Thursday, January 31, 2008

Chỉ có đạo đức mới khỏi lụy mà thôi

Một hôm Trang Tử cùng học trò đi chơi ở trong núi. Thấy một cây to, cành lá rườm rà, có người đốn gỗ, chống búa đứng ở bên, mà không chặt.
Trang Tử hỏi: Sao không chặt cây này thế?
- Người đốn gỗ đáp: Cây này tuy thế mà gỗ xấu không dùng được việc.
Trang Tử nói: Cây này chỉ vì không ra gì mà sống lâu được mãi.
Ra khỏi núi, Trang Tử vào chơi nhà một người quen. Chủ nhà vui mừng, bảo đầy tớ đem chim nhạn làm thịt.
Trang Tử hỏi: Một con gáy được, một con không gáy thì làm thịt con nào?
- Chủ bảo: Làm con không gáy.
Hôm sau, học trò hỏi Trang Tử rằng:
Cái cây ở núi vì bất tài mà sống lâu, con nhạn ở nhà chủ vì bất tài mà phải giết chết. Giá như tiên sinh thì xử vào địa vị nào?
- Trang Tử cười, rồi nói: Ta xử vào trong cái khoảng tài và bất tài. Như vậy, thì tránh khỏi tai nạn, song chưa phải kế vẹn toàn. Chỉ những bậc đạo đức cao xa, không quản khen chê, lúc như rồng, lúc như rắn, không hẳn rõ ra tài hay bất tài, lúc lên, lúc xuống, chỉ cốt lấy đức hóa làm mực, siêu việt cả muôn vật, tuy là người mà lại khác người... Những bậc như thế, thì còn gì lụy đến thân được!
Còn thói đời thường tình nào có thế? Hợp với người, thì có lúc lìa; làm nên việc, thì có người chê; ngay thẳng thì bị đ è nén; tôn trọng thì bị chê bai, thì có kẻ phá; giỏi thì có kẻ ghen; không ra gì thì thiên hạ khinh bỉ... Nhân tình như thế, làm thế nào được? Thương ôi! Các ngươi nên ghi lấy:
"Chỉ có đạo đức mới khỏi lụy mà thôi."

Vẽ gì khó ...

.....Chép cho hệt khó bao nhiêu thì bày vu vơ lại dễ bấy nhiêu. Nên ta chớ nhầm, thấy kẻ làm kỳ quái khác thiên hạ đã vội coi thánh tướng lắm. Ta phải trọng những người quý thực tế, biết làm hết bổn phận mình hàng ngày. Nhiều khi ở đám bình dân mộc mạc quê mùa, mà có bao nhiêu người trung, hiếu, tiết nghĩa, dũng cảm, hào hiệp, hơn là hạng tục học, vẽ ma, vẽ quỷ… loè đời mà kỳ thực tự tư, tự lợi, có hại không thể nói hết được.

Có người thợ , vẽ cho vua nước Tề mấy bức tranh.

Vua hỏi: “Vẽ cái gì khó?”

Thưa: “Vẽ chó, vẽ ngựa khó”.

- Vẽ cái gì dễ?

- Vẽ ma, vẽ quỉ dễ.

- Sao lại thế?

“Chó ngựa ai cũng trông thấy, vẽ mà không giống thì người ta chê cười, cho nên khó vẽ. Ma quỉ là giống vô hình, không ai trông thấy, tuỳ ý muốn vẽ thế nào cũng được, không sợ ai bẻ, cho nên dễ vẽ”.

Người nào bỏ những công việc thiết thực bình thường, chỉ chăm làm những công việc kì dị, quái gở để loè thiên hạ, thì cũng chẳng khác nào như người thợ chỉ vẽ ma, vẻ quỉ, nghĩa là tránh cái khó mà làm cái dễ vậy.

LỜI BÀN:

Trong bài nói chó, ngựa, mà thực bao rộng cả những vật hữu hình, mắt có thể trông thấy; chỉ nói ma quỷ, mà thực bao rộng cả những vật vô hình trí não tưởng tượng ra. Một đằng vẽ vật hữu hình là chép lại, một đằng vẽ vật vô hình là bày ra; ai chẳng cho chép dễ hơn bày. Nhưng xét thực, chép cho hệt khó bao nhiêu thì bày vu vơ lại dễ bấy nhiêu. Nên ta chớ nhầm, thấy kẻ làm kỳ quái khác thiên hạ đã vội coi thánh tướng lắm. Ta phải trọng những người quý thực tế, biết làm hết bổn phận mình hàng ngày. Nhiều khi ở đám bình dân mộc mạc quê mùa, mà có bao nhiêu người trung, hiếu, tiết nghĩa, dũng cảm, hào hiệp, hơn là hạng tục học, vẽ ma, vẽ quỷ… loè đời mà kỳ thực tự tư, tự lợi, có hại không thể nói hết được.


(Theo “Cổ học tinh hoa” của Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân – NXB Trẻ)

Tài nghề con lừa

Bài này có ý nói: Ở đời có lắm người, lắm sự, lúc mới biết cho là lạ, thì còn ưa, còn sợ, đến lúc đã biết rõ rồi thì lại khinh thường, chẳng coi vào đâu nữa

Đất Kiềm(1) xưa nay vốn không có lừa. Có người hiếu sự(2) tải một ít lừa đến đấy nuôi.

Lừa thả ở dưới chân núi. Buổi đầu, hổ trong núi ra, trông thấy lừa cao lớn, lực lưỡng, tưởng loài thần vật mới giáng sinh. Lại thấy lừa kêu to, hổ sợ quá, cong đuôi chạy. Dần dần về sau hổ nghe tiếng, thấy lúc nào lừa kêu cũng thế lấy làm khinh thường. Một hôm, hổ thử vờn, nhảy xông vào đầu lừa. Lừa giận quá, giơ chân đá, đá đi, đá lại, quanh quẩn chỉ có một ngón đá mà thôi. Hổ thấy vậy mừng, bụng bảo dạ rằng: “Tài nghề con lừa ra chỉ có thế mà thôi”. Rồi hổ gầm thét, chồm lên, vồ lừa, cấu lừa, cắn lừa, ăn thịt lừa, đoạn rồi đi.

Liễu Tôn Nguyên(3)

Lời bàn:

Bài này có ý nói: Ở đời có lắm người, lắm sự, lúc mới biết cho là lạ, thì còn ưa, còn sợ, đến lúc đã biết rõ rồi thì lại khinh thường, chẳng coi vào đâu nữa:

Nhác trông ngỡ tượng tô vàng,
Nhìn ra mới biết chẫu chàng ngày mưa.

Nhưng bài này lại có ý chê người khờ dại không biết giữ thân cho kín đáo, để đến nỗi người ta dòm được tâm thuật của mình mà làm hại mình, như con lừa bị con hổ hại vậy. Những nhà làm văn vẫn thường hay dùng hai chữ “Kiềm lô” (lừa đất Kiềm) để chỉ những người tài nghệ kém cỏi, không có gì lạ.


(1) Kiềm: nước Sở thời Chiến Quốc, tức là huyện Nguyên Lăng, tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc) bây giờ.

(2) Hiếu sự: hay bày việc, sinh việc.

(3) Tên tự là Tử Hậu, tinh nhanh tuyệt vời, văn chương nổi tiếng, đỗ Tiến sĩ, làm quan Thứ sử, là một bậc danh nhân đời nhà Đường.

Lợn mẹ giết lợn con

Người quân tử không bao giờ lấy cái hình sắc khác nhau mà thành bụng yêu hay sinh bụng ghét, lại nhất là, không lấy cái tư tưởng thế lợi trái nhau mà lúc hợp, lúc ly, lúc thân, lúc sơ, lúc thề ước, lúc tàn hại nhau bao giờ.

Họ Tử Xa(1) có con lợn nái sắc đen tuyền đẻ một lứa ba con, hai con đen tuyền, một con loang lổ. Lợn nái nuôi hai con lợn con giống mình rất chăm chỉ cẩn thận, hơi một tí cũng lo sợ. Còn con lợn loang lổ khác mình thì ghét bỏ, sau cắn chết xé cả gan ruột nát nhừ mới thôi.

Tử Hoa Tử nói: “Gớm thay tâm thuật(2) hay chuyển di(3). Mắt đã mờ về kẻ giống mình hay khác mình, thì bụng sanh ngay ra có kẻ yêu, kẻ ghét. Đã ghét, đến con ruột đẻ ra mà cũng hại cả con mà không hối huống chi là người khác máu với mình. Người đời lúc bình cư thì âu yếm thân thiết, thề ước cùng nhau tưởng keo sơn cũng không bằng. Khi lâm đến thế lợi(4), chỉ chênh nhau bằng sợi tơ sợi tóc, thì mặt đã đổi sắc, cơn giận nổi lên và tìm cách tàn hại nhau ngay lập tức. Gớm thay! Tâm thuật chuyển di, tưởng chẳng khác gì con lợn nái.

Tử Hoa Tử

LỜI BÀN:

Thói thường, đồng chủng đồng tông, hay đồng tình, đồng chí thì ưa nhau, mến nhau, còn ngoại giả, thì đem bụng ngờ vực, ghen ghét, coi người ta như cừu địch cả, thực là hẹp hòi đáng tiếc! Người quân tử không bao giờ lấy cái hình sắc khác nhau mà thành bụng yêu hay sinh bụng ghét, lại nhất là, không lấy cái tư tưởng thế lợi trái nhau mà lúc hợp, lúc ly, lúc thân, lúc sơ, lúc thề ước, lúc tàn hại nhau bao giờ. Người ta tuy không cùng nòi giống, cùng tư tưởng, cùng chí hướng với mình, nhưng người ta là hạng quang minh chính đại, mình cũng nên có lòng thân yêu, có lượng cao cả để đối với người ta thì mới đáng gọi là yêu đồng bào và trọng nhân đạo. Nếu không thì tâm thuật lợn nái mất rồi!


(Theo “Cổ học tinh hoa” của Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân – NXB Trẻ)

(1) Quan đại phu nước Tần

(2) Cách nghĩ trong tâm não làm thế này thế kia

(3) Thay đổi

(4) Quyền thế, tài lợi.

Chết mà còn răn được vua

Đời quân chủ chuyên chế, phải có những chức gián quan thì mới có người hạn chế được quyền vua, can vua bỏ điều xằng, khuyên vua làm điều hay. Nhưng một đằng vua cứ nhất định không nghe, một đằng mình cố sức can mãi đến lúc chết chưa thôi, còn lấy xác can nữa, thì thực là đáng khen cái tâm chí sâu xa bền chặt ấy!

Cừ Bá Ngọc là người hiền mà vua Linh Công nước Vệ không dùng. Di Tử Hà là người dở mà vua lại dùng.

Sử Ngư thấy thế, đã răn nhiều lần, mà vua không nghe. Lúc ông có bệnh, sắp mất dặn con rằng:

- Ta làm quan tại triều nước Vệ, không tiến(1) được Cừ Bá Ngọc, thoái(2)được Di Tử Hà thế là bầy tôi không khuyên răn nổi vua, thì khi ta nhắm mắt không được làm đủ lễ. Cứ để thây ta dưới cửa sổ, thế là xong việc cho ta.

Lúc ông mất, người con cứ làm theo lời dặn. Vua Linh Công đến viếng thấy vậy, lấy làm ngạc nhiên. Người con đem lời di chúc của cha tâu lại. Vua thất sắc nói rằng:

- Ấy là cái lỗi của quả nhân!

Rồi sai người đem xác ông Sử Ngư vào nhà, bắt khâm liệm và mai táng cho đủ lễ.

Sau quả nhiên vua Linh Công dùng Cừ Bá Ngọc mà bãi Di Tử Hà.

Khổng Tử nghe chuyện ấy, nói:

- Đời cổ những gián quan(3) đến lúc chết là hết cả mọi việc, chưa có ai được như Sử Ngư chết rồi mà còn dùng xác để can vua, làm cho vua phải cảm động mà nghe mình. Thế chẳng là trung trực lắm ư?

Gia Ngữ

Lời bàn:

Đời quân chủ chuyên chế, phải có những chức gián quan thì mới có người hạn chế được quyền vua, can vua bỏ điều xằng, khuyên vua làm điều hay. Nếu khuyên can vua không được thì chẳng làm hết cái chức trách rất trọng của gián quan ư? Nhưng một đằng vua cứ nhất định không nghe, một đằng mình cố sức can mãi đến lúc chết chưa thôi, còn lấy xác can nữa, thì thực là đáng khen cái tâm chí sâu xa bền chặt ấy! Xem chuyện Sử Ngư lại nhớ chuyện bác sĩ Bergonité suốt đời hết lòng với khoa học, lúc chết, cũng hiến xác cho người ta mổ xẻ để nghiên cứu về y học. Như thế mới thực là gương sáng tận tâm với chức vụ để cho thiên hạ soi chung.


(Theo “Cổ học tinh hoa” của Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân – NXB Trẻ)


(1) Cử lên làm một chức gì

(2) Trừ bỏ đi

(3) Chức quan chủ việc can ngăn vua mà dàn hoặc các quan khi có lỗi.

Giáp Ất tranh luận

Cứ xem Giáp, Ất tranh luận, thì cũng phân vân không rõ tiếng kêu là tự chuông hay tự dùi ra. Chuông là đồng vốn kêu, nhưng không có dùi đánh vào, không kêu. Vậy có muốn tiếng kêu, tất phải có cả chuông cả dùi mới được...

Giáp hỏi Ất: “Đúc đồng làm chuông, đẽo gỗ làm dùi, lấy dùi đánh chuông tiếng kêu boong-boong, thì tiếng kêu ấy là gỗ kêu hay là đồng kêu?”.

Ất đáp: “Lấy dùi gõ vào tường vách không kêu, gõ vào chuông kêu, thế thì tiếng kêu ở đồng”.

Giáp hỏi: “Lấy dùi gõ vào đồng tiền trinh(1) không kêu, thế thì có chắc tiếng kêu ở đồng mà ra không?”.

Ất nói: “Đồng tiền đặc, cái chuông rỗng, vậy tiếng kêu ở các đồ vật rỗng mà ra”.

Giáp hỏi: “Lấy gỗ, lấy bùng làm chuông đánh không ra tiếng, thế thì có chắc tiếng kêu là ở đồ vật rỗng mà ra không?…”

Âu Dương Tu(2)

Lời bàn:

Cứ xem Giáp, Ất tranh luận, thì cũng phân vân không rõ tiếng kêu là tự chuông hay tự dùi ra. Chuông là đồng vốn kêu, nhưng không có dùi đánh vào, không kêu. Vậy có muốn tiếng kêu, tất phải có cả chuông cả dùi mới được.. Tiếng kêu là gì? Chẳng qua là cái âm thanh từ hai vật chọi nhau, chạm vào nhau mà sinh ra. Tuy vậy, nếu nói tiếng kêu là tự cả chuông, cả dùi mà ra, thì hình như giữ cái chủ nghĩa “hai phải“ trắng, đen là một. Thế mới hay: Lẽ phải không cùng, càng nghị luận lắm, có khi lại càng như bối rối thêm ra không tài nào gỡ nổi. Nên biết được thế nào, thì hay thế, chớ cứ chấp nhất câu nệ cho mình là phải không biết cái phần phải của người, thì là có tính thiên và lượng hẹp. Nói cho đúng: Muốn rõ vật lý, cần phải có khoa học. Không biết khoa học mà bàn luận vật lý thì không tài nào xác thực được.


-----------------

(1) Tiền đồng, có người cho tiền cho tiền đồng bên Trung Quốc đem sang ta đầu tiên là tiền đồng niên hiệu Càn Trinh nên gọi là tiền trinh.

(2) Người đời nhà Tống thi đỗ tiến sĩ làm quan hiếu sư, là một nhà văn có tiếng

Bán mộc bán giáo

Có người nước Sở làm nghề vừa bán mộc(1), vừa bán giáo(2).

Ai hỏi mua mộc, thì anh ta khoe rằng:

- Mộc này thật chắc, không gì đâm thủng.

Ai hỏi mua giáo thì anh ta khoe rằng:

- Giáo này thật sắc, gì đâm cũng thủng.

Có người nghe nói, hỏi rằng: “Thế bây giờ lấy giáo của bác đâm vào mộc của bác thì thế nào?”

Anh ta không làm sao đáp được.

Hàn Phi Tử

Lời bàn:

”Ôi! Một cái chắc, đâm không sao thủng, với một cái sắc, đâm gì cũng thủng, hai cái phản đối hẳn nhau thì cùng đi với nhau sao được! Thế mà người nước Sở dám khoe mộc, lại khoe giáo luôn ngay một lúc. Chẳng qua là chỉ vì mối lợi mà thành ra nói dối. Nhưng cái trò nói dối hay cùng, khi người ta hỏi đến lẽ, là không đối đáp làm sao được nữa. Có khác gì kẻ đem tượng gỗ ra chợ bán, khoe rằng: “Ai mua tượng về nhà, thì được giàu sang”. Đến lúc có người bẻ: “Thế sao bác không để ở nhà cho được giàu sang, lại mang ra chợ bán làm gì?” thì tắc khẩu mà đành vác tượng ra về.


(Theo “Cổ học tinh hoa” của Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân – NXB Trẻ)

--------------------------------

(1) Đồ binh khí bằng gỗ hình bầu dục dùng để đỡ khi mũi nhọn đâm xỉa. Cái khiên thì đan bằng mây và hình tròn

(2) Đồ binh khí, đầu nhọn, cán dài, dùng để đâm. Trong bài này, chữ “giáo” dịch từ chữ “mâu” (vật để đâm), chữ “mộc” dịch từ chữ “thuẫn” (vật để chống đỡ). Do đó mà Từ Hán Việt “mâu thuẫn” được dùng với nghĩa phổ biến như hiện nay.

Đánh dấu thuyền tìm gươm

Có người nước Sở(1) đi đò qua sông. Khi ngồi đò, vô ý, đánh rơi thanh gươm(2) xuống sông. Anh ta vội vàng đánh dấu vào mạn thuyền, nói rằng:”Gươm ta rơi ở chỗ này đây”.

Lúc thuyền đỗ vào bến, anh ta cứ theo chỗ đánh dấu, lặn xuống nước tìm gươm.

Thuyền đã đi đến bến, chớ gươm rơi đâu thì vẫn ở đấy, có theo thuyền mà đi đâu? Tìm gươm như thế, chẳng khờ dại lắm ư!

Lã Thị Xuân Thu

Lời bàn:

Thanh gươm rơi xuống sông thì ở ngay chỗ rơi. Nếu muốn tìm thấy gươm, tất phải lặn ngay xuống chỗ rơi mà tìm. Chớ sao lại đánh dấu vào thuyền đợi đến lúc thuyền đỗ vào bến, mới lặn xuống bến tìm? Người tìm gươm này có khác nào như người đánh đàn sắt đem gắn cả ngựa lại, tưởng ngựa không di dịch được là các âm vận tự nhiên điều hòa được đúng! Than ôi! Người cố chấp bất thông, chỉ câu nệ biết giữ chặt một cái đã nắm chặt trong tay, chớ không hiểu nghĩa chữ “Thời” là gì?


(Theo “Cổ học tinh hoa” của Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân – NXB Trẻ)

------------------------

(1) Một nước lớn thời Xuân Thu ở vùng Hồ Bắc, Hồ Nam (Trung Quốc) bây giờ.

(2) Tục xưa người ta đi đâu hay đeo gươm để thủ thân mà lại là giữ lễ nữa.

Đi trắng về đen

Lúc đi mặc áo trắng, lúc về mặc áo thâm, chính mình không biết mình thay đổi, con chó thấy khác thì xua đuổi. Mình đánh nó chẳng hóa ra nhầm lắm rồi! Lỗi tại mình thay đổi, không tại con chó cắn xằng.

Một hôm trời nắng, Dương Bố đi chơi. Khi ở nhà ra, thì mặc áo trắng; đi được nửa đường, gặp trời mưa, quần áo ướt hết, mới vào ẩn mưa ở nhà một người bà con. Người ấy thấy Dương Bố ướt cả cho mượn cái áo thâm.

Một lúc trời tạnh, Dương Bố mặc áo thâm về nhà. Con chó trông thấy, vừa cắn vừa xua đuổi. Dương Bố giận, toan cầm gậy đánh.

Anh là Dương Chu chạy ra bảo: “Đừng đánh nó làm gì! Nó đuổi như thế cũng phải. Giả sử con chó trắng nhà ta, lúc đi thì trắng, lúc về thì đen, phỏng em có lấy làm lạ mà không ngờ được không?”

Liệt Tử

Lời bàn:

Lúc đi mặc áo trắng, lúc về mặc áo thâm, chính mình không biết mình thay đổi, con chó thấy khác thì xua đuổi. Mình đánh nó chẳng hóa ra nhầm lắm rồi! Lỗi tại mình thay đổi, không tại con chó cắn xằng. Vậy nên, ở đời khi mình làm điều gì khác thường mà người ta không rõ thì tất nhiên người ta bàn trái bàn phải. Nếu mình không tự xét mình thay đổi hay hay dở, chỉ biết trách người nghị luận nọ kia thì chẳng khác nào như Dương Bố đánh chó trong truyện này.


(Theo “Cổ học tinh hoa” của Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân – NXB Trẻ)

Tăng Sâm giết người

Tăng Sâm vốn là người hiền hậu, hiếu thảo, bà mẹ vốn là người trung tín, một bụng tin con. Đột nhiên có kẻ bảo: “Tăng Sâm giết người”. Bà mẹ không tin, người thứ hai bảo, còn chưa tin; đến người thứ ba bảo, thì cuống cuồng chạy trốn. Như thế mới hay cái dư luận của thiên hạ rất là mạnh.

Ông Tăng Sâm(1) ở đất Phi. Ở đấy có kẻ trùng tên với ông giết chết người.

Một người hớt hải chạy đến báo mẹ ông Tăng Sâm rằng: “Tăng Sâm giết người”. Bà mẹ nói: “Chẳng khi nào con ta lại giết người”. Rồi bà điềm nhiên ngồi dệt cửi.

Một lúc, lại có người đến bảo: “Tăng Sâm giết người”. Bà mẹ không nói gì, cứ điềm nhiên dệt cửi.

Một lúc nữa lại có người đến bảo: “Tăng Sâm giết người”. Bà mẹ sợ cuống, quăng thoi, trèo qua tường chạy trốn.

Quốc Sách

Lời bàn:

Tăng Sâm vốn là người hiền hậu, hiếu thảo, bà mẹ vốn là người trung tín, một bụng tin con. Đột nhiên có kẻ bảo: “Tăng Sâm giết người”. Bà mẹ không tin, người thứ hai bảo, còn chưa tin; đến người thứ ba bảo, thì cuống cuồng chạy trốn. Như thế mới hay cái dư luận của thiên hạ rất là mạnh. Một việc, dù cho sai lầm đến mười mươi, nhiều người đã cùng có một nghị luận đều như thế cả, thì cũng dễ khiến cho ta nghi nghi hoặc rồi đem bụng tin mà cho là phải, nom đỉa hoá ra rươi, trông con chó thành ra con cừu. Đến như giữa chợ làm gì có cọp! Thế mà một người, hai người, đến ba người nói có cọp, thiên hạ cũng tin có cọp thật nữa là! Những bậc ra được ngoài vòng dư luận, giữ vững được bụng như cây giữa rừng, như kiềng ba chân rất là hiếm, nhưng có thế được, mới cao. Một chân lý có chứng minh rõ ràng mười phần chắc chắn, thì mới nên công nhận.

(Theo “Cổ học tinh hoa” của Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân – NXB Trẻ)

---------------------------

(1) Tăng Sâm: người thời Xuân Thu, tính chất chân thật và rất có hiếu, học trò đức Khổng Tử và sau truyền được đạo của ngài

Lấy của ban ngày

Đã là kẻ thấy của tối mắt, tham vàng bỏ nghĩa, thì dù ít, dù nhiều cũng là đáng khinh cả, song, đem những kẻ tai to, mặt lớn, vì ham mê phú quý, mà lừa thầy, phản bạn hại ngầm đồng bào so với những quân cắp đường, cắp chợ, giữa ban ngày để nuôi miệng thì tội đáng nặng hơn biết bao nhiêu. Thế mà trách đời chỉ biết chê cười những quân trộm vặt, chớ không biết trừng trị những kẻ đại gian đại ác.

Nước Tấn có kẻ hiếu lợi(1), một hôm ra chợ gặp cái gì cũng lấy. Anh ta nói rằng: “Cái này tôi ăn được, cái này tôi mặc được, cái này tôi tiêu được, cái này tôi dùng được”. Lấy rồi đem đi. Người ta theo đòi tiền. Anh ta nói:

“Lửa tham nó bốc lên mờ cả hai con mắt. Bao nhiêu hàng hoá trong chợ, tôi cứ tưởng của tôi cả, không còn trông thấy ai nữa. Thôi, các người cứ cho tôi, sau này giàu có, tôi sẽ đem tiền trả lại”.

Người coi chợ thấy càn rỡ, đánh cho mấy roi, bắt của ai phải trả lại người ấy. Cả chợ cười ồ. Anh ta mắng:

“Thế gian còn nhiều kẻ hiếu lợi hơn ta, thường dụng thiên phương, bách kế(2) ngấm ngầm lấy của của người ta. Ta đây tuy thế, song lấy giữa ban ngày so với những kẻ ấy thì lại chẳng hơn ư? Các ngươi cười ta là các ngươi chưa nghĩ kỹ!”.

Long Môn Tử(3)

Lời bàn:

Đã là kẻ thấy của tối mắt, tham vàng bỏ nghĩa, thì dù ít, dù nhiều cũng là đáng khinh cả, song, đem những kẻ tai to, mặt lớn, vì ham mê phú quý, mà lừa thầy, phản bạn hại ngầm đồng bào so với những quân cắp đường, cắp chợ, giữa ban ngày để nuôi miệng thì tội đáng nặng hơn biết bao nhiêu. Thế mà trách đời chỉ biết chê cười những quân trộm vặt, chớ không biết trừng trị những kẻ đại gian đại ác.


(Theo “Cổ học tinh hoa” của Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân – NXB Trẻ)

--------------------------

(1) Hiếu lợi: ham tiền của quên cả phải trái

(2) Thiên phương, bách kế: mưu này chước khác xoay đủ trăm nghìn cách.

(3) Long Môn Tử: Tức là Tư Mã Thiên làm quan Thái Sư nhà Hán là một nhà sử ký có danh

Không nhận cá

Làm quan như Công Nghi Hưu thật là thanh liêm. Dù đến con cá, là vật nhỏ mọn mà ông cũng còn cân nhắc không chịu nhận. Ông hiểu cái lẽ rằng: Người ta vị mình mà chiều mình chỉ được có một thời, sao cho bằng chính mình trọng lấy mình, mới là kế lâu dài mãi mãi.

Công Nghi Hưu(1) làm tướng nước Lỗ, tính hay thích ăn cá. Một hôm có người đem cá biếu, ông lại không nhận. Em ông lấy làm lạ, hỏi: “Anh thích ăn cá, người ta đem cá cho, sao anh lại không nhận?”.

Công Nghi Hưu nói: “Người ta đem cá cho chắc ý cầu ta việc gì. Nếu ta nhận, tất ta phải giúp việc người. Giúp việc người, lỡ làm trái phép thì đến mất quan. Mà mất quan thì chẳng những không có cá biếu, mà đến cá mua lấy cũng không có nữa. Cho nên ta không nhận cá, chính là ta muốn được có cá ăn lâu dài mãi mãi đó. Ông Lão Tử xưa có câu rằng: “Để thân mình lại sau, thế mà thân mình đứng trước; gác thân mình ra ngoài, thế mà thân mình vẫn còn”. Thế chẳng phải là bởi mình không có lòng riêng mà được thoả lòng riêng của mình ư?

Hàn Thi Ngoại Truyện

Lời bàn:

Làm quan như Công Nghi Hưu thật là thanh liêm. Dù đến con cá (trong sách không nói rõ cá gì), là vật nhỏ mọn mà ông cũng còn cân nhắc không chịu nhận. Ông hiểu cái lẽ rằng: Người ta vị mình mà chiều mình chỉ được có một thời, sao cho bằng chính mình trọng lấy mình, mới là kế lâu dài mãi mãi.

Thiên hạ chưa lo đến mà mình đã lo trước cho thiên hạ; thiên hạ đã vui rồi, mà mình mới vui sau thiên hạ, thế là mình gác thân mình ra ngoài để thân mình lại sau mà không có điều gì riêng tư vậy. Khi thân mình lại được trước, lại vẫn còn thì lòng riêng gì của mình mà không thoả. Nếu làm quan mà chỉ chăm chăm hại người để cầu lợi riêng cho mình thì người còn, bụng chết tự cho là sướng mà kỳ thật có sung sướng gì đâu?


(Theo “Cổ học tinh hoa” của Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân – NXB Trẻ)

-----------------------------------

(1) Công Nghi Hưu: làm tướng cho Mục Công nước Lỗ đời Chiến quốc. ông là người tính khí điềm đạm, công minh giữ phép, không cùng dân tranh lợi.

Biết rõ chữ "nghĩa"

Hoa Hâm(1) chạy loạn, cùng đi với một bọn sáu bảy người. Giữa đường gặp một người lại cũng chạy loạn, đến kêu nài, xin nhập bọn. Chúng lấy làm ái ngại, thuận cho. Một mình Hoa Hâm nói:

Không nên, đang bước nguy hiểm, sinh, tử, hoạ, phúc có nhau, ta đi bấy nhiêu người cũng như một người vậy. Bây giờ vô nhận một người lạ, lỡ khi xảy ra việc gì, thì có bỏ được người ta không?”.

Chúng nhận cố nói với Hoa Hâm cho người kia cùng đi. Hoa Hâm bằng lòng.

Người kia đi được một quãng đường, chẳng may sa chân ngã xuống giếng. Cả bọn muốn bỏ mặc để đi cho rảnh thân. Một mình Hoa Hâm nói:

Không nên. Người ta cùng đi với mình là người bạn mình. Người ta gặp sự chẳng may như vậy mà mình bỏ người ta sao cho đành!”.

Nói rồi, bảo bấy nhiêu người cùng ở lại vớt người kia lên. Sau cứu mãi không được, Hoa Hâm lại bảo phải ở lại mai táng chu tất rồi mới đi.

Lời bàn:

Vô cớ cho một người lạ nhập bọn, nghĩa là cũng không nên, một là e xảy ra sự gì hại đến thân mình, hai là sợ không được thuỷ chung với người ta. Đã nhận người ta đi với mình thành một bọn, giữa đường người ta gặp sự chẳng may mà bỏ mặc người ta, nghĩa lại càng không nên lắm, vì như thế là bạc ác, bất nhân, chỉ biết nhau trong lúc vô sự, đến khi nguy hiểm rồi lại bỏ nhau. Biết được cái đạo không nên nhận và cái đạo đã nhận như Hoa Hâm đây mới thực là người hiểu rõ chữ “nghĩa” tức là hiểu việc nên làm thế nào mới là phải vậy.

(Theo “Cổ học tinh hoa” của Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân – NXB Trẻ)

Ý nghĩa các thông số trong fstab

1.Mở đầu
Có lẽ trong chúng ta ai cũng đã từng dùng lệnh mount để mount một partition vào để làm việc, nhằm giúp cho việc mount tự động khi boot hoặc giảm nhẹ việc đánh lệnh mount quá dài để có thể mount được ổ đĩa ta đưa những thông tin cấu hình vào trong file /etc/fstab. Nhưng trong chúng ta có mấy ai hiểu hết được ý nghĩa từng column trong file này?

Chú ý: Trong bài viết đôi khi dùng lẫn lộn giữa partition và thiết bị (device), bạn có thể hiểu nó đề cập đến các phân vùng trên ổ cứng, ổ đĩa mềm, CD, USB Flash...

2.File fstab là gì và tại sao ta lại cần nó
fstab là một tập tin cấu hình chứa các thông tin về các phân vùng trên ổ cứng cũng như các thiết bị lưu trữ khác trong máy tính của bạn. Tập tin này nằm trên thư mục /etc.
/etc/fstab chứa các thông tin cần thiết để xác định xem một phân vùng hay thiết bị của bạn được mount như thế nào và mount vào đâu trong cấu trúc thư mục.Nếu như bạn không thể truy xuất các phân vùng của Windows (NTFS hoặc FAT32) từ Linux, không thể mount CD hoặc ghi file lên ổ mềm với quyền hạn user bình thường, hoặc gặp vấn đề với CD-RW của bạn, có lẽ bạn đã không cấu hình đúng file /etc/fstab rồi. Để có thể điều chỉnh fstab bạn cần có quyền root và dùng một chương trình xử lý văn bản như vi hoặc gedit để điều chỉnh.

3.Mô tả sơ lược về fstab
Đây là cấu trúc một file /etc/fstab mẫu


----1----------2-----------3----------------4---------------5-----------------6----
LABEL=/ / ext3 defaults 1 1
LABEL=/boot /boot ext3 defaults 1 2
LABEL=swap swap swap defaults 0 0
/dev/sda8 /working vfat auto,user,exec,rw 0 0
/dev/sda9 /eLib ntfs-3g auto,user,noexec 0 0


4.Ý nghĩa cột thứ 1 và 2:
Thiết bị cần mount và nơi mặc định để mount.
Cột thứ nhất là ổ đĩa hoặc thiết bị cần mount vd như /dev/fd0 (mặc định là ổ đĩa mềm), /dev/hda1, /dev/sda1...
Cột thứ 2 chính là nơi mount mặc định.
Hãy nhìn thử nội dung file fstab trong phần 3 dòng cuối cùng: nếu như từ dòng lệnh bạn gõ:
$mount /eLib thì nó tương đương với việc bạn phải gõ đầy đủ như sau
#mount /dev/sda9 /eLib (mặc định quyền root mới được mount) đó là chưa kể thông số về file system và các thông số phụ
#mount /dev/sda9 -t ntfs /mnt/ nếu muốn chỉ định file system
Bạn có thể sử dụng tên của partition thay vì dùng /dev/sda1... cũng được, bảng trên là một ví dụ

5.Cột thứ 3: loại file system
Đây chính là định dạng file hệ thống của thiết bị của bạn
ext2 và ext3: thường dùng cho các hệ thống Linux
reiserfs: nếu ổ đĩa bạn định dạng kiểu ReiserFS thì dùng tuỳ chọn này.
swap: được sử dụng cho swap partition
vfat, ntfs, ntfs-3g: vfat được dùng cho các ổ đĩa FAT32 trên Windows còn ntfs dành cho NTFS (chú ý một số distro như RedHat không đưa hỗ trợ ntfs vào mặc định do đó bạn cần compile lại kernel hoặc cài thêm module ntfs vào). ntfs-3g là một giải pháp cho việc read-write ntfs partition trên Linux tương đối tốt hiện nay.
auto: tự động detect, nếu không biết partition của mình định dạng kiểu gì thì hãy thử tuỳ chọn này.

6.Cột thứ 4: Các tuỳ chọn mount
Đây có lẽ là cột quan trọng nhất đây, nó quy định xem có mount tự động lúc khởi động không, user có quyền mount không, có cho phép thực thi các file trên đó không (nhiều trường hợp lỗi khi thực thi các script, exec file không được là do phần tuỳ chọn này).
- auto và noauto: Với tuỳ chọn auto, thiết bị sẽ tự động mount lúc khởi động máy tính, đây là tuỳ chọn mặc định. Nếu bạn không muốn thiết bị của mình được mount tự động hãy dùng tuỳ chọn noauto, khi đó khi nào bạn ra lệnh mount thì hệ thống mới mount cho bạn.
- user và nouser: tuỳ chọn user cho phép những user bình thường có thể mount thiết bị, ngược lại nouser chỉ cho phép root mới có quyền mount mà thôi. Tuỳ chọn nouser là mặc định, nếu bạn không thể mount CD, ổ đĩa từ windows... bạn hãy điều chỉnh lại thông số này.
- exec và noexec: exec cho phép bạn thực thi các file thực thi tồn tại trên partition đó, đây là tuỳ chọn mặc định. Tuỳ chọn noexec sẽ không cho phép bạn thực thi những file này, tuỳ chọn này thường được áp dụng đối với những phân vùng không có file thực thi hoặc không muốn cho thực thi.
- ro: mount partition ở chế độ read-only. Với chế độ này bạn chỉ có thể đọc mà không thể ghi được vào partition đó.
- rw: Mount partition ở chế độ read-write, đôi khi bạn phải đau đầu vì tuỳ chọn này do không thể ghi vào đĩa mềm mà không hiểu nguyên nhân vì sao.
- sync và async: đây là tuỳ chọn cho việc đọc và ghi lên file system. sync nghĩa là tất cả được làm đồng thời với nhau, tuỳ chọn này thường được áp dụng cho đĩa mềm. Một vd: khi bạn ra lệnh copy một file lên đĩa mềm, với tuỳ chọn sync file sẽ được chép ngay lập tức khi bạn ra lệnh, với tuỳ chọn async (không đồng thời) thì file đó chưa hẳn đã được chép lên đĩa. Nếu như bạn rút đĩa ra mà không umount thì có thể file đó không tồn tại trên đĩa mềm. async là tuỳ chọn mặc định.
- defaults: sử dụng các tuỳ chọn mặc định đó là rw, suid, dev, exec, auto, nouser, and async
Các tuỳ chọn được cách nhau bằng dấu phẩy (,)

7.Cột thứ 5 và 6: Các tuỳ chọn cho lệnh dump và fsck
Dump là gì? Đó là một tiện ích backup filesystem, gõ lệnh $man dump để biết thêm thông tin
Thế còn fsck? Đó chính là tiện ích để kiểm tra file system xem có bị hư hỏng gì không (và sửa lỗi nếu được).
Cột thứ 5 chính là thông số tuỳ chọn cho dump. Dump sẽ dựa vào con số bạn cấu hình để biết phải làm gì, nếu nó là 0 thì dump sẽ bỏ qua và không làm gì, hầu hết các trường hợp thông số này đều bằng 0!
Cột thứ 6 chính là thông số tuỳ chọn cho lệnh fsck. Nó quy định thứ tự để kiểm tra file system, nếu thông số này bằng 0 đồng nghĩa với việc fsck sẽ không kiểm tra

8. Kết luận
Với những thông số tuỳ chọn cho file /etc/fstab hy vọng bạn sẽ không còn những giây phút đau đầu mà không hiểu nguyên nhân tại sao. Hy vọng bài viết này sẽ giúp ích cho bạn trên con đường chinh phục chú chim cánh cụt dễ thương!

