Wednesday, May 16, 2007

Những người "lụt" việc

Làm việc 10 hoặc hơn 10 tiếng một ngày, hầu như không có ngày nghỉ, những bữa ăn thất thường và thiếu ngủ nghiêm trọng - đó là triệu chứng quá tải của rất nhiều dân công sở khi áp lực công việc đối với họ ngày càng cao.

Họ là nhân viên văn phòng của các công ty lớn, những người đã tốt nghiệp đại học và không gặp quá nhiều khó khăn để tìm một công việc đúng như sở thích. Họ làm việc hết mình và luôn tỏ ra xứng đáng với mức lương hấp dẫn mà họ nhận được. Trong ánh mắt của nhiều người, đó là những người trẻ rất thành đạt.

Nhưng họ thường xuyên rơi vào tình trạng kiệt sức khi liên tục phải làm thêm giờ (overtime), phải đảm nhiệm và hoàn thành khối lượng công việc khổng lồ.

Giờ đây, đã có hẳn một danh từ dành riêng cho những dân công sở đó - "những người lụt việc"!

Một ngày của "người lụt việc"

Trịnh Lan Hương, nhân viên công ty Canon Việt Nam, khu công nghiệp Thăng Long, Đông Anh, Hà Nội.

6.15 sáng: Thức dậy, làm vệ sinh cá nhân

6.45: Có mặt tại bến xe bus của công ty (tranh thủ ăn sáng và... ngủ một chút trên đường sang khu công nghiệp)

8.00: Bắt đầu ngày làm việc

12.00: Ăn trưa và nghỉ ngơi

1.00 - 5.00: Tiếp tục công việc buổi chiều

Và khoảng thời gian 2 - 3 tiếng sau đó được dành để giải quyết các công việc còn lại trong ngày.
Một ngày của Hương kết thúc khi giấc ngủ đến rất nhanh và ngày mai Hương lại tiếp tục lịch trình bận rộn của mình.

Hương tâm sự: "Hầu như ngày nào tôi cũng phải overtime. Giờ nghỉ là 5.30 nhưng mãi đến 8 hay 9 giờ mới là thời điểm tôi rời công ty trở về nhà."

"Tôi lúc nào cũng thấy thiếu ngủ. May mà sức khỏe mình cũng không đến nỗi nào chứ không đã "gục" rồi. Chỉ mong đến ngày chủ nhật để được ngủ thoải mái thôi."

Hương là một trong số rất nhiều nhân viên văn phòng mà ước mơ của họ đôi khi chỉ là một giấc ngủ trọn vẹn. Công việc chiếm phần lớn thời gian và họ dường như rất thiếu những giây phút dành cho riêng mình.

Áp lực nặng nề từ công việc và những tham vọng thăng tiến trong môi trường công sở hiện đại mang tính cạnh tranh rất cao là nguyên nhân chính dẫn đến sự xuất hiện của "những người lụt việc", đặc biệt ở các thành phố lớn - nơi tập trung nhiều công ty và khu công nghiệp.

3 kiểu overtime

- Overtime tình nguyện: Các công ty đều không có quy định bắt buộc nhân viên phải làm thêm giờ. Nhưng nhiều dân công sở tự nguyện overtime để nhanh chóng được tăng lương cũng như tìm kiếm các cơ hội thăng tiến.

- Overtime bắt buộc: Các nhân viên được giao khối lượng công việc quá lớn. Họ không thể hoàn thành trong giờ hành chính. Đơn giản khi đó, họ phải overtime.

- Overtime phong trào: Người khác làm, tôi cũng làm! Một số nhân viên ở lại công sở và làm việc muộn chỉ vì thấy nhiều người làm như vậy. Họ muốn chứng tỏ với sếp họ là những người chăm chỉ và có trách nhiệm.

Hầu hết "những người lụt việc" đều chia sẻ một đặc điểm: họ luôn đề ra những mục tiêu rất lớn trong sự nghiệp của mình. Thay vì từng bước một đạt đến thành công, nhiều dân công sở muốn nhanh chóng chứng tỏ vị trí của mình trong công ty. Họ ép mình vào một chế độ làm việc khắc nghiệt và hậu quả rõ ràng nhất là sức khỏe của họ ngày càng suy giảm.

Bệnh của "những người lụt việc"

- Chứng béo bụng

- Rụng tóc

- Thường xuyên đi vệ sinh

- Suy giảm cảm hứng ái ân

- Trí nhớ kém

- Dễ dàng bị phân tán

- Tâm trạng luôn khó chịu, rất hay cáu kỉnh, lo lắng vô cớ

- Mất ngủ

- Đau đầu, ù tai

- Khó khăn trong việc tính toán số liệu

Nếu bạn có 2 trong số 10 dấu hiệu trên, bạn không có gì phải lo lắng. Từ 3 đến 5 dấu hiệu, bạn bắt đầu phải cảnh báo chính mình và thực hiện những điều chỉnh cần thiết. Và nếu bạn mắc phải 6 triệu chứng trở lên, tình trạng đã đến mức độ thực sự nguy cấp rồi.

Đôi khi chính bạn là người tạo ra cho mình những áp lực không đáng có. Hãy làm việc hết mình nhưng hãy dành những khoảng thời gian nghỉ ngơi hợp lý bởi bạn chỉ có một cơ thể và một cuộc đời thanh xuân để sống mà thôi.

( theo Sức Trẻ VN)

No comments: