Wednesday, December 17, 2008

Thành công & thất bại

Sự khác biệt giữa thành công và thất bại:

Người thành công biết chính xác những gì mình muốn, tin tưởng vào khả năng của mình và sẵn sàng cống hiến hết thời gian của cuộc đời để đạt được điều đó.

Người thất bại không có mục đích cụ thể cho cuộc sống, luôn tin rằng mọi thành công đều là kết quả của vận may và chỉ thật sự bắt tay vào việc khi có sự tác động từ bên ngoài.

Người thành công có khả năng ảnh hưởng đến những người xung quanh và hợp tác với họ trong thái độ thân thiện.

Người thất bại tìm thấy khuyết điểm của mình ở người khác.

Người thành công chỉ bày tỏ ý kiến về những điều mình biết và họ hoàn toàn có thể thực hiện điều đó một cách rất khôn ngoan.

Người thất bại phát biểu ý kiến về mọi vấn đề mà họ chỉ biết chút ít hoặc hoàn toàn không có một chút kiến thức gì về chúng.

Người thành công dung hoà quan hệ với tất cả mọi người mà không quan tâm đến lợi ích đạt được.

Người thất bại chỉ nuôi dưỡng quan hệ với những ai mà từ đó họ sẽ có những thứ mà họ muốn.

Người thành công luôn trau dồi kiến thức và mở rộng lòng khoan dung. Họ sống hướng đến quyền lợi chung của cộng đồng.

Người thất bại có trí tuệ hạn chế, sự vị kỷ chiến thắng lòng vị tha. Vì vậy họ tách khỏi những cơ hội thuận lợi và mối quan hệ thân thiện với xã hội.

Người thành công theo kịp thời đại và xem đây là một trách nhiệm quan trọng để biết được điều gì đang diễn ra.

Người thất bại chỉ quan tâm đến bản thân với những nhu cầu trước mắt và bất chấp mọi thứ để thực hiện, không cần biết đó là điều tốt hay xấu.

Chỉ số PQ: viên ngọc giúp bạn tỏa sáng

Bạn tự hào là người có chỉ số thông minh IQ cao. Nhưng theo các nhà khoa học, nếu có chỉ số đam mê PQ (Passion Quotient) thấp, bạn sẽ khó mà thành công. Sự đam mê là ngọn lửa thổi bùng lên lòng nhiệt huyết, khiến mỗi chúng ta không ngừng khám phá những tiềm năng vô tận ẩn sâu trong mỗi con người.

Chuyện kể rằng… một người đàn ông nọ tìm thấy một quả trứng chim đại bàng, nhưng không biết nên đã đặt nó vào ổ gà mái đang trong thời kỳ ấp trứng. Chim đại bàng con cùng nở ra và lớn lên với đàn gà con. Từ nhỏ cho đến lớn, con đại bàng con đều làm những việc mà những con gà thực thụ làm và luôn nghĩ mình là con gà không hơn không kém: nó đào đất tìm giun và côn trùng, kêu cục tác, cũng vỗ cánh và bay được một ít trên không trung.

Năm tháng trôi qua, con “đại bàng-gà” cũng đã trưởng thành. Một ngày đẹp trời nọ, nó nhìn lên bầu trời và thấy một con chim rất đẹp, dũng mãnh lướt đi trong gió. Nó ngước nhìn con chim đang bay đầy vẻ kính sợ, và hỏi những con gà quanh đó “Ai đấy?” “Đó là chim đại bàng, chúa tể của các loài chim.”, một trong những con gà trả lời. “Ông ấy thuộc về bầu trời, còn chúng ta thuộc về mặt đất – vì chúng ta là gà.”

Và như thế, con chim đại bàng đã cam chịu với số phận của mình, nó đã sống và chết như một con gà, vì nó luôn nghĩ mình chỉ là một con gà mà thôi.

Thiếu sót lớn nhất trong cuộc đời con “đại bàng-gà” này chính là niềm say mê khám phá bản thân. Nó chưa bao giờ mơ ước được bay và chưa bao giờ học bay để có thể tự tin bay vút lên trời xanh như tổ tiên ngàn đời của mình.

PQ (Passion Quotient) là gì?
PQ là chỉ số chỉ sự say mê của mỗi người dành cho việc anh ta làm, gọi tắt là chỉ số say mê (PQ).

Có người đã ví von rằng: “Chỉ số IQ giống như một đoạn mạch ADN rất vững chắc và rất khó để cải thiện. Còn chỉ số PQ là chất lửa trong mỗi con người, chúng ta hoàn toàn có thể điều chỉnh được ngọn lửa đó.”

Chỉ số PQ của con người không thể đo lường một cách chính xác. PQ không thể hiển thị dưới dạng con số hay thống kê như IQ, nó chỉ mang tính ước đoán, hàm ý và tượng trưng.

Người có chỉ số PQ cao là một tài sản quý
Trong công việc, những nhân viên làm việc với lòng say mê cao là những người được các sếp quý trọng. Ngọn lửa say mê đến từ định hướng đúng trong công việc, chọn nghề phù hợp với năng lực và sở trường, vào trí thông minh của mỗi người. Những người có chỉ số PQ cao bao giờ cũng là tài sản quý của một cơ quan, tổ chức. Những phẩm chất thường thấy ở họ là:

- Yêu thích công việc mình làm.
- Luôn toàn tâm toàn ý hoàn thành công việc đạt chất lượng cao.
- Thất bại chỉ kích thích họ suy nghĩ thêm thấu đáo, chứ không làm họ nản chí.
- Họ làm việc không kể giờ giấc, hay ít ra cũng thường xuyên suy nghĩ về công việc ngay cả trong lúc nghỉ ngơi, nên họ thường tìm ra được những giải pháp độc đáo và sáng tạo.
- Họ luôn luôn nghĩ đến việc sẽ làm tiếp theo và tìm cách chạy đua với thời gian.

Virender Kapoor, tác giả quyển sách "The Greatest Secret of Success: Your Passion Quotient" (Bí mật lớn nhất của thành công: chỉ số say mê) cho rằng "Chất lửa trong con người, hay chính là chỉ số say mê, đã đóng góp rất nhiều cho những thành tựu kỳ diệu của nhà khoa học thiên tài Albert Einstein hơn cả chỉ số IQ của ông."

Wednesday, October 22, 2008

Cuộc sống và tham vọng

Cuộc sống, tham vọng, mục đích, lí tưởng... chúng dày vò, tra tấn tâm tưởng con người hết đêm rồi lại ngày.

Andre

Đó là một điều khó chịu chăng?

Đúng, nó làm con người ta bứt rứt.

Tại sao không gạt bỏ nó đi?

Có những cái là không thể và đây là một ví dụ.


Sống khó chịu vậy thì làm sao mà sống?

Khó chịu cũng phải sống bởi người ta sống được một phần là nhờ cái khó chịu đó. Tham vọng, mục đích gián tiếp duy trì cuộc sống chúng ta.

Tham vọng có tốt không?

Không biết nữa, nhưng có lẽ tốt, bởi đối với rất nhiều người nó là mục đích sống, là lí tưởng.

Có khi nào nó ở trường hợp ngược lại?

Có thể. Mọi người đều có mục đích sống và cố gắng đạt được nhưng khi thất bại họ cảm thấy bí bách, thất vọng, chán trường và có thể tìm đến cái chết.

Chết "dễ" vậy sao?

Không, bản năng sống không cho họ làm điều đó. Nó sẽ "bắt" họ sống để nhận ra rằng cuộc sống không hề đơn giản, con người luôn cần phải có sự cố gắng.

Vậy tại sao vẫn có nhiều người tự vẫn?

Những cá thể không theo được vòng xoay cuộc sống sẽ bị tự động đào thải.

Cũng có người tự vẫn chỉ vì cho rằng cuộc sống nhạt nhẽo?

Đúng, nhưng chỉ với những người không mục đích sống, không lí tưởng và là những con người "ích kỷ".

Nói vậy liệu có nặng lời khi con người tự có quyền quyết định mình sống hay chết?

Không, khi bản năng sống không còn cố gắng cũng chỉ vậy thôi.

Một ví dụ cụ thể về những con người như vậy?

Người trẻ có quá đầy đủ về vậy chất, không còn động lực phấn đấu ắt tự sinh suy nghĩ cuộc sống đơn giản, nhàm chán hay sống "chỉ thế thôi ư?"

Có giải pháp nào không?

Có đấy, bắt chúng đi làm lúc đó mới hết thời gian nghĩ linh tinh. Lao động cũng là một cách con người ta thấm thêm về cuộc sống.

Nhưng cũng có một số trường hợp không như nêu ở trên?

Đúng! Họ bị đuối cảm giác không hoà nhịp được với vòng xoáy của xã hội đặc biệt ở những nơi cuộc sống ở "cường độ cao".

Phải làm gì với những con người đó?

Nên chấn chỉnh về cái tôi mà bản thân đánh giá chưa đúng mức.

Nhưng cái khó ở chỗ, họ quẫn trí lên thì chết với sống cũng như nhau cả thôi?

Nên xem lại nền tàng nhận thức và môi trường sống của họ.

Còn với một số trường hợp muốn chết khác?

Tâm lí thần kinh không ổn định, nên đi gặp bác sĩ. Những người này thường không tính bởi tính chất bệnh lý.

Nhưng có những người bị sức ép quá lớn thì sao?

Cái gì cũng có mức độ. Con người cũng vậy nhưng quan trọng là độ lớn khác nhau của các mức độ tạo ra từ nhận thức như thế nào.

Ví dụ cụ thể về "mức độ"?

Có những người "quyên sinh" vì... trượt đại học. Chỉ là va vấp có tí gợn đầu đời mà còn không chịu được thì nếu sống tiếp sẽ còn tự tử nhiều lần nữa.

Nghĩ thế nào về tự tử?

Thường là rũ bỏ trách nhiệm hay cái tôi đi cao quá mức cho phép.

Những con người nghĩ cuộc sống đơn giản là như thế nào?

Sống chỉ để là sống bởi đã được sinh ra trên đời.

Vô trách nhiệm quá chăng?

Đúng. Được sinh ra và sống là may mắn lớn nhất của mỗi con người vậy nên có tí trách nhiệm với cuộc sống một chút: thứ nhất là tốt cho bản thân, thứ hai là cho gia đình và xã hội.

Vậy cuộc sống con người ta cần nhất điều gì?

Ngoài yếu tố căn bản duy trì sự sống thì mục đích, lí tưởng, tham vọng là những điều con người ta nên cần.

Tại sao nói tham vọng rất cần cho cuộc sống?

Nó trực tiếp gây nhiều tương tác cho xã hội và giúp con người phát triển.

Có thể cụ thể hơn?

Hãy nhìn xung quanh và tự hỏi bao nhiêu thứ đang được tạo ra tham vọng.

Nhưng tham vọng lớn quá sẽ có tiêu cực?

Cái gì cũng có mặt phải và mặt trái, nhưng tiêu cực là sự sống thì con người phải học cách chấp nhận vì bản năng sống. Phải có tham vọng con người mới có động lực và tiến bộ.

Monday, October 20, 2008

Ông xã xưa và nay

Ngày xưa khi đi ăn phở, thấy em ăn cay anh dịu dàng bảo “Sao em ăn cay thế!”, nay thì, “Ăn cay chỉ tổ phỏng mồm chứ ích lợi gì”... Ngày xưa, anh là người nghiêm nghị, ít cười đùa, nay anh có thể đứng giữa nhà tay tung chưởng, miệng xuỳ xuỳ để con cười.

Chồng yêu quý của em ơi,

Anh có công nhận rằng thời gian sẽ làm thay đổi mọi thứ không? Không biết anh thế nào chứ riêng em thì em cảm nhận điều này rất sâu sắc, thật sự sâu sắc anh ạ.

