Wednesday, May 2, 2007

Lý do khiến nàng nói dối

Ai cũng có những lúc nói dối và một nhà tâm lý học đưa ra nhận xét thâm thuý: “Giữa hai phái nam và nữ, đàn ông nói dối nhiều hơn nhưng phụ nữ lại là những người có những chuyện nói dối kinh khủng nhất”. Tại sao?

Có những lời nói dối vô hại, như khen chiếc áo mới của bạn tình, dù trong lòng thấy áo có vấn đề. Xét cho cùng, lời khen dối đó chỉ có mục đích làm cho nàng sung sướng nên được xếp vào loại “vô hại”.

Tuy nhiên, có lời nói dối nghiêm trọng đến độ làm tan vỡ cuộc tình một khi bị phát hiện. Người ta thường cho rằng trong tình cảm, nói dối nhiều quá sẽ khiến bạn tình mất tin tưởng và có thể dẫn đến việc chia tay khi sự chịu đựng vượt qua ngưỡng giới hạn.

Có vô số lý do để phụ nữ nói dối và người ta thường phân tích những “động cơ” thúc đẩy việc nói dối để đưa ra một số giải pháp ứng xử mà cánh đàn ông cần phải có. Dưới đây là một số lý do phổ biến.

Nàng không muốn bạn buồn lòng

Có điều gì đó nàng không thích nơi bạn nhưng lại không nói ra. Để che đậy, nàng phải nói dối với thiện ý không muốn bạn buồn lòng. Nhưng nếu cứ giấu kín trong lòng, một ngày nào đó nàng sẽ cảm thấy khó chịu với bạn vì điều nàng không thích nơi bạn. Thời gian có thể sẽ khiến nàng chán nản và dẫn đến chia tay vì những lý do nàng không bao giờ nói ra.

Trong trường hợp này, bạn cần phải phân tích lý do của sự nói dối. Phải chăng nàng không đủ tự tin để nói ra những điều mình không thích? Hay nàng chờ đợi dịp thích hợp nhưng cơ hội không bao giờ đến? Nếu bạn phát hiện nàng đã dối lòng, hãy thẳng thắn tìm hiểu những điều nàng không thích nơi bạn để từ đó có những điều chỉnh thích hợp. Trong trường hợp lời nói dối để che đậy sự thật của nàng trở nên quá nghiêm trọng đến độ ảnh hưởng đến mối quan hệ, có khả năng sẽ dẫn đến kết cuộc “anh đi đường anh, tôi đường tôi”.

Nàng muốn tự bảo vệ mình

Nàng muốn giữ khoảng cách với bạn có thể là vì muốn được an toàn, nhưng cũng có thể vì không muốn bạn phát hiện những sự thật mà nàng cần giấu kín. Đây là chiến thuật mà một số phụ nữ áp dụng. Họ “tung hoả mù” bằng những lời nói dối với mục đích không để bạn tiến đến gần hơn nữa.

Nếu bạn coi nàng là người tình lý tưởng thì hãy tìm cách làm nàng cởi mở và gần gũi hơn. Nhưng nếu nàng vẫn cố tình giữ khoảng cách bằng những sự dối trá, việc chinh phục nàng kể như đã thất bại, bạn không nên dành nhiều thì giờ cho một mục tiêu vô vọng.

Nàng không tin tưởng bạn

Nàng thu thập được những thông tin có tính cách “nhạy cảm” về bạn, nhưng lại không nói ra mà chỉ âm thầm kiểm tra, theo dõi. Có thể vì nàng không tin những lời giải thích của bạn, hoặc chỉ vì bản tính đa nghi cố hữu của nàng.

Có những phụ nữ lại còn sử dụng những thông tin này như một thứ vũ khí để thao túng bạn. Đây cũng có thể được coi là một hình thức giả dối và cũng là một trong những trở ngại không nhỏ trong chuyện tình cảm của cả hai người.

Để giải quyết vấn đề, bạn hãy tìm hiểu tại sao nàng không có niềm tin nơi bạn. Đó là vì nàng đã trải qua kinh nghiệm thực tế trong quá khứ với bạn hay chỉ là một hình thức hoang tưởng cố hữu của nàng? Một khi trả lời được những thắc mắc này, bạn sẽ có hướng để giải quyết khó khăn trước mắt.

Nàng không muốn bạn bận tâm

Nếu bạn tỏ ra thắc mắc đến việc nàng dành quá nhiều thì giờ bên những đồng nghiệp nam, có thể nàng sẽ nói dối để trấn an bạn. Điều này không có nghĩa là không có chuyện gì xảy ra giữa họ tại cơ quan mà mục đích của lời nói dối là chỉ để không phải nghe những nghi vấn từ phía bạn. Chỉ đến khi sự thật được phát hiện, bạn mới có thể xác định đó là lời nói dối hay sự thật.

Trong trường hợp này, cần xác định để nàng hiểu những thắc mắc của bạn là chính đáng. Hai người cần sự trung thực để tin tưởng lẫn nhau, đồng thời phá tan những nghi kỵ về nhau. Sự kiện như vậy cũng là một cơ hội tốt để hai người tránh được chuyện nói dối hình thành qua thói quen.

Nàng thử thách bạn



Nếu như không nắm rõ thái độ cũng như ý định của bạn, một số phụ nữ thường nói dối để dò xét phản ứng. Chẳng hạn như nàng sẽ bịa ra một câu chuyện về người tình trong quá khứ để đo lường mức độ phản ứng của bạn. Đây là cách nói dối mà phụ nữ áp dụng rất thành công trong việc thử thách người bạn tình và thái độ của bạn là phải hết sức cảnh giác khi bị “dính” chiêu này.

Trước tiên, bạn hãy coi nhẹ cách nói dối này để có một thái độ dửng dưng. Hình thức nói dối để moi thông tin chỉ thành công trong trường hợp người đàn ông thiếu kinh nghiệm.

Nàng muốn cường điệu hình ảnh của mình



Hình thức nói dối này tạo cho nàng một hình ảnh tốt đẹp hơn những gì nàng có trong thực tế. Đây là một dạng nói dối vô hại chỉ nhằm mục đích khiến người khác yêu thích mình hơn, nhưng nếu thủ thuật này được áp dụng thường xuyên sẽ biến nàng thành một người đầy mưu lược.

Nếu nàng áp dụng cách nói dối này với bạn, bạn sẽ có cảm giác lòng tự ái của mình được vuốt mặt những người khác với mục đích nâng cao giá trị của nàng, chứ không phải của bạn. Trong trường hợp này, bạn trở thành nạn nhân của những lời nói dối!

