Friday, September 16, 2011

Câu chuyện Rocky

Năm 1974 Sylvester Stallone, một diễn viên và nhà viết kịch bản phim, nản chí và bần cùng. Trong lúc ngồi xem một trậng đấu quyền Anh, anh bỗng bắt được cảm hứng bởi một tay quyền Anh “tầm thường”, một người không thể so sánh gì được với Mohammed Ali vĩ đại. Thế là anh chạy bổ về nhà và trong một cơn bộc phát cảm hứng kéo dài 3 ngày đã cho ra đời bản nháp đầu tiên của kịch bản mang tên Rocky.

Khi trong túi chỉ còn 106USD cuối cùng của mình, Stallone nộp kịch bản cho đại lý của anh. Một trường quay đề nghị 20.000USD với điều kiện để diễn viên Ryan O’Neal hay Burt Reynolds đóng vai chính. Dù phấn khích bởi lời đề nghị này nhưng Stallone muốn tự mình đóng vai chính. Anh đề nghị diễn không tính tiền và người ta đã bảo anh rằng, “Đó không phải là cách hiệu quả tại Hollywood.” Stallone từ chối lời đề nghị dù anh hết sức cần tiền.
Sau đó họ đề nghị anh 80.000USD với điều kiện là anh sẽ không đóng vai chính. Anh lại từ chối lần nữa.

Họ nói với anh rằng họ muốn Robert Redford đóng vai chính, và sẽ trả cho anh 200.000USD. Một lần nữa Stallone lại từ chối.

Họ tăng giá lên 300.000USD cho kịch bản của anh. Anh bảo họ rằng anh không muốn trải qua suốt cuộc đời mình cứ thắc mắc với việc “Nếu mà?”

Họ trả cho anh 330.000USD. Anh bảo họ rằng anh thà không thấy bộ phim được thực hiện hơn là anh không thể đóng vai chính.

Cuối cùng họ đồng ý để anh đóng vai chính. Anh được trả 20.000USD cho tiền kịch bản cộng với 340USD mỗi tuần, mức lương tối thiểu của một diễn viên. Sau khi trừ đi các chi phí, phí đại lý, thuế, anh chỉ thu được thực tế 6000USD thay vì 330.000USD.

Năm 1976 Stallone được đề cử giải thưởng Hàn lâm cho Nam diễn viên xuất sắc nhất. Bộ phim Rocky đã giành được ba giải Oscar: Hình ảnh đẹp nhất, đạo diễn xuất sắc nhất, và kịch bản phim hay nhất. Loạt phim Rocky từ đó đã kiếm được cả thảy gần 1 tỉ USD, đưa Sylvester Stallone thành diễn viên điện ảnh quốc tế.

Hãy đi theo khí phách của Stallone. Hãy gắn chặt với những khẩu súng của mình.
giaunhanh.com

