Sunday, May 13, 2007

Bạn là người có duyên?

Có thể bạn rất thành đạt. Có thể bạn sở hữu một thân hình lý tưởng và một gương mặt "càng ngắm càng yêu". Nhưng có chắc bạn là người duyên dáng?

Nếu được lựa chọn giữa nói chuyện với một người xinh đẹp nhưng lại không biết cách diễn tả những cảm xúc, suy nghĩ của mình và một người tuy hình thức không có điểm gì nổi bật nhưng biết cách làm bạn cười, giúp bạn thư giãn, bạn sẽ chọn ai?

Câu trả lời các chuyên gia nhân học và thẩm mỹ học nhận được đều là kiểu người thứ hai. Đó là những người thể hiện sự duyên dáng của mình một cách rất tự nhiên qua những động tác, cử chỉ, cách trò chuyện và cách bày tỏ quan điểm. Họ luôn thu hút được sự chú ý của người đối diện. Họ luôn để lại ấn tượng sâu sắc khó quên.

5 dấu hiệu dưới đây sẽ giúp bạn nhận biết mình thực sự có phải người duyên dáng? Không phải sắc đẹp mà chính là sự duyên dáng mới giúp bạn được nhớ mãi trong trái tim mọi người.

1. Khiếu hài hước

Đây là dấu hiệu đầu tiên của một người duyên dáng theo nghiên cứu mới đây nhất của tiến sỹ John Czepiel.

Những người vui tính và có khiếu hài hước sẽ không gặp nhiều khó khăn trong việc hấp dẫn người khác. Trong mọi bữa tiệc, người thu hút được sự chú ý của đám đông chính là người khiến tất cả cùng cười vui.

Chuyên gia tâm lý học Steven M. Sultanoff khẳng định: "Những lời nói dí dỏm và những câu chuyện hóm hỉnh có thể giảm các hormone gây stress, làm dịu những nỗi đau thể chất và làm sôi nổi những mối quan hệ yêu thương."

2. Sự nhạy cảm và đam mê

Những người duyên dáng luôn thể hiện một tình yêu cuộc sống mãnh liệt. Họ luôn sống với tất cả đam mê của mình.

Nếu bạn nhìn vẻ ngoài của những người như thế, bạn sẽ luôn thấy sức sống chan chứa trong ánh mắt ngời sáng, trong nụ cười lạc quan tin tưởng. Họ khiến tất cả những người xung quanh mình cũng trở nên sống động, vui tươi hơn.

3. Tự tin không gượng ép

Nếu bạn là người duyên dáng, bạn phải là người tự tin. Tự tin trong cách thể hiện bản thân, tự tin trong mọi quan hệ giao tiếp. Dường như bạn luôn là người làm chủ trong mọi tình huống nhưng điều đó không có nghĩa là bạn lấn át người khác.

Người có duyên luôn đủ nhạy cảm để lôi cuốn người khác hòa nhập vào câu chuyện chung và giúp họ thoải mái diễn tả mình.

4. Thân ái với tất cả mọi người

Bạn luôn được nhắc đến như một người vô cùng duyên dáng. Bởi lẽ đối với mọi người, bạn luôn dành tặng họ một lời chào dịu dàng, một nụ cười thiện ý và những lời hỏi thăm chân thành.

Nếu bạn gượng ép bắt mình trở thành người của công chúng, phải yêu thương và dành tình cảm cho tất cả mọi người, bạn sẽ không bao giờ là người có duyên. Sự chân thành và cảm xúc thực mới làm nên vẻ đẹp của sự duyên dáng trong con người bạn.

5. Sự tò mò ham hiểu biết

Những người duyên dáng luôn thể hiện sự tò mò muốn khám phá thế giới. Họ mở rộng trái tim và tâm hồn mình với mọi trải nghiệm từ cuộc sống. Gặp gỡ bạn bè, đọc sách, thử món ăn mới...

Họ muốn biết tất cả mọi thứ. Họ luôn khao khát những điều mới lạ, những điều có thể làm giàu kiến thức của họ, tinh thần họ. Đó là sự khao khát mãnh liệt "Hãy nói với tôi, nhiều hơn nữa!"

Để trở thành người duyên dáng

Tìm một hình mẫu: Ai là người duyên dáng nhất mà bạn từng biết? Hãy quan sát những cách họ thể hiện và xử trí trong mọi tình huống và học hỏi những điều cần thiết cho mình.

