĩ vãng. Lên đại học, đứa nào cũng trưởng thành, bớt nghịch quá quắt. Chẳng ai gọi tôi “Thị Nở”; cũng như chẳng ai gọi hắn “Chí Phèo”. Hắn lại càng cạch! Chưa bao giờ hắn dám trêu thêm tôi một lần từ vụ tôi “băm” hắn bằng nước mắt. Ấy vậy mà tôi vẫn ghét! Tôi ghét cái mặt đẹp trai của hắn, cái bộ dạng hào hoa của hắn; ghét cảnh lũ bạn gái cùng khóa cứ giương cánh, giương lông lượn lờ quanh hắn. Nói nhỏ, giá hắn chân thọt, lưng gù, hay học hành bí bét, có lẽ tôi còn ít ghét hơn. Đằng này, hắn không có chỗ nào khiếm khuyết. Hắn hoàn hảo quá, hoàn hảo đến… phát bực; và cái hoàn hảo của hắn khiến tôi khổ tâm hơn vì sự khiếm khuyết của mình!

Tôi khổ tâm vì sự khiếm khuyết của mình. Điều này, tôi phải thú nhận; không thể nào giấu mãi đằng sau khuôn mặt lạnh. Tôi là “Thị Nở”; nhưng tôi còn khổ hơn Thị Nở bởi tôi không đần độn; tôi khổ hơn Thị Nở bởi tôi không có một… Chí Phèo! Phải, tôi cay đắng nhận ra rằng: tôi cần một “Chí Phèo”. Một “Chí Phèo” với những khiếm khuyết cần có để tôi chia sẻ, cảm thông. Hắn thì khác. Hắn không thể là “Chí Phèo”. Hắn quá hoàn hảo. Cái hoàn hảo của hắn phải gánh trách nhiệm một phần trong cái khổ tâm của tôi. Cái mặt đẹp trai của hắn như cợt đùa dung nhan “Thị Nở” của tôi. Thói quen nhẫn nhịn của hắn làm cá tính ngang bướng của tôi – mỗi bận nổ ra – như đấm phải… bị bông, hết đường phát tán! Tôi bực dọc; bực dọc một cách vô cớ, vô duyên; nhưng vẫn không thể nào không bực dọc. Mà cũng không phải là vô cớ. Ai bảo khi không hắn lại lù lù dẫn xác… theo tôi lên đại học, vào lớp K12 của tôi làm gì…

Tôi bíu tay vịn cầu thang, lê từng bước lên phòng. Cơn đau bụng hành hạ từ dưới thư viện, theo lên giảng đường, bây giờ như có vẻ nặng thêm. Nội trú chiều cuối tuần vắng ngắt. Bạn bè đứa đi chơi phố, đứa tranh thủ về nhà; cả phòng còn trơ mình tôi và Đỗ Quyên. Lảo đảo, tôi buông mình xuống chiếc giường tầng, mồ hôi vã ướt lưng. Nhìn bộ mặt thảm hại của tôi, Đỗ Quyên hốt hoảng: Mày sao thế? – Tao… đau… Đỗ Quyên cuống cuồng: Chết, hay đau ruột thừa. Làm sao đây? Nó loay hoay xoa dầu, đắp mền cho tôi: Nằm im, cố chịu, chờ tao… Nó lao ra khỏi phòng. Tôi lịm người, mê đi. Hình như có tiếng lao xao; rồi một đôi tay rắn chắc luồn xuống lưng, nhấc bổng tôi lên. Tiếng còi xe cứu thương hụ gấp gáp…

… Tôi thấy mình gặp Thị Nở. Thị Nở bằng xương bằng thịt. Thị Nở có khuôn mặt “như những người đần trong cổ tích và xấu ma chê quỷ hờn”. Thị Nở cầm tay dắt tôi. Đi, đi với chị… Đi đâu? Chẳng phải em muốn gặp Chí Phèo sao? Chị đưa em đi gặp Chí Phèo… Ừ, đi gặp Chí Phèo. Thì đi. Kia! Chí Phèo kia… Tôi dụi mắt, nhìn kỹ. Cha mẹ ơi! Lại là … hắn. Hắn đang đứng chờ tôi, cái mặt đẹp trai dễ ghét cười toe. Không, không phải… tôi vùng khỏi tay Thị Nở, bỏ chạy. Tôi không biết mình chạy đi đâu. Hình như tôi đang… về nhà. Kia, nhà tôi kia! Chờ tôi, có đủ: ba mẹ, bầu bạn, thầy cô. Tôi lao vào vòng tay họ; cảm giác như con cá sắp chết khô vừa rơi xuống hồ nước mát. Có tiếng bật khóc. Ai khóc? À, lại Thị Nở. Thị Nở vừa lủi thủi bỏ đi vừa ôm mặt khóc. Sao thế chị? Chị không mẹ có cha, không có gia đình… Đừng, chị đừng đi… bàn tay tôi yếu ớt chụp vai Thị Nở. Đôi vai trơn chuội, không có chỗ bấu víu. Người đàn bà đi mỗi lúc mỗi xa, miệng không ngừng lảm nhảm: chị không có mẹ cha, không có gia đình…