Nàng muốn giấu quá khứ

Nói dối để che đậy quá khứ thường được nhiều phụ nữ áp dụng khi bắt đầu một cuộc tình mới. Có thể vì họ xấu hổ với chuyện không tốt đẹp trong quá khứ, nhưng cũng có thể chỉ vì muốn quên đi chuyện đã qua. Mục đích của dạng nói dối này cũng thuộc loại cường điệu hình ảnh của mình trước mắt người khác, nhưng hậu quả rất khó lường.

Tuỳ theo mức độ “tồi tệ” của quá khứ được che đậy, ta sẽ có những hậu quả khác nhau một khi sự nói dối bị phát hiện. Nói chung, đây là một trong những hình thức nói dối tệ hại nhất của phụ nữ vì nó khiến cho cánh đàn ông lạc vào “mê hồn trận”. Cũng cần nhớ: phụ nữ nói dối về quá khứ của mình vì họ sợ những phản ứng bất lợi của người bạn tình nên tuỳ theo từng tình huống cụ thể có thể châm chước cho họ.

Nói dối, dù bất cứ dưới hình thức nào, cũng đều là một thói quen xấu. Ngạn ngữ của người Anh có câu: “Những kẻ sống bằng dối trá sẽ bị chết nghẹn vì sự thật”. Điều này đúng cho tất cả mọi người chứ không riêng gì phụ nữ.

--Quá hay! Đọc bài này xong mình mới hiểu "tâm địa" phụ nữ!--

Những âm thanh đẹp nhất

Năm nay tôi 10 tuổi. Có nghĩa là trước đây 10 năm tôi vẫn còn nằm trong bụng mẹ. Mỗi khi đi đâu, mẹ mang tôi đi. Tôi chưa biết khóc. Một đứa trẻ khi nằm trong bụng mẹ chắc chắn là không biết khóc. Tôi muốn các bạn tưởng tượng điều này. Lúc đó chúng ta như thế nào nhỉ? Chúng ta không có ai làm bạn, ngoài mẹ ra. Cho nên bố tôi nói, một đứa trẻ ra đời là một sự may mắn;
ngày tôi ra đời là ngày tôi may mắn có thêm bạn mới... Chẳng hạn, làm sao tôi có thể quen thằng Tí và chọn nó làm bạn thân nếu tôi không ra đời?
Cũng theo lời bố tôi nói, một đứa trẻ khi ra đời, bà mụ sẽ đập đập vào mông gọi nó dậy. Khi còn nằm trong bụng mẹ, nó ngủ. Có nhiều đứa phải đánh đến bốn năm cái, thật buồn cười vì nó cứ tưởng vẫn còn đang nằm trong bụng mẹ.

Tôi là một trường hợp như vậy. Tôi ngủ rất say. Bà mụ phải đánh đến bảy lần. Mẹ tôi nói những đứa như vậy rất lì và hình như tôi cũng thấy đung đúng. Ở lớp, tôi nói xạo tụi bạn, bà mụ đánh tôi đến năm mươi chín lần!
- Trời ơi, cái mông mày phải sưng to lắm.
- Chúng trợn mắt tròn lên.

Hôm sau chúng khoe với tôi, mẹ chúng nói, bà mụ đánh chúng đến một trăm cái. Có đứa còn nói hai trăm. Thật không tưởng tượng nổi cái mông. Con Hồng mít ướt đụng một chút là khóc nhè còn dám nói đến bốn trăm cái. Chúng tôi cười ồ lên. Thằng Toàn thành thật nói: "Tao có hai cái à". (Hồi nãy nó nói hai trăm). Ðứa khác thì ba cái, bốn cái, còn con Hồng mới đẻ ra đã khóc rồi. Hai con mắt nó mở to lên, thế là nó khóc. Bà mụ rảnh tay, không phải nhọc công.

Bạn có khi nào hỏi mẹ mình chuyện này chưa? Tôi nghĩ sẽ rất thú vị. Bạn sẽ biết về mình lúc mới chào đời. Bạn có biết mở mắt nhìn bố mẹ không? Bạn bao nhiêu kí? Khi ngủ, bạn khóc mấy lần trong một đêm? Bạn có tóc không, màu gì? Cả trăm chuyện để biết về mình. Nhưng tôi muốn nói với bạn một điều, chúng ta phải bí mật. Chuyện đó phải riêng tư. Khi bạn giữ một điều bí mật về mình hay về ai đó, bạn sẽ không bao giờ quên. Những chuyện bạn nói ra rồi, bạn sẽ quên mất. Tôi dám chắc như vậy. Và còn một điều nữa, bạn phải tăng số lần bà mụ đánh lên, bởi vì như bố tôi nói, chúng ta không bao giờ có cơ hội được bà mụ đánh lần thứ hai. Chúng ta chỉ được khóc một lần khi chào đời, một cái khóc dễ thương nhất. Bố tôi vẫn nhớ mãi cái ngày tôi khóc. Tức cái ngày tôi chào đời. Mẹ tôi nói: "Anh ơi! Hình như em sắp sinh em bé". Bố tôi hoảng hốt ẵm mẹ đặt lên xe rơm. Ngặt một nỗi, con bò không có ở đó. Bố đã nhờ cậu tôi dắt nó đi ăn cỏ. Thế là một mình, bố kéo xe xuống thị xã. Dọc đường, mẹ cắn rơm chịu đau không la một tiếng. Bố tôi nói: "Em cứ la lên, không sao cả!". Mẹ vẫn không la. Bố nói mẹ là người cừ nhất!

Khi kể cho tụi bạn nghe chuyện này, chúng cũng bảo mẹ chúng không la. Các bạn đừng cho là chúng nói xạo nhé. Mà phải cho đó là một điều bí mật. Những điều bí mật sẽ cho chúng ta nhớ mãi, không quên.