Phải công nhận rằng thời gian có sức công phá cực lớn, nó đã biến em từ một thiếu nữ xinh tươi phơi phới thành một mụ đàn bà khó tính, chiều đi làm về mặt cau mày có nghĩ trong đầu xem hôm nay cho bố con nó ăn cái gì, ngồi trên xe mặc cả từng nghìn đồng lẻ, hậm hực vô cùng khi người ta cân hàng không tươi cho mình (chứ không phải là cân thiếu đâu nhé!). Em - một cô gái vô tư thành một người chuyên nhăn nhó, soi mói mọi ngóc ngách trong gia đình. Em - một cô gái gon gàng thành một mụ sề lôi thôi, đầu óc tóc tai bù xù. Em - một cô gái ăn nói nhẹ nhàng đi vào lòng người thành một người chuyên trừng mắt, quát nạt mọi người…

Nhưng anh ạ, em nghĩ những thay đổi trên tuy có xấu về mặt hình thức song về mặt bản chất thì là tốt đẹp. Em có cau mày thì cũng chỉ là để tính toán cho bố con anh ăn uống sao cho khoa học và ngon miệng, em có nhăn nhó soi mói cũng là để nhà mình sạch sẽ gọn gàng hơn thôi. Mà em có thành mẹ sề cũng là do hoàn thành thiên chức cao quý sinh quý tử cho anh. Còn nữa, em có quát nạt thì cũng chỉ là muốn xả stress một chút, một chút thôi mà (cuộc sống này quá nhiều stress, anh biết rồi đấy).

Còn có những cái thay đổi lạ lắm, anh có biết không. Để em ví dụ cho anh thấy nhé, ngày xưa khi đi ăn phở với nhau, thấy em ăn cay, anh dịu dàng bảo em “ Sao em ăn cay thế!?”, nay thì, “ăn cay chỉ tổ phỏng mồm chứ ích lợi gì”. Xưa thì anh vắt chanh vào bát phở cho em, nay thì em phải chuyển cho anh bát phở đã đầy đủ gia vị… Rồi còn nữa, xưa mỗi lần cãi nhau, anh mất mấy ngày làm lành, bật “My love” qua điện thoại cho em nghe, nhận hết lỗi về mình, nay thì khi cãi nhau, anh trừng mắt bảo em: “ Này, anh đã nhịn em rồi đấy mà còn cứ nói nhiều!”. Trời ơi, nhịn người ta mà quát “chung kết” thế à?

Thật sự là có những lúc em thấy mình rơi vào khủng hoảng (chẳng biết nền kinh tế Mỹ bị khủng hoảng có cảm thấy bi đát như hoàn cảnh của em không?), em thấy càng ngày em như chứng khoán mất giá, tụt mãi mà chẳng thấy kéo được lên tí nào.

Nhưng có những thay đổi làm em thấy ngỡ ngàng, anh ạ. Ngày xưa, mới sinh con, hễ nó ị là anh nhìn bãi phân của con với vẻ kinh sợ, nay thì anh biết pha nước rồi rửa cho con rất sạch sẽ. Ngày xưa, khi anh bế con mà nó nghịch quá thì “này em, trả em này”, nay thì anh kiên trì bế con, tìm mọi thứ cho nó chơi rồi nói chuyện với con rất dịu dàng. Ngày xưa, hễ con phải thay áo thì anh phải tìm em bằng được, còn nay, anh biết lau mồ hôi cho con trước khi mặc áo mới cho con. Ngày xưa, anh chỉ là quan sát viên khi em tắm cho con, nay anh có thể cùng em tắm cho con rất pro. Ngày xưa, anh là người nghiêm nghị, ít cười đùa, nay anh có thể đứng giữa nhà tay tung chưởng, miệng xùy xùy để con cười. Ngày xưa, ngày nay…..

Ừ thì trái đất vẫn quay mà, nên mọi thứ vẫn phải đổi thay, anh nhỉ.

Phu Cuong

Em mà lẳng lơ, ối kẻ ngoại tình!

Đêm, hơi thở đang đều đều, cơ thể đang lều phều trôi vào giấc mộng. Chợt có tiếng rung rung khều khều từ cái điện thoại. Hé một mắt nhìn vào màn hình, là số của một Giai đã có vợ.

Giai đang ngồi ở quán rượu, sau hai vòng lần tìm danh bạ, cuối cùng thì em được chọn là người để Giai “làm phiền”. Chỉ đơn giản là Giai đang buồn quá, ở nơi công tác mới Giai không có bạn bè, dời cơ quan thì không biết phải đi đâu, làm gì ngoài việc chui về khách sạn nằm xem tivi. Tự nhiên Giai muốn được chuyện vãn với một ai đó biết lắng nghe, và thế, Giai gọi cho em.

“Tại sao anh lại gọi cho em thay vì gọi cho chị?”, em hỏi. Giai im lặng. Người cất tiếng lại là em: “Có thể là anh cần người chia sẻ lúc này, nhưng không thể vì em biết cách lắng nghe và chia sẻ mà em sẽ vui vẻ nằm đây lắng nghe anh. Bởi rõ ràng một thực tế rằng em chẳng thể lắng nghe anh mãi được, đúng không? Người làm được điều ấy chỉ có thể là chị. Vợ chồng là phải tin yêu và chia sẻ với nhau chứ? Những lúc như thế này, anh nên nhớ đến chị, nên gọi cho chị, đó là điều đúng đắn nhất anh nên làm. Em ngủ tiếp đây!”.

Và em cúp máy, đầu trống rỗng. Giai có vợ mỗi khi buồn, họ thường có xu hướng tìm đến một cô gái khác để cậy nhờ sự chia sẻ như thế sao? Nếu em là một đứa lẳng lơ, hoặc giả là em thể hiện hết tâm huyết nhiệt tình ra để sẵn sàng lắng nghe và chia sẻ với Giai ấy, thì liệu còn có lần chia sẻ kế tiếp không? Liệu rồi mọi việc sẽ đi đến đâu nếu em không biết cách tiết chế bản năng của Giai ấy?

Một Giai có vợ khác, trước kia cũng có chút tình cảm gọi là với em. “Gọi là” thôi bởi nếu đã thực sự sâu sắc thì Giai ấy đã không cưới vợ khi chưa thực sự làm điều gì xứng đáng để chinh phục em. Ấy thế nhưng sau khi cưới, Giai ấy lại nói với em rằng đó là sai lầm lớn nhất trong đời Giai. Rằng thì mà là Giai ước gì thời gian sẽ quay trở lại. Rằng nếu em cho Giai một cơ hội, Giai sẽ đánh đổi tất cả để có em. Một bi kịch sẽ xảy ra với một người phụ nữ khác, chắc chắn thế, và với chính em nữa. Em chưa từng có nghĩ sẽ làm kẻ thứ ba, thế nên em đã dùng kế “Đả thảo kinh Xà” để… dằn mặt Giai thay vì để bi kịch kia xảy ra.

Em gặp một Giai khác trong công việc. Lịch lãm, hào hoa, chừng mực và rất tâm lý là thế mạnh của anh này. Đây không phải là mẫu người đàn ông gây ấn tượng với em cho dù có gặp đi gặp lại nhiều lần đi chăng nữa. Thế rồi chả hiểu sao Giai lại rất hay điện thoại mời em đi ăn uống đó đây. Em thấy Giai này cũng không hẳn là “nguy hiểm”, bản thân em cũng muốn cho mình một cơ hội, thế là sau vài lần chối đây đẩy, em đồng ý đi café. Cảnh “Giai đơn Gái chiếc” nên dễ đồng cảm, một lần đã hẹn được thì ắt chả có lý do gì mà không có thêm lần thứ hai, thứ ba. Lâu dần, Giai và em trở nên khá thân thiết, thân thiết có chừng mực hẳn hỏi. Một hôm, vừa tan sở, Giai lôi em vào quán Café Trung Nguyên nằm nghiêng bên góc phố. Sau một hồi rào trước đón sau, Giai trần tình về những bí mật hôn nhân của Giai mà theo Giai thì, ngoài hai vợ chồng nhà Giai ra, em là người thứ ba duy nhất được biết. Giai bảo rằng Giai không hiểu tại sao lại kể cho em nghe những bí mật ấy, Giai thấy em là người sâu sắc và đáng tin cậy, là người nhạy cảm và tinh tế, là người biết chia sẻ…nếu Giai không kể ra với em thì chắc chắn đầu Giai sẽ vỡ tung ra có ngày.

Em không tin nổi Giai là người đã có vợ, lại càng không tài nào tưởng tượng nổi một người đàn ông đã có vợ con mà vẫn ngào ngạt như thế. Mùi vị phong trần của Giai đã che lấp hết những giác quan nhận diện của một đứa luôn thận trọng và tỉnh táo như em. Em thấy bực một tí vì Giai đã không trung thực ngay từ đầu. Xong, xét cho cùng, nếu không tin tưởng em thì Giai đã không kể cho em nghe chuyện “thâm cung tình sử” của Giai như thế. Em đã giúp Giai tìm ra những phương án tối ưu nhất để cải thiện mối quan hệ của vợ chồng nhà ấy. Điều đó khiến Giai rất tôn trọng và vị nể em. Em đã cầu mong mọi điều an lành sẽ đến với vợ chồng nhà Giai và mong sao họ sớm được đoàn tụ.

Nhưng rồi một ngày kia, em tận mắt chứng kiến Giai hẹn hò với một em gái khác. Tự dưng em giận thay cho vợ Giai. Em lờ mờ hiểu ra bản chất của Giai và nhận định rõ hơn nguyên nhân mối rạn vỡ trong hôn nhân của họ. Em chợt rùng mình, nếu em là đứa lẳng lơ, thì Giai sẽ “xử” em như thế nào nhỉ? Từ khi bị lộ tẩy, Giai xấu hổ. Giai chả dám liên lạc với em. Giai lặn luôn với cô tình nhân nọ. Em càng giận Giai bao nhiêu thì lại càng thương vợ con Giai bấy nhiêu…

“Giá như ngày trước em đồng ý thì bây giờ có phải chúng ta đang rất hạnh phúc không?”, choáng váng cả đầu óc khi em nhận được tin nhắn trắng trợn như thế từ một Giai có vợ khác. Giai còn email kể cho em nghe về cuộc sống hạnh phúc hiện tại của Giai, đồng thời không quên “thả mồi” bằng một câu hết sức đong đưa rằng: “Hạnh phúc của anh sẽ trọn vẹn hơn nếu có em…”. Thật là tham lam vô lối. Tự dưng em thấy mình may mắn vì đã không chui vào “cái thứ hạnh phúc” của Giai. Hẳn nhiên Giai đã “xơi tái” em rồi nếu em là một đứa thực dụng kèm chút lẳng lơ.

Một Giai chưa vợ nhưng đã có người yêu thì lại “cưa” em kiểu khác. Giai công khai lượn lờ tán tỉnh em trước bàn dân thiên hạ, chỉ trừ có người yêu của Giai là không hay biết gì, (cực thế đấy, khi đã chân thành say đắm yêu một ai đó, người phụ nữ thường có xu hướng tin tưởng tuyệt đối vào người đàn ông mà họ yêu). Ngay từ biểu hiện đầu tiên của Giai em đã nhận dạng Giai thuộc tuýp “oánh nhanh thắng gọn”. Quy trình của kiểu Giai này sẽ gồm: Làm quen - tặng hoa, quà - mời đi ăn uống - hẹn hò ở những nơi lãng mạn - yêu. Kiểu tình yêu này chắc chắn kết thúc trên một chiếc giường trong khách sạn hoặc nhà nghỉ nào đó. Giai thấy em khó “nhằn” nên sau một thời gian đong đưa mà chẳng xơ múi được gì, Giai lặn không sủi tăm.

Lại có cái kiểu ngoại tình mà người ta gọi là “ngoại tình tư tưởng”. Nghĩa là chỉ “yêu” trong tâm tưởng. Kiểu ngoại tình này rất nguy hiểm bởi nếu như người mang căn bệnh này không sớm tự chữa trị thì nguy cơ nát tan một tổ ấm là điều khó tránh khỏi. Vì là họ “ngoại tình tư tưởng” với em nên em không thể biết đích xác căn nguyên mà ngăn chặn.

Đấy, em kể sơ sơ như vậy thôi cũng đủ thấy rằng nếu em mà lẳng lơ, lả lơi, đong đưa, thực dụng thì chả ối kẻ ngoại tình. Nhưng em không lẳng lơ, nên cũng có ối kẻ không được ngoại tình. Và vì không được ngoại tình nên họ mới truyền tai nhau rằng hãy tránh xa em ra. Chả thế mà có người đã điểm thẳng vào mặt em mà rằng: “Người như em thì chả có thằng điên nào nó thèm yêu cả! Nhưng bất cứ thằng đàn ông thông minh nào cũng muốn cưới em làm vợ!”. Giai cứ vui tính, không yêu thì cưới thế quái nào được?