Tác giả: YTH.
Nguồn: HVAonline.net

Tuesday, January 29, 2008

Thầy Tăng Sâm

Kẻ làm con khi thấy cha mẹ làm trái, còn có chức trách phải liệu đường trốn tránh hay uỷ khúc can ngăn mà vẫn không mắc tiếng bất hiếu.

Thầy Tăng Sâm bừa cỏ ruộng dưa lỡ tay làm đứt mất ít rễ. Cha là Tăng Tích giận, cầm gậy đánh vào lưng. Tăng Sâm đau quá, ngã gục xuống điếng đi một lúc mới hồi lại.

Khi về nhà, liền đến thưa với cha rằng:

- Lúc nãy con có tội để đến nỗi cha phải đánh, làm đau tay cha, thực là con lỗi đạo.

Nói xong lùi xuống, vừa gẩy đàn vừa hát, có ý để cha nghe tiếng, biết cho rằng mình không còn đau đớn gì nữa. Khổng Tử nghe thấy chuyện ấy, bảo học trò cấm cửa không cho Tăng Sâm vào.

Tăng Sâm tự nghĩ mình vô tội, mượn bạn lại hỏi vì cớ gì mà ngài giận.

Khổng Tử nói: “Ngày trước ông Thuấn phụng sự cha là Cổ Tẩu, lúc cha sai khiến gì, ở luôn bên cạnh; lúc cha giận dữ muốn giết thì lánh xa; cha đánh bằng roi vọt thì cam chịu; đánh bằng gậy gộc thì chạy trốn. Thế cho nên ông Cổ Tẩu không mang tiếng bất từ. Nay Sâm thờ cha liều mình để chiều cơn giận đến nỗi ngất đi. Giá lỡ cha đánh quá tay mà chết mất thì có phải là làm cho cha mắc tội không? Tội bất hiếu còn gì to hơn nữa!”.

Tăng Sâm nghe lại chuyện, biết là có lỗi đến tạ tội Khổng Tử.

Thuyết Uyển*

Lời bàn:

Người làm con có hiếu thì dẫu vì cha mà phải hy sinh tính mệnh cũng không có gì là quá lạm. Song liều mình mà cứu cha mẹ trong khi nguy cấp là chí hiếu, thì để cha mẹ nhân cơn giận dữ đánh đập, lỡ hại đến tính mệnh thì chẳng những là bất hiếu mà lại còn mang tiếng hãm cha mẹ vào tội bất từ nữa. Ông Sâm rất hiếu nhưng chưa phải cách, ông Thuấn cũng hiếu nhưng biết phải trái. Kẻ làm con khi thấy cha mẹ làm trái, còn có chức trách phải liệu đường trốn tránh hay uỷ khúc can ngăn mà vẫn không mắc tiếng bất hiếu.


(Theo “Cổ học tinh hoa” của Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân – NXB Trẻ)

Ông quan thanh bạch

Làm quan như ông Dương Chấn đối với người đã đề bạt không cần ơn, đối với dân mình cai trị không ăn lễ, lúc đêm khuya, tấm lòng cũng rõ rệt như lúc thanh thiên, bạch nhật, chẳng cũng là một ông quan thanh liêm đáng làm gương cho bọn quan tham, lại nhũng muôn đời ư!

Dương Chấn được bổ đi làm Thái thú quận Đông Lai. Lúc đi nhậm chức qua đất Xương Ấp, quan huyện ở đấy là Vương Mật, trước được nhờ ông đề bạt cho, vào yết kiến. Rồi đợi đêm khuya lại đem vàng đến lễ.

Dương Chấn bảo: “Trước tôi biết ông là người khá, mới cử ông lên, thế mà ông vẫn chưa biết bụng tôi, còn đem vàng đến cho tôi ư?”.

Vương Mật cố nài, thưa rằng: “Xin ngài cứ nhận cho. Bây giờ đêm khuya không ai biết”.

Dương Chấn nói: “Trời biết, đất biết, ông biết, tôi biết, sao lại bảo là không ai biết?”.

Vương Mật nghe nói xấu hổ lui ra.

Dương Chấn thật là một ông quan thanh liêm, chỉ chăm việc dân việc nước, không tham nhũng, không làm giàu cho mình. Ông thường nói: “Làm quan mà để được cái tiếng thanh bạch cho con cháu, chẳng quý hơn là để tiền của, ruộng nương lại cho chúng ư?”.

Hậu Hán Thư

Lời bàn:

Làm quan như ông Dương Chấn đối với người đã đề bạt không cần ơn, đối với dân mình cai trị không ăn lễ, lúc đêm khuya, tấm lòng cũng rõ rệt như lúc thanh thiên, bạch nhật, chẳng cũng là một ông quan thanh liêm đáng làm gương cho bọn quan tham, lại nhũng muôn đời ư! Làm quan mà vơ vét cho nhiều, chính mình chắc đâu đã giữ được, huống chi còn mong để lại cho con cháu. Như thế để lại cho chúng cái tiếng thanh bạch thơm tho cho muôn thuở chả hơn là cái của phi nghĩa chỉ tổ làm cho chúng kiêu sa dâm dật rồi đi đến bại vong ư!


(Theo “Cổ học tinh hoa” của Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân – NXB Trẻ)

Không nhận cá

Làm quan như Công Nghi Hưu thật là thanh liêm. Dù đến con cá, là vật nhỏ mọn mà ông cũng còn cân nhắc không chịu nhận. Ông hiểu cái lẽ rằng: Người ta vị mình mà chiều mình chỉ được có một thời, sao cho bằng chính mình trọng lấy mình, mới là kế lâu dài mãi mãi.

Công Nghi Hưu(1) làm tướng nước Lỗ, tính hay thích ăn cá. Một hôm có người đem cá biếu, ông lại không nhận. Em ông lấy làm lạ, hỏi: “Anh thích ăn cá, người ta đem cá cho, sao anh lại không nhận?”.

Công Nghi Hưu nói: “Người ta đem cá cho chắc ý cầu ta việc gì. Nếu ta nhận, tất ta phải giúp việc người. Giúp việc người, lỡ làm trái phép thì đến mất quan. Mà mất quan thì chẳng những không có cá biếu, mà đến cá mua lấy cũng không có nữa. Cho nên ta không nhận cá, chính là ta muốn được có cá ăn lâu dài mãi mãi đó. Ông Lão Tử xưa có câu rằng: “Để thân mình lại sau, thế mà thân mình đứng trước; gác thân mình ra ngoài, thế mà thân mình vẫn còn”. Thế chẳng phải là bởi mình không có lòng riêng mà được thoả lòng riêng của mình ư?

Hàn Thi Ngoại Truyện

Lời bàn:

Làm quan như Công Nghi Hưu thật là thanh liêm. Dù đến con cá (trong sách không nói rõ cá gì), là vật nhỏ mọn mà ông cũng còn cân nhắc không chịu nhận. Ông hiểu cái lẽ rằng: Người ta vị mình mà chiều mình chỉ được có một thời, sao cho bằng chính mình trọng lấy mình, mới là kế lâu dài mãi mãi.

Thiên hạ chưa lo đến mà mình đã lo trước cho thiên hạ; thiên hạ đã vui rồi, mà mình mới vui sau thiên hạ, thế là mình gác thân mình ra ngoài để thân mình lại sau mà không có điều gì riêng tư vậy. Khi thân mình lại được trước, lại vẫn còn thì lòng riêng gì của mình mà không thoả. Nếu làm quan mà chỉ chăm chăm hại người để cầu lợi riêng cho mình thì người còn, bụng chết tự cho là sướng mà kỳ thật có sung sướng gì đâu?


(Theo “Cổ học tinh hoa” của Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân – NXB Trẻ)

Biết rõ chữ "nghĩa"

Hoa Hâm(1) chạy loạn, cùng đi với một bọn sáu bảy người. Giữa đường gặp một người lại cũng chạy loạn, đến kêu nài, xin nhập bọn. Chúng lấy làm ái ngại, thuận cho. Một mình Hoa Hâm nói:

Không nên, đang bước nguy hiểm, sinh, tử, hoạ, phúc có nhau, ta đi bấy nhiêu người cũng như một người vậy. Bây giờ vô nhận một người lạ, lỡ khi xảy ra việc gì, thì có bỏ được người ta không?”.

Chúng nhận cố nói với Hoa Hâm cho người kia cùng đi. Hoa Hâm bằng lòng.

Người kia đi được một quãng đường, chẳng may sa chân ngã xuống giếng. Cả bọn muốn bỏ mặc để đi cho rảnh thân. Một mình Hoa Hâm nói:

Không nên. Người ta cùng đi với mình là người bạn mình. Người ta gặp sự chẳng may như vậy mà mình bỏ người ta sao cho đành!”.

Nói rồi, bảo bấy nhiêu người cùng ở lại vớt người kia lên. Sau cứu mãi không được, Hoa Hâm lại bảo phải ở lại mai táng chu tất rồi mới đi.

Lời bàn:

Vô cớ cho một người lạ nhập bọn, nghĩa là cũng không nên, một là e xảy ra sự gì hại đến thân mình, hai là sợ không được thuỷ chung với người ta. Đã nhận người ta đi với mình thành một bọn, giữa đường người ta gặp sự chẳng may mà bỏ mặc người ta, nghĩa lại càng không nên lắm, vì như thế là bạc ác, bất nhân, chỉ biết nhau trong lúc vô sự, đến khi nguy hiểm rồi lại bỏ nhau. Biết được cái đạo không nên nhận và cái đạo đã nhận như Hoa Hâm đây mới thực là người hiểu rõ chữ “nghĩa” tức là hiểu việc nên làm thế nào mới là phải vậy.

(Theo “Cổ học tinh hoa” của Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân – NXB Trẻ)

--------------------------

(1) Hoa Hâm: người cuối đời nhà Đông Hán, học giỏi, làm quan đến chức Thượng Thư Lệnh.

Dung người được báo

Vua Trang Vương nước Sở cho các quan uống rượu. Trời đã tối, đang lúc rượu say, đèn nến bỗng bị gió tắt cả. Trong lúc ấy, có một viên quan thừa cơ kéo áo cung nữ. người cung nữ nắm lấy, giật đứt giải mũ, rồi tâu với vua rằng:

- Có kẻ kéo áo ghẹo thiếp. Thiếp giật được giải mũ. Xin cho thắp đèn ngay để khám xem ai đứt giải mũ thì chính là kẻ ghẹo thiếp...

Vua gạt đi nói:

- Thôi! Không làm gì! Cho người ta uống rượu, để người ta say, quên cả lễ phép, lại nỡ nào vì câu chuyện đàn bà mà làm sỉ nhục người ta!.

Rồi lập tức ra lệnh rằng:

- Ai uống rượu với quả nhân(1) hôm nay mà không say đến dứt đứt giải mũ là chưa được vui.

Các quan theo lệnh, đều dứt giải rmũ cả. Nên suốt tiệc hôm ấy được vui vầy ổn thoả.