Nguyên nhân khiến bạn nghèo

Xin tóm tắt dưới đây những kiến thức cần thiết trên con đường tìm kiếm sự tự do về tài chính được đăng tải đến nay:
a) Theo Robert T. Kiyosaki và Sharon L. Lechter tác giả của 2 cuốn sách “Dạy con làm giàu ” và “Cha giàu cha nghèo” có thể chia nhân loại thành bốn loại người theo phương thức kiếm tiền của họ (Kim Tứ Đồ): Những người làm công ăn lương (L); Nhóm người làm tư (T); Nhóm Chủ doanh nghiệp, công ty (C); Nhóm Nhà đầu tư (Đ) trong đó Nhóm những người làm công ăn lương là những người ưa thích sự an toàn, ổn định, ngại mạo hiểm, không thích rủi ro nhất là trong vấn đề tiền bạc; Nhóm làm tư (T) thường là những người giỏi nghề và coi trọng sự tự do của cá nhân, thích được tự mình định đoạt công việc và cuộc sống cá nhân. Họ là người làm chủ một công việc và thường chỉ tin vào bản thân hơn là tin vào người khác; Nhóm Chủ doanh nghiệp (C) là những người có khả năng lãnh đạo người khác, thích phân chia công việc, thích mướn những người giỏi hơn làm việc cho mình. Nhóm người này làm chủ một hệ thống, một quy trình kinh doanh chứ không làm chủ một công việc; Nhóm các Nhà đầu tư (Đ) là những người làm ra tiền bằng tiền. Robert T. Kiyosaki và Sharon L. Lechter cũng cho rằng nếu bạn muốn trở thành người giàu có, bất kể bạn đang kiếm tiền từ nhóm nào bạn phải tìm cách trở thành Nhà đầu tư;
b) Bí quyết thành công của những người giàu không nằm ở chỗ họ thuần tuý gặp may hay thuận lợi hơn bạn nhờ được thừa kế một gia tài kếch sù …mà chính là do họ luôn mơ ước, luôn khát khao, luôn hành động vươn tới để làm giàu, để có sự tự do về tài chính;
c) Theo người giàu, Tài sản là bất cứ cái gì mang lại lợi nhuận, làm tăng thu nhập còn Tiêu sản là bất cứ cái gì không sinh ra lợi nhuận, làm giảm thu nhập. Chính vì thế người giàu luôn luôn cố gắng mua Tài sản và giảm thiểu Tiêu sản còn người nghèo và trung lưu thì ngược lại luôn luôn mua Tiêu sản mà tưởng nhầm đó là Tài sản. Kết quả là người giàu ngày càng giàu hơn còn người nghèo ngày càng nghèo đi; Muốn cải thiện tình hình tài chính, bạn phải giảm thiểu việc mua Tiêu sản và cố gắng tối đa mua Tài sản;
d) Thói quen bầy đàn của người nghèo và trung lưu là một thói quen tiêu tốn rất nhiều thời gian, tiền bạc và sức lực của nhân loại. Thói quen này làm cho bạn và những thế hệ mai sau của bạn không bao giờ thuộc hàng ngũ người giàu mà bạn và con cháu của bạn, chút chít của bạn chỉ có thể nằm trong số 95% người nghèo và trung lưu của nhân loại mà thôi;
e) Người giàu hành động bao giờ cũng có mục tiêu. Những người giàu hoặc muốn trở nên giàu không bao giờ hành động theo cảm tính, không a dua theo bầy. Họ biết cách chia mục tiêu của họ ra thành những mục tiêu nhỏ hơn, khả thi và thực hiện nó bền bỉ ngày này qua ngày khác như con ong chăm chỉ hút từng hạt phấn hoa nhỏ li ti để đến một ngày kia cho đời một chõ mật ong to ngọt lịm và vàng óng. Trong khi đó người nghèo thường đặt ra những mục tiêu to tát lúc đầu nhưng sau đó lại thực hiện theo kiểu “Đầu voi đuôi chuột”;
f) Người nghèo với mong muốn một mai được mở mặt với đời thường sống theo kiểu “Hy sinh đời bố củng cố đời con” . Nhưng kết quả thật buồn rầu vì những gì hôm nay bạn không muốn làm thì đường kỳ vọng rằng con cháu bạn sẽ làm điều đó trong tương lai. Và thật nghịch lý là cái cách sống vô tư “Đời cua, cua máy; Đời cáy, cáy đào” xem ra lại hợp với quy luật chọn lọc của tự nhiên, hợp với tạo hoá hơn, mặc dù vậy sống như vậy cũng không phải là cách sống tốt nhất, cách sống có trách nhiệm nhất;
g) Hãy sống với hiện tại! Hãy sống với từng giây, từng phút của ngày hôm nay! Hãy sống vì vì sự hoàn thiện của chính mình chứ đừng sống vì cái gì xa vời ở đâu đó! Hãy bắt đầu cuộc cách mạng với chính bản thân để làm nền móng vững chắc cho cái lâu đài nguy nga, tráng lệ mà ta muốn các thế hệ mai sau dựng nên. Đấy là lối sống văn hoá nhất và có trách nhiệm nhất. Sống trong một môi trường thấm đẫm khát khao vươn tới, trong một gia đình mà bố mẹ thật sự năng động, sáng tạo, độc lập, quyết đoán, trung thực, sống trong một gia đình mà mỗi hành vi ứng xử của các cá nhân tràn ngập tính nhân văn, lòng nhân ái, vị tha thì bạn lo gì con cái bạn không trưởng thành. Các cụ dạy “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng” và quy luật nhân quả của muôn đời là “Gieo hạt gì thì gặt vụ mùa đó” là như vậy;
h) Thời gian không chỉ là tiền bạc, thời gian chính là cuộc sống. Một khi bạn đã hành xử không đúng, bạn không chỉ mất tiền bạc mà còn mất luôn cả cuộc sống. Bạn sẽ sống phí hoài những năm tháng quý giá mà tạo hoá đã ban cho. Bạn sẽ sống vật vờ, nhàn nhạt theo bầy đàn, theo bản năng như bao người khác và đương nhiên là bạn sẽ luôn luôn gặp khó khăn về tài chính. Muốn cải thiện tình hình, bạn phải bắt đầu ngay từ ngày hôm nay chứ đừng đợi đến ngày mai.
Bạn có thể nóng ruột nói rằng những kiến thức này ai mà chả biết hoặc giả như nếu bây giờ mới biết thì nó cũng chẳng giúp ích gì. Cái bạn cần biết là những kế hoạch hay những mánh lới, những cơ hội kinh doanh cụ thể để tuần sau, tháng sau bạn đã trở thành chủ doanh nghiệp hay nhà đầu tư chứ không phải là mớ lý thuyết suông này.
Bạn nên nhớ rằng khi bạn bị cận thì bạn làm thế nào đọc được sách nếu bạn không sắm cho mình một cái kính thích hợp. Bạn có thể nhìn thấy vi khuẩn bằng mắt thường không? Chắc chắn là không rồi. Muốn nhìn thấy nó bạn phải sử dụng kính hiển vi có độ phóng đại lớn và có thể phải dùng kính hiển vi điện tử đấy.
Cận thị, vi khuẩn … những thứ này lại càng không liên quan gì đến tiền bạc, bạn bảo thế. Có đấy, chẳng qua là ý tại ngôn ngoại mà thôi. Bạn sẽ không bao giờ giàu khi bạn là (hay bạn có tính cách của) những người làm công lãnh lương hay những người làm tư (giống như bạn bị cận nên không thể đọc sách vì không có kính). Muốn giàu, bạn phải trở thành (hay phải có tố chất, tính cách của) chủ doanh nghiệp hay nhà đầu tư, tức là bạn phải phải khao khát làm giàu, phải có kế hoạch cụ thể thực hiện ước mơ, phải luôn hành động vươn tới, phải độc lập suy nghĩ, phải quyết đoán, phải không ngại rủi ro, mạo hiểm, vv và vv … Bị cận mà muốn đọc sách thì phải mua kính – tức là trang bị cho mình những điều kiện thích hợp với hoàn cảnh mới. Trong việc kiếm sống cũng vậy. Bạn đang có tư duy của những người nhóm L và T, nếu muốn giàu có, bạn phải thay đổi tư duy, thay đổi nhận thức, thay đổi cách hành động theo cách của Nhóm C và Đ. Bạn phải thay đổi bản thân cho thích hợp với mục tiêu trước khi đi tìm những mánh lới, những cơ hội kinh doanh cụ thể. Nếu bạn không thể thay đổi thì dù bạn có học hàng nghìn mánh lới kinh doanh, dù có được hàng nghìn cơ hội đầu tư do được ai đó mách bảo, bạn cũng chớ có tận dụng chúng vì chúng chỉ làm cho bạn khốn khổ hơn mà thôi giống như khi bạn cố gắng đọc sách không có kính với đôi mắt cận thị thì mắt bạn ngày càng tồi đi. Với cái cách đọc liều hay thiếu hiểu biết như vậy thì có thể đến một ngày nào đó bạn sẽ chẳng còn “Giàu hai con mắt” như các cụ vẫn dạy.

theo My Opera

Công thức của nhà triệu phú

Cứ 60 giây, một người nào đó trên thế giới trở thành nhà triệu phú.
Đúng thôi. Một nhà triệu phú mới được tạo ra từng phút từng ngày. Đúng là có hàng triệu nhà triệu phú.
Một số những nhà triệu phú này đã mất 60 năm để tích lũy sự giàu có. Một số khác mất chưa tới một năm. Một số chưa đến 90 ngày. Và một số chưa tới một phút. Trong quyển sách này, chúng tôi sẽ cho bạn thấy một quá trình theo từng bước để không chỉ trở thành một nhà triệu phú, mà còn là một nhà triệu phú tiến bộ – dù bạn mất 60 năm hay 60 giây.
Phần đông các nhà triệu phú chia sẻ cùng những đặc điểm nào đó với nhau. Bạn phải thực hành những kĩ thuật và chiến lược nhà triệu phú. Bạn phải làm theo bộ óc nhà triệu phú – một bộ óc có thái độ và niềm tin tạo ra của cải rất riêng biệt.
Sau nhiều năm nghiên cứu chính bản thân mình và cùng với các sinh viên của mình, chúng tôi đã đúc kết phương pháp của chúng tôi thành một quá trình gồm ba giai đoạn mà chúng tôi gọi là Công thức Nhà triệu phú:
Giấc mơ + Nhóm + Chủ đề = Nhà triệu phú
1. Giấc mơ: Xây dựng bộ óc nhà triệu phú – tự tin và đam mê cháy bỏng.
2. Nhóm: Thu hút những nhà cố vấn dày dạn kinh nghiệm và những cộng sự giỏi để giúp biến giấc mơ của bạn thành hiện thực.
3. Chủ đề: Lựa chọn và áp dụng một hoặc nhiều mô hình nhà triệu phú cơ bản để kiếm tiền nhanh chóng.
Từng bước trong quyển sách này được biên soạn nhằm giúp bạn tập trung vào ba giai đoạn quan trọng trong quá trình làm giàu. Chúng tạo nên sự kết nối để bạn vươn đến sự thành công tài chính.

Nguồn : giaunhanh.com

Suy nghĩ làm giàu

” Mọi người nghĩ rằng yếu tố quan trọng đối với cây là quả, nhưng thực tế yếu tố quan trọng của cây là hạt giống.”

FRIEDRICH WILHELM NIETZSCHE (1844 – 1900)

Hãy nhìn chung quanh bạn. Mọi thứ bạn nhìn thấy bắt đầu từ một ý nghĩ trong tâm trí của ai đó. Chiếc ghế bạn ngồi. Chiếc bàn bạn làm việc. Chiếc xe bạn lái. Căn nhà bạn đang sống. Quần áo bạn đang mặc. Chiếc tivi bạn xem. Ban đầu luôn là một ý nghĩ. Sau đó là một sự việc – chẳng gây ra điều gì cả. Chà! Chính là thế. Mọi thứ bắt đầu từ một ý nghĩ.
Động từ chuyển những suy nghĩ thành các sự việc là động từ biểu lộ. Nó bắt nguồn từ từ tiếng Anh thời Trung cổ manifestus, có nghĩa là “hữu tình” và từ Latinh manus có nghĩa là “bàn tay”. Khi bạn biểu lộ điều gì, điều đó cho thấy bạn đã đưa bàn tay bạn xuyên qua bức màn vô hình vốn tách biệt thế giới hữu hình với thế giới tưởng tượng và kéo mục đích, khao khát, mong muốn của bạn vào thực tại.
Đầu tiên, bạn nghĩ đến nó, sau đó, bạn biểu lộ nó. Bạn “hiện thực hóa nó.” Bạn làm cho nó xuất hiện.
Mọi người đều biểu lộ. Một số người biểu lộ sự dư giả. Những người khác biểu lộ sự thiếu thốn. Nếu bạn không có những gì bạn muốn, hãy xem xét những suy nghĩ của bạn. Hãy hỏi chính bạn: “Mình đã biểu lộ điều này như thế nào?”
Bạn chính là thành quả của những suy nghĩ mà bạn đã gieo mầm và nuôi dưỡng. Nếu bạn muốn có một thành quả tốt hơn, bạn phải gieo trồng những suy nghĩ tốt hơn. Giống như một hạt táo sẽ không sản sinh ra một cây đào, những suy nghĩ nghèo nàn sẽ không mang lại sự phồn vinh. Cũng chắc chắn như quả đấu sẽ trở thành cây sồi, những hình ảnh trong tâm trí bạn sẽ trở thành hiện thực của bạn.
Các suy nghĩ là những sự việc. Mỗi suy nghĩ có một kết quả. Không một suy nghĩ nào trong cuộc sống của bạn “không mất tiền thuê” trong bộ não của bạn. Mỗi suy nghĩ là một viên sỏi rơi vào ao nước cuộc sống của bạn – những gợn sóng lăn tăn là có thật. Suy nghĩ của bạn càng mạnh mẽ, kết quả càng có tác động. Một suy nghĩ tiêu cực nào đó giống như một làn sóng truyền thanh. Người ta có thể cảm thấy nó. Các con thú có thể ngửi thấy nó. Toàn bộ hệ thống năng lượng quanh bạn đều bị lây lan. Hãy nhổ bỏ những suy nghĩ đó.
Hãy luôn nghĩ đến những điều tích cực. Vun trồng những hình ảnh tốt một cách quyết tâm và táo bạo. Chỉ dùng những lời tuyệt vời với chính mình, một cách thường xuyên. Và BÂY GIỜ hãy cảm thấy tuyệt diệu! Điều này sẽ tô điểm thêm cho cách nhìn của bạn về thế giới. Như một thỏi nam châm, bạn thu hút những nguồn lực cần thiết để biểu lộ thế giới bạn mong muốn.
Tất cả những điều được biểu lộ quanh bạn đã làm cho ai đó trở nên giàu có. Bất cứ nơi nào bạn nhìn, bạn đều có thể thấy nó. Chiếc ghế bạn ngồi. Chiếc bàn bạn làm việc. Chiếc xe bạn lái. Căn nhà bạn đang sống. Quần áo bạn đang mặc. Chiếc tivi bạn xem. Bất cứ nơi đâu bạn nhìn – mỗi điều mà bạn thấy đã hay đang mang lại cho ai đó hàng triệu đôla. Có hàng triệu cách mới mẻ để biểu lộ một triệu đôla. Chúng tôi muốn trở thành các huấn luyện viên về cách biểu lộ cho các bạn. Chúng tôi muốn ủng hộ các bạn trong việc thay đổi tương lai kinh tế của các bạn. Cùng nhau chúng ta có thể thay đổi tương lai kinh tế của cả thế giới.

