Wednesday, December 23, 2009

Học CCNA hay MCP?

Chuyện chọn học chứng chỉ quốc tế nào luôn là câu hỏi mà chúng tôi nhận được nhiều nhất. Trong đó, do nhu cầu nhân lực có chứng chỉ Cisco và Microsoft luôn rất cao, nên đa số học viên và thí sinh có chung một câu hỏi: nên học CCNA hay MCSA? Chúng tôi xin được cung cấp thêm thông tin để bạn đọc có thể chọn cho mình hướng đi phù hợp.

Không nên so sánh

Trước tiên, hãy cùng xem định nghĩa chính thống của các hãng ra sao. Theo Cisco, CCNA (Cisco Certified Network Associate) là chứng chỉ thể hiện kiến thức cơ bản về mạng; những người đạt được CCNA có khả năng cài đặt, thiết lập cấu hình, và vận hành mạng LAN, WAN và dịch vụ truy cập từ xa (dial access) với quy mô 100 điểm (node) trở xuống, có sử dụng các giao thức (protocols) sau: IP, IGRP, Serial, Frame Relay, IP RIP, VLANs, RIP, Ethernet, Access Lists. Tuy nhiên, nếu xem xét kỹ nội dung, chúng ta thấy phần lớn khối lượng kiến thức là về thiết bị mạng của Cisco và những kỹ thuật mạng có liên quan đến công nghệ của Cisco.

Theo Microsoft, chứng chỉ MCP (Microsoft Certified Professional) xác nhận khả năng triển khai thành công một sản phẩm hay một công nghệ của Microsoft, trong đó bao gồm kỹ năng thực hành. Cần lưu ý, MCP là danh hiệu chung: thí sinh thi đậu một môn của Microsoft – dù là ngành mạng hay lập trình hay cơ sở dữ liệu – đều được gọi là “MCP”. Ở đây, chúng ta chỉ đề cập nhiều về MCP chuyên về mạng.

Như vậy, có thể thấy rằng hai chứng chỉ này không cùng loại để mà so sánh, cũng như Cisco là hãng về thiết bị (phần cứng) và Microsoft là hãng về phần mềm. Tuy nhiên, chúng có những kiến thức liên quan và bổ sung cho nhau để có thể làm việc thực tế. Cả hai chứng chỉ này đều yêu cầu người học phải có kiến thức nền tảng về mạng (khái niệm chung, mô hình, giao thức,…). Ở góc độ này, CCNA đi sâu hơn về kỹ thuật mạng (nhất là về TCP/IP) trong khi MCP tập trung vào phần mềm máy chủ (server) hoặc máy trạm (client).
Có nên học cả hai?
Nếu muốn trở thành chuyên viên, chuyên gia về quản trị mạng, bạn cần có kiến thức về sản phẩm và công nghệ Microsoft, vì chúng được sử dụng rộng rãi trên thực tế. Như vậy, việc học MCP là cần thiết (tuy nhiên có học tiếp lên MCSA hoặc MCSE hay không còn tùy nhu cầu công việc của bạn). Các bạn có thể học mà không cần thi quốc tế nếu không cần thiết. Ngoài ra, một số chuyên gia cho rằng học MCP sẽ giúp bạn dễ hấp thu kiến thức của CCNA hơn.
Chỉ những đơn vị nào sử dụng hoặc kinh doanh thiết bị và giải pháp của Cisco, mới cần đến những người có chứng chỉ Cisco. Có thể thấy, số lượng nhà tuyển dụng cần CCNA sẽ ít hơn những nơi muốn tuyển MCP (một cách tương đối). Nếu có nhu cầu cần thông thạo công nghệ Cisco thì bạn có thể theo đuổi các chứng chỉ CCNP hay CCIE. Riêng cấp độ CCNA vì chứa đựng nhiều kiến thức chung về mạng, nên việc học sẽ tốt cho bất cứ ai theo ngành mạng.

Tóm lại, nên cân nhắc khi muốn học CCNP hay MCSE; riêng với CCNA và MCP thì đừng do dự, hãy học ngay khi bạn có thể!

Nguyễn Trọng Hòa (theo Echip)

Cách bấm cáp mạng

Bài viết này sẽ hướng dẫn bạn về màu sắc các cặp dây đồng trong 2 chuẩn cáp cũng như kỹ thuật bấm cáp để nối 2 máy vi tính với nhau, hoặc nối máy vi tính với hub.
http://img158.imageshack.us/img158/2986/utp34lu.jpg
Trong một dây cáp đạt chuẩn qui định bao gồm tám sợi dây đồng trong đó mỗi hai sợi xoắn với nhau thành từng cặp theo qui định nâu – trắng nâu, cam – trắng cam – xanh lá – trắng xanh lá, xanh dương – trắng xanh dương và một sợi dây kẽm. Sợi dây kẽm này chỉ có chức năng làm cho sợi dây cáp chắc chắn hơn, các bạn không cần quan tâm đến nó mà chỉ cần quan tâm đến tám sợi dây đồng mà thôi.