Hai năm sau, nước Sở đánh nhau với nước Tấn. Đánh luôn năm trận mà trận nào cũng thấy một viên quan võ liều sống, liều chết xông ra trước mà đánh rất hăng, làm cho quân Tấn phải lùi. Vì thế mà quân Sở được. Trang Vương lấy làm lạ cho đòi viên quan ấy hỏi:

- Quả nhân đãi nhà ngươi cũng như mọi người khác, cớ sao nhà ngươi lại hết lòng giúp quả nhân khác người như vậy?

Viên quan thưa rằng:

- Thần rắp tâm muốn đem tính mệnh để hiến nhà vua đã lâu. Mãi đến bây giờ mới gặp dịp báo đền nghĩa xưa, thực là may cho thần lắm... Thần là Tưởng Hùng, chính là người trước bị dứt giải mũ mà nhà vua không nỡ làm tội đấy...

Đào Ngột (Sở Sử)

Lời bàn:

Ông vua không làm tội người công thần ghẹo cung nữ thực là có độ lượng, bao dung được lỗi của người. Người ghẹo cung nữ không quên cái ơn đã chịu, tìm cách để báo đáp, thực là có nghĩa, tỏ được cái bụng trung thành với người gia ơn. Có vua ấy tất có tôi ấy, vua tôi như thế thì nước đời nào mất được.


(Theo “Cổ học tinh hoa” của Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân – NXB Trẻ)

Bỏ quên con sinh

Họ Công Sách(1) sắp tế. Trong các lễ vật bỏ quên không đặt con sinh(2), Khổng Tử nghe thấy chuyện, nói rằng:

- Trong hai năm nữa, họ Công Sách thế nào cũng mất quan.

Năm sau, họ Công Sách quả nhiên mất quan thật.

Môn nhân(3) hỏi rằng:

- Trước họ Công Sách sắp tế bỏ quên con sinh mà thầy nói trong hai năm nữa thì mất quan, nay sự quả nhiên. Dám hỏi vì nhẽ gì mà thầy biết trước như vậy?.

Khổng Tử nói: ''Việc tế là việc người con có hiếu tỏ hết lòng thương nhớ cha mẹ, mà lúc sắp tế, bỏ quên con sinh, thì các công việc khác bỏ quên, bỏ sót chắc nhiều lắm. Như thế mà không mất quan thì không có lý''

Gia Ngữ

Lời bàn:

Việc tế lễ là việc rất thận trọng, tức là việc giao tế thần minh. Chỉ có người tận tâm và tận thành thì mới cảm cách được, con sinh là lễ vật rất thiết yếu, mà đến lúc tế, lại quên cả con sinh thì sự sơ suất không phải là nhỏ. Người như thế không thành tâm, công việc như thế là công việc không chu đáo. Xét một sự mà suy ra muôn sự. Khổng Tử suy xét mà biết, há có phải là tiên tri đâu. Nhưng suy xét chắc chắn mà phán đoán trúng việc thì có khác gì tiên tri.


(Theo “Cổ học tinh hoa” của Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân – NXB Trẻ)

---------------

(1) Công Sách: học trò một ông quan đời Xuân Thu

(2) Sinh: con muông dùng làm việc tế lễ như lợn, dê, trâu, bò.

(3) Môn nhân: học trò của một ông thầy.

Mạnh Thường Quân và nước Tần

Mạnh Thường Quân(1) là một nhà nghĩa hiệp nước Tề, muốn sang nước Tần(2) để du thuyết(3). Có hàng nghìn người can ngăn mà không được. Sau Tô Tần đến can, Mạnh Thường Quân bảo rằng:

- Việc người thì ta đây không còn sót gì nữa, chỉ có việc quỷ thần là ta chưa được rõ mà thôi.

Tô Tần(4) đáp:

- Ấy chính tôi lại đây không phải là nói việc người, tôi cốt định đem việc quỷ thần(5) nói để ông nghe.

Mạnh Thường Quân nói:

- Ừ, thế nói ta nghe.

Tô Tần nói:

-Vừa rồi tôi lại đây, đi qua con sông, tôi thấy một pho tượng đất nói chuyện với một pho tượng gỗ. Tượng gỗ bảo tượng đất: Ngươi là đất nặn thành hình, đến mùa mưa nước sông lên, ngập lụt cả thì ngươi bở tan ra mất. Tượng đất nói: Ta có tan ra nữa, ta vốn là đất, thì đất lại hoàn đất mà thôi. Chớ như ngươi là gỗ tạc thành hình, nước tràn ngập lên thì chưa biết ngươi trôi dạt vào đâu, mà rồi ra thế nào... Nay nước Tần là nước hiểm trở, vua Tần là vua bạo ngược, nếu ông vào đấy thì chưa biết có ra thoát được không.

Mạnh thường Quân nghe nói bèn thôi không sang nước Tần nữa.

Lời bàn:

Mạnh Thường Quân cậy là tài giỏi, trước đã không chịu nghe ai, mà sau lại nghe Tô Tần, là vì lời Tô Tần đây thực là một bài học cho những kẻ có tính mạo hiểm mà không biết liệu sức mình. Mạo hiểm là một tính hay, nhưng phải biết mình, biết người thì mới thành được việc mà không đến nỗi thất bại.


(Theo “Cổ học tinh hoa” của Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân – NXB Trẻ)


chú thích:

(1) Mạnh Thường Quân: con vua nước Tề thời Chiến Quốc, họ Điền tên Văn làm tướng nước Tề có tiếng là người nghĩa hiệp, trong nhà lúc nào cũng tiếp đãi đến vài nghìn người khách

(2) Tần: tên nước đời Xuân Thu (tức là tỉnh Thiểm Tây bây giờ) đến đời Tần chiếm được cả sáu nước mà nhất hống thiên hạ

(3) Du thuyết: nhà ngôn luận giỏi đời Chiến Quốc thường dùng lưòi biện bácmà làm cho người ta xiêu lòng phải nghe.

(4) Tô Tần: người thời Chiến Quốc, là một nhà du thuyết giỏi, có công đi liên hợp được sáu nước để chống lại nước Tần

(5) Quỷ thần: quỷ: bậc thiêng liêng ở trên trời. Mạnh Thường Quân thấy Tô Tần đến, đột ngột đem chuyện quỷ thần hỏi có ý làm cho khó khăn. Tô Tần không nói ra làm sao được nữa. Không ngờ Tô Tần ứng biến nhanh, lấy ngay chuyện quỷ thần làm ví dụ mà nói đến mình

Trước khi đánh người phải giữ mình

Phàm cái gì mình thích, tất người ta cũng thích. Nếu cứ theo lòng dục mà vơ năm gấp mười không phòng bị thì có khi xôi hỏng bỏng không...

Văn Công(1) nước Tấn đem quân sang đánh nước Vệ(2). Giữa đường gặp một ông lão đang bừa ruộng, cứ ngẩng mặt lên trời cười khanh khách mãi. Văn Công cho đòi lại hỏi: “Ngươi cười cái gì thế?”.

Ông lão thưa rằng: “Tôi cười người láng giềng nhà tôi. Anh ta đưa vợ đi chơi nhà bà con. Giữa đường gặp người con gái hái dâu, anh ta thích quá, lén vợ rẽ xuống ruộng dâu nói chuyện với người con gái. Một chốc ngoảnh lên xem vợ đi đến đâu thì thấy một chàng đang vẫy vợ anh ta đi. Ấy câu chuyện chỉ có thế, tôi nghĩ mà tôi không nhịn cười được”.

Văn Công nghe nói, tỉnh ngộ kéo quân về. Về chưa đến nơi, thì đã thấy báo có giặc ngoài vào xâm phạm trên mạn bắc trong nước.

Liệt Tử

Lời bàn:

Phàm cái gì mình thích, tất người ta cũng thích. Nếu cứ theo lòng dục mà vơ năm gấp mười không phòng bị thì có khi xôi hỏng bỏng không, chẳng những không lấy được gì của người ta, mà mình có gì cũng mất vào tay người ta nữa. Việc nước cũng thế, đi đánh nước ngoài mà không nghĩ giữ nước nhà, thế là bỏ nước mình cho giặc vậy.


(Theo “Cổ học tinh hoa” của Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân – NXB Trẻ)

Lá dó

Bài này nói sự khôn khéo chỉ làm trò chơi được một lúc, không đáng chuộng bằng sự thực dụng làm lợi cho mọi người được lâu dài.

Nước Tống có người lấy ngọc, tỉa làm một cái lá dó ba năm mới xong. Cái lá làm rất khéo, sống, cuống, cạnh sắc, lông tơ, màu mỡ giống như hệt, đem trộn với những lá dó thật, không ai phân biệt được nữa.

Người ấy đem cái lá dâng vua Tống. Vua khen là khéo, cấp lương bổng cho.

Tử Liệt nghe thấy chuyện nói rằng:

- Giá như những cây cối trong khoảng trời đất ba năm mới mọc được một cái lá, thời dễ không có mấy cây có lá nữa!

Liệt Tử

Lời bàn:

Bài này nói sự khôn khéo chỉ làm trò chơi được một lúc, không đáng chuộng bằng sự thực dụng làm lợi cho mọi người được lâu dài. Song tay người làm ra mà giống được như tạo hoá thì thật là khôn khéo. Mỹ thuật xưa nay thường lấy sự bắt chước hệt được như hoá công làm mục đích. Liệt Tử vốn là một nhà Lão học, thì lại cho cái cảnh tự nhiên là đẹp hơn cả, chỉ một cái cảnh ấy cũng làm cho con người được hưởng thụ vui sướng.


(Theo “Cổ học tinh hoa” của Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân – NXB Trẻ)

Câu nói của người đánh cá

Vua Văn Công(1) nước Tấn(2) đi săn ham đuổi một con thú mải theo quá chân, thành lạc vào trong cái chầm(3) lớn không biết lối ra.

Vua gặp một người đánh cá, bèn bảo rằng:

- Ta là vua đây. Ta lạc đường, nhà ngươi chỉ lối cho ta, rồi ta hậu thưởng.

Người đánh cá nói: “Bầy tôi muốn dâng nhà vua một câu”.

Vua bảo: “Cứ đưa ra khỏi chầm đã, rồi muốn nói gì hãy nói”.

Khi người đánh cá đưa vua ra khỏi chầm, vua phán rằng:

- Nào câu gì nhà ngươi muốn nói với quả nhân(3) lúc nãy thì nói nghe đi.

Người đánh cá thưa: “Chim hồng(5), chim hộc(6) ở bờ sông, bờ bể, chắn sông bể mà vào đầm thời tất mắc phải dò bẫy. Thuồng luồng, ba ba ở đáy vực sâu, chán vực sâu mà ra chỗ bãi nóng, thời tất bị phải chài lưới. Nay nhà vua đi săn, sao quá chân vào đến tận đây như thế?”.

Vua Văn Công bảo: “Ngươi nói phải lắm”.

Đoạn, ngoảnh lại truyền quan hầu ghi tên người đánh cá để sau ban thưởng.

Người đánh cá nói:

- Nhà vua bảo ghi tên bầy tôi làm gì. Xin nhà vua cứ tôn kính thiên địa, xã tắc(7), phòng giữ biên thuỳ, thương yêu muôn dân, đánh nhẹ thuế má, tự khắc là bầy tôi được dự hưởng ơn huệ của nhà vua rồi. Nếu nhà vua chẳng tôn kính thiên địa, xã tắc chẳng phòng giữ biên thuỳ, chẳng chăm công việc, bên ngoài không khéo xử với các nước, bên trong mất cả lòng muôn dân, để đến nước mất dân khổ, thì dù bầy tôi có được hậu thưởng, cũng không thể giữ mà hưởng một mình được.

Người đánh cá cố từ, xong rồi lại nói:

- Xin vua mau mau về nước, tôi đây cũng về chỗ kiếm cá của tôi.

Lời bàn:

Người đánh cá đây là người hiền có ý khuyên vua Văn Công hai điều là: không nên say mê chơi bời săn bắn quá độ mà có khi hại đến tính mình; hết đạo làm vua cho dân được nhờ và nước khỏi mất.

Còn người đánh cá từ chối không nhận thưởng nói cái nhẽ như thế cũng là lo xa nghĩ sâu và phải lắm vậy. Quả thế, khi tổ chim đã đổ thì không còn có cái trứng nào lành; nước đã bị phá tan hay xâm chiếm thì nhà toàn vẹn sao được để mình còn hòng riêng hưởng cuộc yên vui; đời được thái bình thì quí bằng bao nhiêu ân thưởng, tâm không phiền luỵ thì sung sướng bằng bao nhiêu công danh.