Và mọi chuyện như tôi đã kể, bà mụ đánh tôi bảy cái. Bố thốt lên sung sướng: "Trời ơi, con trai. Cái thằng này nó lì lắm đây! Sao tôi ghét nó quá". Nói rồi ông hôn vào cái miệng đang khóc của tôi. Ông còn áp tai vào cái miệng đang khóc của tôi. Mặc cho người ông dính đầy đất cát cùng những giọt mồ hôi của ông nhỏ vào mặt tôi. Bố tôi nói, chưa bao giờ bố thấy tôi xinh đẹp như vậy. Những ngày làm việc vất vả trên đồng, bố không ngớt tưởng tượng về tôi. Bố nghĩ mặt tôi sẽ dài lắm. Cái miệng thì thật to. Ðôi tay săn chắc. Bố đã nuôi sẵn một con bò dành cho tôi cỡi rồi mà. Nhưng eo ôi, cái tay tôi bé xíu. Da thịt tôi mỏng tanh. Bố lấy tay tôi đặt lên mặt bố, rồi bố cứ nằm im như vậy. Bố nói, chưa bao giờ có một bàn tay bé xíu đặt lên mặt bố. Bé lắm. Bé khủng khiếp. Nhìn thấy tôi, bố cứ tưởng tượng như đang lạc vào xứ sở của người tí hon. Mà ở xứ sở của người tí hon thì người ta không vội vàng được. Ví như từ nhà đến trường, bạn đi vèo một cái là xong. Ở người tí hon thì không phải vậy, họ phải đi một năm. Họ không vội vàng được. Trước một đứa bé, cũng như xứ sở người tí hon, bố không vội vàng được. Muốn ẵm tôi lên, bố phải từ từ. Bố nói, ẵm một đứa bé còn mệt hơn cày một đám ruộng. Bởi vì đám ruộng bạn có thể sửa chữa nó, còn đứa bé thì không. Nó cũng không biết nói: "Ối tôi đau quá. Con kiến nó cắn mông tôi!".

Vậy đó, cái ngày tôi chào đời. Và bố muốn được nghe tôi khóc. Buổi tối, bố phải đi nhẹ chân - một nỗi khổ của bố. Bố tôi khỏe lắm, cái gì chạm phải tay ông đều kêu rổn rảng. Muốn đi nhẹ là việc cực kỳ khó khăn. Nhưng vì tôi, bố đã tập dần. Bố nói, giấc ngủ của đứa bé đẹp hơn một cánh đồng. Ðêm, bố thức để được nhìn thấy tôi ngủ - cánh đồng của bố. Bố rất tiếc không được biết bà mụ đánh bố bao nhiêu cái, bố có hay khóc không? Ông bà nội tôi mất sớm. Khi đó bố còn rất nhỏ nên chẳng được nghe ai kể lại. Những người thân trong gia đình là những người nhớ về mình nhiều và đầy đủ nhất. Những người giữ bí mật của mình.

Ngày tôi ra đời, bà mụ hỏi bố:
- Ðặt tên cậu ấm là gì nào?
Cậu ấm có nghĩa là một cậu bé sung sướng. Bà muốn tôi được sung sướng.
Bố tôi choàng dậy:
- Ừ nhỉ, sao tôi quên khuấy mất. Tôi cứ tưởng tượng về nó mãi, đâm quên.
Theo bố tôi, cái tên quan trọng lắm. Bởi nó là cái tiếng đẹp đẽ nhất mà người ta sẽ gọi trong suốt cuộc đời một đứa trẻ. Ðứa trẻ này khác với đứa trẻ kia trước tiên là một cái tên. Khi nhớ một cái tên tức là ta nhớ về một con người có cái tên đó. Không gì tuyệt diệu hơn khi mình gọi tên người thân của mình. Mẹ là cái tên chung cho tất cả những ai làm mẹ. Khi ai đó gọi mẹ ơi, tức mình hiểu người phụ nữ đó đã làm và yêu thương những công việc giống mẹ mình. Mẹ cũng là một cái tên đẹp nhất, bao giờ cũng dịu dàng. Một người tên Dũng, mình sẽ nghĩ không phải là con gái. Người tên Loan, sẽ không phải là con trai. Khi mình lớn, cái tên vẫn đi theo. Mình sẽ giữ nó như một kỷ niệm về người bố và người mẹ. Ðó cũng là tình cảm ưu ái mà bố mẹ muốn dành cho.

Bố tôi nói với bà mụ:
- Tôi muốn nó một cái tên thật hùng dũng.
- Vậy tên Dũng nhé!
- Tôi muốn nó phải thông minh nữa.
- Vậy thì Trí Dũng.
- Tôi còn muốn nó phải có hiếu nữa kia.

Và cuối cùng cái tên của tôi cũng được đặt xong. Một cái tên thật dài nhưng tôi luôn nhớ.

Bố tôi nói:
- Không có gì đẹp bằng cái tên của mình. Một cái tên là một tình thương lớn.
Bạn tên gì vậy? Có khi nào bạn hỏi bố mẹ tại sao bạn lại có cái tên đó không? Tôi tin rằng bạn sẽ được nghe một câu chuyện thật dài về nó. Ðó là một bí mật về bạn. Một bí mật mà chỉ bố và mẹ bạn biết. Và chỉ khi đó bạn mới biết tại sao một cái tên lại là một tiếng nói đẹp đẽ nhất.

(Nguyễn Ngọc Thuần)

Xin lỗi em chỉ là người tây !

Những ngày gần đây, một tiểu thuyết dịch từ tiếng Trung Quốc mang tên “Xin lỗi, em chỉ là con đĩ” đã gây xôn xao dư luận tại Việt Nam. Mình chưa đọc tiểu thuyết ấy nhưng nghe đầu đề thấy có cảm xúc muốn viết ngay một tiểu thuyết mini về mình.

“Xin lỗi, em chỉ là người Tây” sẽ là một tiểu thuyết khá thú vị với nhiều giai thoại và chuyện vặt khác nhau. Nói chính xác hơn, tiểu thuyết này sẽ là một bộ sưu tập “mẹo” mà người Tây làm việc tại Việt Nam như mình có thể sử dụng để sống thoải mái hơn hoặc thoát khỏi một số tình huống khó xử.

Ví dụ, bạn bị cảnh sát giao thông chặn lại vì vô tình đi ngược chiều vào giờ cao điểm. Theo sách của mình, bạn sẽ phải nói tiếng Anh rất nhanh, chỉ trỏ lung tung, và cố gắng để trông bối rối nhất có thể (tất nhiên là không được nói một từ tiếng Việt nào!) Cuối cùng công an sẽ thấy phát ớn, lắc đầu xua tay và nói “thôi, em cứ đi đi”. Vâng ạ! Cảm ơn anh! Và rất xin lỗi anh ạ, em không biết gì đâu – em chỉ là người Tây!