… Tôi thấy mình ở tuổi mười lăm. Tôi nằm trên giường – như cái lần tôi sốt xuất huyết, liệt giường hàng tháng. Tôi hé mắt. Đứng đầu giường là ba. Ba cúi nhìn tôi. Hình như ba quên mất chuyện buồn phiền vì bộ mặt “Thị Nở” của tôi. Mắt ba đầy lo lắng, yêu thương. Và mẹ. Dù nhắm mắt, tôi vẫn cảm nhận rõ ràng sự hiện diện của mẹ. Mẹ dịu dàng vuốt tóc, lau mồ hôi, đưa từng muỗng nước cam vào đôi môi phồng rộp của tôi. Giọng mẹ thầm thì uống đi. Cố uống đi con. Ngoan… Từng muỗng nước cam ngọt ngào trôi qua cổ họng, tràn vào huyết quản, làm nguội đi những tế bào bốc lửa. Tôi lịm người, đê mê. Đầu tôi chợt nảy ra ý tưởng điên khùng: ước chi mình cứ bệnh, bệnh mãi… Tôi đọc thầm điều ước ấy. Người tôi bỗng thu nhỏ, nhẹ tênh, chỉ còn bằng đứa trẻ lên ba. Mẹ cúi xuống bồng tôi, hôn chùn chụt vào mắt, vào môi, vào má. Tôi cười khanh khách, vòng tay ôm cổ nghe mẹ nựng ứ, út cưng của mẹ, con đẹp hơn mọi thứ trên đời…

Tôi nặng nhọc cựa mình, hé mắt. Hình như tôi ngủ đã lâu lắm. một ngày, hai ngày… hay ba ngày? Người tôi cứ lơ lửng bồng bềnh. Một bên tay tê cứng vì bị cột xuống giường, bụng đau âm ỉ… Mình sao thế này? Hình như mình đang bệnh. Ờ, đúng là tôi đang bệnh. Mùi cồn ether lơ lửng không trung báo tôi biết rằng tôi đang ở bệnh viện. Vậy là tôi chưa ra khỏi giấc mơ. Tiếng bước chân ai lại gần. Người ấy cúi xuống bên tôi. Một bàn tay âm ấm sờ trán. Chắc là mẹ… không, không phải mẹ; tiếng thở của đàn ông. Vậy chắc là ba. Tôi khẽ động đậy đôi mi. Tỉnh rồi! Âm thanh như một tiếng reo vui. Giọng nói nghe quen, nhưng không phải giọng ba. Ai? Ngoài ba mẹ ra, ai có thể ở bên tôi? Chịu, không đoán nổi. Tôi chớm chớp mắt, cố mở. Cái bóng trước mặt nhảy nhót, bồng bềnh như sương. Tôi lại nhắm mắt. Rồi mở ra. Lần này thì mở hẳn…

Không phải mẹ, không phải ba - mà là HẮN!

Hắn đang nhìn tôi, cười lặng lẽ. Mặt hắn hốc hác, mắt thâm quầng. Sao… mình… ở… đây? Bạn hôn mê hai hôm rồi. Tắc ruột. May mà mổ kịp… Ba… mẹ…- Mình đánh điện hôm qua. Chắc trưa nay vào tới… Tự dưng, tôi bật khóc. Từng đợt nước mắt cứ trào ra, chảy ròng qua gối. Ơ, sao lại khóc, tôi là đứa con gái cứng rắn cơ mà…

Luận văn tốt nghiệp của tôi – đề tài: Nam Cao và tác phẩm Chí Phèo – bảo vệ thành công trước hội đồng giám khảo. Tiếng vỗ tay vang dội. Bầu bạn ùa lên chúc mừng. Mắt tôi rưng rưng. Để khỏi bật khóc trước bàn dân, tôi quyết định… lủi ngõ sau, một mình về ký túc xá.

Hắn lù lù trấn cửa phòng tôi tự lúc nào. Bộ mặt đẹp trai “dễ ghét” cười ngoác đến mang tai. Chúc mừng bạn! Tay hắn thu thu, giấu giấu vật gì đó sau lưng. Cái gì thế? Nụ cười trên môi hắn vụt tắt. Hắn rụt rè, lóng ngóng. Đưa đây! Hắn ngập ngừng, rồi… chìa tay. Trên tay hắn cầm một đóa hồng…