Nguồn : Sách bí quyết làm giàu

Giá trị của một nụ cười ?

Giá của một nụ cười rẻ hơn giá tiền điện, thế nhưng nụ cười lại to sáng nhiều hơn hàng trăm bóng đèn điện.

Không ai nghèo đến nỗi không thể mỉm một nụ cười, cũng không ai đủ giàu để sống mà không cần đến nụ cười của người khác.

Một nụ cười- vốn liếng tuy nhỏ bénhưng lại làm giàu cho kẻ đón nhận nó mà không hề làm nghèo đi kẻ trao tặng nó. Ngược lại, có khi người ta sẽ còn mãi mãi ghi nhớ.

Nụ cười tạo được hạnh phúc trong gia đình. Nụ cười là dấu hiệu của nhân ái. Nụ cười làm cho kẻ nhọc nhằn tìm được sự thoải mái dễ chịu. Nụ cười đem lại sự can đảm cho người nản chí, hoang mang.

Nếu có một lúc nào đó trong đời, bạn gặp một ai đó không cho bạn được một nụ cười như bạn đáng được nhận, thì bạn hãy quảng đại mà nở một nụ cười với người đó. Bởi vì không ai cần đến nụ cười cho bằng người không bao giờ biết cười.

Có một câu chuyện kể rằng: Saint- Exupery từng là phi công tham gia chống phát xít trong Thế chiến thứ hai. Chính từ những năm tháng này ông đã viết ra tác phẩm “Nụ cười”. Không biết đây là một tự truyện hay một truyện hư cấu, nhưng tôi tin rằng nó có thật. Trong truyện, Saint- Exupery là một tù binh bị đối xử khắc nghiệt và ông biết nay mai có thể bị xử bắn như nhiều người khác.

Ông viết : “Tôi trở nên quẫn trí. Bàn tay tôi giật giật, cố gắng rút trong túi áo một điếu thuốc. Nhưng tôi lại không có diêm. Qua hàng chấn song nhà giam, tôi trông thấy một người cai tù. Tôi gọi: “Xin lỗi, anh có lửa không?”..

Anh ta nhún vai rồi tiến lại gần. Khi rút que diêm, tình cờ mắt anh nhìn vào mắt tôi. Tôi mỉm cười mà chẳng hiểu tại vì sao lại làm thế. Có lẽ vì khi muốn làm thân với ai đó, người ta dễ dàng nở một nụ cười. Lúc này dường như có một đốm lửa bùng cháy nhanh qua kẽ hở giữa hai tâm hồn chúng tôi, giữa hai trái tim con người.

Tôi biết anh ta không muốn, nhưng do tôi đã mỉm cười nên anh ta phải mỉm cười đáp lại. Anh ta bật que diêm, đến gần tôi hơn, nhìn thẳng vào mắt tôi và miệng vẫn cười. Giờ đây trước mặt tôi không còn là viên cai ngục phát xít mà chỉ là một con người.

Anh ta hỏi tôi: “Anh đã có con chứ?”.

Tôi đáp: “Có” và lôi từ trong ví ra tấm nhỏ của gia đình mình.

Anh ta cũng vội rút trong túi áo ra hình những đứa con và bắt đầu kể lể về những kỳ vọng của anh đối với chúng.

Đôi mắt tôi nhoà lệ. Tôi biết mình sắp chết và sẽ chẳng bao giờ gặp lại được người thân. Anh ta cũng bật khóc.

Đột nhiên, không nói một lời, anh ta mở khoá và kéo tôi ra khỏi buồng giam. Anh lặng lẽ đưa tôi ra khỏi khu vực thị trấn chiếm đóng, thả tôi tự do rồi quay trở về.

Thế đó, cuộc sống của tôi đã được cứu rỗi chỉ nhờ một nụ cười”.

Từ khi đọc được câu chuyện này tôi nghiệm ra được nhiều điều. Tôi biết rằng bên dưới mọi thứ vỏ bọc chúng ta dùng để thủ thế, để bảo vệ phẩm giá và địa vị, vẫn còn có một điều thật quí giá mà tôi gọi là tâm hồn.

Tôi tin rằng: nếu tâm hồn bạn và tâm hồn tôi nhận ra nhau thì chúng ta chẳng còn gì phải sợ hãi hay căm thù oán ghét nhau.

Nếu bạn từng có một khoảnh khắc gắn bó với đồng loại qua sức mạnh của nụ cười, thì tôi tin rằng bạn cũng đồng ý với tôi, đó là một phép lạ nho nhỏ, một món quà tuyệt vời mà chúng ta có thể dành cho nhau.

Trích “Con đường đi tìm hạnh phúc”


kienthuclamgiau.com(trích : “Con đường đi tìm hạnh phúc”)

Những trở ngại có làm bạn chùn bước ?

Tác giả Po Bronson, trong cuốn sách “Tại sao tôi lại yêu quý những con người này?”, đã kể một câu chuyện có thật về một cây đu kỳ lạ.

Cái cây này được trồng vào nửa đầu của thế kỷ 20 ở một trang trại gần Beulah, bang Michigan (Mỹ). “Cuộc đời” nó là cả một câu chuyện đáng để chúng ta nhắc tới.