Đơn giản chính mình:
Bạn không nhất thiết phải là một người kể chuyện tài ba hay một nghệ sỹ hài hước để trở nên hóm hỉnh. Tất cả những gì bạn cần là sự tự nhiên và đơn giản. Hãy thả lỏng cơ thể và thư giãn tinh thần. Cách nhìn sự việc quá nghiêm túc không thể đem đến cho bạn những lời vui tươi.

Quan sát mọi sắc thái: Đó hoàn toàn không giống với sự tò mò gây khó chịu. Một người bạn mới thay đổi kiểu tóc, hay anh chàng chuyên gia đi muộn hôm nay bỗng nhiên đến đúng giờ. Hãy quan sát mọi sắc thái của cuộc sống quanh bạn và dành cho nó cái nhìn bất ngờ, thú vị và đầy yêu thương.

Lắng nghe bằng cả trái tim: Nếu bạn không có hứng thú trong cuộc trò chuyện, tốt nhất hãy xin phép để rút lui. Còn nếu tiếp tục, hãy chắc chắn rằng bạn sẽ lắng nghe bằng cả trái tim. Mọi người sẽ phản ứng đôi khi không phải vì câu chuyện bạn nói mà chính là cái cách bạn thể hiện nó, giọng nói, nét mặt và những cử chỉ...

(TH8X theo SuctreVietNam)

--Nếu không có duyên thì cũng có sao đâu! Vô duyên cũng có cái hay của vô duyên chứ! Biết đâu ai đó lại thích bạn chỉ vì bạn vô duyên...kha kha...--

Nói xấu nơi công sở

Đối với người nước ngoài, nói xấu đồng nghiệp là một điều tối kỵ thì ở Việt Nam, nói xấu các đồng nghiệp là chuyện “thường ngày ở công sở”. Và các bạn không biết rằng: chính việc nói xấu người khác cũng đang hạ thấp chính mình.


Vừa bước chân đến công ty, Loan đã chạm ngay phải cái nhìn khó chịu, ánh mắt soi mói, dè bỉu của các nam đồng nghiệp. Vốn là một nữ nhân viên xinh đẹp lại giỏi giang trong công việc, khéo léo trong ngoại giao nên Loan đã nhanh chóng lấy được lòng các nam đồng nghiệp và ngay cả sếp, một người khá khó tính.

Nhưng dạo này, cứ bước chân đến cơ quan là Loan lại nhận được những cái nhìn khó chịu của các đồng nghiệp cùng những lời xì xào bàn tán sau lưng cô. Và một lần vô tình ở nhà vệ sinh cô đã nghe được Minh, một nhân viên cùng phòng đang “khoe” với một đồng nghiệp khác:

- “Mày biết không, hôm qua tao gặp cái Loan cặp với một ông Tây, hai người trông có vẻ khá tình tứ”.

- “Thế sao! cặp với sếp mình chưa đủ à mà còn định "chài" cả ông Tây đó nữa. Công nhận con bé đó xinh nhưng mà ma lanh lắm. Nó biết tận dụng sắc đẹp của mình. Không biết ngoài sếp, ông tây nó còn có bao nhiêu bồ nữa”.

Nghe đến đây, Loan choáng váng không tin các đồng nghiệp lại có thể dựng đứng câu chuyện của mình lên như vậy. Đến đây thì Loan đã hiểu tại sao mọi người lại nhìn mình với ánh mắt khác lạ như thế. Mọi người cho rằng để đạt được mục đích Loan đã “cặp” với sếp. Thực sự, chưa bao giờ Loan có suy nghĩ, ý định cặp với sếp. Việc Loan được sếp ưu ái là do cô đã thực hiện thành công nhiều hợp đồng làm ăn lớn cho công ty. Đối với cô, sếp như một người anh trai, người cha và là một giám đốc mẫu mực. Ông không chỉ giúp đỡ Loan trong công việc mà còn coi cô như cô con gái trong gia đình, thế thì làm sao có chuyện “tằng tựu” với sếp như lời các đồng nghiệp kia được.