Tỷ lệ ngoại tình đang càng ngày càng gia tăng và phát triển đa dạng dưới nhiều hình thức cực kỳ tinh vi. Nguyên nhân chính là vì đâu? Phải chăng là do sự bình đẳng giới đã gần đạt đến mức cân bằng nên dân tình coi chuyện “chung đụng” chỉ là chuyện nhỏ như con thỏ, kiểu “anh có lòng thì tôi kiếm bát nước chấm, chúng ta cùng oánh chén”? Thiển nghĩ: Người đàn ông chân chính sẽ không đi tìm cơ hội ngoại tình. Người phụ nữ đoan trang sẽ không tạo ra cơ hội ngoại tình. Người đàn ông chân chính thời nay đâu hết rồi? Người phụ nữ đoan trang thời nay có còn nhiều không?

Em có một nguyên tắc bất di bất dịch là không bao giờ dính líu tình cảm với những người đàn ông đã có “chủ”. Đấy là một cách tôn trọng bạn cùng giới với mình. Em cũng là con gái, là phụ nữ, không đời nào em lại đi “tiếp tay” cho đàn ông để họ phản bội lại một người phụ nữ khác, đem đau khổ đến cho người phụ nữ ấy. Em làm thế là cũng mong rằng sau này, chả có cô gái nào dám tòm tem với chồng em cả. Hoặc giả chồng em có muốn tòm tem thì cô ấy cũng sẽ có động thái nghiêm chỉnh giúp chồng em tỉnh cơn mộng lành!

Ô Mai Già

Monday, September 8, 2008

Câu chuyện của một người thất bại.

Mình có đọc một câu chuyện về một người khởi nghiệp bị thất bại thấy hay hay muốn share với mọi người...
Hồi đó, đang từ một viên chức bình thường, tôi đột ngột quyết định chuyển sang làm kinh doanh. Tôi chọn hướng mở quán ăn vì đã nhiều lần… đi ăn quán, đã phần nào hình dung được công việc kinh doanh. Và quan trọng hơn nữa là tôi tự tin vì mình cũng biết chút ít về nghề bếp. Người thân can ngăn “chớ thấy người ăn khoai vác mai đi đào”, nhưng tôi bỏ ngoài tai.

TỪ QUYẾT ĐOÁN ĐẾN… GÀN

Trong kinh doanh rất cần phải cố chấp, tôi nghĩ thế. Cố chấp, trong một chừng mực nào đó, là quyết đoán, bản lĩnh, dám nghĩ dám làm.

Công việc đầu tiên của tôi là tìm thuê mặt bằng. Việc này tôi không có kinh nghiệm nhưng vẫn quyết làm một mình, bởi không muốn tiếp tục nghe những lời can ngăn. Đọc báo thấy đăng “nhà cho thuê nguyên căn, sân để được xe tải, giá thuê vừa phải, hẻm xe hơi vào được…”, tôi liên hệ ngay với chủ nhà. Xem xong căn nhà cảm thấy vừa ý, tôi quyết định đặt cọc, làm hợp đồng… ngay trong ngày.

Tôi sợ nếu không quyết định sớm sẽ có người khác đến thuê, quên việc phải thương lượng giá. Mẹ tôi biết chuyện cứ cằn nhằn suốt, bởi khi bà đi hỏi chuyện mấy ông xe ôm đầu hẻm và dò la người dân sống gần đó thì hiểu ra tôi đã thuê hớ giá khá nhiều. Lúc này thì đành chịu, tôi đã ký hợp đồng, đã đặt cọc ba tháng, và đóng trước một tháng tiền nhà. Sau đó tôi còn phát hiện ra một số điều kiện về mặt bằng chỉ có trên… mục rao vặt. Chẳng hạn, “hẻm xe hơi vào được” nhưng lại không ra được, vì đầu con hẻm rộng tới 12 mét nhưng vào đến căn nhà tôi thuê thì chỉ còn 4 mét! “Sân để được xe tải” có nghĩa là sân không có mái che, giữa trưa trời nắng mới thật là khủng khiếp. Tiếc là lúc xem nhà và khi ký hợp đồng tôi lại đi vào buổi chiều tối nên cứ thấy mát rượi!

Ngày khai trương, quán phở rất đông khách. Tôi đắc ý cho là mình quyết định đúng mà không để ý đến một điều là lần đầu tiên ở khu vực này xuất hiện một quán phở. Người ta đến ăn vì tò mò chứ chưa hẳn vì nhu cầu. Sau vài ngày đông vui, khách đến quán cứ thưa thớt dần. Tôi lại phải động não tìm nguyên nhân thất bại. Đây là một khu dân cư đông đúc, nhưng hầu hết đều là viên chức nên sống khá khép kín. Sáng họ vội đi làm nên không kịp ăn, chiều về ăn cơm tối với gia đình. Rốt cuộc khách hàng chính của quán tôi ở con hẻm chỉ là mấy ông bà nghỉ hưu. Nhưng khổ nỗi họ lại sợ cao huyết áp nên chẳng mấy ai đụng đến phở. Vậy là tôi đành trông chờ vào khách vãng lai.

Con hẻm mà tôi mở quán ăn thông sang nhiều hẻm và đường lớn khác nên suốt ngày tấp nập người qua lại. Tôi thấy đây là ưu điểm và bỏ qua lời cảnh báo từ người thân rằng “đây là con đường chết, người qua lại tuy tấp nập nhưng đó là vì công việc, vì… tránh kẹt xe, chứ không phải để tìm một điểm ăn uống”. Hơn nữa, như nhiều người phân tích, quán của tôi chẳng có gì hấp dẫn để thu hút khách vãng lai. Quán không có bảng hiệu, chỉ có mỗi hộp đèn gắn tít trên trời. Thêm nữa, hộp đèn chỉ mở vào buổi tối, còn ban ngày khách đi từ xa chỉ thấy mỗi tên quán (là tên tôi!) còn quán bán gì thì không rõ, vì chữ “phở” tôi để quá nhỏ.

Kinh doanh phở ế ẩm, tôi đột ngột chuyển sang bán cơm, vì nghĩ món này “thiết thực” hơn. Một lần nữa quyết định quá nôn nóng của tôi đã gây họa. Có khách vào quán gọi phở đã phải sượng sùng quay ra, vì tôi bán cơm mà vẫn treo hộp đèn quán phở! Thậm chí, chiếc xe phở còn được tôi “cải tiến” thành tủ kiếng bày thức ăn bán với cơm! Nhưng điều đó cũng chưa “nghiêm trọng” bằng việc tôi quyết định quay trở lại bán phở lần nữa. Do bán cơm không đắt khách như mong muốn, và lại có nhiều khách gợi ý tôi nên bán phở trở lại. Lúc này không ai còn hiểu nổi quán tôi thực sự bán gì!

Vì cố chấp, tôi đã bằng mọi cách quyết phải đạt được thành công. Cũng vì cố chấp, tôi cứ sợ mọi người cười chê thất bại của mình. Chính những suy nghĩ này đã dẫn đến một đường lối kinh doanh không nhất quán, làm tôi ngày càng lún sâu vào thất bại.

“SÁNG TẠO” QUÁ MỨC

Sau một thời gian loay hoay từ “phở” sang “cơm”, hết “cơm” đến “phở”, tôi chuyển sang bán nước uống. Nếu như ở hàng ăn đòi hỏi phải nghiêm ngặt trong công thức chế biến, thì với thức uống tôi lại thấy hợp với đầu óc “sáng tạo phong phú” của mình.

Lần này rút kinh nghiệm chuyện làm bảng hiệu lúc bán phở quá mờ nhạt, tôi cho làm lại hộp đèn, vẽ lại bảng hiệu với cái tên… rất Tây: “Hi there, buddies!”. Sợ cái tên này nghe lai căng quá nên trong tờ rơi đi phát ở trường học, tôi đã cẩn thận chuyển ngữ sang tiếng Việt, nghe thật… kêu: “Chào nhé, bạn mình ơi!”.

Rồi tôi bắt tay vào nghiên cứu công thức pha chế các món uống. Tôi “sáng tạo” bằng cách thêm vị này, bớt vị nọ. Vì quá “sáng tạo”, tôi đã tạo ra một thực đơn dài dằng dặc hàng mấy chục món giải khát, chưa kể cũng ngần ấy món trái cây và sinh tố. Tên gọi các món lại được đặt quá bay bổng, đến nỗi khách không thể hình dung mình sắp được “thưởng thức” món gì với những cái tên như “Hây hây má hồng”, “Mắt ai mãi tìm”, “No 4 go”… Cũng vì tôi tạo ra quá nhiều công thức nên lúc pha chế cho khách tôi không thể nào nhớ xuể. Vậy là vừa pha chế tôi phải vừa… cầm giấy ghi công thức nhẩm đọc. Việc này đôi khi cũng dẫn đến nhầm lẫn trong pha chế khi quán đông khách.

Tôi đã cố hết sức nhưng vẫn không thành, chỉ còn biết rút ra bài học cho chính mình:

Kinh doanh rất cần sáng tạo nhưng không phải là phi thực tế.
Và điều quan trọng hơn là không thể chủ quan khinh suất.
Tôi vốn thích yên tĩnh nên khi kinh doanh đã chọn hẻm để mở quán. Ngoài lý do đó, tôi còn bị thuyết phục bởi nhiều quán ăn dù mở trong hẻm mà vẫn rất thành công. Nhưng tôi lại quên rằng những quán thành công đó rất khác biệt so với tôi. Đó là những quán chuyên bán đặc sản vùng miền, quán cà phê vườn lãng mạn… Chứ bán hàng ăn uống bình thường như tôi mà tìm nơi tịnh vắng thì chỉ có thất bại. Lẽ ra tôi phải biết vận dụng câu “buôn có bạn, bán có phường” khi chọn địa điểm mở quán.

Tôi cố cầm cự hơn một năm thì đành đóng cửa. Tôi chạnh nghĩ mình không có khiếu kinh doanh! Đi ăn quán thường xuyên, làm bếp thuần thục chưa hẳn đã có thể kinh doanh quán ăn giỏi!

Thursday, September 4, 2008

6 điểm “không mê được” khi thuyết trình

Khi chuyện trò, trao đổi phỏng vấn hay thuyết trình ở cơ quan, đôi khi bạn có những "ngôn ngữ cơ thể" thừa, ảnh hưởng rất xấu đến hình ảnh cũng như bài nói chuyện của mình.

1. Không giao tiếp bằng mắt với người nghe

Hậu quả: Mọi người sẽ nghĩ bạn thiếu tự tin, bạn lo lắng và chưa chuẩn bị kỹ bài nói chuyện.

Lời khuyên: Dành 90% thời gian nói chuyện hoặc nhiều hơn để nhìn thẳng vào mắt của cùng trò chuyện. Phần lớn chúng ta khi nói chuyện thường chỉ nhìn xuống tài liệu, vào màn chiếu, nhìn xuống bàn hoặc... ngó lơ lung tung. Có một cách rất hiệu quả để chữa "bệnh" này: ghi hình những buổi thuyết trình của mình và xem lại để rút kinh nghiệm.

Nhìn thẳng vào thính giả chính là một cách để thu hút sự chú ý của họ, không cho phép họ có cơ hội lơ là hay làm việc khác.

2. Dáng đứng rụt rè, không mạnh mẽ

Hậu quả: Mọi người sẽ thấy ở bạn một doanh nhân còn non nớt, không chững chạc.

Lời khuyên: Khi đứng trên sàn, bạn nên đứng sao cho chân rộng bằng vai. Bạn có thể hơi nghiêng người và vai về phía trước nhưng nên giữ thẳng đầu và xương sống. Không nên dựa vào bàn hay bục phát biểu.

3. Cử động hoặc lắc lư cơ thể quá nhiều

Hậu quả: Mọi người nghĩ bạn đang sốt ruột về điều gì đó, muốn nói nhanh cho xong. Đôi khi, những động tác thừa của bạn khiến người nghe rối mắt, và họ có thể lấy chúng ra làm trò cười đấy.

Lời khuyên: Hãy hạn chế và kiểm soát mọi cử động của cơ thể. Đừng phô diễn những cử động không mục đích. Tập thói quen nghiêm túc ngay cả khi đang nói chuyện với một người. Trừ khi bạn đang "buôn dưa lê" với cô bạn thân, mọi cử chỉ lắc lư đều khiến bạn có vẻ cợt nhả.