Vào những năm 1950, trong trang trại kia có nuôi một con bò lớn, người ta dùng xích buộc con bò vào cây đu. Nhiều khi nó bực tức hoặc phấn khích, liền chạy quanh cây đu, kéo theo sợi dây xích kim loại nặng trịch. Sợi xích này đã nghiến thành một đường rãnh hằn rất rõ trên lớp vỏ cây, ở đoạn cách mặt đất khoảng một mét. Nhưng không hiểu vì sao mà sợi xích vẫn không thể quật ngã hay làm cái cây khô héo.

Sau vài năm, gia đình nông dân sống trong trang trại chuyển nhà, mang cả con bò lớn đi theo. Họ cắt sợi dây xích, nhưng lại bỏ mặc vòng xích quấn chặt quanh cây đu. Nhiều năm tháng nữa, lớp vỏ cây dần dần hàn gắn vết thương, phủ lấp cả vòng xích hoen gỉ.

Thế rồi đến một năm, một thảm họa đã dội xuống Michigan, đó là “Dịch cây đu Hà Lan” (dịch nấm cây đu bị loài bọ trên vỏ cây làm lây lan). Tất cả các cây đu trong vùng đều bị nhiễm bệnh và chết. Ai cũng cho rằng cây đu già cỗi trong trang trại cũng sẽ chịu chung số phận. Người ta đã định chặt cây đu xuống, rồi chẻ nó ra làm củi trước khi cây đu chết và rất có thể đổ sầm xuống khi có gió bão.

Nói vậy, nhưng cuối cùng, họ lại không nỡ lòng chặt cây đu già dường như đã trở thành một người bạn thân của gia đình. Thế là họ quyết định cứ để thiên nhiên làm công việc của mình.

Nhưng thật kỳ lạ: Cây đu không chết. Năm này qua năm khác, nó vẫn đứng nguyên, vươn cao kiêu hãnh. Không ai hiểu được tại sao lại có một cây đu duy nhất sống được trong cả vùng!

Các nhà nghiên cứu bệnh thực vật của trường Đại học bang Michigan đến xem xét cái cây kỳ lạ. Họ nhìn kỹ “vết sẹo” do sợi xích kim loại để lại trên thân cây – lúc này đã hầu như được che phủ bởi vỏ cây, còn sợi xích thậm chí bị ăn mòn.

Các nhà nghiên cứu thực vật cho rằng chính sợi xích đã cứu cây đu. Lý do là cái cây đã hấp thu quá nhiều sắt từ sợi xích hoen gỉ, đến mức nó trở nên miễn dịch với các bệnh nấm!

Có nhiều người nói rằng những gì không hạ gục được bạn thì sẽ làm bạn mạnh mẽ hơn. Hay như Ernest Hemingway viết: “Cuộc sống làm gãy vỡ tất cả chúng ta, nhưng rồi sau đó, rất nhiều người trong số chúng ta lại trở nên mạnh mẽ nhất chính ở những điểm đã bị gãy vỡ”.

Nếu có bao giờ bạn đến thăm Beulah, bang Michigan, hãy tìm cây đu tuyệt vời đó. Nó tỏa rộng tới 20m với vòm lá xanh tươi, đẹp như một chiếc vương miện. Chu vi thân cây phải đến gần 4m.

Và bạn đừng quên tìm vết thương mà sợi xích đã để lại trên cây. Nó như một lời nhắc nhớ rằng dù có những tổn thương, những thiệt thòi, nhưng chúng ta cũng vẫn có hy vọng! Vì nếu chúng ta không gục ngã bởi những vết thương, thì chúng sẽ cho chúng ta sức mạnh cần thiết để đối mặt, vượt qua và sống sót trước nhiều thử thách. Chúng thực sự có thể khiến chúng ta trở thành những con người mạnh mẽ hơn, và tốt đẹp hơn.

kienthuclamgiau.com(nguồn: bài học làm giàu)

Bài học từ loài ngỗng


1. Khi một con ngỗng vỗ cánh, nó sẽ tạo ra một “lực nâng” cho các con chim theo sau nó. Bay theo hình chữ V, cả đàn ngỗng sẽ bay xa hơn 71% so với khi bay từng con một.

Bài học: Khi biết chia sẻ chung chí hướng và ý thức cộng đồng, người ta có thể đến nơi họ muốn một cách nhanh hơn và dễ dàng hơn.

2. Khi một con ngỗng bị rơi ra khỏi đội hình, nó sẽ cảm thấy bị lôi kéo trở lại, ngăn không cho bay một mình. Vì thế, nó sẽ nhanh chóng quay trở lại đội hình để tận dụng lực nâng của con ngỗng phía trước nó.

Bài học: Nếu chúng ta có được sự thông minh nhiều như của một con ngỗng, chúng ta sẽ tự biết hoạt động theo đội hình với những người cùng định hướng. Chúng ta sẽ sẵn sàng chấp nhận sự giúp đỡ của họ và đồng thời giúp đỡ những người khác.

3. Khi con ngỗng đầu đàn bị mệt, nó quay ngược trở vào đội hình và một con ngỗng khác sẽ tiến lên vị trí tiên phong.

Bài học: Cần phải thay nhau thực hiện những nhiệm vụ khó khăn và chia sẻ vai trò lãnh đạo. Cũng như loài ngỗng, con người phụ thuộc vào các kỹ năng, khả năng của nhau và phụ thuộc và một sự sắp xếp năng khiếu, tài năng hay tài nguyên theo cách duy nhất.

4. Loài ngỗng bay theo đội hình thường kêu to để khích lệ những con phía trước duy trì tốc độ.

Bài học: Chúng ta cần phải chắc chắn rằng tiếng kêu của chúng ta mang tính khích lệ. Trong nhóm, nếu có sự động viên khuyến khích, năng suất làm việc sẽ được tăng lên rất nhiều.

5. Khi một con ngỗng bị ốm, bị thương, hoặc bị bắn rơi, hai con ngỗng khác sẽ tách ra khỏi đội hình để theo con ngỗng đó và bảo vệ nó. Chúng sẽ ở với nó cho đến khi nó chết hoặc có thể tiếp tục bay. Sau đó, chúng sẽ nhập vào một nhóm khác hoặc bắt kịp với bạn.