Còn cái việc đi với anh chàng Tây hôm qua, mọi người vu đó là tình nhân của cô thì lại càng hàm hồ. Bởi cái anh chàng Tây hôm qua vốn là bạn học của cô hồi còn là sinh viên. Hai người hoàn toàn không có gì ngoài tình bạn bè. Và câu chuyện “cặp với ông Tây” ấy cứ rỉ từ tai người này sang người khác và nhanh chóng đến tai tất cả các nhân viên trong công ty. Thanh minh nghĩa là có tội, cô đành im lặng và âm thầm tìm một công ty khác để “nhảy việc”.

Loan không phải là trường hợp duy nhất và hiếm gặp ở các công sở. Xinh đẹp quá - đố kỵ, được sếp ưu ái – ghen, thậm chí là làm được việc cũng bị các đồng nghiệp - nói xấu. Đó là hiện tượng phổ biến ở các công sở đặc biệt là các cơ quan nhà nước “ăn không, ngồi rỗi” nên càng lắm thời gian “soi mói và nói xấu”.


Một chuyên viên tư vấn nhân sự cho rằng: "Khi tạo ra môi trường làm việc tập thể, chúng ta phải biết biến cái riêng thành cái chung và như thế hiệu quả công việc sẽ cao hơn. Nhiều ứng viên thường phạm phải sai lầm là hay nói xấu đồng nghiệp trước mặt sếp. Đây là điều tối kỵ vì đối với người nước ngoài, việc nói xấu người khác trước mặt sếp cũng là hành vi tự hạ thấp mình. Do đó, khi xây dựng mối quan hệ đồng minh ứng viên không nên biến mối quan hệ giữa mình và đồng nghiệp trở nên xấu đi".

Có một thực tế khi nói xấu người khác có nghĩa là bạn đang kém người đó về một mặt nào đó. Thay vì nói xấu tại sao bạn không nỗ lực hơn nữa trong công việc.

Hơn nữa khi nói xấu bạn có lường trước được rằng, có thể những lời nói xấu của bạn sẽ đến được tai người thứ 3. Và điều đó cũng có nghĩa là làm cho mối quan hệ của hai người thêm căng thẳng.

Một khuyến cáo là chúng ta không nên nói xấu nhau bởi rất có thể những lời nói xấu ấy sẽ vô tình làm hại đến người thứ ba. Và như thế liệu bạn có thanh thản với lương tâm của mình?

Và chắc hẳn bạn cũng tán thành với ý kiến của chúng tôi?

(Hương Giang - Sức Trẻ Việt Nam)

Chính bạn làm xấu Việt Nam

Trong mắt bạn bè quốc tế, VN là một điểm đến an toàn, người VN thân thiện, hiếu khách...Thế nhưng, phần lớn bạn bè quốc tế đến VN đều không muốn quay trở lại. Tại sao?

Tạm không nói đến những yếu tố "to tát" xa xôi như môi trường, cách quản lý… chúng ta chỉ nên xem xét chính bản thân mình thôi. Các @ đã làm những gì khiến cho hình ảnh đất nước mình bị xấu hẳn đi trong mắt người nước ngoài thế?

Hãy nghe các bạn người nước ngoài lên tiếng:

Điều đầu tiên đập vào mắt tôi là quá nhiều xe máy, xe nào cũng phóng nhanh vượt ẩu. Các bạn phóng xe như thể các bạn luôn bị trễ giờ. Nhưng, chẳng lẽ bạn nào cũng muộn giờ? bạn nào cũng phải vượt? Nếu như vậy sao bạn không dậy sớm hơn, không chuẩn bị trước một thời gian. Các bạn phóng xe nhanh quá gây nguy hiểm cho chính bạn lẫn mọi người đi đường khác.

Điều thứ hai: ý thức xả rác. 8X, 9X nào cũng xả rác ra ngoài đường chứ không bỏ vào thùng rác mặc dù thùng rác sinh ra chỉ để các bạn vứt rác vào thôi. Ngoài ra, nó chẳng còn chức năng nào khác. Khi thấy một bạn nữ bỏ rác vào trong thùng, nhiều bạn bè của cô ấy thấy rất lạ, lại còn trêu. Chúng tôi không hiểu tại sao? Bỏ rác vào thùng lại có thể gây ngạc nhiên đến thế ư?

Thứ ba: các bạn không dừng trước đèn đỏ, dường như càng có biển cấm “Cấm làm - Cấm vào” thì bạn càng có mong muốn “Cứ làm - Cứ vào.” Bạn không chịu dừng trước đèn đỏ làm cho chúng tôi, những người muốn sang đường, không có cơ hội nào an toàn để bước xuống vạch dành cho người qua đường cả.