4. Đứng yên một chỗ

Hậu quả: Bạn đang tạo cho bài nói chuyện của mình vẻ cứng nhắc không cần thiết đấy. Buổi nói chuyện của bạn chắc chắn sẽ kém phần sôi động, vui vẻ nếu bạn cứ đứng yên như phỗng.

Lời khuyên: Bạn có thể đi lại một chút. Nhiều nhà diễn thuyết xuất sắc rất hay đi lại trong lúc nói chuyện, thậm chí đi lại rất nhiều. Tuy nhiên, việc đi đi lại lại của họ là có mục đích chứ không phải vô nghĩa. Bạn cũng nên có những động tác cần thiết để minh họa cho bài nói.

5. Bỏ hai tay trong túi

Hậu quả: Mọi người sẽ nghĩ bạn không có hứng thú phát biểu, bạn miễn cưỡng phải trình bày, hoặc bạn đang lo lắng.

Lời khuyên: Nếu bạn chỉ bỏ một tay trong túi và tay kia để thả lỏng thì vẫn có thể chấp nhận được. Nhưng nếu bỏ cả hai tay thì chắc chắn là phải thay đổi. Giải quyết vấn đề này hết sức đơn giản: bỏ tay ra khỏi túi. Dùng tay để cầm bút, thước, chỉ vào màn hình minh họa,… Hãy để đôi tay bạn không “thất nghiệp”.

6. Sử dụng những cử chỉ, điệu bộ giả tạo

Hậu quả: Mọi người sẽ biết ngay bạn đã học quá thuộc bài phát biểu, bạn sẽ mất đi sự tự nhiên và khiến mọi người nghĩ ngay đến sự giả tạo, không thật trong bài phát biểu của bạn.

Lời khuyên: Đừng quá lạm dụng các cử chỉ, điệu bộ trong lúc phát biểu. Nếu không sẽ có lúc cử chỉ, điệu bộ của bạn sẽ không nhất quán với những gì bạn đang nói. Khi đó, thính giả sẽ được xem một bộ phim mà hình ảnh và âm thanh bị lộn xộn. Ngôn ngữ thuyết trình cũng phải chọn lựa kỹ, sao cho giản dị và dễ hiểu, đừng để người nghe nhàm chán hoặc phải căng thẳng đầu óc để suy luận.

Theo Askmen

Bí quyết để thuyết trình hiệu quả

GIAI ĐOẠN CHUẨN BỊ

a. Nội dung: Bạn nên dùng nhiều thời gian để nghiên cứu kỹ về chủ đề, đề tài của bạn, và phát triển thành các ý tưởng.

b. Cách tổ chức bài diễn thuyết: Sắp xếp các ý tưởng của bạn vào các phần mở bài, thân bài, kết luận một cách logic.

c. Thẻ ghi chú: Làm các tấm cards ghi chú những ý chính sẽ nói trong bài diễn văn. Nhớ là chỉ ghi những ý chính một cách ngắn gọn thôi nhé. Chúng sẽ giúp bạn nhớ lại nhanh chóng các ý chính mà không cần phải đọc nhiều.

d. Thực hành: Muốn thuyết trình thành công và hiệu quả còn đòi hỏi bạn cần phải thực tập nhiều lần trước ngày thuyết trình.

GIAI ĐOẠN TRÌNH BÀY

a. Phong thái tự nhiên: Cố gắng thuyết trình một cách tự nhiên, như đang trò chuyện với khán giả. Tránh nói một cách đều đều như trả bài, cũng không nên chỉ nhìn và đọc lại bài thuyết trình đã chuẩn bị sẵn.

- Sự nhiệt tình: chứng tỏ quan điểm rõ ràng và tích cực, niềm yêu thích về chủ đề bạn đang nói thông qua giọng nói và các biểu cảm trên nét mặt.

- Giao tiếp bằng mắt (eye contact): phải duy trì sự giao tiếp bằng mắt với khán giả để tăng sự tin cậy, tăng sự thích thú, tập trung nơi khán giả, và bạn cũng có thể nhận ra được sự phản hồi ngầm từ khán giả đối với bài thuyết trình của mình.

- Sự rõ ràng: phát âm rõ ràng, sử dụng ngôn ngữ phù hợp với khán giả của bạn.

b. Ngôn ngữ cử chỉ̉:

- Cách đi đứng: một dáng điệu và sự di chuyển tốt sẽ truyền tải được sự tự tin, chuyên nghiệp, và đáng tin cậy ở chính bạn.

- Điệu bộ: giữ điệu bộ của bạn một cách tự nhiên, tránh những cử chỉ lặp lại. Dùng cử chỉ của bạn để nhấn mạnh các điểm chính và thu hút sự chú ý nơi khán giả.

c. Phương tiện trợ giúp (visual aid): Thường là powerpoint, tranh ảnh, đồ thị… Các phương tiện nhìn nên:

- Đủ lớn để khán giả có thể thấy rõ.

- Được đặt tại vị trí dễ nhìn.

- Đơn giản và dễ hiểu.

Friday, August 29, 2008

Hãy xem lại lời nói và việc làm của mình

Khi ngồi một mình vào lúc đêm khuya; hoặc khi ở trong rừng,trên bãi biển, thậm chí ngay cả khi ở trong quán cà phê, bạn hãy tự xem lại mình. Điều đó cũng có nghĩa là khi bạn đã bình tĩnh, bạn sẽ thấy mình rõ hơn. Mặt hồ có phẳng lặng thfi bạn mới nhìn thấy bóng mình,khi bạn bình tĩnh thì mới thấy được ngày hôm nay bạn đã làm gì.
Có người nói con người hiện đại có thêm một niềm tự tin, nhưng lại thiếu mất một loại tinh thần “tự tỉnh” (kiểm điểm, xem xét lại mình). Đa số người chỉ thích được người khác khen ngợi, nhưng lại rất ít người thật sự xem xét lại mình. Trong những người còn đi học, thầy giáo thường bảo chúng tôi: “cần phải thường xuyên tự kiểm điểm, tự phê bình và điều này rất có giá trị”.
Cái gọi là “tự tỉnh”, tức là xem xét lại mình, xem lại lời nói và việc làm của mình, có gì sai, có gì cần phải sửa không.Người ta tại sao cần phải tự tỉnh? Lý do không ngoài hai nguyên nhân sau:
1. nguyên nhân chủ quan: con người không thể thập toàn thập mỹ, nói chung thường có khiếm khuyết về cá tính, hoặc thiếu sự hiểu biết, nhất là những người trẻ tuổi kinh nghiệm giao tiếp ngoài xã hội còn bị thiếu, vì thế họ thường có những lời nói không đúng hoặc những việc làm sai, đắc tội với người khác.

2. nguyên nhân khách quan: trong cuộc sống thực tế, rất nhiều người chỉ muốn nói những lời hay nên nhiều khi nhìn thấy người khác làm những việc không đúng hoặc nói không đúng cũng cố ý không bảo ban. Vì thế các bạn trẻ cần phải thường xuyên xem xét lại những lời mình nói và những việc mình làm.

Tăng tử nói: “Ngộ nhật tam tỉnh ngộ thân” (mỗi ngày tôi phải sửa mình 3 lần). Nếu bạn cảm thấy không có thời gian để mỗi ngày xem xét lại mình ba lần, thì hãy cố gắng mỗi ngày một lần hoặc hai ngày một lần cũng được, nhưng phải thường xuyên.
vậy hàng ngày bạn cần phải xem xét lại điều gì? Có phải là cứ khi nào bạn mất vui hoặc khó chịu hay không? Câu trả lời là không, bạn hãy xem xét lại mình về các mặt sau:

1. Giao tiếp: Hôm nay bạn có nói hay làm gì làm ảnh hưởng tới quan hệ giao tiếp của bạn không? Hôm nay trong lúc tranh luận bạn có chỗ nào không đúng? Có nói gì quá đáng không? Người nào đó không thích mình là vì sao?

2. Phương pháp làm việc: Hôm nay việc mình làm, mình giải quyết như thế có thích hợp không? Làm thế nào để có thế tốt hơn...

3. Tiến trình của cuộc sống: Xem lại mình cho tới nay đã làm được những gì, có tiến bộ gì không? Mình đã làm được bao nhiêu để đạt được mục tiêu?

Nếu bạn kiên trì thường xuyên xem xét lại mình theo ba mặt trên đây, nhất định bạn có thể sửa được những lời nói và việc làm của mình, bạn sẽ nắm vững phương hướng và nhất định sẽ không ngừng tiến bộ.
vậy những người không chịu tự xem xét lại mình thì sẽ có tác hại thế nào?
Đương nhiên, những người không chịu tự xem xét loại mình cũng không nhất định là người thất bại. Nhưng bạn làm thế nào để biết rằng người đó không tự xem xét lại mình?
những nhà chính trị ,quân sự vĩ đại đều có thói quen xem xét lại mình, vì chỉ có tự xem xét lại mình mới không mất phương hướng, mới không làm hỏng việc. Chúng ta đều là những phàm phu tục tử, sự hiểu biết vốn đã không thể bằng được các ‘vĩ nhân” vì thế việc tự xem xét lại mình lại càng quan trọng. Nếu có thể được, bạn nên coi việc tự xem xét lại mình là việc hàng ngày bạn nên làm.
Vậy mỗi người cần phải tự xem xét lại mình như thế nào?
thực tế cho biết, việc tự xem xét lại mình có thể ở bất cứ nơi nào, thời gian nào, cũng chẳng câu nệ vào một hình thức nào. Tuy nhiên, khi đang bận rộn thì khó có thể tự xem xét lại mình được vì tình cảm sẽ ảnh hưởng tới hiệu quả của việc xem xét tự sửa mình. bạn có thể tự xem xét lại mình vào những lúc đêm khuya khi có một mình, hoặc ở trong rừng, hay ngoài bãi biển,ở quán cà phê v.v... những lúc có một mình bạn.Còn phương pháp tự xem xét lại mình thì tuỳ từng người. Có người viết nhật ký, có người ngồi lặng thinh lim dim mắt suy nghĩ lại những lời nói, việc làm của mình. Bất kể là phương pháp gì, chỉ cần có kết quả là được. Tự xem xét lại mình cũng không nên làm cho có vẻ hình thức, hàng ngày có vẻ như đang xem xét lại mình, nhưng chẳng tìm ra được vấn đề gì, thậm chí không biết sai đúng thế nào, nếu vậy cần phải xem lại. Bạn muốn có thói quen tự xem xét lại mình không? Bạn cần phải sớm bồi dưỡng thói quen này, đó là một phương pháp có thể giúp bạn sửa chữa những sai lầm thiếu sót, giúp bạn kiểm điểm trước mặt mọi người và cũng chẳng tốn kém một xu nào. Vậy tại sao bạn lại không làm? Người ta không phải là thánh hiền, sai lầm không đáng sợ, chỉ sợ không dám sửa,muốn đề cao mình, mỗi người đều có hai cách: Một là học tập để nâng cao mình, hai là tự mình phải xem xét lại mình để nâng cao mình. Cách thứ nhất hầu như mọi người đều biết, còn cách thứ hai thì thường bị người ta coi thường. Kỳ thực những nhân vật vĩ đại, những người thành công từ xưa tới nay ở trong nước cũng như ở nước ngoài đều là những người do không ngừng học tập và không ngừng xem xét lại mình mà thành đạt. Nếu không có sự kiểm điểm và sửa chữa thì người ta khó có thể trở thành vĩ đại được. Muốn biến tri thức có ích trở thành máu thịt của mình, trở thành bộ óc để chỉ huy lời nói, việc làm của mình thì có thể thực hiện được bằng cách tự xem xét lại mình. Tự xem xét lại mình không phải là thiên bẩm mà là do có ý thức tự bồi dưỡng mà có.