Đấy! Có gì để phát huy thì phải phát huy chứ, như trong trường hợp đeo ba-lô vào siêu thị khi chỉ có được 5 phút để mua đồ rồi phải quay lại cơ quan làm việc ngay. Bình thường thì phải đưa ba-lô cho người quản lý, lấy vé, mua đồ, đưa lại vé, lấy lại ba-lô...mệt lắm, mất thời gian lắm! Thôi cứ đi vào đi, và có lẽ bạn sẽ được nghe trộm một cuộc nói chuyện buồn cười từ đằng sau lưng: Người quản lý túi A: “Thằng Tây kia vừa đeo ba-lô đi vào đấy!” Người quản lý túi B: “Thôi, nó chỉ là thằng Tây thôi mà, có sao đâu!”…

Hoặc đi gặp bạn ở khách sạn 5 sao rồi tình cờ thấy có một bữa búp-phê rất ngon mà người ta vừa chuẩn bị xong cho những doanh nhân đang họp ở phòng bên cạnh. Miễn là mặc com-lê lịch sự và đi bộ một cách rất tự tin, bạn hoàn toàn có thể vào ăn một vài miếng hoặc uống một vài ly sâm-panh, không ai nói gì đâu! Và nếu có vấn đề gì xảy ra bạn chỉ cần nói: “xin lỗi, hình như mình nhầm hội nghị rồi, các bạn thông cảm nhé!” Người ta sẽ thông cảm chứ – bạn chỉ là người Tây mà, có biết ăn quỵt đâu!

Sự thật là người Việt Nam ở nước ngoài sống rất khéo léo và cũng nhiều người khá là thành đạt. (Người Việt Nam là một trong những “dân tộc thiểu số” thành đạt nhất ở phương Tây, phải công nhận điều đó.) Thế là chuyện người nước ngoài làm việc tại Việt Nam cố gắng để sống một cách “hơi hơi khéo léo một tí” chắc cũng không sao đâu nhỉ. Chỉ có điều là sau khi tiểu thuyết mini này được công bố thì rất nhiều mẹo của mình sẽ bị lộ ra, không sử dụng được nữa.

“Tôi biết là anh nói tiếng Việt rất giỏi!” – công an sẽ nói, và người Tây này sẽ phải xuống xe để giải quyết hậu quả của mình.

(theo Joe's blog)

--Đọc bài ngôn ngữ chát và bài này xong, mình thấy tay Joe này đáng nể thật. Viết văn tiếng việt còn giỏi hơn người việt và rất chịu khó tìm hiểu, nghiên cứu nữa. Thật khâm phục !--

Ý Tưởng Kinh Doanh Tuyệt Vời Là ý Tưởng đơn Giản Nhất

Người ta thường so một ý tưởng hay như chiếc mũi của bạn: nằm ngay trên mặt mà bạn không thấy. Một cố gái người Mỹ tên là Allen Angela đi du lịch đến Scot-land. Bực mình vì mọi cuốn sách hướng đẫn cố ta đem theo không có cuốn nào liệt kê nơi rút tiền tự động, cô bèn về nhà thành lập công ty chuyên sản xuất bản đồ giúp du khách và cả người dân địa phuơng có thể tìm thấy nơi rút tiền bằng thẻ ATM. Dĩ nhiên, một ý tưởng như thế chỉ có thể thành công ở các nước sử dụng thẻ tín dụng phổ biến, nơi nào cũng có máy ATM. Tuy nhiên, cách Angela biến ý tưởng thành hiện thực rất đáng để chúng ta nghiên cứu.

Đầu tiên cô nghiên cứu sach bản đồ, đi dự nhiều hội thảo của ngành vẽ bản đồ, và học thêm cách lập cơ sở dữ liệu máy tính. Sau đó cô lang thang khắp thành phố New York ghi chép hết mọi địa điểm có lắp rút tiền tự động. Khi có dữ liệu kha khá, cô thuê thêm một nhân viên đồ họa và chẳng bao lâu bắt đầu sản xấut loại bản đồ cô đặt tên "Money Map". bản in đầu tiên có số lượng 10.000 in sáu thứ tiếng bán chạy như tôm tươi. Bản đồ của cô liệt kê thêm quầy đổi ngoại tệ, nơi gởi và nhận tiền khẩn...Những ấn bản sau, nhiều hãng phát hành sách đặt mua số lượng lớn.

Cái hay của ý tưởng kinh doanh này là tính đơn giản. Đồng thời ý tưởng rất dễ triển khai qua những lĩnh vực khác tương tự. Chẳng hạn, Nếu chú ý ta hầu hết đều thấy du khách đến Việt Nam đều đem theo cuốn sách hướng dẫn du lịch của Lonely planet xuất bản. Giả sử có ai nhanh tay in tấm bản đồ thành phố HCM ghi rõ các địa điểm bán hàng thủ công mỹ nghệ mà du khách Nhật đang ưa chuộng, chắc sẽ bán được và bán dài dài.

Đối với Angela, vấn đề bây giờ là làm sao đưa bản đồ của cô vào bán trong mọi khach sạn New York để nâng số lượng phát hành, thương thảo với các nhà quảng cáo để bán thêm diện tích quảng cáo trên bản đồ để tăng thêm doanh thu và chuẩn bị tiến công vào các thành phố lớn khác trên nước Mỹ.

(Võ Dương)



Tản mạn về mảnh bằng Ph.D

Những năm gần đây có khá nhiều sinh viên Việt Nam du học ở Mỹ và nhiều nước khác, bằng nhiều con đường khác nhau. Người có học bổng, chức trợ giảng (teaching assistant - TA), hoặc trợ nghiên cứu (research assistant - RA), người thì du học tự túc. Tôi không nhớ chính xác là đã đọc ở đâu đó rằng có hơn nghìn du học sinh mỗi năm sang Mỹ. Nhiều người trong số họ theo học tiến sĩ (Ph.D).

Thông tin về làm thế nào để xin học bổng, TA, RA, xin thư giới thiệu, cách viết dự định cá nhân (personal statement), vân vân đầy rẫy trên các mailing lists trên Internet.

Thế nhưng, một số câu hỏi quan trọng mà tôi ít thấy sinh viên hỏi là: "tại sao lại học Ph.D?", "có đáng bỏ thời gian học Ph.D hay không?", "làm thế nào để đánh giá mảnh bằng Ph.D?", "tôi có đủ khả năng để học Ph.D hay không?", "học Ph.D xong rồi làm gì?", vân vân.

