Tôi đồ rằng trong từ điển y học thì những căn bệnh liên quan đến từ “khó” chiếm số lượng không nhỏ. Giả dụ, tính theo chu trình hấp thụ - đào thải, thì đầu nguồn có bệnh khó ăn còn cuối nguồn có bệnh khó… nói. Một ngày, sáng dậy có bệnh khó thở còn đêm về lại gặp bệnh khó ngủ.
Nhắc đến căn bệnh khó ngủ, chợt nhớ tới câu chuyện về những người mà hầu như cả cuộc đời họ là những đêm trắng. Chẳng phải đâu xa, ngay tại Quảng Bình có một người đàn ông như vậy, với 26 năm trời là hơn 9.000 đêm không ngủ. Mỗi lần nghĩ tới ông, tôi cứ tự hỏi người đàn ông có đôi mắt sâu hút ấy đối diện với chính mình trong bóng đêm thế nào, khi chỉ còn một mình, ông nghĩ gì, làm gì, và trông chờ gì ở những đêm trường kế tiếp. Một người, ngày nào cũng đối diện với nỗi – cô - đơn - được – báo – trước trong bóng đêm, không biết có cảm thấy sợ hãi nó không? Nếu là tôi thì tôi sợ lắm. Sợ cảm giác ngồi một mình với friend list tối om. Sợ nhắn một cái tin mà bên kia đã chìm vào giấc ngủ. Sợ đi ra đi vào chỉ thấy bóng mình trong gương. Sợ khi biết chắc rằng ngày nào cũng phải lặp lại những điều ấy mà không thể không đối diện…
Người đàn ông ấy cũng vật vã, trăn trở vì căn bệnh của mình. Ông đã đi chữa khắp nơi, Đông y, Tây y đủ cả, nhưng tất cả đều bó tay, có lẽ bởi chưa ai trả lời được câu hỏi: “Căn nguyên ở đâu?”. Cụ thể ở đâu thì chưa rõ, nhưng chắc chắn chẳng có con virus nào gây ra căn bệnh khó ngủ cả, và ông cũng chẳng cần phải loại nấm “mất ngủ” như ai ăn nhầm phải nấm… cười.
Không chỉ căn bệnh mất ngủ, nói không ngoa rằng tất cả các căn bệnh “khó” đều có mẫu số chung như vậy. Nó làm người ta khổ sở, nhưng để chữa trị thì phải tìm ra căn nguyên, và thường thì cái căn nguyên ấy lại nằm trong chính chủ thể.
Căn bệnh khó yêu cũng không nằm ngoài mẫu số chung ấy. Tôi đã gặp nhiều cô gái xinh đẹp, thông minh, nhưng đến tuổi “băm” vẫn đơn chiếc. Điều quan trọng là họ chủ động trong sự “đơn chiếc” của mình. Sự xinh đẹp và thành đạt mang đến những đòi hỏi khắt khe về đối tác. Sự nhạy cảm và thông minh khiến họ như nàng công chúa nằm trên hạt đậu. Đôi lúc tôi tự hỏi, không biết họ có gì chung với những người mắc phải căn bệnh khó ngủ hay không? Ví như những phút giây ngoài công việc, bạn bè, gia đình, họ đối diện với chính mình ra sao? Tôi thì nghĩ, phụ nữ dù sao cũng yếu đuối lắm, họ cần một bờ vai và một trái tim. (Một bờ vai và trái tim, chứ không phải một két sắt và một cái cột nhà!).
Không nói đâu xa, cô bạn thân của tôi chính là người mang căn bệnh khó yêu ấy. Tôi đã thử cùng cô đi bắt bệnh khắp nơi. Một bác sĩ Đông y cho rằng nguyên do là vì trái tim cô có nhiều tính hàn, mà để rung động được thì trái tim phải được nung nóng một cách mãnh liệt. Một bác sĩ chuyên viên của Bộ Lao động Thương binh – Xã hội lại nói có lẽ do cô mắc bệnh nghề nghiệp, gặp ai cũng đưa vào máy phân tích kỹ lưỡng, và cuối cùng thì soi đâu cũng thấy vi trùng. Ghé nhà bác sĩ vật lý trị liệu lại được khuyên nên thể dục đều đặn vì cô rơi vào tình trạng “cao không tới thấp không xong”. Bác sĩ Tây học 100% đoán chắc cô bị tác động của nhịp sống công nghiệp, không còn thời gian cho chính bản thân mình. Cuối cùng đi một vòng mà chưa biết thực sự căn bệnh của mình bắt đầu từ đâu, cô thở dài, nói có lẽ từ tất cả những nguyên nhân đó cũng nên.
Vừa rồi tình cờ gặp cô trên đường, thấy vui tươi lắm, vẫn đơn chiếc nhưng cô bảo một mình quen rồi, được tự do độc lập “cuộc đời tôi là của tôi”, có khi hai mình lại thấy khó chịu. Tôi thì chẳng biết, nhưng thấy người ta tiến hành điều tra nghiên cứu hẳn hoi, kết luận rút ra rằng: “Xét trên mọi phương diện, không có phương thức sống nào tốt đẹp hơn cuộc sống lứa đôi”.
Và lại nhớ tới dòng tâm sự của một người có nick “nongdan @” tôi đọc được trên một forum dành cho những người độc thân:
“Gửi những người chưa quen và đã quen! Tôi tên… Nếu không may tôi đột ngột qua đời, xin vui lòng liên hệ với bố tôi theo địa chỉ… điện thoại… Tôi có tài khoản ở ngân hàng… số tài khoản… Cảm ơn!”. Mẩu giấy nhỏ được gắn ngay trên đầu giường – nơi dễ thấy nhất trong phòng bạn. Đọc xong, thấy mắt mình cay cay. “Độc thân thì phải vậy, nếu chết bất đắc kỳ tử thì những người tốt bụng còn biết nơi để mà liên hệ, gia đình biết nơi cất tiền mà dùng tiền đó đưa mình về quê chứ” – bạn nói tỉnh queo. Dẫu biết bạn có lý, nhưng sao cứ thấy tội nghiệp và buồn! Không buồn sao được khi chỉ một mình lầm lũi đi về, lầm lũi ăn và lầm lũi ngủ. Độc thân mà! Đêm. Bất chợt thấy sợ – một nỗi sợ mơ hồ của những kẻ “phòng không”. Biết là không nên bắt chước người khác nhưng vẫn lấy giấy bút và tôi viết: “Kính gửi… Tôi tên… nếu tôi…”!