Điều thứ tư: là khi đến những nơi tham quan như đền, chùa,… đến những nơi tôn nghiêm như thế cần giữ một không khí yên lặng, trang trọng nhưng các bạn lại ồn ào và nói đủ thứ chuyện khi đến đó.

Điều thứ năm: các bạn hay chỉ trỏ vào chúng tôi, những người nước ngoài và gọi: "thằng Tây." Thứ nhất, không phải ai trong chúng tôi cũng đến từ các nước phương Tây và thứ hai, chúng tôi không thích bị gọi là “thằng.”

Điều thứ sáu: hét giá thật cao. Chúng tôi là người nước ngoài thật nhưng chúng tôi không phải là “mồi” (có phải các bạn vẫn gọi như thế không nhỉ?) Chúng tôi mua hàng và trả tiền sòng phẳng như người Việt. Nếu các bạn cứ thấy người nước ngoài là nghĩ họ nhiều tiền hay thừa tiền thì…xin lỗi, có lẽ bạn nhầm đấy! Có nhiều tiền, người ta cũng muốn mua hàng đúng giá chứ không phải là bị “chặt chém” như vậy đâu.

Điều thứ bảy:
khi chúng tôi hỏi các bạn về những địa điểm chúng tôi tới thăm quan, nhiều bạn trả lời ngập ngừng, không nắm rõ. Không biết do ngoại ngữ của các bạn chưa thành thạo hay là do kiến thức về quê hương của bạn không tốt? Một hay hai nguyên nhân đều không nên trở thành yếu tố cản trở các bạn giao lưu với chúng tôi phải không?

Điều thứ 8, thứ 9,... thứ n chắc chắn vẫn còn rất nhiều, các bạn cũng tự mình rút ra được. Tuy nhiên, rút ra xong để làm gì? Câu trả lời là để chính chúng ta phải thay đổi.

Vẫn còn nhiều cơ hội để khôi phục lại hình ảnh một Việt Nam thân thiện, văn minh, là điểm đến lý tưởng cho bất cứ du khách quốc tế nào. Hãy hành động làm sao để khi bước chân ra bên ngoài, bạn có thể luôn luôn tự hào: “I am Vietnamese” (“Tôi là người Việt Nam đấy!”)


(Nhi Nga - Sức Trẻ Việt Nam)

Uống nhiều nước cũng có hại

Nghĩ rằng uống nước càng nhiều càng tốt, một số người đưa vào cơ thể lượng quá lớn. Điều này gây hại cho thận và có thể khiến bệnh nhân cao huyết áp gặp nguy hiểm.
Nước có vai trò đặc biệt quan trọng với cơ thể. Con người có thể nhịn ăn được vài ngày, nhưng không thể nhịn uống nước. Chất lỏng này chiếm khoảng 70% trọng lượng cơ thể, 65-75% trọng lượng cơ, 50% trọng lượng mỡ, 50% trọng lượng xương.

Uống không đủ nước, chức năng của tế bào và các cơ quan sẽ rối loạn. Thận yếu đi, không đảm đương được nhiệm vụ của mình, khiến cơ thể tích lũy nhiều chất độc hại. Những người thường xuyên uống không đủ nước da thường khô, tóc dễ gãy, mệt mỏi, đau đầu, táo bón, hình thành sỏi ở thận và túi mật.

Tuy nhiên, một số người lại lầm tưởng về các khuyến cáo tăng cường uống nước. Họ cho rằng uống càng nhiều nước thì sẽ càng tăng cường thải các chất độc hại ra khỏi cơ thể, và đã uống quá nhiều, tới 4-5 lít/ngày. Thực ra, việc uống nhiều nước sẽ gây quá tải cho thận. Kèm theo với việc thải các sản phẩm chuyển hóa, các chất độc hại, cơ thể còn thải các dưỡng chất và nguyên tố vi lượng khi lượng nước đưa vào quá lớn. Những người bị tăng huyết áp uống nhiều nước rất nguy hiểm.

Vậy uống nước như thế nào là phù hợp?