Có lẽ ta cần một luận án ... Ph.D để trả lời phần nào thỏa đáng các câu hỏi trên. Cũng có lẽ có ai đó trong các ngành giáo dục hay tâm lý học đã làm rồi. Về mặt kinh tế thì một người bạn cho tôi biết đã có cả mớ công trình nghiên cứu về “cái giá của giáo dục” (returns to education).

Trong bài viết này, tôi thử lạm bàn lan man xung quanh các câu hỏi trên. Bài viết hoàn toàn không mang tính hàn lâm (academic), nghĩa là sẽ không có các con số thống kê, bảng phân tích, để ủng hộ một (vài) luận điểm nào đó. Sẽ không có tham khảo đến các nguồn thông tin tín cẩn và các thứ tương tự. Tác giả chỉ dựa trên các kinh nghiệm, quan sát, và suy nghĩ cá nhân, sau gần chục năm học và "hành nghề" Ph.D ở Mỹ.

Tôi chắc là một cá nhân khác trong hoàn cảnh của tôi sẽ có không ít ý kiến bất đồng. Tôi cũng không có tham vọng nói hết được những cóp nhặt kinh nghiệm của mình. Ngoài ra, tôi sẽ nhấn mạnh nhiều hơn mặt trái của việc học Ph.D.

Ðiều tôi hy vọng là qua bài viết này, tôi có thể giúp cho các sinh viên (cùng gia đình) sẽ và đang học Ph.D ít nhiều chuẩn bị tinh thần cho đoạn đường chông gai nhưng thú vị này; hy vọng chỉ ra được một góc nhìn khác về Ph.D so với quan niệm chung của xã hội.

1. Ph.D là gì ?

Trước hết ta hãy thử bàn về mảnh bằng Ph.D từ cái nhìn hàn lâm. Ph.D là viết tắt của chữ Doctor of Philosophy. Học bậc Ph.D, cao nhất trong các học bậc, đầu tiên xuất hiện ở Ðức, sau đó được Mỹ và nhiều nước phương tây khác sử dụng. Bằng Ph.D đầu tiên của Mỹ xuất hiện khoảng cuối thế kỷ 19. (Ơ Y' cho đến những năm 1980 mới có bằng Ph.D.)

Từ Ph.D có gốc latin là Philosophiae Doctor. Chữ doctor nghĩa là "thầy" (teacher), và "chuyên gia", "chức trách" (authority). Chữ philosophy (triết học) có nguồn gốc từ thời trung cổ (medieval) ở Châu Ảu, khi mà các trường đại học có bốn chuyên khoa (faculty) chính: thần học (theology), luật học (law), y học (medicine), và triết học (philosophy). Philosophy ở đây dùng để chỉ các ngành học không dẫn đến một nghề nghiệp thực tế nhất định của thời đó như người của nhà thờ, luật sư, và bác sĩ.

Ðến nay thì không phải Ph.D nào cũng liên quan đến philosophy, cho dù lấy theo nghĩa bóng nhất của từ này. Tuy nhiên chữ doctor vẫn mang đầy đủ ý nghĩa của nó. Ở phương Tây, trong nghi thức giao tiếp người ta gọi một người có bằng Ph.D là doctor. Hầu hết các trường đại học đều đòi hỏi toàn bộ giảng viên và các giáo sư có bằng Ph.D. Ða số các nhà nghiên cứu ở các phòng nghiên cứu chuyên nghiệp đều có bằng Ph.D.

Tuy vậy, điều ngược lại không đúng: không phải tất cả các Ph.D đều có thể làm giảng viên, giáo sư, hay nghiên cứu viên. Có những Ph.D thậm chí chẳng bằng một kỹ sư thông thường. Cũng có khá nhiều Ph.D, sau khi "hành nghề" một thời gian thì lên chức, hoặc chuyển sang làm salesman hoặc làm quản lý, vân vân. Ta sẽ quay lại đề tài này sau.

Cái nhìn hiện đại của Ph.D như sau. Ðể hoàn tất Ph.D, sinh viên phải đạt được hai mục tiêu chính: (a) hoàn toàn tinh thông một ngành (hoặc phân ngành) nào đó, và (b) góp phần mở rộng khối kiến thức của nhân loại về ngành đó.

Mục tiêu (b) là cái lõi để phân biệt bậc Ph.D với các bậc học khác. Ph.D không phải là cái bằng "nhai lại": đọc nhiều, thi lấy điểm cao là xong. Một Ph.D đúng nghĩa phải có một vài công trình và ý tưởng nghiên cứu của riêng mình (originality).

Về mặt lý thuyết thì là thế. Thực tế ra sao?

2. "Nghề" Ph.D: đoạn trường cũng lắm chông gai



Ở Mỹ, là sinh viên sau đại học (graduate student) cũng là một nghề. (Tôi không dùng từ "nghiên cứu sinh" vì không phải graduate student nào cũng làm nghiên cứu thực thụ, nhất là các sinh viên đang học thạc sĩ.) Các graduate students thường làm TA hoặc RA, với mức lương khoảng 900USD đến 1200USD một tháng (sau thuế), tiền học được bao. Sống tằn tiện thì mức lương này vừa đủ một người sống. Thường thì các gradudate students sống chui rúc trong một căn hộ nhỏ bé nào đó (dĩ nhiên là có ngoại lệ, đa phần do may mắn), hầu hết thời gian dùng ở các phòng lab (phòng thí nghiệm hoặc phòng máy tính) và thư viện. Tối về đến nhà là lăn ra ngủ để rồi sáng mài mèo con lại hớn hở bút chì bánh mì lên đường.

Kể chuyện cuộc sống gradudate students thì có lẽ cần một tiểu thuyết vài trăm trang. Ðiều tôi muốn đề cập là: trong hoàn cảnh làm việc căng thẳng như vậy, một sinh viên thông thường thỉnh thoảng sẽ phải tự đặt câu hỏi "có đáng không?" Nhất là khi công việc học tập và nghiên cứu không trôi chảy. Mà kể cả khi nó hoàn toàn trôi chảy, tính về các mặt kinh tế, tinh thần, thời gian, và ... philosophy, câu hỏi trên vẫn hoàn toàn hợp lệ.

Về mặt kinh tế thì lương trung bình của Ph.D ra trường có nhỉnh hơn thạc sĩ (M.S) và bậc đại học (B.S) một chút, nhưng sự khác biệt này không khỏa lấp được lỗ lã cho thu nhập đã mất trong khoảng thời gian làm Ph.D: trung bình từ 4 đến 5 năm. Tính tổng số USD kiếm được cho mỗi giờ học tập thì Ph.D là hạng bét (tính tương đối theo từng ngành học).