Bài học: Hãy luôn sát cánh bên nhau dù trong những giờ phút khó khăn hay khi yên bình suôn sẻ.

kienthuclamgiau.com(nguồn: bài học làm giàu)

Nước đục dễ bắt cá

Trong kinh doanh, lúc thị trường có biến động là lúc xuất hiện nhiều cơ hội làm ăn đặc biệt nhất. Khi đó, các đối thủ cạnh tranh chững lại chờ thời, nhiều nhu cầu mới nảy sinh, nhiều khoảng trống thị trường xuất hiện,…mà nếu người làm ăn biết nhanh nhạy nhìn ra cơ hội đó và chớp lấy thì sẽ thu lợi lớn.

1. Câu chuyện xuất xứ
Ngày xưa, vì cò có bộ cánh lúc nào cũng trắng muốt nên tỏ vẻ đài các không chịu lội xuống mặt nước lúc kiếm ăn. Nó thường chỉ đậu trên các ngọn tre hoặc bay lượn ở trên cao để quan sát mặt nước ao hồ hay ruộng nước để tìm con mồi. Cũng vì thế mà cò rất khó bắt được mồi, một phần vì mặt nước trong vắt in bóng trời mây trên dưới lẫn lộn, phần khác vì con tôm cái tép khôn ngoan thường lẩn dưới đáy nước hay nép mình bất động trong các gốc cây cỏ. Vì thế mà cò ta luôn đói rạc.
Cho đến một hôm, cò đang từ trên cao quan sát cả nửa ngày mà chưa thấy tăm tích một con mồi nào thì bất ngờ có một con quạ từ trên cao xả mình xuống mặt nước để tắm. Nước bắn lên tung tóe, bùn đất từ dưới đáy cuộn lên đục ngầu. Lũ tôm tép hoảng loạn chạy nhảy lung tung và chính vì thế trên nền nước đục bùn đất chúng hiển hiện rõ mồn một. Thế là cò ta vội lao xuống đớp mổ lia lịa, được một bữa no nê căng mề,…
Kể từ đó, cò hiểu ra rằng muốn bắt được mồi thì phải làm sao cho lũ mồi hoảng loạn buộc chúng phải cử động hoặc ra khỏi chỗ trú ngụ để dễ bề phát hiện. Và cũng kể từ đó, cò ta bắt đầu chịu khó lội bộ trên những mặt nước, lấy chân khuấy đục bùn đất dưới đáy nước và lùa đám tôm tép ra khỏi nơi ẩn nấp để rồi dùng những cú mổ điêu luyện khiến những con mồi khó bề thoát thân.
Đó cũng là một kế sách kinh doanh của người đời biết khai thác những cơ hội thị trường có nhiều biến động, chớp thời cơ để giành được mối lợi. Nói cách khác, chính vào những khi thị trường đang có biến động là lúc xuất hiện nhiều cơ hội hơn cả.
2. Cốt lõi kế sách
Trong thực tế cuộc sống, khi xã hội biến động luôn này sinh các yếu tố khác thường. Người nào biết bình tĩnh phân tích tình hình sẽ phát hiện ra các cơ hội mà trong những hoàn cảnh bình thường không thể thấy được.
3. Ý nghĩa vận dụng trong kinh doanh
Trong kinh doanh, lúc thị trường có biến động là lúc xuất hiện nhiều cơ hội làm ăn đặc biệt nhất. Khi đó, các đối thủ cạnh tranh chững lại chờ thời, nhiều nhu cầu mới nảy sinh, nhiều khoảng trống thị trường xuất hiện,…mà nếu người làm ăn biết nhanh nhạy nhìn ra cơ hội đó và chớp lấy thì sẽ thu lợi lớn.
MỘT SỐ MINH HỌA VIỆC ÁP DỤNG THÀNH CÔNG KẾ SÁCH