Trong điều kiện bình thường, mỗi ngày cơ thể cần khoảng 40 ml nước trên 1 kg cân nặng, tổng là 2-2,5 lít. Ví dụ, một người nặng 60 kg cần 2,5 lít, trong đó khoảng 1 lít được đưa vào dưới dạng nước uống như chè, cà phê, nước sinh tố, số còn lại trong các loại thực phẩm.

Nhu cầu về nước tăng đáng kể trong những ngày nóng bức, những ngày mùa đông nhưng độ ẩm thấp, khi sốt, cho con bú, lao động thể lực hay tập thể dục thể thao và hơi giảm trong ngày trời lạnh nói chung.

Vào mùa nóng, nên uống nước mát, còn mùa lạnh thì uống nước ấm. Không nên uống nước đá hay nước quá nóng trên 45 độ C để tránh ảnh hưởng đến men răng và lớp niêm mạc vòm miệng, thực quản, dạ dày. Nước lạnh rất nguy hiểm đối với người bị thấp khớp, gút, bệnh về bàng quang, viêm họng mạn vì có thể gây tái phát các bệnh này.

Khi uống nước, nên uống từ từ, từng ngụm nhỏ, mỗi lần không nên quá 150-200 ml. Trước bữa ăn khoảng 15-40 phút, nên uống một ít nước vì sau 10-15 phút, nước đã được tống khỏi dạ dày, vào ruột non và thấm vào máu. Sau những bữa ăn bình thường, không uống nước ngay mà để sau khoảng 30-40 phút, để tránh pha loãng hoặc giảm hoạt tính các men tiêu hóa (trừ những bữa ăn có chất nhiều kích thích, ăn khô, nhiều mỡ).

( theo Sức Khỏe & Đời Sống)

Cười: Mùa chim làm tổ

Vợ là mẹ các con ta
Thường kêu bà xã , hiệu là phu nhân
Vợ là tổng hợp bạn thân
Thủ trưởng, bảo mẫu, tình nhân mẹ hiền ...
Dạy con từ thủa lên ba
Dạy vợ từ thủa bơ vơ mới về

Ngày đầu bắt vợ quỳ ngay
Tay cầm thước kẻ , dạy bài đầu
Đi thưa ,đứng bẩm ,về trình
Chồng kêu một tiếng, "Thưa mình , em đây"

Bài hai, món nhậu phải rành
Rượu ngon vài hũ, đầy giành bia lon
Sẵn sàng năm bảy món mồi
Cho chồng ngất ngưởng , nằm ngồi ngả nghiêng

Bài ba , thông thuộc phận là
Nấu ăn , rửa chén , chùi nhà , lau xe
Làm vườn , cắt cỏ, vú em
Mùa đông xúc tuyết , mùa hè tưới cây

Bài bốn phải biết bóp dầu
Đấm lưng nhức mỏi , xoa dầu nắn chân
Mát xa , tẩm quất đôi lần
Để chồng vui trọn giấc nồng say sưa

Bài năm xông xáo bên ngoài
Việc gì cũng nhận chẳng hoài kêu ca
Một Job chẳng đủ tiêu pha
Kiếm thêm Job nữa , hay ba xá gì!

Bài sáu biết cách đứng hầu
Chồng ăn vợ phải đứng chầu khoanh tay
Miếng ngon gắp bỏ luôn tay
Ăn xong phải có trái cây tráng mồm

Bài cuối vừa đánh vừa kèm
Noi gương các bậc tiền nhân lưu truyền
Năm thê, bảy thiếp , sáu phòng
Thêm thê thêm thiếp cho chồng xứng danh

Làm trai cho đáng nên trai
Chớ làm trai Mỹ , trai Âu phí đời . Chồng .1 to xác, đầu teo,
Để dành quét dọn chuồng heo, chuồng bò
Chồng .2 sức khoẻ hơn bò,
Cho làm cận vệ bảo an cửa nhà
Chồng .3 đen đúa như chà,
Đêm đêm đứng gác hù ma láng giềng
Chồng .4 ốm yếu như sên,
Thôi thì pha nuớc rữa chân cho bà
Chồng .5 khéo léo tay chân,
Bà cho đấm bóp thoa dầu mỗi đêm
Chồng .6 ăn nói hùng hồn,
Cho di chửi mướn kiếm thêm chút tiền
Chồng .7 nấu nướng khỏi chê,
Ở nhà di chợ nấu cơm hầu bà
Chồng .8 lo việc nước trà,
Mỗi khi bà họp mấy ông tướng màu
Chồng .9 chẳng biết cái chi,
Cho đi giặt áo quét nhà là xong
Chồng .10 mưu mẹo lọc lừa,
Ra ngoài lường gạt giúp bà giàu to
Vợ tôi vốn người dịu hiền,
Từ khi chung sống, mới phiền làm sao.
Khi xưa nhỏ nhẹ thanh tao,
Nói năng lễ phép, xiết bao vô cùng.