Về mặt tinh thần thì làm việc căng thẳng và cật lực trong một thời gian dài trong một môi trường cạnh tranh tương đối công bằng nhưng khắc nghiệt (!) hoàn toàn có thể ảnh hưởng xấu đến tâm lý cá nhân. Ðiều này đặc biệt đúng với sinh viên du học: thiếu thốn các nhu cầu văn hóa và tinh thần cơ bản của quê hương, cơ hội tìm bạn tình hoặc bạn đời bị giảm thiểu (với phái nam), vân vân. Không phải hiếm mà người ta hay thấy bọn Ph.D hơi ... gàn gàn. Công bằng mà nói, gradudate students do thiếu thốn văn hóa hay tìm cách nghiên cứu học hỏi thêm cái này cái khác ngoài ngành của mình (nhạc, thơ, lịch sử, chính trị, triết học, ...), cho nên bọn gàn cũng có thể rất đa tài. Ở Mỹ thì địa vị xã hội của một Ph.D cũng chẳng hơn gì các nghành nghề khác là mấy.

Yếu tố tinh thần này rất quan trọng. Có không ít các gradudate students cần đến 8, 9 năm mới làm xong Ph.D. Nhiều năm trời "ở mãi kinh kỳ với bút nghiên", ngoảnh đi ngoảnh lại chưa làm được gì ra hồn mà đã ngoài 30. Khi thị trường việc cho Ph.D bị thuyên giảm thì người ta rơi vào cái vực muôn thuở: "về hay ở", "về thì đâm đầu vào đâu?". Nhiều năm làm việc với mức lương vừa đủ sống, các Ph.D mới ra trường hoàn toàn không dành giụm được gì, chưa nói đến việc nợ thẻ tín dụng kha khá. Dù các nhà chức trách đã có kế hoạch đãi ngộ nhân tài, chế độ này vẫn còn xa rời thực tế. Ðầu tư tinh thần và thời gian của một Ph.D quá nhiều để có thể hài lòng với một công việc một vài triệu đồng một tháng. Họ sẽ phải tự hỏi: nếu xưa mình không đi học thì bây giờ cũng có thể đã phây phây lương vài triệu một tháng? Vậy cả chục năm trời bỏ ra công cốc à? Tôi đã nhập nhằng yếu tố tinh thần và kinh tế, nhưng đôi khi ta không tách rời chúng được.

Một khía cạnh khác của yếu tố tinh thần là sức ép của gia đình và người thân. "Người ta 4 năm đã xong Ph.D, vợ con nhà cửa đàng hoàng, bọn không Ph.D thì cũng giám đốc với trưởng phòng, xây nhà to cửa rộng cho bố cho mẹ; còn mày bây giờ ngoài 30 mà vẫn cứ lông bông tay trắng. Ông chẳng ra ông, thằng chẳng ra thằng".

Về mặt triết học mà nói thì có đáng học Ph.D không? Câu hỏi này phụ thuộc rất nhiều vào bản thân sinh viên: đi học Ph.D để làm gì? Ta sẽ quay lại điểm này trong phần tới.

Bây giờ hãy giả dụ cô/anh Ph.D yêu dấu của ta tìm được một công việc ổn định ở nước ngoài, quyết định ở lại tích lũy tư bản giúp gia đình và tích lũy kinh nghiệm để sau này, cách này hay cách khác, (về) giúp quê hương. Có hai nhánh công việc chính cho một Ph.D mới ra trường: (a) làm việc ở một phòng nghiên cứu chuyên nghiệp nào đó, và (b) một chân giảng viên hoặc giáo sư ở một trường đại học.

(Hai công việc này có thể chỉ có được sau một vài năm làm postdoc nữa . Ta hãy cứ gộp luôn postdoc vào tổng thời gian cho tiện, mặc dù lương postdoc khá hơn lương gradudate students.)

Lương bổng và giá trị của vị trí mới phụ thuộc hoàn toàn vào việc người ta đánh giá Ph.D như thế nào. Tôi sẽ bàn về việc này trước. Tôi cũng có ý nói lan man vềđề tài "định trị Ph.D" sau khi đọc một bản tin ở VNExpress thấy trong nước người ta có nói về đánh giá Ph.D loại "giỏi, khá, trung bình" (sau một buổi họp nào đó). Phạm vi "định trị Ph.D" của tôi chủ yếu áp dụng cho các nghành kỹ thuật và khoa học tự nhiên như điện, điện tử, khoa học máy tính, toán, lý, ...

Khi xưa thì giá trị của một Ph.D mới ra trường tùy thuộc vào giá trị công trình nghiên cứu trong luận văn tốt nghiệp. Sau khi ra trường thì doctor mới sẽ phát triển công trình này thành một vài bài báo đăng ở các tạp chí (journals) và hội nghị (conference) chuyên ngành. Các bài báo này đều được phê bình (reviewed) bởi các chuyên gia đã trưởng thành trong cùng ngành. Các bài báo không đóng góp gì nhiều hoặc vớ vẩn sẽ không được nhận đăng.

Hiện nay thì áp lực đăng báo (publication) của graduate students khi còn đang học lớn hơn gấp bội. Một công việc kha khá ở một trường đại học hay phòng nghiên cứu danh tiếng thường nhận doctor mới với hơn chục bài báo. Trung bình một giáo sư trẻ mới ra trường trong ngành khoa học máy tính có đến khoảng 3-5 journal papers và cả chục conference papers.

Dĩ nhiên số lượng là thứ yếu, chất lượng mới quan trọng. Một công trình chất lượng cao sẽ được nhiều người biết đến rất sớm, và có thể nói không ngoa là nó quan trọng hơn cả trăm bài báo dạng ... "bổ củi". (Bổ củi là tính từ dân gian trong giới khoa học Việt Nam để chỉ các bài báo thường thường bậc trung, ai làm mãi rồi cũng xong.)

Ðối với Ph.D ở Mỹ thì điểm học trung bình khi học Ph.D hầu như không mang ý nghĩa gì cả, ngoại trừ điểm tối thiểu để có thể được tiếp tục học, khoảng chừng 3.3 đến 3.5 trên 4.0, tùy theo trường. Số lượng và chất lượng các bài báo và các công trình nghiên cứu khác (một ứng dụng máy tính chẳng hạn) mới là tiêu chí đánh giá Ph.D. Không có chuyện người ta xếp loại Ph.D trung bình, yếu, giỏi, khá, vân vân. Lý do chính là: làm chuyện này hầu như là vô vọng. Ai có đủ thẩm quyền và thời gian để đánh giá. Kể cả giáo sư hướng dẫn chưa chắc đã biết hết về phân ngành mà sinh viên của mình làm, huống gì người ngoài. Có rất nhiều công trình đăng báo vài năm hoặc vài chục năm sau người ta mới thấy hết giá trị của nó. Cũng có cả tỉ công trình lúc mới đăng thì ai cũng xúm vào khen, nhưng vài năm sau thì lặng tăm.