____________________________

(1) Văn Công: Vua giỏi nước Tấn về đời Xuân Thu

(2) Tấn: Nước to đời Xuân Thu ở tỉnh Sơn Tây ngày nay.

(3) chầm: một làn nước rộng xung quanh có nhiều cây cỏ

(4) quả nhân: người ít đức, tiếng vua dùng để tự xưng mình một cách khiêm tốn

(5) hồng: loài chim ở bờ song, bãi bể, lưng xám, cánh đen, bụi trắng, tính hùng dũng và nhanh nhẹn

(6) hộc: loài ngỗng trời, toàn thể sắc vàng, bay cao, tiếng kêu to

(7) xã tắc: xã: nền đất để tế Hậu Thổ (thần Đất), tắc: nơi tế thần Lúa. Xã tắc dùng có nghĩa như quốc gia.


(Theo “Cổ học tinh hoa” của Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân – NXB Trẻ)

Vua tôi bàn việc

Người làm chúa tể một nước tất là người tài giỏi hơn người, sáng công việc hơn người. Tuy vậy, khi đã dùng quần thần, là muốn mong cậy quần thần, còn nhiều khi giúp được mình như người ngoài giúp nước cờ vậy.

Vũ Hầu nước Ngụy cùng với quần thần bàn việc, việc gì vua bàn cũng phải, quần thần khôn ai giỏi bằng.

Lúc lui chầu, Ngụy Hầu ra dáng hớn hở lắm. Ngô Khởi(1) bèn tiến lên nói:

- Cận thần đã ai đem câu chuyện Sở Trang Vương nói cho nhà vua nghe chưa?

Vũ Hầu hỏi:

- Câu chuyện Sở Trang Vương thế nào?

Ngô Khởi thưa:

- Khi Sở Trang Vương mà bàn việc phải hơn quần thần, thì lúc lui chầu lo lắm. Có người hỏi: “Sao vua lại lo?” - Sở Trang Vương nói: ''Ta bàn việc mà quần thần không bằng được ta, cho nên ta lo. Cổ nhân có câu: ''Các vua chư hầu ai có thầy giỏi, thì làm được vương; ai có bạn giỏi thì làm được bá; ai có người quyết đoán cho mọi việc ngờ vực, thì còn nước; ai bàn việc không còn ai bằng mình, thì mất nước''. Ta nghĩ ngu như ta mà quần thần cũng không ai bằng thì nước ta có nhẽ mất mất. Bởi thế ta lo...''

Ấy cũng một việc giống nhau. Sở Trang Vương thì lo mà nhà vua thì mừng.

Vũ Hầu nghe nói áy náy vái tạ và nói rằng:

- Giời sai nhà thầy đến bảo cái lỗi cho ta.

Tuân Tử

Lời bàn:

Người làm chúa tể một nước tất là người tài giỏi hơn người, sáng công việc hơn người. Tuy vậy, khi đã dùng quần thần, là muốn mong cậy quần thần, còn nhiều khi giúp được mình như người ngoài giúp nước cờ vậy. Nếu mà quần thần không có ai hơn mình cả, thì là bọn a dua ăn hại còn mong cậy gì được mà chẳng đáng lo. Nên lời Ngô Khởi nói vậy rất là phải. Đã hay rằng người ta ở đời phải cầu ở mình hơn nhờ ở người, nhưng lắm lúc cũng phải có tả phù hữu bật mới lo toan được công việc lớn. Những bậc vua chúa cần phải có thầy giỏi, tôi hay là vì cái lẽ ấy.

Chuyện này cũng giống câu trong “Quốc Sách'' có nói: “Đế giả cùng ở với thầy, vương giả cùng ở với bạn, bá giả cùng ở với bầy tôi, vua vong quốc chỉ cùng ở với hạng đầy tớ”.


---------------------

(1) Ngô Khởi: người nước Vệ thời Chiến Quốc, trước làm tướng vua nước Nguỵ, sau làm tướng vua nước Sở, là một nhà dùng binh giỏi có tiếng


(Theo “Cổ học tinh hoa” của Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân – NXB Trẻ)

Cáo mượn oai hổ

Bài này cũng như bài ngụ ngôn “Lừa đội lốt sư tử” cốt ý nói những kẻ thần hạ mượn quyền thế người trên để hống hách, doạ nạt người ta...

Vua Tuyên Vương làm vua nước Sở. Chiêu Hề Tuất chỉ là một người bầy tôi vua Tuyên Vương. Thế mà ai nghe thấy nói Chiêu Hề Tuất cũng phải kinh sợ. Vua lấy làm lạ, một hôm hỏi quần thần là vì cớ làm sao. Không ai trả lời nổi. Chỉ có Giang Nhất biết được thưa rằng:

“Con hổ hay bắt các giống thú để ăn thịt. Một hôm bắt được con cáo . Cáo bảo: Liệu đó! Chớ có động chạm đến ta mà chết ngay bây giờ. Ta là Trời sai xuống, cầm quyền coi hết cả bách thú. Người mà ăn thịt ta là người trái mệnh trời, hại đến thân ngay lập tức... Không tin thử để ta đi trước, ngươi theo hầu sau, xem có con thú nào trông thấy ta mà lại không sợ hãi tìm đường trốn cho mau không!”. Hổ cho cáo là nói thật, bèn theo cáo đi. Quả nhiên bách thú trông thấy đều sợ mà chạy cả. Hổ vẫn không biết rằng bách thú sợ mình mà chạy, cứ tưởng là sợ cáo. Nay nhà vua nước mạnh, quân nhiều mà vua giao cả quyền thế cho Chiêu Hề Tuất, người phương Bắc sợ Hề Tuất, nhưng kỳ thực là sợ vua cũng như bách thú sợ hổ vậy”.

Chiến Quốc Sách

Lời bàn:

Bài này cũng như bài ngụ ngôn “Lừa đội lốt sư tử” cốt ý nói những kẻ thần hạ mượn quyền thế người trên để hống hách, doạ nạt người ta. Nhưng nếu người ta không biết, thì người ta còn sợ, chứ khi “hổ mà thèm cỏ, lừa mà thò tai” thì chẳng những người ta đem lòng khinh bỉ, mà người ta còn làm cho đê nhục để cho bõ ghét.

(Theo “Cổ học tinh hoa” của Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân – NXB Trẻ)

Hết lòng vì nước

Ngũ Viên vì cha bị giết oan mà quyết chí muốn hại vua, làm cho vua mất nước, là trọng chữ Hiếu hơn chữ Trung, có phần đáng khen, cũng có phần nên chê. Thân Bao Tư muốn cứu nước chỉ lấy nước mắt, tiếng khóc mà nên công, thực là người quá nhẫn nhục trong lúc kế cùng lực kiệt, để chuyển được người không có ý giúp cũng phải giúp, thế là có bụng rất trung, yêu vua cứu nước vậy.

Vua Bình Vương nước Sở nghe lời gièm pha, giết chết đại tướng là Ngũ Xa, Ngũ Thượng là con cả Ngũ Xa cũng bị hại. Người con thứ là Ngũ Viên bèn bỏ nước Sở, sang làm tướng Ngô. Trước khi đi có đến từ giã một người bạn đang làm quan đại phu tên là Thân Bao Tư mà bảo rằng:

“Ba năm nữa, nước Sở không mất, thời tôi không trông thấy bác nữa”.

Thân Bao Tư nói: “Bác làm mất nước Sở, thì tôi tất phải giữ cho nước Sở còn”.

Ba năm sau, Ngũ Viên đem quân Ngô về đánh Sở. Vua Chiêu Vương nối ngôi Bình Vương, thua chạy phải trốn vào trong núi.

Thân Bao Tư đang ở trong núi, nghe nói Ngũ Viên cường bạo, bèn sang cầu cứu nước Tần, tâu cùng vua rằng: “Nước Ngô vô đạo quân khoẻ, người nhiều, sắp đánh cả thiên hạ, bây giờ mới bắt đầu đánh một nước Sở tôi trước. Vua nước tôi phải chạy trốn, hiện nay ở Vân Mộng, sai tôi đến báo cấp với thượng quốc”.

Vua nước Tần là Ai Công, bảo: “Ừ! Để rồi ta liệu. Nhà ngươi hãy ra nghỉ ngoài sứ quán”.

Thân Bao Tư nói: “Vua nước tôi bây giờ đang khốn đốn, phận bầy tôi đâu dám ăn nằm yên một chỗ”.

Nói đoạn, cứ đứng ở giữa sân khóc lóc thảm thiết suốt bảy ngày đêm.

Ai Công thấy vậy, nói rằng: “Một nước có người bầy tôi như thế, ta không cứu cũng không đành”. Rồi đem quân sang cứu nước Sở.

Quân Ngô nghe thấy tin, vội phải rút quân về.

Nước Sở nhờ thế mà không mất, vua Chiêu Vương lại lên ngôi, cho tìm Thân Bao Tư để thưởng công, thì không thấy đâu cả. Thân Bao Tư đã lánh đâu rồi.

Trước khi lánh, Thân Bao Tư nói rằng:

“Mượn quân, yên nước không phải là vị thân, cứu cấp, trừ hại không phải là vị danh. Bây giờ nước đã định rồi, thì ta còn cầu gì nữa?”

Thuyết Uyển

Lời bàn:

Ngũ Viên vì cha bị giết oan mà quyết chí muốn hại vua, làm cho vua mất nước, là trọng chữ Hiếu hơn chữ Trung, có phần đáng khen, cũng có phần nên chê. Thân Bao Tư muốn cứu nước chỉ lấy nước mắt, tiếng khóc mà nên công, thực là người quá nhẫn nhục trong lúc kế cùng lực kiệt, để chuyển được người không có ý giúp cũng phải giúp, thế là có bụng rất trung, yêu vua cứu nước vậy. Lại đáng khen hơn nữa là công to mà không lấy thưởng. Việc nghĩa phải làm là làm cho cả nước, làm được là hả, là sướng, chớ có cầu cạnh gì riêng cho thân mình?


CHÚ THÍCH.

- Ngũ Xa: Người nước Sở thời Xuân Thu, thờ vua Bính Vương vì can vua mà phải giết.

- Ngũ Thượng: con cả Ngũ Xa, cha bị nạn, đi theo cha rồi cũng bị hại.

- Ngũ Viên: tức là Ngũ Tử Tư, con thứ Ngũ Xa, trốn chạy sang Ngô để mưu phục thù cho cha.

- Thân Bao Tư: người thời Xuân Thu làm quan đại phu thờ vua Bính Vương nước Sở và chơi thân với Ngũ Viên.

(Theo “Cổ học tinh hoa” của Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân – NXB Trẻ)

Báo thù

Một bên vì cha mà báo thù, một bên vì nước mà báo thù, hai cái thù không đợi trời chung, mà dụng tâm theo đuổi đến báo kỳ được mới nghe thực là chính đáng, khiến ai nghe thấy cũng phải kính phục.

Nước Ngô, nước Việt đánh nhau.

Vua Ngô là Hạp Lư thua trận, bi quân Việt đâm chết. Con Hạp Lư là Phù Sai nối ngôi làm vua, thề thế nào cũng phục thù được cho cha mới nghe. Phù Sai bèn cho người đứng ở sân, mỗi khi mình ra vào, người ấy phải nói to lên rằng:

“Phù Sai kia! Nước Việt nó giết cha mày mà mày quên ư?”

Phù Sai thưa rằng: “Dạ không dám quên”.

Ba năm sau, quả nhiên Phù Sai đánh được Việt, báo được thù cho cha.

Lúc nước Việt thua, vua Việt là Câu Tiễn sai sứ sang cầu hoà. Tuy rằng được hoà, nhưng đêm ngày âu sầu, lo nghĩ nát gan, tan ruột. Chất củi làm giường nằm, treo cái mật trước chỗ ngồi. Khi nằm thì trông cái mật; khi ăn thì nếm cái mật. Chính thân thì cày cuốc, vợ thì dệt vải làm ăn lao khổ như thường dân. Ai là bậc hiền tài, thì trọng dụng, ai là kẻ khốn khó thì cứu giúp. Hơn hai mươi năm trời, lúc nào cũng được như vậy. Sau Câu Tiễn xem chừng lòng dân đã khiến được, bấy giờ mới đem quân đánh Ngô, quả nhiên Ngô lại thua mà Việt được.