1.Nắm bắt cơ hội làm giàu ngay trong lúc thị trường biến động
Thời kỳ bị Nhật chiếm đóng, thị trường Hồng Kông vô cùng rối loạn. Trong khi rất nhiều người kinh doanh bị phá sản thì doanh nhân Vương Khoan Thành lại làm ăn hết sức phát đạt, ông đã trở thành một đại gia nhờ biết tận dụng tình thế của nền kinh tế nước mình.
Thời kỳ này, phía Nhật đã ép Hồng Kông phải phát hành đồng tiền mới nhằm vơ vét của cải vật chất của nước này. Giá trị của đồng tiền mới lên xuống thất thường theo sự thành bại của quân Nhật nên các ngân hàng cũng như những người làm ăn buôn bán đều không muốn tích trữ nó vì lo sợ tiền mới sẽ trở thành giấy lộn bất cứ lúc nào.
Tuy nhiên, ông Thành lại lặng lẽ quan sát, phân tích và đưa ra phán đoán rằng khi thị trường Hồng Kông định hình thì nhất định đồng tiền mới này sẽ lên giá. Do đó, khi thấy mọi người bán tống bán tháo đồng tiền này, ông Vương Khoan Thành tập trung toàn bộ tài sản mua lại tiền mới để tích trữ, chờ đợi thời cơ. Quả nhiên không lâu sau, pháp luật Hồng Kông đã chấp nhận đồng tiền mới và đưa ra những biện pháp bảo vệ đồng tiền này, cân đối giá trị của nó so với đồng tiền cũ. Lúc này ông Thành mới đem nó ra trao đổi ngoài thị trường và thu được lãi lớn, từ đó mà gây dựng nên cơ nghiệp.
*Cách thức áp dụng kế sách:
Trong lúc thị trường rối loạn, mọi người hoang mang không tin tưởng vào giá trị của đồng tiền mới thì ông Thành với sự quan sát và phán đoán tinh tế đã nhận ra xu hướng định hình của đồng tiền mới này. Ông đã tranh thủ được thời cơ mọi người ồ ạt bán rẻ nó mà mua vào tích trữ rồi sau đó bán ra với giá cao và thu được lợi nhuận lớn.
Khi thấy tình thế khó khăn không nên lo sợ bỏ sang nơi khác kiếm ăn mà phải tinh tế tìm ra đâu là cá lớn để bắt lại, như thế mới là người kinh doanh có tầm nhìn xa trông rộng.
2. Chuyện thực hư trên thị trường cổ phiếu
Năm 1815, Napoleon Bonnapart – hoàng đế Pháp tham gia cuộc chiến với khối liên minh một số nước Châu Âu. Sau khi chiến thắng vẻ vang nước Bỉ, Napoleon tiếp tục tấn công nước Anh. Đó là trậnWaterloo nổi tiếng lịch sử. Tình thế cuộc chiến cho thấy lợi thế nghiêng hoàn toàn về phía nước Pháp với tài cầm quân nổi tiếng của Napoleon Bonnapart. Ai cũng cho rằng nước Pháp nhất định sẽ là nước chiến thắng. Tâm lý đó được biểu hiện rất rõ trên thị trường cổ phiếu. Giá cổ phiếu tại London sụt giảm rõ rệt.
Lúc bấy giờ, ngân hàng Locheed tại nước Anh nhờ tình báo đã biết trước được rằng hoàng đế Napoleon Bonnapart đã thất trận tại Waterloo. Thông tin đó cho thấy một xu thế rõ ràng giá cổ phiếu tại London sẽ tăng vọt. Nhân cơ hội mọi người còn chưa biết tin này, ngân hàng Locheed đã mưu trí tung tiền ra mua vào một số lượng lớn cổ phiếu Anh với giá cực rẻ. Đúng như dự đoán, khi tin chiến thắng chính thức được công bố, thị trường cổ phiếu lên cơn sốt, ngân hàng này bán ra và kiếm được siêu lợi nhuận.
*Cách thức áp dụng kế sách:
- Tình thế ở đây là tâm lý hoang mang của người dân Anh trước diễn biến của cuộc chiến tranh giữa hai nước Anh – Pháp với suy nghĩ rằng nước Anh nhất định thua trận.
- Ngân hàng Locheed nhờ lợi thế biết trước kết quả cuộc chiến đã biết chắc về xu hướng bùng phát của cổ phiếu nước Anh nên đã nhân cơ hội đó mua cổ phiếu Anh với giá rẻ không ngờ. Họ đợi tin thắng trận bung ra rồi lại bán chính cổ phiếu ấy với giá cao, thu được lợi nhuận khổng lồ.
Như vậy, người làm ăn nếu nhanh nhạy nắm rõ tin tức thị tường sẽ luôn luôn cầm chắc chiến thắng.
3. Trở thành tỉ phú nhờ các công ty phá sản
Giới ngân hàng, đầu tư và kinh doanh trên thế giới không ai không biết đến nhà tỷ phú người Mỹ Wilbur Ross, bởi ông được mệnh danh là “ông vua của các phi vụ phá sản”. Wilbur thành công là do ông luôn có một tầm nhìn xa, có thể nhận ra được những xu hướng và cơ hội lớn trong tình thế hỗn loạn.
Phi vụ điển hình nhất và cũng thành công nhất là việc Wilbur Ross tạo dựng được một tập đoàn thép lớn từ ba tập đoàn thép đã phá sản. Vào thời điểm những năm 1967 – 1971 do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, ngành công nghệp Mỹ tại Rust Belt – vùng Đông Bắc Mỹ lụi bại, các doanh nghiệp bị phá sản hàng loạt, trong đó thua lỗ và đóng cửa nhiều nhất là các công ty thép. Trước tình hình biến động như vậy, Wilbur Ross đã tỉnh táo nhận ra rằng, công nghiệp nặng nói chung và công nghiệp luyện thép nói riêng luôn là một trong những ngành trọng điểm không thể thiếu được trong một nền kinh tế. Chính vì vậy, tương lai, sau khi trải qua thời kỳ suy thoái kinh tế, nền công nghiệp thép chắc chắn sẽ phát triển mạnh mẽ trở lại. Từ những nhận thức đó, Wilbur Ross đã quyết định mua cùng một lúc ba tập đoàn sản xuất thép đã đóng cửa là Bethlehem Steel, von LTV và Acme Steel. Trên cơ sở của cấu trúc 3 tập đoàn đang có, Wilbur Ross dựng lại thành tập đoàn thép mới với tên là International Steel Group Inc (ISG).
Quả nhiên, sau khi thời kỳ suy thoái qua đi, nền công nghiệp thép phục hồi và tăng trưởng một cách vượt bậc. ISG đã nhanh chóng phát triển và trở thành tập đoàn sản xuất thép thứ hai của Mỹ với sản lượng 18 triệu tấn mỗi năm, chỉ sau Tập đoàn US Steel. Doanh số của ISG năm 2003 là 3,9 tỉ USD và lợi nhuận đạt gần 100 triệu USD.
*Cách thức áp dụng kế sách:
- Biểu hiện của tình thế là ngành công nghiệp Mỹ rơi vào khủng hoảng, nhiều công ty bị phá sản hoàng loạt.