Sợi dây cáp này sẽ được nối với một đầu RJ45, nhiệm vụ của các bạn là bấm tám sợi dây đồng nói trên vào các điểm tiếp xúc bằng đồng trong đầu RJ45 này.

Để làm được việc này bạn cần có một cái kìm bấm cáp mạng (kìm này bạn có thể dễ dàng tìm thấy trong các cửa hàng tin học tại các thành phố lớn) và hiểu được các chuẩn bấm cáp. Hiện nay có hai chuẩn bấm cáp là T568A và T568B, hai chuẩn bấm cáp này đều do Intel qui định.
http://nhipsongso.tuoitre.com.vn/ImageView.aspx?ThumbnailID=203815
T568A:

1. Trắng xanh lá
2. Xanh lá
3. Trắng cam
4. Xanh dương
5. Trắng xanh dương
6. Cam
7. Trắng nâu
8. Nâu

T568B:

1. Trắng cam
2. Cam
3. Trắng xanh lá
4. Xanh dương
5. Trắng xanh dương
6. Xanh lá
7. Trắng nâu
8. Nâu

Nếu các bạn muốn bấm một sợi dây cáp dùng để kết nối giữa các thiết bị cùng loại, ví dụ như giữa hai PC với nhau hoặc giữa hai switch (hub) với nhau, các bạn dùng kỹ thuật bấm cáp chéo (crossover cable). Một đầu sợi cáp các bạn bấm chuẩn T568A và đầu còn lại các bạn bấm chuẩn T568B.

Còn nếu như các bạn muốn một sợi dây cáp dùng để kết nối các thiết bị khác loại với nhau ví dụ như từ PC nối đến switch (hub) hoặc từ switch (hub) nối đến PC các bạn dung kỹ thuật bấm cable thẳng (straight-through cable). Nếu một đầu sợi cáp các bạn bấm chuẩn T568A thì đầu còn lại cũng bấm chuẩn T568A, tương tự như vậy nếu một đầu bạn bấm chuẩn T568B thì đầu còn lại các bạn cũng bấm chuẩn T568B.

Và đây là các bước thực hiện: Đầu tiên các bạn cắt bỏ lớp nhựa bảo vệ để được các sợi dây đồng (các bạn nên cắt vừa đủ để các sợi dây đồng tiếp xúc với các lá đồng trong đầu RJ45, nếu cắt dài quá sẽ rất dễ bị đứt do đầu RJ45 không bấm chắc vào sợi cáp). Tiếp theo đó các bạn tháo xoắn giữa các sợi dây đồng, và tuốt lớp nhựa bao quanh các sợi đồng. Bước tiếp theo các bạn chỉ cần đưa từng sợi dây đồng có màu tương ứng theo chuẩn bấm T568A hoặc T568B từ pin 1 đến pin 8 (qui định từ trái qua phải). Bây giờ các bạn chỉ việc đưa vào kìm bấm “rắc” là hoàn tất.

Nguyễn Trọng Hòa (Theo LBVMVT)

Kỹ năng học và thi chứng chỉ Mạng máy tính

Nên thi chứng chỉ gì?
Hầu như mọi hãng công nghệ lớn về IT trên thế giới đều có các chứng chỉ của riêng hãng. Việc chọn lựa chứng chỉ nào để theo học nên xem xét để phục vụ cho công việc, phù hợp với lĩnh vực mà công ty nơi mình đang công tác. Nếu công ty bạn đang kinh doanh công nghệ này, bạn sẽ càng có cơ hội để thực tập với thiết bị thật. Nếu bạn đang có ý định thay đổi việc làm, bạn có thể tìm hiểu các chứng chỉ mà thị trường tuyển dụng đang cần. Ở Việt nam hiện nay, các chứng chỉ của Cisco và Microsoft được khá nhiều các bạn trẻ chọn lựa.
Tìm thông tin về các chứng chỉ ở đâu và như thế nào?