Chu Thư

Lời bàn:

Một bên vì cha mà báo thù, một bên vì nước mà báo thù, hai cái thù không đợi trời chung, mà dụng tâm theo đuổi đến báo kỳ được mới nghe thực là chính đáng, khiến ai nghe thấy cũng phải kính phục. Nếu Phù Sai, Câu Tiễn gặp cái cảnh đau đớn như thế, mà cứ mặt dày mày dạn điềm nhiên như không, thì chẳng là đất đá, không biết nhục là cái gì ư! Có biết nhục, vậy sau mới rửa được nhục. Khi đã rửa được nhục, lại cần phải tu tỉnh luôn luôn và quí nhất là cảm hoá và nâng đỡ kẻ thù đã chịu lui bước hay đã đầu hàng để cho họ đỡ đau khổ, có địa vị, thì mới được yên lâu. Nếu rửa nhục xong mà kiêu căng, quên cả phòng bị thì chuốc lấy nhục mà oan oan tương báo, chỉ những tàn hại nhau hoài mà thôi!


(Theo “Cổ học tinh hoa” của Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân – NXB Trẻ)

Cách đâm hổ

Ý bài này cũng giống câu nói của Mạnh Tử: “Tuy hữu trí tuệ; bất như thừa thế; tuy hữu ti cơ, bất như đãi thời”. Nghĩa là tuy có khôn ngoan sáng suốt, chẳng bằng thừa được cái thế, lại dễ làm hơn; tuy có điều khí sẵn sàng, chẳng bằng đợi đến thời đáng làm mới làm thì lại được việc.

Hai con hổ đang ăn thịt một con trâu. Biện Trang(1) muốn ra đâm hổ. Có thằng trẻ con bảo rằng: “Hãy hượm, ông ạ. Hổ là giống tàn bạo, trâu bò là mồi ngon ngọt. Bây giờ hai con hổ đang cùng ăn một con trâu, thấy thịt trâu rất ngon, tất tranh nhau đánh nhau. Đánh nhau thì hổ nhỏ chết mà hổ lớn cũng bị thương. Ông đợi đến bấy giờ hãy ra, thì có phải chỉ đâm một con, mà rồi được cả hai con không? Như thế thì chẳng là công dùng ít mà lợi được nhiều ư?

Biện Trang cho lời nói là phải, làm theo y như thế, quả nhiên bắt được cả hai con hổ.

LỜI BÀN:

Bài này cốt ý dạy ta làm việc gì biết thừa cơ mà làm, thì ít khi nhọc, mà lại dễ thành công. Như Biện Trang đây, bắt hai con hổ ngay, công phu nhiều mà chưa chắc đã được. Đợi nó đánh nhau, một con chết, một con bị thương, thì ra chỉ mất công bắt một con hổ yếu (vì mới bị thương) mà rồi được cả hai con hổ vậy. Ý bài này cũng giống câu nói của Mạnh Tử: “Tuy hữu trí tuệ; bất như thừa thế; tuy hữu ti cơ, bất như đãi thời”. Nghĩa là tuy có khôn ngoan sáng suốt, chẳng bằng thừa được cái thế, lại dễ làm hơn; tuy có điều khí sẵn sàng, chẳng bằng đợi đến thời đáng làm mới làm thì lại được việc.


(Theo “Cổ học tinh hoa” của Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân – NXB Trẻ)

Đáng sợ gì hơn cả

Loài yếu sợ loài khoẻ, kẻ dại sợ kẻ khôn như chó sợ hùm, mường mọi sợ người văn minh vẫn có. Nhưng cái sợ ấy là cái sợ hoạ hoằn. Chớ cái sợ kẻ đồng loại, người đồng nghiệp mới là cái sợ thường có luôn, cái sợ thực đáng sợ luôn vậy.

Tại lầu sách nhà kia có con hồ tinh(1) không hiện hình ra bao giờ, nhưng thường vẫn hay trò chuyện. Chuyện nói rất lý thú, ai nghe cũng phải phục.

Một hôm, tân khách(2) họp đông, họ mời rượu ước với nhau rằng:

“Ai sợ gì thì phải nói, mà nói vô lý thì phải phạt rượu”.

Bấy giờ, cử toạ(3) lần lượt nói, nào sợ người học rộng, nào sợ người nhà giàu, nào sợ người quan to, sợ người nịnh giỏi, nào sợ người khiêm tốn quá, sợ người lễ phép câu nệ quá, nào sợ người thận trọng ít nói, sợ người hay nói nửa chừng...

Sau cùng hỏi đến hồ tinh, thì hồ tinh đáp: ta chỉ sợ hồ tinh.

Ai nấy đều cười, bảo rằng: “Người ta sợ hồ tinh mới phải, anh là đồng loại can gì mà sợ? Phạt anh một chén rượu”.

Hồ tinh cười nói: “Thiên hạ duy có đồng loại là sợ nhau. Con cùng cha mới tranh gia sản; gái cùng chồng mới hay ghen tuông; kẻ tranh quyền nhau, tất là quan lại đồng triều, kẻ tranh lợi nhau tất là lái buôn một chỗ. Bức nhau thì trở ngại nhau, trở ngại nhau thì khuynh loát nhau. Nay lại còn người bắn con trĩ thì dùng con trĩ làm mồi, không dùng con gà, con ngỗng, người săn hươu thì dùng con hươu làm mồi, không dùng con dê, con lợn. Phàm những việc phản gián đều là phải dùng đồng loại cả. Cứ thế mà suy thì tài nào mà chẳng sợ hồ?”

Cử toạ đều cho câu nói của hồ tinh là xác đáng.

Duyệt Vi

Lời bàn:

Loài yếu sợ loài khoẻ, kẻ dại sợ kẻ khôn như chó sợ hùm, mường mọi sợ người văn minh hoặc vẫn có. Nhưng cái sợ ấy là cái sợ hoạ hoằn. Chớ cái sợ kẻ đồng loại, người đồng nghiệp mới là cái sợ thường có luôn, cái sợ thực đáng sợ luôn vậy. Người phải sợ người hơn là sợ hùm beo, sư tử, người đồng loại, kẻ đồng nghiệp sợ lẫn nhau hơn là sợ người ngoài? Tại sao? Tại chỉ có cùng nhau một loài, cùng nhau một nghề mới phải cạnh tranh đá chọi lẫn nhau. Mà đã cạnh tranh nhau, tất hay dòm dỏ nhau, tìm cách hại lẫn nhau để cầu lợi cho mình, thậm chí tàn sát nhau đến chôn sống hàng vạn quân, giết chết hàng triệu người mà vẫn không chán. Thảm thương thay! Người lại hại người!

--------------------

(1) Hồ tinh: Tục truyền giống hồ sống nghìn năm thành hồ tinh hay quấy nhiễu người.

(2) Tân khách: chỉ gồm những người đến thăm nom vui chơi với chủ. Nói tách ra là quý khách và khách thường

(3) Cử toạ: tất cả bao nhiêu người cùng ngồi một chỗ

(Theo “Cổ học tinh hoa” của Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân – NXB Trẻ)

Bệnh quên

Lòng người đen trắng, việc đời đảo điên lắm nỗi trái ngang tai, trái mắt làm cho người ta không muốn trông, không muốn nghe, thậm chí đến không muốn biết đến, chỉ muốn quên sạch. Bởi thế Liệt Tử thành ra chán đời, mới đặt ra câu chuyện này để tỏ hết cái nỗi bực tức đau thương trong lòng.

Nước Tống[1] có anh đứng tuổi, tự nhiên mắc phải bệnh quên; buổi sáng lấy gì của ai, buổi chiều đã quên; ngày nay cho ai cái gì, ngày mai đã quên; ra đường quên cả đi, ở nhà quên cả ngồi; trước có làm những gì, bây giờ đã quên hết, bây giờ đang làm gì, sau này cũng quên hết.

Cả nhà anh ta lấy làm lo. Xem bói không tốt, đi cúng không đỡ, đón thầy chữa thuốc cũng không khỏi.

Sau có ông đồ nước Lỗ[2] đến xin đám[3] nói rằng chữa được.

Vợ người có bệnh hứa với ông đồ hễ chữa khỏi, thì

chia cho nửa cơ nghiệp.

Ông đồ nói:

- Bệnh này bói không ra được, cúng không khỏi được, thuốc không chữa được. Nay tôi thử hóa[4] cái tâm tính biến cái trí lự[5] anh ta, may mà khỏi chăng.

Nói đoạn, ông đồ liền sai lột áo để cho rét, thì thấy anh ta xin áo, sai cấm ăn, để cho đói thì thấy anh ta xin ăn, sai đem vào chỗ tối, thì thấy anh ta xin ra chỗ sáng.

Ông đồ hớn hở bảo con anh ta rằng:

- Bệnh chữa được, song môn thuốc của tôi bí truyền không thể nói cho ai biết”.

Rồi ông đuổi cả người chung quanh đi, chỉ một mình ông ở với người có bệnh trong bảy ngày. Chẳng ai biết ông đồ chữa, chạy ra thế nào, mà cái bệnh lâu năm như thế khỏi phăng.

Khi anh có bệnh đã tỉnh như thường, anh liền nổi cơn giận, chửi vợ, đánh con, cầm giáo đuổi ông đồ.

Người ta bắt anh hỏi vì cớ gì mà anh giận như vậy, anh ta nói:

“Lúc trước ta có bệnh quên, thì trong lòng ta thản nhiên khoan khoái, giời đất có hay không, ta cũng chẳng biết. Nay ta hết bệnh, ta lại nhớ cả những việc vài mươi năm về trước, việc còn, việc mất, việc được, việc hỏng, việc thương, việc vui, việc yêu, việc ghét trong lòng lại muôn mối ngổn ngang bời bời nổi lên vậy. Ta e sau này, những việc còn, mất, được, hỏng, thương, vui, yêu, ghét ấy cứ vướng vít trong lòng ta mãi mãi, thì bấy giờ dù muốn quên cả đi một phút, một lát, liệu còn có được nữa chăng?”


Lời bàn:

Lòng người đen trắng, việc đời đảo điên lắm nỗi trái ngang tai, trái mắt làm cho người ta không muốn trông, không muốn nghe, thậm chí đến không muốn biết đến, chỉ muốn quên sạch. Bởi thế Liệt Tử thành ra chán đời, mới đặt ra câu chuyện này để tỏ hết cái nỗi bực tức đau thương trong lòng. Ôi! Chẳng gì cái đời cổ tự Liệt Tử cũng còn chất phác, mà đã khắt khe đáng chán như thế, huống chi cái đời bây giờ là cái đời mỗi ngày gian trá quái ác thêm sinh, thì phỏng còn có gì làm cho người biết nghĩ đáng yêu, đáng quí nữa:

Nghĩ thân phù thế mà đau,

Bọt trong bể khổ bèo đầu bến mê!


(Theo “Cổ học tinh hoa” của Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân – NXB Trẻ)


----------------------

[1] Tống: nước chư hầu đời Xuân Thu ở huyện Thương Khưu, tỉnh Hà Nam bây giờ.

[2] Ông đồ người nước Lỗ: đây ám chỉ Khổng Phu Tử.

[3] Xin đám: nói với người ta để xin việc mà làm

[4] Hoá: đổi hẳn tính này ra tính khác, hình nọ ra hình kia

[5] Trí lự: cái lòng to toan mưu tính công việc gì

Cậy người không bằng chắc ở mình

Người làm vua, điều cần nhất là phải giữ hết nghĩa làm vua và thương yêu giáo hoá dân. Cái chính sách giao hiếu với kẻ mạnh chỉ là cái thế phải thế, cái chính sách tự lo cho mạnh mới là toàn bằng cái lý ở mình. Vì rằng mình tự vào người, tất mình khinh mà mình phải e nể. Đã gặp cái cảnh khinh, cảnh e nể không chóng thì chầy an toàn sao cho được.

Văn Công nước Đằng(1) hỏi thầy Mạnh Tử rằng:

- Nước Đằng ta là một nước nhỏ ở vào khoảng giữa nước Tề và nước Sở là hai nước lớn. Kể phận thì phải chiều cả hai nước, nhưng kể sức thì không thể chiều được cả. Chiều nước Tề chăng? Chiều nước Sở chăng? Ta thực không biết nên tựa vào nước nào để cho nước ta được yên, nhờ thầy mưu tính(2) hộ cho ta.

Thầy Mạnh Tử thưa:

- Phàm việc mà cứ trông cậy vào người thì không thể chắc được. Chiều Tề thì Sở giận, chiều Sở thì Tề giận; mưu ấy chúng tôi không thể nghĩ kịp. Xin nói chỉ có một cách là tự giữ lấy nước, đào hào cho sâu, đắp thành cho cao, cai trị một cách cố kết(3) lòng dân, cùng dân giữ nước. Hoặc như có biến cố gì xảy ra, vua đã liều chết để giữ nước, thì chắc dân cũng liều chết để giữ nước, không nỡ bỏ vua. Thế là ta dùng cái lòng dân để giữ lấy đất nước, tự cường mà lo toan lấy việc nước. Còn chiều Tề hay Sở thì tôi không thể quyết được.