Dĩ nhiên có khá nhiều các công trình mà người trong ngành đọc biết ngay là "dỏm" hay "xịn". Nhưng vấn đề chính là không ai có thời gian xếp loại và định trị Ph.D. Ở Mỹ, kinh tế thị trường tương đối công bằng. Ph.D giỏi sẽ được đồng nghiệp biết đến, tìm được việc ở các trường đại học và phòng nghiên cứu danh tiếng, vân vân. Cũng có thể có Ph.D giỏi không tìm được việc, hoặc Ph.D dỏm "lọt lưới" cung cầu. Các trường hợp này đều là ngoại lệ hiếm hoi.

Lại nói thêm về đăng báo. Ta hãy nhớ mục tiêu (b) của Ph.D: đóng góp vào khối kiến thức của nhân loại. Ph.D mà không có bài báo nào thì có 10 Ph.D cũng hoàn vô nghĩa, theo nghĩa tinh khiết nhất của chữ Ph.D. Chí ít, Ph.D phải chia xẻ các thu lượm và nghiên cứu của mình với đồng nghiệp ở một vài hội nghị và journal danh tiếng nào đó.

Các nhà xuất bản khoa học ở phương Tây cũng làm kinh tế. Có rất nhiều các hội nghị và journals hạng bét, bài vớ va vớ vẩn cũng đăng vào được. Chỉ có người trong ngành mới biết được hội nghị và journal nào có uy tín. Mà kể cả ở các nơi có uy tín này ta vẫn có thể tìm thấy các bài báo tồi.

Tóm lại, công việc "định trị Ph.D" hoàn toàn không đơn giản chút nào. Áp lực phải đăng báo đè rất nặng lên vai các gradudate students. Ngược lại, cảm giác công trình của mình được đồng nghiệp công nhận và đánh giá cao cũng rất tuyệt vời!

Trong 5, 6 năm đầu sau khi ra trường, bất kể công việc là giáo sư hay nghiên cứu viên, áp lực viết báo và xin tiền làm nghiên cứu còn nặng hơn khi còn là sinh viên nữa.

(Ở đây ta loại trừ các trường hợp người ta chỉ muốn có Ph.D để theo đuổi nghề giảng viên (lecturer) nào đó. Có lẽ phải khẳng định rằng mục tiêu này cũng cao quí như các mục tiêu "cạnh tranh khắc nghiệt" khác.)

Nếu Ph.D trẻ không khẳng định được mình trong 5, 6 năm đầu tiên này thì thường là sẽ không giữ được công việc của mình. Có lẽ bạn đọc cũng có thể tưởng tượng được áp lực này nặng như thế nào. Các bài báo đều là các công trình sáng tạo mà trước đó chưa có ai làm, chưa có ai nghĩ ra (chí ít là về nguyên tắc). Làm thế nào mà ai đó có thể đảm bảo một năng suất sáng tạo nhất định trong một thời gian dài như vậy? Có đáng bỏ ngần ấy thời gian và công sức cho một mục tiêu mà phần thưởng về cả kinh tế, tinh thần, triết học, sức khỏe đều khá mập mờ?

3. Tại sao lại học Ph.D? Có nên học Ph.D không?

Ta thử ghi ra đây một phần nhỏ các lý do:

a) Bạn bè đều đi nước ngoài học sau đại học.
b) Ðược xã hội nể trọng, oách ra phết.
c) Ðể học được kiến thức tiên tiến.
d) Không rõ lắm. Từ bé học đã giỏi, thì cứ tiếp tục học.
e) Có lẽ là con đường duy nhất để cải thiện đời sống gia đình và cá nhân.
f) Ðể mở tầm mắt ra những chân trời mới.
g) Ðể sau này về làm giáo sư đại học.
h) Ðể được làm nghiên cứu khoa học.
i) Ðể thay đổi thế giới quan.
......
z) Tất cả các lý do trên.

Và z phẩy) Không làm Ph.D thì làm gì?

Ðối với đa số gradudate students và graduate-students-tương-lai thì câu trả lời là một tập con khá lớn của vài tá câu trả lời mà ai cũng có thể nghĩ ra.

Ta hãy thử phân tích vài chọn lựa quan trọng nhất.

Làm Ph.D để mở mang kiến thức. Ðây là một mục tiêu rất quan trọng và mang tính cá nhân. Mark Twain từng nói: "đừng để trường lớp cản trở con đường giáo dục của bạn" (Don't let school get in the way of your education). Trường lớp không phải là con đường duy nhất đến Rome của tri thức. Tuy vậy, trong hoàn cảnh lạc hậu của một nước thế giới thứ ba như Việt Nam ta, thì ra nước ngoài học thêm là con đường hữu lý.

Câu hỏi chính mà ta nên đặt ra là chỉ nên học M.S thôi, hay là học cả Ph.D. Chỉ về kiến thức mà nói, thì hai năm M.S cũng đủ cho một sinh viên thông minh sau đó tự học. Làm Ph.D cũng đa phần là tự học thôi.

Làm Ph.D để có một cuộc sống tốt đẹp hơn, được xã hội nể trọng hơn; vì bạn bè ai cũng học Ph.D; có bằng Ph.D rất oách; từ bé đã học giỏi thì cứ tiếp tục học; vân vân.

Một Ph.D thực thụ sẽ cho bạn biết rằng các lý do loại này đều là sai lầm to lớn! Tôi hoàn toàn không có ý định "giảng đạo" về chọn lựa cá nhân của ai. Tôi cũng không nói động cơ "hám bằng cấp" hay "oai oách" là sai trái. Ðó là chọn lựa của từng cá nhân. Ðiểm tôi muốn nói là các động cơ loại này sẽ không thể giúp sinh viên hoàn thành tốt việc học Ph.D. Việc hay so sánh mình với bạn bè và người khác sẽ tạo nên áp lực tinh thần không thể chịu nổi trong khi học. Yêu thích "tiếng tăm" cũng vậy. "Học giỏi", theo nghĩa ở ta, là thi thố điểm cao và "nhai lại" những gì được dạy, cho nên học giỏi chưa chắc đã liên quan mấy đến khả năng sáng tạo - khả năng sống còn của Ph.D.