- Wilbur Ross đã nhìn ra được sự phục hồi và phát triển tất yếu của nền công nghiệp thép sau suy thoái kinh tế nên đã chớp lấy cơ hội trong tình thế tưởng chừng khó khăn này là có thể nhờ đó mà mua lại được các công ty thép với giá rẻ mà lại không phải chịu các nghĩa vụ tài chính của 3 tập đoàn đã phá sản này.
- Thời cơ thật quan trọng, nhưng yếu tố quyết định thành công còn ở chỗ Wilbur Ross đã tìm hiểu cặn kẽ tình hình biến động của thương trường và tiên đoán được sự phát triển trở lại của ngành thép cũng như nhu cầu tiêu thụ thép khổng lồ tại châu Á trong tương lai. Chính nhờ chớp thời cơ khó khăn của thị trường và dựa trên những phán đoán ưu việt hơn người mà Wilbur Ross đã thu được thành công lớn.
Như vậy, khi thị trường biến động là lúc thời cơ làm ăn xuất hiện nhiều, cần phải nắm chắc được thông tin và nhanh nhạy quyết đoán chớp thời cơ ấy giành món lợi về cho mình.
4. Chiếm lĩnh thị trường thế giới nhờ khủng hoảng kinh tế
Năm 1997, cuộc khủng hoảng tài chính khu vực châu Á đã khiến cho nhiều doanh nhân trắng tay, nhiều tập đoàn kinh tế lớn chao đảo. Tâm điểm và chịu ảnh hưởng lớn nhất của cơn bão này là hai nước Hàn Quốc và Thái Lan. Lúc bấy giờ, LG ( lúc đó là Goldstar ) – hãng sản xuất lớn của Hàn Quốc cũng không nằm ngoài ảnh hưởng của đợt khủng hoảng đó. Trước tình hình như vậy, ban lãnh đạo của hãng đã tỉnh táo nhận ra được một vấn đề. Đó là nhu cầu thị trường luôn luôn tồn tại. Cuộc khủng hoảng tài chính đã làm nảy sinh ra một vấn đề về nhu cầu đối với hàng điện tử giá rẻ. Chính trong thời điểm này, Goldstar đã đổi tên thành tập đoàn LG với logo là một khuôn mặt cười. Hãng LG ngay lập tức tập trung vào sản xuất các mặt hàng điện tử gia dụng như: điều hoà không khí, tivi, máy giặt, tủ lạnh…. với chất lượng hợp lý và giá cả vừa phải. Tại Việt Nam Năm 1998, LGVina ra đời. Trong khi kinh tế trong khu vực đang chững lại thì ở Việt Nam lại được mùa. Ngay lập tức LGVina đã tung ra chương trình khuyến mại “Được mùa lại trúng thưởng ngay” dành cho bà con nông dân khi mua sản phẩm điện tử giá cả phù hợp với giá trị khuyến mại lên đến 20 triệu đồng. Những chiến lược kịp thời đó đã giúp cho LG mở rộng được thị trường. gặt hái được rất nhiều thành công.
Song song với việc tìm ra và chiếm lĩnh thị trường hàng điện tử giá cả hợp lý , trong tình thế khủng hoảng đó, LG còn tìm ra một con đường khác để phát triển. Đó là tập trung vào sản xuất hàng xuất khẩu. Bắt nguồn từ việc đồng Won bị mất giá, tập đoàn LG đã nhận thấy cơ hội màu mỡ của thị trường xuất khẩu. Lợi nhuận thu được từ việc xuất khẩu các mặt hàng kể trên tại thời điểm xảy ra khủng hoảng đã đóng góp tới 70% tổng doanh thu của tập đoàn này, trong khi vào trước thời điểm khủng hoảng chúng chỉ góp được 30% vào tổng doanh thu của hãng.
*Cách thức áp dụng kế sách:
- Tình huống mà hãng LG đã tận dụng được đó là cuộc khủng hoảng tài chính của khu vực châu Á, Hàn Quốc bị ảnh hưởng nặng nề, nhiều công ty làm ăn thua lỗ và không tìm được lối thoát làm ăn.
- Hãng LG đã nhanh nhạy nhận ra rằng nhu cầu thị trường lúc nào cũng tồn tại. Sự khủng hoảng kinh tế sẽ tạo ra một nhu cấu lớn về hàng điện tử gia dụng giá cả phải chăng và chất lượng vừa phải. Đó chính là thị tường tiềm năng trong tương lai mà LG có thể tận dụng trong tình thế đó.
- Hãng LG cũng nhận ra rằng cuộc khủng hoảng khiến đồng Won của Hàn Quốc bị sụt giảm mất 1/3 giá trị lại là điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu. Bởi lẽ khi đó các nhà nhập khẩu nước ngoài sẽ mua được hàng hóa Hàn Quốc với giá rẻ hơn bằng đồng tiền của nước mình. Do đó, LG đã tăng tốc sản xuất một số mặt hàng được ưa chuộng để tập trung xuất khẩu và thu được lợi nhuận khổng lồ.
5. Đồ gỗ Việt Nam tranh thủ thời cơ xâm nhập thị trường Mỹ
Đầu năm 2004, thị trường gỗ thế giới có sự biến động lớn. Đồ gỗ xuất khẩu của Canada và Trung Quốc vào thị trường Mỹ bị buộc tội bán phá giá. Nhu cầu về sản phẩm này trở nên khan hiếm trên thị trường Mỹ. Trong khi đó, đồ gỗ Việt Nam lúc này đã bắt đầu tạo dựng được thương hiệu đối với người tiêu dùng tại đây.
Chớp thời cơ này, các doanh nghiệp đồ gỗ Việt Nam đã tăng tốc độ sản xuất để kịp thời đáp ứng cho việc xuất khẩu. Nhiều doanh nghiệp còn chủ động tìm mối nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ Châu Phi, Australia, Uruguay,…nhằm đáp ứng các đơn đặt hàng đến từ Mỹ và Trung Quốc.
Nhờ thế, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2004, kim ngạch xuất khẩu của riêng sản phẩm gỗ chế biến đã đạt 561 triệu đô la, tương đương với mức kim ngạch của cả năm 2003 mà ngành này đã thực hiện. Mục tiêu của ngành chế biến và xuất khẩu gỗ Việt Nam đặt ra là xuất khẩu 1 tỷ đô la vào năm 2010 đã đạt được ngay trong năm 2004!
*Cách thức áp dụng kế sách:
- Yếu tố biến động ở đây là việc đồ gỗ xuất khẩu của Canada và Trung Quốc vào Mỹ bị buộc tội bán phá giá khiến cho thị trường Mỹ bị khan hiếm mặt hàng này.

- Đồ gỗ Việt Nam lập tức thế chỗ, tận dụng lợi thế chất lượng tốt rồi đẩy nhanh tốc độ sản xuất mặt hàng này để xuất khẩu kịp thời, bổ sung sự thiếu hụt mặt hàng này tại thị trường Mỹ. Nhờ thế mà ngành xuất khẩu gỗ Việt Nam đã mở rộng được cánh cửa vào thị trường khó tính này.

kienthuclamgiau.com (Theo kế sách: làm giàu không khó)