Khi xưa nói chuyện muốn hun.
Bây giờ nghĩ lại, thấy khùng quá đi.
Lấy nhầm vợ dữ như gì,
Lấy về chỉ khổ ăn mì mà thôi.

Ai ơi xin chỉ giúp tôi,
Vợ tôi như vậy thân tôi khổ dài.
Vợ tôi rất có biệt tài,
Phùng mang trợn mắt, mặt mày thấy ghê.

Bây giờ thấy thật thảm thê,
Nhà cửa không dọn, u mê đánh bài.
Thân tôi là kiếp con trai,
Việc nhà cơm nước, ngày hai ba lần.

Nghĩ đến cái tội mình đần,
Lấy nhằm vợ dử, bần thần sớm hôm.
Việc nhà, việc nước trông nôm,
Một bầy con nhỏ, sớm hôm trưa chiều.

không lẽ để mặc làm liều,
Thôi đành nhắm mắt , mà chìu cho xong.
Tội thân cái kiếp làm chồng,
Làm chồng không dễ, đừng mong mà làm.

Ai ơi đừng lấy mà ham,
Đừng ham cưới vợ, (như) ngục giam suốt đời.
Đâu còn những chuyện thảnh thơi,
Đâu còn những phút chơi vơi.... cuộc đời.. Chồng tui say sỉn suốt ngày
Hỏi ra chồng bảo :tại "thời " nên..say ...
ra ruộng thì dạo trên bờ
hỏi ra chồng nói : chờ "giờ " tốt thôi
cày đất chồng nói chờ trời
mưa xuống ngập đất lưỡi cày dễ ăn
giờ cơm ngồi ở tại bàn
canh cơm dọn sẳn ,mời chàng xơi cơm..
Sáng ra phải có sẳn trà
Để anh â'm bụng , rề rà đến trưa...
ngày qua ngày lại qua ngày
đói no nặng nhẹ lo wai` muốn điên...
.......
từ ngày tới xứ "phương tây "
Thì hơi đỡ đỡ ,cũng đi cũng làm
Nhưng chân dzừa bước dzô nhà
chứng nào tật đó ,chai bia khui liền
con cái thì chẳng ngó ngàng
mỗi khi có chuyện la càng la ngang...
" check " mình thì giữ bo bo
bao nhiêu " bill " tới tui lo nhức đầu..
Đàn bà ,tui cũng đàn bà
nhưng sao chồng họ dễ xài dễ sai
hói ai có phép nhiệm mầu
cho tui trả

Cười: Nguyên tố mới ! !

1. Tên nguyên tố : Con Gái

2. Ký hiệu: Gi (Girl)

3. Khối lượng nguyên tử: !! Cấm không được đụng chạm đến vấn đề này.

4. Tính chất vật lý: Thường có hình tròn trịa. Sôi và đông lạnh không dự báo. Tan chảy khi được đối xử đúng mực.

5. Tính chất hóa học: Hoạt tính cao, không ổn định. Chịu sức hút của vàng, bạc và bạch kim. Có thể hấp thụ năng lượng thực phẩm lớn. Có thể bị đổi mầu khi đứng cạnh các vật mẫu "nổi" hơn.

6. Sử dụng: có tính trang trí cao. Là chất xúc tác mạnh cho sự phân tán tài sản.

7. Chú ý: Để lâu không được sử dụng, khi được sử dụng lại dễ gây tác dụng phụ. Khuyên cáo nên sử dụng ngay khi có thể để tránh quá niên hạn sử dụng.

8. Cảnh báo: Do đây là một báo cáo nghiên cứu và sưu tầm mang tính cục bộ vì thế chắc chắn nhiều tính chất, cách sử dụng và những điều chú ý khác chưa được khám phá hết do đó đàn ông nên đọc thêm các nguồn tư liệu khác để tránh được thảm hoạ đáng tiếc về sau.