Hãy chủ động trong mọi vấn đề

Ý thức chủ động tấn công không những có thể khiến cho những nhân vật vĩ đại làm được những việc kinh thiên động địa, cũng là cái cách lập thân của những người bình thường trong cuộc sống hàng ngày, trong công việc và trong giao dịch cần phải biết, mà nó còn làm cho giá trị của mỗi người được xác nhận, khiến người khác nhất là những kẻ xấu không dám coi thường mình.
chuyện kể rằng có một nhà tâm lý học rất khôn ngoan, trước lúc đưa đứa con gái nhỏ của mình đến lớp học, ông ta đã dạy cho đứa con một bí quyết rất cần thiết cho việc học tập và sinh hoạt của nó ở trường. Nhà tâm lý học chở con đến trường, trước khi đứa bé xuống xe để vào trong trường ông đã căn dặn con khi ở trong lớp học cần phải thường xuyên giơ tay... nhất là khi con muốn đi vệ sinh lại cần phải như vậy. Đứa bé đã thật sự tuân theo lời bố dặn, không chỉ khi em cần thiết mới giơ tay, mà ngay cả khi thấy cô giáo đưa ra câu hỏi em cũng là người giơ tay đầu tiên, bất kể là không hiểu hoặc không trả lời được. Ngày nọ nối tiếp ngày kia, thầy cô giáo tự nhiên có ấn tượng sâu sắc đối với cô học trò nhỏ tuổi mà hay giơ tay này. Bất kể em giơ tay để đưa ra câu hỏi hoặc để trả lời câu hỏi, các thầy cô giáo đều ưu tiên em đuợc phát biểu. Lâu dần nhờ những ưu tiên mà không được mọi người chú ý đó đã làm cho em tiến bộ hơn hẳn các bạn cùng lớp về mặt học tập cũng như các mặt khác nữa và em cũng đã tự khẳng định được mình.
Năng giơ tay quả là bí quyết mà nhà tâm lý học đã truyền thụ cho đứa con bé bỏng của mình.
Quan niệm về năng giơ tay mà người cha thông minh đã chỉ dạy cho đứa con của mình trong câu chuyện trên đây, chính là thái độ tích cực chủ động của những người thành công.Muốn thành công cần phải chủ động. Mọi sự tự ti, rụt rè không dám tiến lên hoặc những hành vi do dự không dám quyết chỉ có thể làm cho nhân cách của người ta bị thui chột và thất bại trong việc xử thế làm người. Chúng ta thường vì sĩ diện hoặc sợ bị từ chốí hoặc sợ bị phê bình hoặc vì nhiệt tình của mình thường hay bị đối phương đáp lại một cách lạnh nhạt mà khiến mình nhụt chí, không dám tích cực chủ động nữa, nhưng nếu chúng ta hăng hái tích cực chủ động hơn một chút cũng có thể gạt bỏ được những suy nghĩ lo lắng tiêu cực.
Vì vậy chúng ta hãy gạt bỏ những hoài nghi vô vị hãy đơn giản hơn một chút, hãy nhiệt tình thêm một chút nắm chắc sức mạnh tích cực chủ động, bất kể việc gì cũng hăng hái, chủ động hơn trong việc giúp đỡ người khác thì những thành công sẽ sớm đến với chúng ta.

Chí tiến thủ là một đức tính quý báu, nó có thể thúc đẩy người ta làm những việc người ta cần làm mà không phải rơi vào trạng thái bị động tiếp nhận nhiệm vụ. Bạn có thể đặt câu hỏi thế nào mới được coi là có ý chí tiến thủ?
Chí tiến thủ chính là chúng ta chủ động làm những việc mình nên làm, không phải chờ người khác giao việc mới làm,thấp hơn một bậc so với việc mình chủ động làm, tức là khi có người bảo với bạn là nên làm việc gì, bạn không do dự, đi làm ngay.
Còn một loại thấp hơn nữa, tức là người lơ mơ chẳng biết chủ động làm bất cứ việc gì, chỉ khi có người thúc giục họ mới miễn cưỡng làm cái việc đáng lẽ họ phải làm từ lâu rồi. Loại người này thì suốt đời khổ sở chẳng làm nên trò trống gì, nhưng họ lại luôn oán thán số mình không may.
Còn một loại người tồi tệ hơn nữa, loại người này căn bản chẳng biết mình nên làm việc gì, ngay cả khi có người bảo với họ là đi làm việc đó, họ cũng không biết cách phải làm như thế nào, hoặc ngay cả khi có người nhiệt tình chỉ bảo dìu dắt kèm cặp mà họ cũng không làm được. Cuộc sống của loại người này thật bi đát, thất nghiệp luôn luôn rình rập bên cạnh họ, và họ cũng rất dễ bị người ta coi thường, trừ phi anh ta có ông bố, bà mẹ lắm tiền nhiều của, nhưng dù có được như vậy đi chăng nữa thì Thượng đế cũng vẫn đang cầm cái gậy đứng đợi anh ta ở chỗ rẽ của quãng đường.
Bạn hãy so sánh xem bạn thuộc loại người nào trên đây nhé.
nếu bạn muốn có thành tựu, trở thành người thành công, trước hết bạn hãy làm một người mạnh mẽ, có chí tiến thủ. Mà muốn trở thành người có chí tiến thủ thì trước hết bạn cần phải khắc phục thói quen lề mề, gạt nó khỏi cá tính của bạn, vứt vào sọt rác. Thói quen xấu đó đã bám vào bạn từ năm ngoái, từ tháng trước hoặc từ mười mấy năm trước đây đã khiến những việc mà bạn đáng lẽ phải hoàn thành từ ngày đó phải kéo dài tới tận bây giờ. Nếu bạn không loại bỏ những thói quen xấu đi thì bạn chẳng làm được trò trống gì. Muốn khắc phục thói quen lề mề, có một cách rất đơn giản, đó là:
1. Mỗi ngày phải làm một việc gì đó thật rõ ràng không cần phải chờ đợi người khác chỉ bảo mà vẫn có thể hoàn thành một cách xuất sắc, tích cực.
2. Tích cực tìm tòi, mỗi ngày ít nhất phải tìm ra được một việc làm có ích cho người khác, mà không phải vì có được thù lao.
3. Mỗi ngày ít ra cũng nói được cho một người biết về lợi ích của việc tích cực chủ động làm việc. Cho dù một việc gì đó vốn không có thật, nhưng nếu cứ liên tiếp nhắc đi nhắc lại thì rồi cuối cùng người ta cũng phải tin là có thật.
Vì thế cần phải tạo cho mình có thói quen tích cực tiến thủ ở mọi nơi, mọi lúc “tiến thủ trong nói chuyện, tiến thủ trong ăn uống, tiển thủ trong suy nghĩ, tiến thủ trong lúc ngủ, và tích cực tiến thủ trong việc làm”. Không nên cho rằng đó chỉ là hư trương thanh thế, mà nó ảnh hưởng rất lớn đối với bạn, giúp bạn trở thành người có chí tiến thủ mạnh mẽ.
Hầu như những người thành công đều có thói quen chủ động trong mọi công việc. Thông thường có một số người luôn luôn cảm thấy mình bị động, bị người khác chèn ép, mà có biết đâu rằng tình thế bị động đó là do tự mình tạo ra. Nếu bạn chủ động trong mọi việc, làm trước mọi việc, nghĩ trước mọi vấn đề thì bạn sẽ thoát khỏi tình thế bị động. Còn nếu cứ ỷ lại vào người khác, bạn sẽ luôn ở thế bị động. Vì thế nếu bạn muốn trở thành người có quyền quyết định, bạn cần phải có ý thức tăng cường khả năng kiểm soát của mình, việc gì cũng phải nghĩ trước làm trước, để thật sự có thói quen chủ động trong mọi vấn đề.

Hãy biết đổi mới

Cuộc sống nhiều khi biết rõ đã ở vào “ ngõ cụt” rồi ,nhưng vẫn có những người không biết lối ra cứ loay hoay mãi ở trong “ngõ cụt” mà chẳng thu được kết quả gì. Giả dụ họ biết nhận thức mới thì tình hình có thể sẽ khác đi nhiều.

Trong cuộc sống bình thường, chúng ta thường hay quanh đi quẩn lại vẫn là những bước đi đơn điệu, có thể vì thế mà chúng ta trước sau vẫn cứ quanh quẩn mãi một chỗ, cuộc sống của chúng ta cũng vì thế cứ bình thản trôi đi không có những thay đổi tốt đẹp hơn. Tại sao vậy? Có một nhà xã hội học đã thẳng thắn chỉ ra rằng:’’Một người mà không có ý thức đổi mới thì cuộc sống của họ sẽ vĩnh viễn không thể thay đổi được, một xã hội không có ý thức sáng tạo mới thì xã hội đó vĩnh viễn không thể thay đổi cuộc sống thì cần phải biết đổi mới’’.
Tôi đã từng gặp và trao đổi với một số người buôn bán nhỏ, tôi phát hiện ra rằng họ rất thiểu ý thức đổi mới. Họ bảo với tôi là: “Bây giờ buôn bán khó khăn chẳng kiếm được bao nhiêu, không còn như trước kia “. Tôi hỏi họ: “ Bây giờ cạnh tranh gay gắt, những người cùng kinh doanh một mặt hàng quá nhiều, lợi nhuận lại rất thấp “. Tôi khuyên họ: “Có thể chuyển sang kinh doanh ngành nghề hoặc mặt hàng khác, nếu cố gắng thì vẫn có thể thành công”. Họ tỏ vẻ ngỡ ngàng, tôi tiếp tục nhấn mạnh: “Nếu ngành nghề hiện nay không thể tiếp tục được nữa, sao không dứt khoát chuyển sang ngành khác”. Có người lập tức cười gượng nói: “Việc buôn bán bây giờ đều khó khăn như nhau cả, ngành nào cũng vậy cả thôi “. Tôi lại nói : “ Các ông, các bà chưa làm tại sao biết là ngành nào cũng thế cả thôi?, nếu việc buôn bán hiện tại không thể kiếm được tiền nữa mà cứ tiếp tục làm thì chẳng hoá ra các ông các bà làm công không à? “. Mặc dù ra sức động viên nhưng họ vẫn cố chấp cho rằng, nếu tìm cách chuyển sang kinh doanh cái khác thì rất khó và họ không có ý định chuyển sang kinh doanh mặt hàng khác.
Có nhiều người đã từng thất bại trong một số lĩnh vực, nhưng lại không biết thay đổi phương thức hoặc phương hướng. Tuy họ đang phải vất vả vật lộn với công việc, thế nhưng họ lại không muốn thay đổi hiện trạng. Cuộc sống cuả người ta là như vậy, nhiều khi biết rõ là mình đang ở trong “ ngõ cụt “, nhưng vẫn không biết cách tìm lối thoát ra, vẫn cứ quanh quẩn vật lộn mãi ở trong “ ngõ cụt “ mà chẳng thu được kết quả gì. Nếu họ có ý thức đổi mới thì rất có thể tình hình sẽ khác đi nhiều.
Có những người mặc dù chỉ buôn bán nhỏ, nhưng vì năng động, dám đổi mới nên họ đã thành công. Khi hỏi đến kinh nghiệm kinh doanh của một trong số những người đó, họ khiêm tốn cho rằng việc họ làm chẳng đáng gọi là kinh nghiệm. Họ nói: “Tôi chỉ thích làm những ngành nghề càng ít người kinh doanh càng tốt, vì ít người kinh doanh thì lợi nhuận sẽ nhiều hơn, còn hễ thấy ngành nghề mình đang làm hầu như không còn có thể kiếm ăn được nữa thì tôi chủ động rút lui kinh doanh mặt hàng khác thích hợp với mình. Thật ra bất cứ ngành nghề nào cũng vậy, khi mới bắt đầu số người kinh doanh còn ít nên có thể kiếm được nhiều tiền, sau lâu dần số người tham gia vào ngành nghề đó ngày một nhiều thì lợi nhuận sẽ ít dần, vì thế tôi luôn thay đổi ngành nghề. Do đó thành công của tôi cũng chính là nhờ ý thức đổi mới, thích kinh doanh những ngành nghề mới mà chưa có ai làm hoặc có ít người làm “.
Thật vậy, ý thức đổi mới đã giúp người ta thành công trong lĩnh vực kinh doanh cuả mình. Vì vậy bạn hãy chủ động, tích cực đổi mới đi! Hãy để cho ý thức đổi mới làm cho cuộc sống của chúng ta có nhiều sức sống hơn! Vì chúng tôi tin rằng người có ý thức đổi mới và biết đổi mới sẽ có cuộc sống tươi đẹp hơn.
Có đầu óc sáng tạo sẽ tạo ra cuộc sống mới, môi trường mới, cơ hội mới. Bất kể là làm việc gì cũng phải có tư duy mới, tư tưởng mới, phương pháp mới để xem xét vấn đề, không nên bị ràng buộc bởi những tập quán tư duy truyền thống, thói quen lười biếng và tầm thường. Muốn thay đổi số phận của mình thì cần phải biết phá bỏ những thói quen xấu và không ngừng hình thành ý thức tìm tòi cái mới. Thành công nào cũng là do kết quả của việc tìm ra cái mới.