Bạn nên dành thời gian đáng kể để tìm hiểu về chứng chỉ mình dự định thi. Tìm hiểu về sách nào cần cho kỳ thi, dùng những phần mềm nào, thực tập những bài lab nào? Các thông tin này có thể tìm ở đâu? Các diễn đàn tin học trong và ngoài nước. Thông tin cũng có thể tìm trong web site của chính hãng mà bạn định thi. Thông thường thông tin từ web site sẽ quyết định thông tin chính xác nhất trong trường hợp bạn có nhiều thông tin trái ngược nhau. Ví dụ nếu bạn định thi chứng chỉ Cisco, web site của bạn nên tham khảo là www.cisco.com. Nếu bạn dự định lấy chứng chỉ Microsoft, bạn nên tham khảo www.microsoft.com. Việc chọn lựa giáo trình cũng rất quan trọng. Thông thường, với một chứng chỉ nghề, sẽ có nhiều bộ giáo trình phù hợp cho nhiều dạng đối tượng khác nhau. Có giáo trình phù hợp cho người đã có kinh nghiệm, có giáo trình phù hợp cho người mới bắt đầu. Các kỳ thi quốc tế thường có lệ phí thi khá cao so với mặt bằng chung. Cụ thể một kỳ thi Cisco vào khoảng 150USD (khoảng 2,4M tiền Việtnam), chi phí thi một kỳ thi Microsoft vào khoảng 50USD. Một chứng chỉ như CCNP (Cisco Certified Network Professionals) có thể đòi hỏi bạn phải vuợt qua 4 kỳ thi. Do đó số tiền cần chuẩn bị sẽ nhân lên nhiều lần.