Từ khóa dẫn đến thành công của sinh viên Ph.D phải là “đam mê". Ðam mê học hỏi và sáng tạo trong một phân ngành nhất định! Trừ những người thật sự xuất chúng thì đa số chúng ta sẽ không thể làm thành công Ph.D ở một ngành nào đó chỉ vì "xã hội cần nó", hay "nó kiếm ra tiền".

Nếu chỉ đam mê học hỏi không thôi thì cũng không đáng bỏ ra ngần ấy thời gian để làm Ph.D. Ta hoàn toàn có thể làm M.S rồi tự đọc, tự học thêm.

Tất cả các thành quả như chức vụ, danh tiếng, oai oách, vân vân đều phải, và nên, là sản phẩm phụ của quá trình theo đuổi nỗi đam mê sáng tạo và mở mang tri thức này.

Ðấy là nói về "động lực" học Ph.D. Thế còn "khả năng" thì sao? Quá trình học Ph.D lên xuống như hình sin. Sẽ có bao nhiêu trở ngại kinh tế, tinh thần phải vượt qua. Một trong những trở ngại lớn nhất là: sau một vài thất bại trong nghiên cứu, các sinh viên sẽ phải tự hỏi "ta có đủ khả năng làm Ph.D không nhỉ?"

Ðam mê và khả năng tạo thành cái vòng luẩn quẩn. Ta có xu hướng đam mê cái mà ta giỏi, và ta thường xuất sắc ở công việc mà ta đam mê. Nhảy vào được cái vòng này là hành trình cá nhân. Có lẽ không ai trả lời thay ta được.

4. Phụ huynh: xin đừng gây áp lực tâm lý

Không ít các bậc phụ huynh mà tôi được dịp quan sát đặt rất nhiều kỳ vọng vào con em mình về con đường hàn lâm. Họ đầu tư tiền bạc và thời gian, nuôi niềm hy vọng ngày nào đó sẽ có một "trạng nguyên" vinh quy bái tổ, nở mày nở mặt với hàng xóm láng giềng và bè bạn. Chuyện này có ở tất cả các học bậc, không riêng gì Ph.D. Tuy vậy, áp lực ở Ph.D lớn hơn khá nhiều vì graduate students sẽ phải cạnh tranh với các sinh viên xuất sắc trên toàn thế giới.

Tôn trọng tri thức và học tập là điều tốt, và bằng cấp là một thước đo tương đối chính xác của tri thức. Nhưng nó không phải là thước đo duy nhất. Ðó là chưa nói đến các câu hỏi như: đạt được tri thức loại gì thì mới được coi là "thành nhân"? Khó mà có thể đo lường xem một Ph.D và một anh đạp xích lô ai có "đóng góp" nhiều hơn cho xã hội, hay ai "hạnh phúc" hơn ai, theo bất kỳ nghĩa nào của các từ này. Có một ranh giới rất bé giữa "tôn trọng tri thức" và "hám bằng cấp".

Hy vọng tôi đã hay sẽ thuyết phục được bạn rằng Ph.D cũng thượng vàng hạ cám. Một Ph.D về khoa học máy tính chẳng hạn, nếu làm nghiên cứu về một phân ngành chẳng ai quan tâm, đăng vài bài báo ở các chỗ linh tinh, thì sẽ từ từ xa rời dòng chảy chính của tri thức nhân loại. Có không ít Ph.D về khoa học máy tính lập trình không ra hồn, thua hẳn một kỹ sư thông thường, chính là vì lý do này.

Tôi lại triết lý 3-xu rồi. Ðiều tôi muốn nói là niềm "hy vọng" của các bậc phụ huynh tạo áp lực cực lớn ảnh hưởng đến kết quả học tập và nghiên cứu của sinh viên. Trong khi chọn lựa nghề nghiệp tương lai đáng lẽ nên là chọn lựa cá nhân!

5. Ðạt được Ph.D chỉ là bước đầu

Còn khá nhiều điểm khác tôi muốn nói, nhưng bài đã dài. Lấy Ph.D chỉ là bước đầu rất nhỏ của một nghề nghiệp, cũng như bao nhiều nghề nghiệp khác. Có Ph.D có thể đồng nghĩa với những phần thưởng đáng quí về kinh tế và tinh thần về cả mặt xã hội lẫn cá nhân, nhưng bù lại cái giá phải trả về mọi mặt cũng cao không kém. "Nghề" Ph.D chẳng cao quí hơn nhiều nghề khác, mà thời gian và công sức bỏ ra lại nhiều hơn khá nhiều.

Cuộc sống và các chọn lựa cá nhân lẽ dĩ nhiên là phức tạp. Tôi hy vọng qua bài viết này các bạn trẻ có thể có một cái nhìn và suy nghĩ cẩn trọng hơn trước khi theo đuổi "con đường đau khổ" này. Ta không thể theo nó chỉ vì các ảo tưởng danh tiếng, bằng cấp và tiền bạc. Ðầu tư như vậy không có lãi!

Một trong những điều kiện cần cho nghề này là khả năng theo đuổi nỗi đam mê nghiên cứu và sáng tạo trong một thời gian dài. Bằng Ph.D chỉ là một bước cỏn con trong hành trình chông gai nhưng thú vị này. Nó hoàn toàn không phải là con đường duy nhất.

Thứ bảy, 29 tháng 11, 2003.
Ngô Quang Hưng

Hạnh phúc lớn nhất của đời người là biết buông tha

Trong xử thế, dám nắm lấy là dũng khí, dám buông ra là độ lượng. Phần lớn những người có kinh nghiệm xử thế đều xem thường những hoa tươi, tiếng vỗ tay... trên đường đời.

Nhưng nếu nhìn nhận một cách bình thường đối với những gập ghềnh, bùn lầy... trong cuộc sống, thì không phải là điều dễ làm. Có thể không hoảng hốt, có thể thản nhiên chịu đựng những trở ngại lớn, những tai họa lớn, chính là vì có lòng độ lượng. Người quân tử lấy lòng độ lượng dung nạp mọi việc trong thiên hạ làm nguồn vui, đã đến rồi thì hãy ở yên mà thích ứng với hoàn cảnh là một hình thức siêu thoát.

Biết nắm lấy thực đáng quý, nhưng biết buông ra mới là đạo lý chân chính xử thế trong đời.