Wednesday, April 23, 2008

Install Oracle 11 on Linux

Cài đặt Oracle 11gR1 trên hệ điều hành Enterprise Linux 5 (Step-by-step)

Create Groups and User Account
Cài Oracle cần như sau:
1. Tạo 2 Groups: đặc tên là oinstall và dba
2. Tạo 1 User account tên là: oracle
(note: Đúng ra đặt là Tí Tèo gì củng được, nhưng conventional, thấy thiên hạ cài Oracle hay đặt là vậy.)
Login as root, run:
# groupadd oinstall
# groupadd dba
# useradd -m -g oinstall -G dba oracle
Tạo password cho user: oracle
# passwd oracle
Changing password for user oracle.
New UNIX password:
Retype new UNIX password:
passwd: all authentication tokens updated successfully.

note: UNIX password đòi phải có số, chử, dấu đặc biệt!
Một UNIX pasword thí dụ như là: P@ssw0rd

Kiểm tra lại, run:
# id oracle


Create directories, group, user oracle
1. Tạo 1 thư mục /u01/app
2. Trao quyền owner cho user oracle
3. Trao quyền read, write mọi thứ trong /u01/app cho tất cả!
Run commands:
# mkdir -p /u01/app
# chown -R oracle:oinstall /u01/app
# chmod -R 775 /u01/app

(note: Tại sap phải đặc tên mấy cái đường dẩn lằn nhằn như thế?
Đúng ra thì củng chẳng bắt buột. Nhưng mà Oracle recomment thế đấy.
Có cả Document về oracle name convention)
Set Enviroment for user oracle
Mở file /home/oracle/.bash_profile thêm vào:
#environment for oracle
ORACLE_BASE=/u01/app/oracle
ORACLE_HOME=$ORACLE_BASE/product/11.1.0/db_1
ORACLE_SID=EDU11
PATH=$PATH:$ORACLE_HOME/bin
LD_LIBRARY_PATH=$ORACLE_HOME/lib:/lib:/usr/lib
CLASSPATH=$ORACLE_HOME/JRE:$ORACLE_HOME/jlib:$ORACLE_HOME/rdbms/jlib
export ORACLE_BASE ORACLE_HOME ORACLE_SID PATH LD_LIBRARY_PATH CLASSPATH

(note: Khi cài oracle là log vào bằng user oracle.)


Kiểm tra, upgrade RPMs:
Bước nầy hơi rất rối tí. Oracle1 đòi hỏi các RPM phải có tối thiểu các Version sau:
make-3.81
binutils-2.17.50.0.6
gcc-4.1.1
libaio-0.3.106
libaio-devel-0.3.106
libstdc++-4.1.1
elfutils-libelf-devel-0.125
sysstat-7.0.0
compat-libstdc++-33-3.2.3
libgcc-4.1.1
libstdc++-devel-4.1.1
unixODBC-2.2.11
unixODBC-devel-2.2.11

Run command sau để xem mình đang có RPM Version nào?
# rpm -q make binutils gcc libaio libaio-devel libstdc++ elfutils-libelf-devel sysstat compat-libstdc++ libgcc libstdc++-devel unixODBC-2.2.11 unixODBC-devel

(..gỏ trong 1 line)
Kết quả:
make-3.81-1.1
binutils-2.17.50.0.6-2.el5
gcc-4.1.1-52.el5
libaio-0.3.106-3.2
package libaio-devel is not installed
libstdc++-4.1.1-52.el5
elfutils-libelf-devel-0.125-3.el5
sysstat-7.0.0-3.el5
package compat-libstdc++ is not installed
libgcc-4.1.1-52.el5
libstdc++-devel-4.1.1-52.el5
package unixODBC is not installed
package unixODBC-devel is not installed

So sánh các RPMs.
Nêu thiếu cái nào thì phải cài mới vào. Version củ thì phải upgrade lên!
Các RPM có thể tìm thấy trong CD cài Linux, hay search trên google

Tôi copy các RPMs vào cái thư mục shares của VMWare, chạy các command sau:
# rpm -ivh libaio-devel-0.3.106-3.2.i386.rpm
# rpm -ivh unixODBC-2.2.11-7.1.i386.rpm
# rpm -ivh unixODBC-devel-2.2.11-7.1.i386.rpm
# rpm -ivh compat-libstdc++-33-3.2.3-61.i386.rpm

note:
to install/cài mới: rpm -ivh package-file-name.rpm
to update/nâng cấp: rpm -Uvh package-file-name
xem info package có trong máy: rpm -qi package-name
xem info package file: rpm -qpi package-file-name


Config Linux Kernel Parameters
Dùng vi hay gedit(cái nầy giống notepad!) thêm các lines sau vào file /etc/sysctl.conf
#This lines is for Oracle Installation
kernel.shmall = 2097152
kernel.shmmax = 536870912
kernel.shmmni = 4096
kernel.sem = 250 32000 100 128
fs.file-max = 6553600
net.ipv4.ip_local_port_range = 1024 65000
net.core.rmem_default = 4194304
net.core.wmem_default = 262144
net.core.rmem_max = 4194304
net.core.wmem_max = 262144

Check lại, run:
# sysctl -p


Setting Shell Limits for user oracle
todo:
1. Thêm vào file /etc/security/limits.conf các dòng sau:
(trên cái line # End of file)
oracle soft nofile 63566
oracle hard nofile 63536
oracle soft nproc 16384
oracle hard nproc 16384

(note: soft limit = hard limit setting)

2. Verify file /etc/pam.d/system-auth, check xem có 2 lines sau:
session required /lib/security/pam_limits.so
session required pam_limits.so

3. Disable SELinux
edit /etc/selinux/config file, change line
SELINUX=disabled

4.Sua loi libXp.so.6:
#cd /usr/lib
#ln -s libXpm.so.4.11.0 libXp.so.6


Cài Oracle11
Login vào Linux với user oracle.
Kiểm tra(echo) lại xem coi các Environment Vars có set, export ko?
Run:
# cd /mnt/oracle11g/
# ./runInstaller

Step 1: Select Installation Method:
-Chọn Basic Installation
-Global Database Name: EDU11
-Database Password
-Nhưng cái còn lại để default mặc định
-Click Next

note: Enterprise cần 3.3GB + DB 1.48GB = 4.8GB
Chọn Basic Install cho dể. Ai rành thì chọn Advanced.
Tôi chọn Basic Install. Khỏe!


Step 2: Specify Inventory directory and crendentials
-Click next


Step 3: Product-Specific Prereqisite Checks
-Step nầy, ai chuẩn bị ko tốt sẻ bị báo lổi, warning!
-Ai bị thì copy text trong cái textbox ra xem, cancel install,
tìm chổ nào có chử "failed"! fix lổi, rồi runInstaller lại.
-Tôi bị 1 lổi là RAM chỉ có 512MB, nên click Next được!


Step 4: Warning: Product-Specific Prereqisite Checks
-Click yes


Step 5: Oracle Configuration Manager Registration
-Nghèo như tôi thì làm gì có Customer Identification Number
CSI, click next!


Step 6: Summary
-click install


Step 7: Install run
Oracle beginn the install..wait...


Step 8: Database Configuration Assistant
-click ok


Step 9: Execute Configuration scripts
Step nầy phải chạy 2 cái scrips bằng user root.
-Chuột phải mở new Terminal
-Gỏ:
$ su - root
# /u01/app/oraInventory/orainstRoot.sh
# /u01/app/oracle/product/11.1.0/db_1/root.sh
Khi bị hỏi: Enter the full pathname of the local direcory, thì nhấn Enter...
# exit <- quay về oracle #exit <- close terminal -tiếp tục với Oracle Install dialog box: click OK Step 10: End of Installation click exit and Yes! xong, finish!

Tự động Start và Shutdown

Login vào hệ thống bằng user root:

1. chỉnh sửa file /etc/oratab, thay đổi ký tự cuối cùng thành Y (mặc định là N).
EDU11:/u01/app/oracle/product/11.1.0/db_1:Y

2. chỉnh sửa file $ORACLE_HOME/bin/dbstart và thay đổi giá trị cho ORACLE_HOME_LISTNER (dòng 82):
ORACLE_HOME_LISTNER=$ORACLE_HOME

3. chỉnh sửa file $ORACLE_HOME/bin/dbshut và thay đổi giá trị cho ORACLE_HOME_LISTNER (dòng 53):
ORACLE_HOME_LISTNER=$ORACLE_HOME

4. Tạo file có tên là oracle trong thư mục /etc/init.d/ với nội dung như sau:
#!/bin/bash
#
# oracle Init file for starting and stopping
# Oracle Database. Script is valid for 10g and 11g versions.
#
# chkconfig: 35 80 30
# description: Oracle Database startup script

# Source function library.

. /etc/rc.d/init.d/functions

ORACLE_OWNER="oracle"
ORACLE_HOME="/u01/app/oracle/product/11.1.0/db_1"

case "$1" in
start)
echo -n $"Starting Oracle DB:"
su - $ORACLE_OWNER -c "$ORACLE_HOME/bin/dbstart"
echo "OK"
;;
stop)
echo -n $"Stopping Oracle DB:"
su - $ORACLE_OWNER -c "$ORACLE_HOME/bin/dbshut"
echo "OK"
;;
*)
echo $"Usage: $0 {start|stop}"
esac

Sau đó:
chmod 750 /etc/init.d/oracle
chkconfig --add oracle --level 0356

5. Tạo file có tên là oraemctl trong thư mục /etc/init.d/ với nội dung như sau:
#!/bin/bash
#
# oraemctl Starting and stopping Oracle Enterprise Manager Database Control.
# Script is valid for 10g and 11g versions.
#
# chkconfig: 35 80 30
# description: Enterprise Manager DB Control startup script

# Source function library.

. /etc/rc.d/init.d/functions

ORACLE_OWNER="oracle"
ORACLE_HOME="/u01/app/oracle/product/11.1.0/db_1"

case "$1" in
start)
echo -n $"Starting Oracle EM DB Console:"
su - $ORACLE_OWNER -c "$ORACLE_HOME/bin/emctl start dbconsole"
echo "OK"
;;
stop)
echo -n $"Stopping Oracle EM DB Console:"
su - $ORACLE_OWNER -c "$ORACLE_HOME/bin/emctl stop dbconsole"
echo "OK"
;;
*)
echo $"Usage: $0 {start|stop}"
esac

Sau đó:
chmod 750 /etc/init.d/oraemctl
chkconfig --add oraemctl --level 0356


Như vậy là finish (Theo thuang.nguyen)

Tuesday, March 18, 2008

Hồi 1: Đường Tam Tạng cứu Tôn Ngộ Không và thâu nhận ngựa bạch

Lại nói Đường Tam Tạng phụng mệnh Quan Âm Bồ Tát và Đường Thái Tông đến Thiên Trúc thỉnh bộ Đại Thừa Phật Pháp Tam Tạng chân kinh về Đại Đường phổ độ chúng sinh.
Từ ngày ra đi đến nay đã được một tháng, hiện trước mặt ông chính là Ngũ Hanh Sơn, một địa điểm du lịch nổi tiếng.
Nhìn ngọn núi cao sừng sững, Đường Tam Tạng chặc lưỡi:
- Hic, giá mà trước đừng tiết kiệm học luôn khóa leo núi có phải tốt hơn không?
Chợt ông nghe tiếng huyên náo bên trái, Đường Tam Tạng vội vàng xách dép chạy sang bên cạnh nghe ngóng....