Học chứng chỉ quốc tế như thế nào?
Có ba công việc chính mà một người học phải thực hiện trong quá trình theo học các chứng chỉ quốc tế: đọc sách, thực hành và tự đánh giá thông qua các chương trình kiểm tra.
- Đọc sách bạn đã chọn lựa trong giai đoạn chuẩn bị. Nếu đọc nhiều loại sách: kiến thức bổ sung cho nhau nhưng thời gian sẽ dài hơn. Hầu hết sách là tiếng Anh: chấp nhận những chương đầu đọc chậm. Diễn dịch các khái niệm cơ bản bằng tiếng mẹ đẻ. Điều này giúp người học nhớ lâu hơn. Các khái niệm hầu như có liên quan với nhau. Khi khối lượng kiến thức người học đã tích luỹ nhiều lên, tốc độ học sẽ nhanh hơn. Sau mỗi chương, nên tự dừng lại và tự trả lời các câu hỏi.
- Sự khác biệt lớn nhất giữa chứng chỉ quốc tế với các chương trình đào tạo chính qui khác chính là việc người học phải có thực hành trên thiết bị thật. Bạn không nên dự bất kỳ kỳ thi Cisco nào nếu bạn chưa từng thực tập trên Cisco routers. Bạn không nên dự thi bất kỳ kỳ thi Microsoft nào nếu bạn chưa từng làm việc với sản phẩm Microsoft đó. Các kỳ thi mới nhất luôn có dạng câu hỏi mô phỏng (simulations), đòi hỏi người dự thi phải thực sự làm viêc trên sản phẩm thật thì mới có khả năng trả lời.
- Dùng thêm các phần mềm bổ trợ cho việc học và tự đánh giá bản thân. Điều cần nhớ là bạn phải chân thật với chính mình. Bài thi quốc tế (trực tuyến) được chấm tự động bởi máy tính. Khi càng gần đến ngày thi, bạn càng nên tập trung cho việc đọc lạI lý thuyết. Giai đoạn này bạn cần tiếp xúc vớI càng nhiều câu hỏI ôn tập càng tốt. Có thể phân bổ 80% thờI gian học tập cho việc học lý thuyết; 20% còn lạI cho việc học thực hành. Đặt mục tiêu cụ thể để có áp lực lên chính bản thân. Ví dụ: sẽ đạt được CCNA vào trước tháng 10 năm 2005 hoặc sẽ đăng ký thi CCNA vào ngày 24 tháng 10….Ngoài ra, bạn cũng nên thông báo cho cơ quan hoặc công ty nơi bạn đang làm việc biết kế hoạch học tập và thi cử của mình. Việc này giúp cho bạn dễ đuợc cấp trên chú ý và tạo điều kiện cho giai đoạn ôn tập. Nếu bạn là sinh viên đại học, nên chú ý phân bổ thời gian sao cho việc học các chứng chỉ nghề không bị ảnh hưởng đến các kỳ thi trong trường Đại học.
- Nên đăng ký thi trước một hoặc hai ngày thi. Ở Hà Nội, có nhiều trung tâm tổ chức thi. Bạn có thể tìm thông tin về các trung tâm khảo thí tại Việt nam ở địa chỉ
http://www.vue.com. Khi đăng ký thi, chú ý cách điền tên và địa chỉ để hãng gửI bằng về cho bạn.
Ngày trước khi thi, bạn đọc lại các study guide, các sự kiện, các hình vẽ. Không nên học nhiều hoặc nhồi nhét.
Kỹ năng thi cử?
Ngày thi:
- Nên đến sớm địa điểm thi trước 10 đến 15 phút. Giấy nháp và viết sẽ do trung tâm khảo thí cung cấp. Bạn không cần thiết phải chuẩn bị các vật dụng này. Máy tính cá nhân cũng không được phép mang vào phòng thi.
- Bạn nên ghi ra giấy khoảng thời gian được phép thi và số câu hỏi cần trả lời. Ước lượng khoảng thời gian trung bình cho từng câu hỏi. Với các bài thi của Cisco, mỗi câu hỏi trả lời bình quân mất một phút. Có những câu hỏi có thể tốn nhiều thời gian hơn.
- Điều quan trọng cần nhớ là bạn phải luôn bình tĩnh và nhịp điệu trong lúc thi. Các kỳ thi chứng chỉ quốc tế không phải là kỳ thi tuyển sinh. Nếu rớt bạn vẫn có thể đóng tiền thi lại. Bạn chỉ cần vượt qua một số điểm qui định nào đó là sẽ được công nhận đậu hay rớt. Với các môn thi Cisco, điểm đậu của kỳ thi CCNA là 849 điểm (trên 1000). Đây là một điểm yêu cầu khá cao với điểm chuẩn thường thấy trong các trường học Việt nam. Nghĩa là, nếu bài thi có khoảng 65 câu hỏi, bạn chỉ được trả lời sai tối đa 9 câu hỏi. Khi bạn phát hiện là mình đã trả lời sai câu hỏi trước đó và bạn không thể quay lại, bạn hãy tâm niệm là còn rất nhiều câu hỏi ở phía trước.
- Một số bài thi cho phép bạn xem lại các câu hỏi đã trả lời qua, ví dụ như kỳ thi của Microsoft. Một trong những cách thi hiệu quả là bạn sẽ trả lời qua tất cả các câu hỏi, đánh dấu các câu hỏi mà bạn chưa biết phương án trả lời. Do đó bạn có thể xem lại và thay đổi chọn lựa trước khi bài thi kết thúc. Các bài thi của hãng Cisco không cho phép bạn quay ngược trở lại câu hỏi đã trở lời trước đó. Do đó, với bài thi Cisco, bạn phải trả lời quyết đoán và chắc chắn cho từng câu hỏi. Có nhiều dạng câu hỏi: câu hỏi dạng chọn lựa đơn (single-choice), câu hỏi dạng “nhiều chọn lựa” (multiple choice), câu hỏi dạng “kéo và thả” (drag and drop), câu hỏi mô phỏng (simulation). Bạn nên đọc hết tất cả các chọn lựa và lựa ra đáp án tốt nhất. Một thí sinh có thể chỉ đọc đến đáp án C là một đáp án đúng và chọn ngay trong khi chọn lựa D mới là đáp án đúng nhất. Đối với các câu hỏi mô phỏng, bạn nên thực hiện chính xác các tác vụ mà câu hỏi yêu cầu. Thông thường sẽ có nhiều thông tin “giả” sẽ được đưa ra, người dự thi phải biết chính xác tác vụ mà câu hỏi yêu cầu. Khi kết thúc dạng câu hỏi này, bạn chú ý thực hiện các tác vụ lưu các kết quả bạn đã thực hiện. Với câu hỏi dạng đa chọn lựa, bạn nên dùng kỹ thuật loại trừ để giới hạn lại bớt các chọn lựa đúng.
- Kết quả đậu hay rớt của một bài thi sẽ hiển thị ngay khi bạn hoàn tất bài thi. Khả năng nhớ các sự kiện và liên kết các sự kiện sẽ giúp ngườI dự thi giảI đáp nhiều câu hỏi lạ.

Làm gì sau khi thi xong?
Nếu bạn đã thi đậu, bạn hãy tự hào về những gì bạn đã đạt được. Hãy chia sẽ thông tin này với công ty, bạn bè và với cộng đồng. Hãy hoạch định các kế hoạch tiếp theo. Bạn cũng nên vào web site của hãng để kiểm tra thông tin về bạn có đúng không để hãng sẽ gửi bằng về cho bạn. Trong trường hợp bạn thi trượt, hãy phân tích các điểm yếu mà mình đã thể hiện trong bài thi vừa gặp và lên kế hoạch cho một kỳ thi mới.
Chúc các bạn thành công!

Tham khảo anh: Đặng Quang Minh(CCNP)

(http://www.vutbay.net)