Đập vào mắt ông là một tấm biển lớn:
- Triển lãm khỉ bị núi đè mấy trăm năm không chết.
- Giá vé người lớn: 20 lượng.
- Trẻ em từ 12 đến 18 tuổi: tính 75 %
- Dưới 12 tuổi: Tính 50 %
- Mua mười vé tặng một vé
Ký tên: Thổ Địa.
Phía bên trong, một ông già ngồi rung đùi vuốt râu, Đường Tam Tạng lại gần hỏi:
- Tôi là người tu hành, có thể free một lần không?
- Không được, thế thì chúng tôi ăn cám à, ông tham thế?
Đường Tam Tạng toan bỏ đi thì nghe tiếng la choi ***i ở đằng sau:
- Ông có phải Đường Tam Tạng, hòa thượng từ Đại Đường đến Tây Thiên Thỉnh Kinh không?
- Chính là bần tăng.
- Thật không đấy? Thời buổi hàng giả nhiều thế này, ông có gì chứng minh không?
Đường Tam Tạng tự ái nói:
- Có giấy chứng nhận do đích thân hoàng thượng ký đây.
Dứt lời, tờ giấy bay vụt khỏi tay ông, Đường Tam Tạng kêu oai oái:
- Cướp giật, cướp giật, bà con ơi, cướp giật.
Thổ địa vỗ vai:
- Ông anh yên chí đi.
- Tôi đầu trọc làm gì có chí mà yên.
- Thì yên tâm đi, con khỉ đấy nó giở trò giật đồ của khách là chuyện thường ấy mà, tí nữa nó trả ngay.
- Khỉ gì mà láo như con cáo, hừ, tại sao lại bị đè ở đây?
- Nó vốn là Tề Thiên Đại Thánh trên trời, phạm tội đại náo thiên cung nên bị Phật Tổ Như Lai phạt nhốt dưới Ngũ Hành Sơn đã năm trăm năm này.
- Trời ơi, năm trăm năm nay rồi? - Đường Tam Tạng kêu lên - chết rồi, thế thì nó bẩn khiếp, nếu để nó cầm thì còn gì là công văn của ta nữa.
Nói rồi Đường Tam Tạng chạy vụt vào bên trong.
Thổ Địa chạy theo la oai oái:
- Ngươi còn chưa mua vé, đứng lại, định xù hả?
Đường Tam Tạng vào bên trong quả nhiên thấy một con khỉ mình đầy lông lá đang bị đè dưới chân núi.
Vừa thấy Đường Tam Tạng, nó kêu lên:
- Sư phụ, mau cứu đệ tử.
- Ê đừng thấy người sang bắt quàng làm họ nhé, ai sư đồ gì với ngươi.
- Con là Tôn Ngộ Không, năm trăm năm trước Phật Tổ Như Lai đã nói năm trăm năm sau sẽ có một vị hòa thượng từ đông thổ đại đường đến Tây Thiên Thỉnh Kinh đi qua đây, nếu con chịu làm đồ đệ của người thì sẽ giải thoát con khỏi Ngũ Hanh Sơn, cái này ghi rõ trong hợp đồng rồi, sư phụ không xù được đâu.
- Thì ra là thế? Nhưng ta làm sao cứu mi?
- Phật Tổ Như Lai đặt password phá núi là bài niệm kinh của Kim Thiền Tử, sư phụ là hậu thân của Kim Thiền Tử, chỉ cần sư phụ đọc một bài kinh thì con sẽ được giải thoát.
- Đọc xong nhớ trả tiền công cho ta nhé. - Đường Tam Tạng làu bàu rồi ngồi xuống tụng kinh.
Quả nhiên một lúc sau, ngọn núi rung rinh rồi nổ tan tành.
Thổ địa chạy vào thấy Tôn Ngộ Không được giải thoát thì giậm chân kêu lên:
- Thôi thế là toi rồi, ngươi đạp đổ nồi cơm của ta rồi.
Tôn Ngộ Không tức giận bay vọt tới gõ liên hồi lên đầu Thổ Địa:
- Dám lấy ta làm vật trưng bày hả?
Đường Tam Tạng thấy Tôn Ngộ Không thoát được bèn nói:
- Ê thế còn vụ ta giải thoát cho mi thì sao?
Tôn Ngộ Không quỳ xuống nói:
- Yên tâm đi, tôi không xù đâu mà sợ, Sư phụ, đệ tử nguyện đi theo người đến Tây Thiên Thỉnh kinh.
- Thật chứ? - Đường Tam Tạng không giấu nổi vẻ thất vọng khi không được trả lương. - free thù lao chứ?
- Ok, điều này Phật Tổ nói rõ rồi, thù lao free luôn/
- Thế thì được, chúng ta lên đường.
Nào ngờ lúc quay lại đã chẳng thấy con ngựa của Đường Tam Tạng đâu.
Đường Tam Tạng túm cổ Thổ Địa kêu lên:
- Con ngựa của ta đâu? Mau trả lại đây.
- Ông có mua vé thăm quan đâu, lại còn không mua vé trông ngựa, không đóng phí mà đòi tôi có trách nhiệm phải đền ông chứ?
Tôn Ngộ Không cười khẩy:
- Thôi bỏ đi, sư phụ để cho con.
Nói rồi Tôn Ngộ Không hóa ra một con Dylan mới cáu:
- Sư phụ chơi con này được chứ?
- Ta không có bằng lái xe.
Tôn Ngộ Không nghe vậy lại biến ra một con Mercedes:
- Con này thì sao? Rất hợp với dáng thầy:
- Đã nói không có bằng lái xe mà lị.
Tôn Ngộ Không bĩu môi:
- Sư phụ nhà quê khủng khiếp.
Nói rồi Ngộ Không vọt lên trên cao, chợt thấy một con rồng đang bay lượn thì vội vàng bay tới túm lấy râu nó giáng cho mấy đấm:
- Có phải mi ăn cắp ngựa của chúng ta không?
Con rồng kêu lên oai oái:
- Đại ca tha cho em, tha cho em, em chỉ vì đói quá thôi.
- Thế mi là ai?
- Em vốn là thái tử của Long Vương, cãi nhau với phụ vương nên quyết định bỏ nhà đi Thiên Trúc chơi, nào ngờ giữa đường đánh bạc hết tiền, đói quá làm liều, đành phải chén con ngựa của đại ca thôi.
- Hóa ra là bỏ nhà đi bụi đời. - Tôn Ngộ Không cười khẩy - mi ăn ngựa sống mà không sợ H5N1 à?
Con rồng cười phá lên;
- Đại ca vừa ở trên Sao Hỏa xuống hay sao mà không biết H5N1 là virus cúm gà chỉ ăn gà mới nhiễm thôi.
Tôn Ngộ Không quê độ gắt:
- Tao biết thừa, chỉ thử mày đấy thôi. Giờ ngựa tao mày chén hết rồi, tính bồi thường thế nào?
- Tiền em hết rồi, đại ca xem có đồ gì cứ lột tạm.
- Thôi khỏi, chú mày vừa đánh bạc cháy túi còn qué gì nữa cho tao lột chứ, hay mày biến thành ngựa cho thầy tao cưỡi nhớ.
- Ngựa đực hay ngựa cái hả đại ca?
- Thế mày là đàn ông hay đàn bà? - Tôn Ngộ Không quát tướng lên rôi giơ gậy toan bổ xuống.
Tiểu Bạch Long thấy vậy hoảng hồn vội hóa thành con ngựa trắng nói:
- Em đùa thôi mà đại ca, cẩn thận nóng quá đứt mạch máu não đấy.

Thấy Tôn Ngộ Không dẫn Tiểu Bạch Long về, Đường Tam Tạng mừng lắm nói:
- Thằng thế mà khá, chớp mắt đã tìm được ngựa rồi.
Rồi ông cúi xuống nói nhỏ:
- Này có phải con chôm chỉa ở đâu thế?
- Yên tâm đi sư phụ, sư phụ có cưỡi từ giờ đến Tây Thiên cũng chẳng ai bắt sư phụ đâu.
- Nếu người ta bắt thì ngươi phải chịu trách nhiệm đấy nhé.
- OK.

Friday, March 14, 2008

Các lệnh Shell cơ bản trong Linux

Khi mở một shell, bạn cần đến tài khoản kích hoạt vào thư mục chủ (thông thường nằm trong /home/tên_người_dùng).

Chú ý rằng mỗi lệnh đều có nhiều tùy chọn riêng của mình. Để xem các tùy chọn cho một lệnh cụ thể, đơn giản bạn chỉ cần gõ "man " (trong đó: man là từ khóa; command là tên lệnh). Một điểm quan trọng cần chú ý là trong các hệ điều hành Linux, câu lệnh có phân biệt chữ hoa, chữ thường. “A” sẽ được hệ điều hành hiểu là khác so với “a”.

Để vào hệ thống file, dùng:

- pwd: đưa ra ngoài màn hình thư mục đang hoạt động (ví dụ: /etc/ssh).

- cd: thay đổi thư mục (ví dụ: cd .. – ra một cấp thư mục hiện tại; cd vidu – vào thư mục /vidu).

- ls: đưa ra danh sách nội dung thư mục.


- mkdir: tạo thư mục mới (mkdir tên_thumuc).

- touch: tạo file mới (touch ten_file).

- rmdir: bỏ một thư mục (rmdir ten_thumuc).

- cp: copy file hoặc thư mục (cp file_nguồn file_đích).

- mv: di chuyển file hoặc thư mục; cũng được dùng để đặt lại tên file hoặc thư mục (mv vị_trí_cũ vị_trí_mới hoặc mv tên_cũ tên_mới).

- rm: loại bỏ file (rm tên_file).

Để tìm kiếm file, bạn có thể dùng:

- find : dùng cho các tên file.

- grep <>: để tìm nội dung trong file.

Để xem một file, bạn có thể dùng:

- more : hiển thị file theo từng trang.

- cat <>: hiển thị tất cả file.

- head <>: hiển thị các dòng đầu tiên.

- tail <>: hiển thị các dòng cuối cùng (có thể hữu ích trong những trường hợp như khi bạn muốn xem thông tin cuối cùng của một file hệ thống).

Để chính sửa file, bạn phải sử dụng trình soạn thảo tích hợp sẵn trên dòng lệnh. Thông thường, đây là vi và được dùng với cú pháp: vi .

Để giải nén một lưu trữ (thông thường có đuôi tar.gz), bạn phải dùng lệnh tar với cú pháp tar -xvf .

Để in một file, dùng lệnh lpr . Chú ý là bạn phải có một số daemon hoạt động để quản lý máy in. Thông thường đây là các cup (chủ yếu là UNIX Printing System) có thể sử dụng cho tất cả các phân phối chính.

Để loại bỏ file khỏi hàng đợi ở máy in (bạn có thể lên danh sách hàng đợi bằng lệnh lpq), sử dụng câu lệnh lprm .

Để lắp hoặc gỡ bỏ thiết bị (thêm vào hệ thống file với vai trò như một phương tiện được phép sử dụng), dùng:

- mount /mnt/floppy: lắp thêm ổ mềm.

- umount /mnt/floppy: gỡ bỏ ổ mềm.

- mount /mnt/cdrom: lắp ổ CD-ROM.

- mount /mnt/cdrom: gỡ ổ DC-ROM.

Các thiết bị này thường được cài và cho phép sử dụng một cách tự động. Nhưng có thể một ngày đẹp trời nào đó bạn lại phải tự mình thực hiện công việc này khi có lỗi xảy ra. Đừng lo lắng!

Để tạo một phân vùng

Đầu tiên, tạo một thư mục trong /mnt (mkdir /mnt/ổ_đĩa_mới). Sau đó sử dụng lệnh mount (mount /dev/source /mnt/ ổ_đĩa_mới), trong đó /dev/source là thiết bị (tức phân vùng) bạn muốn lắp thêm vào hệ thống file.

Nếu muốn kết nối tới một host từ xa, sử dụng lệnh ssh. Cú pháp là ssh .

Quản lý hệ thống:

- ps: hiển thị các chương trình hiện thời đang chạy (rất hữu ích: ps là cái nhìn toàn bộ về tất cả các chương trình).

Trong danh sách đưa ra khi thực hiện lệnh ps, bạn sẽ thấy có số PID (Process identification - nhân dạng tiến trình).

Con số này sẽ được hỏi đến khi muốn ngừng một dịch vụ hay ứng dụng, dùng lệnh kill .

- top: hoạt động khá giống như Task Manager trong Windows. Nó đưa ra thông tin về tất cả tài nguyên hệ thống, các tiến trình đang chạy, tốc độ load trung bình… Lệnh top -d thiết lập khoảng thời gian làm tươi lại hệ thống. Bạn có thể đặt bất kỳ giá trị nào, từ .1 (tức 10 mili giây) tới 100 (tức 100 giây) hoặc thậm chí lớn hơn.

- uptime: thể hiện thời gian của hệ thống và tốc độ load trung bình trong khoảng thời gian đó, trước đây là 5 phút và 15 phút.

Thông thường tốc độ load trung bình được tính toán theo phần trăm tài nguyên hệ thống (vi xử lý, RAM, ổ cứng vào/ra, tốc độ load mạng) được dùng tại một thời điểm. Nếu tốc độ được tính toán là 0.37, tức có 37% tài nguyên được sử dụng. Giá trị lớn hơn như 2.35 nghĩa là hệ thống phải đợi một số dữ liệu, khi đó nó sẽ tính toán nhanh hơn 235% mà không gặp phải vấn đề gì. Nhưng giữa các phân phối có thể khác nhau một chút.

- free: hiển thị thông tin trên bộ nhớ hệ thống.

- ifconfig : để xem thông tin chi tiết về các giao diện mạng; thông thường giao diện mạng ethernet có tên là eth(). Bạn có thể cài đặt các thiết lập mạng như địa chỉ IP hoặc bằng cách dùng lệnh này (xem man ifconfig). Nếu có điều gì đó chưa chính xác, bạn có thể stop hoặc start (tức ngừng hoặc khởi_động) giao diện bằng cách dùng lệnh ifconfig up/down.

- passwd: cho phép bạn thay đổi mật khẩu (passwd người_dùng_sở_hữu_mật_khẩu hoặc tên người dùng khác nếu bạn đăng nhập hệ thống với vai trò root).

- useradd: cho phép bạn thêm người dùng mới (xem man useradd).

Dù ở phân phối nào, bạn cũng có thể dùng phím TAB để tự động hoàn chỉnh một lệnh hoặc tên file. Điều này rất hữu ích khi bạn quen với các lệnh. Bạn cũng có thể sử dụng các phím lên, xuống để cuộn xem các lệnh đã nhập. Bạn có thể dùng lệnh đa dòng trên một dòng. Ví dụ như, nếu muốn tạo ba thư mục chỉ trên một dòng, cú pháp có thể là: mkdir thư_mục_1 ; mkdir thư_mục_2 ; mkdir thư_mục_3.

Một điều thú vị khác nữa là các lệnh dạng pipe. Bạn có thể xuất một lệnh thông qua lệnh khác. Ví dụ: man mkdir | tail sẽ đưa ra thông tin các dòng cuối cùng trong trang xem "thủ công" của lệnh mkdir.

Nếu lúc nào đó được yêu cầu phải đăng nhập với tài khoản gốc (tức "siêu" admin của hệ thống), bạn có thể đăng nhập tạm thời bằng cách dùng lệnh su. Tham số -1 (su-1) dùng để thay đổi thư mục chủ và cho các lệnh đã hoặc đang dùng. Chú ý là bạn cũng sẽ được nhắc một mật khẩu.

Để thoát hay đóng shell, gõ exit hoặc logout.

T.Thu

Để website luôn online với cluster Apache High Availability Linux

Cluster sửa chữa lỗi (failover cluster) được dùng để đảm bảo tính sẵn sàng cho các dịch vụ và ứng dụng hệ thống khi bị tấn công, xử lý các lỗi phần cứng và rủi ro do môi trường. Trong bài này chúng tôi sẽ hướng dẫn các bạn cách thức thực hiện một cluster Apache hai nút, chắc chắn tin cậy và hiệu quả cao với ứng dụng thú vị của dự án The High-Availability Linux. Cluster này đã được kiểm tra trên các phân phối Fedora Core 5, CentOS 4.3, và Ubuntu 6.06.1 LTS server.

Trong môi trường cluster, hệ thống 'có tính sẵn sàng cao' (high ability - HA) chịu trách nhiệm bắt đầu và kết thúc các dịch vụ, cài đặt và gỡ bỏ tài nguyên, giám sát khả năng sẵn sàng của hệ thống trong môi trường cluster và điều khiển quyền sở hữu địa chỉ IP ảo chia sẻ giữa các nút cluster. Dịch vụ heartbeat (trung tâm) cung cấp các tính năng cơ sở cần thiết cho hệ thống HA.

Cấu hình cluster phổ biến nhất là standby, sẽ được mô tả dưới đây. Trong cấu hình cluster này, một nút thực hiện tất cả các việc, còn các nút khác ở trạng thái nghỉ ngơi. Heartbeat giám sát "sức khoẻ" của từng dịch vụ cụ thể, thông thường qua một giao diện Ethernet phân tách vốn chỉ dùng cho hệ thống HA sử dụng câu lệnh đặc biệt ping. Nếu vì một lý do nào đó, nút đang thực hiện bị hỏng, heartbeat sẽ chuyển tất cả thành phần HA sang nút khoẻ mạnh khác. Khi nút cũ phục hồi, nó có thể khôi phục lại tình trạng cũ trước đó của mình.

Cài đặt và cấu hình

Để kiểm tra hệ thống High Availability Linux, bạn cần một bộ điều hợp Ethernet thứ hai trên từng nút dành cho heartbeat. Cài đặt Web server Apache và chương trình heartbeat phải trên cả hai nút. Nếu gói heartbeat không nằm trong bất kỳ phần lưu trữ của các phân phối đã có, bạn có thể download tại đây. Trên server CentOS, tôi dùng yum để cài đặt phần mềm cần thiết:

yum install -y httpd heartbeat


Các file cấu hình cho hearbeat không nằm ở nơi phần mềm được cài đặt. Bạn cần copy chúng từ thư mục documentation tới thư mục /etc/ha.d/:

cp /usr/share/doc/heartbeat*/ha.cf /etc/ha.d/

cp /usr/share/doc/heartbeat*/haresources /etc/ha.d/

cp /usr/share/doc/heartbeat*/authkeys /etc/ha.d/

Trong file /etc/hosts bạn phải bổ sung thêm tên hostname và địa chỉ IP để hai nút có thể giao tiếp được với nhau. Trong trường hợp của tôi sẽ như thế này:


192.168.1.1 node1.example.com node1

192.168.1.2 node2.example.com node2


Phải đảm bảo file /etc/hosts là giống nhau ở cả hai nút. Sau đó ping chúng, copy file từ nút này tới nút khác, sử dụng câu lệnh copy an toàn:


scp /etc/hosts root@node2:/etc/

Tiếp theo, chỉnh sửa file cấu hình /etc/ha.d/ha.cf theo các điểm vào để heartbeat có thể hoạt động:

logfile /var/log/ha-log # chỗ để log mọi thứ từ heartbeat

logfacility local0 # tiện ích sử dụng cho syslog hoặc logger

keepalive 2 # thời gian giữa các heartbeat

deadtime 30 # thời gian đến khi host được đưa ra 'chết'

warntime 10 # thời gian trước khi cung cấp cảnh báo chậm trễ "late heartbeat".

initdead 120 # thời gian chết đầu tiên (initdead)

udpport 694 # cổng udp cho truyền thông bcast hoặc ucast

bcast eth1 # giao diện quảng bá (broadcast)

ucast eth1 10.0.0.1 # cluster 2 nút, vì thế không cần dùng dạng đa quảng bá (multicast)

auto_failback on # tự động gửi tài nguyên sai trở lại nút chính

node node1.example.com # tên của nút đầu tiên

node node2.example.com # tên của nút thứ hai

Đây là các tuỳ chọn cơ sở cần thiết để heartbeat hoạt động. File này phải được cấu hình giống hệt nhau trên cả hai nút, ngoại trừ phần "ucast" (nơi để địa chỉ IP của hàng để gửi các gói tới).

File tiếp theo là /etc/ha.d/haresources. Trong file này bạn cần định nghĩa tên nút chính, địa chỉ IP ảo (cluster IP) và tài nguyên dùng để bắt đầu. Ở trường hợp của chúng ta thì đó là Web server Apache.

Chỉ cần một dòng dữ liệu ở đây:

node1.example.com 192.168.1.5 httpd


Hãy chắc chắn rằng file này giống nhau hoàn toàn trên cả hai nút. Chú ý tên tài nguyên là tên script khởi tạo đặt trong thư mục /etc/init.d. Nếu tên tài nguyên trong /etc/init.d không hoàn toàn giống nhau, heartbeat sẽ không thể tìm thấy khi cố gắng đọc nó và cả Apache lẫn hearbeat đều không thể khởi động được.

File liên quan đến heartbeat cuối cùng là /etc/ha.d/authkeys. File này cũng phải hoàn toàn giống nhau trên cả hai nút và chỉ được đọc hoặc ghi bởi người dùng root. Nếu quyền hạn bị thiết lập khác đi, heartbeat sẽ từ chối khởi động. Bạn cần phải cấu hình file như thế này:

auth 1

1 crc

và giới hạn quyền đọc hoặc ghi chỉ dành cho người dùng root:

chmod 600 /etc/ha.d/authkeys

Bây giờ là cấu hình Apache service. Chúng ta muốn Apache nghe địa chỉ IP ảo 192.168.1.5 và cần trỏ thư mục Apache gốc tới điểm cài đặt dữ liệu /data, nơi các file Web được lưu lại. Chú ý là nơi lưu trữ dành cho Apache có thể là một nơi cụ thể từ thư mục file hệ thống cục bộ tới mạng khu vực lưu trữ. Tất nhiên nếu dữ liệu trong cả hai nút không giống nhau thì sẽ chẳng có điểm nào trong cluster failover cả. Nếu bạn không có thiết bị lưu trữ mạng mở rộng (như Fibre Channel chẳng hạn), bạn có thể cài đặt bất kỳ file hệ thống nào như SMB, NFS, iSCSI, hoặc SAN là thư mục địa phương để dữ liệu có thể được truy cập trên từng nút khi các nút hoạt động. Điều này được thực hiện bằng cách chỉnh sửa các thông số đầu vào trong file

/etc/httpd/conf/httpd.conf như sau (ít nhất là trên phân phối CentOS):

Listen 192.168.1.5:80

DocumentRoot "/data"

Bỏ chức năng bắt đầu tự động khởi động trong thời gian boot cho Apache service là khá quan trọng. Khi đó heartbeat sẽ bắt đầu và kết thúc dịch vụ khi cần thiết. Vô hiệu hoá chức năng bắt đầu với câu lệnh sau (trên hệ thống Red Hat):

chkconfig httpd remove

Phải đảm bảo cấu hình Apache giống nhau trên cả hai nút.


Kiểm tra

Bây giờ chúng ta sẽ kiểm tra thử chương trình làm việc với cấu hình vừa thiết lập, bắt đầu tạo cluster mới, khởi động dịch vụ hearbeat trên cả hai nút:

/etc/init.d/heartbeat start

Xem thư mục /var/log/ha-log trên cả hai nút. Nếu tất cả được cấu hình chính xác, bạn sẽ thấy thông tin trong các file log như sau:


Configuration validated. Starting heartbeat 1.2.3.cvs.20050927

heartbeat: version 1.2.3.cvs.20050927

Link node1.example.com:eth1 up.

Link node2.example.com:eth1 up.

Status update for node node2.example.com: status active

Local status now set to: 'active'

remote resource transition completed.

Local Resource acquisition completed. (none)

node2.example.com wants to go standby [foreign]

acquire local HA resources (standby).

local HA resource acquisition completed (standby).

Standby resource acquisition done [foreign].

Initial resource acquisition complete (auto_failback)

remote resource transition completed.

Tiếp theo là kiểm tra failover, khởi động lại server master (server chính). Server slave (server phụ) là dịch vụ Apache. Nếu mọi thứ hoạt động tốt bạn sẽ thấy như sau:


Received shutdown notice from 'node1.example.com'.

Resources being acquired from node1.example.com.

acquire local HA resources (standby).

local HA resource acquisition completed (standby).

Standby resource acquisition done [foreign].

Running /etc/ha.d/rc.d/status status

Taking over resource group 192.168.1.5

Acquiring resource group: node1.example.com 192.168.1.5 httpd

mach_down takeover complete for node node1.example.com.

node node1.example.com: is dead

Dead node node1.example.com gave up resources.

Link node1.example.com:eth1 dead.

Khi master online trở lại, thông số trên Apache service như sau:


Heartbeat restart on node node1.example.comheartbeat

Link node1.example.com:eth1 up.

node2.example.com wants to go standby [foreign]

standby: node1.example.com can take our foreign resources

give up foreign HA resources (standby).

Releasing resource group: node1.example.com 192.168.1.5 httpd

Local standby process completed [foreign].

remote resource transition completed.

Other node completed standby takeover of foreign resources.


Kết luận


Đó là tất cả các bước để xây dựng một Web server cluster mang tính sẵn sàng cao với chi phí thấp. Tất nhiên có nhiều sản phẩm thương mại khác cũng được cung cấp với cùng mục đích này. Nhưng với các doanh nghiệp nhỏ hay các tổ chức tương tự thì High Availability Linux và heartbeat là một lựa chọn sáng suốt.