Mạnh Tử

Lời bàn:

Người làm vua, điều cần nhất là phải giữ hết nghĩa làm vua và thương yêu giáo hoá dân. Cái chính sách giao hiếu với kẻ mạnh chỉ là cái thế phải thế, cái chính sách tự lo cho mạnh mới là toàn bằng cái lý ở mình. Vì rằng mình tự vào người, tất mình khinh mà mình phải e nể. Đã gặp cái cảnh khinh, cảnh e nể không chóng thì chầy an toàn sao cho được. Đã đành rằng, nước nhỏ phải nể nước lớn, cũng là một cách giao tế không thể thiếu được.

Nhưng đây vì Văn Công chỉ chăm chăm việc thờ kẻ mạnh, nên ông Mạnh mới bảo như thế. Mà phải thật, người lãnh đạo dân đã cùng dân cùng sống chết cả dân cũng can tâm cùng sống chết cả. Thế là cả nước một lòng, cái sức mạnh vô hình ấy, hồ dễ nước nào đã dám xâm phạm. Đã được như thế có việc gì phải sợ hãi ai.

Tuy vậy, thời thế ngày nay, có phần khác xưa, nội trị dù có đầy đủ, ngoại giao càng cần phải sáng suốt khôn ngoan thì nước mới đứng vững ở trên thế giới này được.


(Theo “Cổ học tinh hoa” của Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân – NXB Trẻ)


----------------------

(1) Đằng: tên một nước nhỏ thời Chiến Quốc tức là huyện Đằng tỉnh Sơn Đằng bây giờ

(2) Mưu tính: trù liệu đắn đo một việc gì rồi mới làm

(3) Cố kết: buộc chặt lại với nhau.

Khéo can được vua

Vua Cảnh Công thấy con ngựa yêu của mình chết mà bắt phanh thây kẻ nuôi ngựa là đang cơn tức giận, không còn hiểu nghĩa lý, pháp luật là gì nữa. Thế mà Án Tử can ngăn được là vì tuy gọi chiều lòng, kể tội người nuôi ngựa, mà kỳ thực lại gợi đến cái lòng nhân ái của Cảnh Công, làm cho Cảnh Công phải tỉnh ngộ và biết hối. Giỏi thay! Mấy lời nói dịu dàng, thảnh thơi, mà cảm hóa được quân vương.

Vua Cảnh Tông nước Tề có con ngựa quý, giao cho một người chăn nuôi. Con ngựa tự nhiên một hôm lăn ra chết. Vua giận lắm, cho là giết ngựa, sai ngay quân cầm dao để phanh thây người nuôi ngựa. Án Tử đang ngồi chầu thấy thế, ngăn lại hỏi vua rằng:

“Vua Nghiêu, vua Thuấn xưa phanh thây người thì bắt đầu từ đâu trước?”(1)

Cảnh Công ngơ ngác nhìn nói: “Thôi hãy buông ra, đem giam xuống ngục để rồi trị tội.”(2)

Án Tử nói rằng: “Tên phạm này chưa biết rõ tội mà phải chịu chết, thì vẫn tưởng là oan. Tôi xin vì vua kể rõ tội nó, rồi hãy hạ ngục”.(3)

Vua nói: “Phải”.

Án Tử bèn kể tội rằng: “Nhà ngươi có ba tội đáng chết. Vua sai nuôi ngựa mà để ngựa chết là một tội đáng chết. Lại để chết con ngựa rất quí của vua, là hai tội đáng chết. Để vua mang tiếng, vì một con ngựa mà giết chết một mạng người, làm cho trăm họ(4) nghe thấy ai cũng oán vua, các nước nghe thấy ai cũng khinh vua, ngươi làm chết một con ngựa mà để đến nỗi dân gian đem lòng oán giận, nước ngoài có bụng dòm dỏ, là ba tội đáng chết, ngươi đã biết chưa? Bây giờ hãy tạm giam ngươi vào ngục...”

Cảnh Công nghe nói ngậm ngùi than rằng: “Thôi, tha cho nó! Thôi, tha cho nó! Kẻo để ta mang tiếng bất nhân”.

Án Tử Xuân Thu

LỜI BÀN:

Vua Cảnh Công thấy con ngựa yêu của mình chết mà bắt phanh thây kẻ nuôi ngựa là đang cơn tức giận, không còn hiểu nghĩa lý, pháp luật là gì nữa. Thế mà Án Tử can ngăn được là vì tuy gọi chiều lòng, kể tội người nuôi ngựa, mà kỳ thực lại gợi đến cái lòng nhân ái của Cảnh Công, làm cho Cảnh Công phải tỉnh ngộ và biết hối. Giỏi thay! Mấy lời nói dịu dàng, thảnh thơi, mà cảm hóa được quân vương.


-----------------

(1) Câu này hỏi thế là có ý làm cho Cảnh Công không có lối mà trả lời. Đời Nghiêu, Thuấn chưa có tội phanh thây.

(2) Thôi hãy buông ra: Cứ theo sách Án Tử Xuân Thu thì là “Tòng quả nhân thủy” (Khởi tự ta ra), theo Hàn thi ngoại truyện thì lại là túng chi (buông ra). Đây dịch là buông ra để cho ăn nghĩa với câu trên.

(3) Đời xưa bao nhiêu tội nhân đã hạ xuống ngục tối là phải xử tử cả.

(4) Chỉ nhân dân trong nước

Cảm tình

Thường con người ta, ai cũng sẵn mối cảm tình, khi gặp thời gặp cảnh xúc động đến thì mối cảm tình ấy tất chứa chan, đầy rẫy hiện ra bên ngoài. Tuy vậy, mối cảm tình đã dùng nhầm thì sau này không còn được như trước.

Có một người nước Yên lúc sinh thì sinh ở nước Yên; lúc lớn lên thì sang ở nước Sở, lúc già lại trở về cố quốc. Khi đi qua nước Tấn (gần nước Yên) bạn cùng đi đường chỉ vào cái thành mà nói dối anh ta: “Đây là thành nước Yên”.

Anh ta buồn rầu, khác hẳn sắc mặt. Chỉ vào nền xã, nói: “Đây là nền xã làng anh”. Anh ta ngậm ngùi than thở. Chỉ vào cái nhà, nói: “Đây là nhà của ông cha anh”. Anh ta rũ rượi rơm rớm nước mắt. Chỉ vào cái gò, nói: “Đây là mồ mả ông cha anh”. Anh ta oà lên khóc.

Bọn cùng đi ai nấy phì cười, nói: “Chúng tôi nói đùa đấy. Đây mới là nước Tấn, chưa phải là nước Yên”. Anh ta nghe nói lấy làm bẽn lẽn.

Kịp khi về đến nước Yên, anh ta trông thấy thật là thành, là xã nước Yên, thật là nhà cửa, mồ mả của ông cha thì lòng cảm thương lại hờ hững không còn được như trước nữa.


Liệt Tử

Lời bàn:

Thường con người ta, ai cũng sẵn mối cảm tình, khi gặp thời gặp cảnh xúc động đến thì mối cảm tình ấy tất chứa chan, đầy rẫy hiện ra bên ngoài. Tuy vậy, mối cảm tình đã dùng nhầm thì sau này không còn được như trước.

Một người đã đem bụng trung thành thờ kẻ vô đạo, một người đã để lòng ân ái thương gái bất trinh, dù về sau, gặp được bậc anh quân hay người thục nữ, thì mối cảm tình cũng không còn được đằm thắm như xưa.

Chẳng khác nào như người nước Yên này, đã đem hết nước mắt khóc chỗ giả dối mà không biết, đến khi gặp sự thực, thì lại hình như cạn hết nước mắt rồi.

Cho nên đối với tính tình, người ta có biết, lấy học thuật mà di dưỡng, lấy lễ nghĩa mà tiết chế, thì tính tình dùng mới chính đáng và thuần tuý được. Xưa nay thánh hiền hào kiệt đều là người biết lý hội tính tình cả.

___________________________


CHÚ THÍCH.

– Yên: một nước mạnh trong bảy nước thời Chiến Quốc, tức là Phụng Thiên, Trực Lệ và một phần phía Bắc nước Triều Tiên (Cao Ly bây giờ).

- Tấn: một nước đời Xuân Thu, đến đời Chiến Quốc bị họ Hàn, họ Triệu, họ Nguỵ lấy mất và chia làm ba nước, ở vào tỉnh Sơn Tây và một phần Trực Lệ bây giờ.


(Theo “Cổ học tinh hoa” của Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân - NXB Trẻ)

Yêu nên tốt, ghét nên xấu

Cái thói thường: yêu thì nên tốt, ghét thì nên xấu, khen chanh thì chanh ngọt, chê hồng thì hồng chua. Trong bụng đã thế, thì cư xử chắc cũng theo như thế, lúc yêu hậu bao nhiêu, thì đến lúc ghét lại bạc bấy nhiêu.Yêu nhau cau bảy bổ ba, ghét nhau cau bảy bổ ra làm mười.

Trước, vua nước Vệ rất yêu Di Tử Hà(1). Phép nước Vệ ai đi trộm xe của vua, thì phải tội chặt chân(2). Mẹ Di Tử Hà ốm nặng. Đêm khuya có người đến gọi, Di Tử Hà vội vàng lấy xe vua ra đi. Vua nghe thấy khen rằng:

“Có hiếu thật! Vì hết lòng với mẹ, mà quên cả tội chặt chân”.

Lại một hôm, Di Tử Hà theo vua đi chơi ở ngoài vườn, đang ăn quả đào thấy ngọt còn một nửa đưa cho vua ăn. Vua nói:

“Yêu ta thật! Của đang ngon miệng mà biết để nhường ta”.

Về sau, vua không có lòng yêu Di Tử Hà như trước nữa. Một hôm phạm lỗi, vua giận nói rằng:

“Di Tử Hà trước đám thiện tiện(3) lấy xe của ta đi. Lại một bận dám cho ta ăn quả đào thừa. Thực mang tội với ta đã lâu ngày. Nói xong bắt đem ra trị tội. Ôi! Di Tử Hà ăn ở với vua trước sau cũng vậy, thế mà trước vua khen, sau vua bắt tội, là chỗ tại khi yêu khi ghét khác nhau mà thôi. Lúc được vua yêu, chính đáng tội thì lại hóa công thần; lúc phải vua ghét, chính không đáng tội thì lại hóa ra sơ; cho nên người muốn can ngăn, đàm luận với vua điều gì, thì trước phải xem xét cái lòng vua yêu hay ghét mình thế nào rồi hãy nói.

Hàn Phi Tử

LỜI BÀN:

Sự yêu, ghét thường làm cho người ta mờ đi, không rõ hẳn được cái giá trị của nguời được yêu hay bị ghét ra thế nào. Không nói gì yêu người này, ghét người nọ, cũng chỉ một người ấy, lúc yêu cho ra thế này, lúc ghét cho ra thế kia. Cái thói thường: yêu thì nên tốt, ghét thì nên xấu, khen chanh thì chanh ngọt, chê hồng thì hồng chua.

Trong bụng đã thế, thì cư xử chắc cũng theo như thế, lúc yêu hậu bao nhiêu, thì đến lúc ghét lại bạc bấy nhiêu. Yêu nhau cau bảy bổ ba, ghét nhau cau bảy bổ ra làm mười. Lại chẳng những yêu ghét riêng một người ấy thường yêu ghét đến cả những sự hay những người có can thiệp đến người ấy, yêu nhau yêu cả tông chi, ghét nhau ghét cả đường đi lối về.

Sự yêu, ghét làm cho ta thiên và nhầm như thế, cho nên ta muốn công bình, khi yêu khi ghét phải nên rõ cái giá trị của người được yêu hay bị ghét, biết chỗ phải cũng phải biết chỗ trái, biết chỗ trái cũng phải biết chỗ phải cho người ta mới được.


(Theo “Cổ học tinh hoa” của Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân – NXB Trẻ)

---------------------

(1) Người thời Xuân Thu, làm quan Đại phu nước Vệ.

(2) Một thứ hình trong năm hạng trọng hình đời cổ

(3) Chính mình không được làm như vậy mà cứ làm càn

Mong làm điều phải

Mong làm điều rất phải không bắt chước cách làm, rồi mà làm được, thế mới thật là khôn

Nước Lỗ có người ở một mình một nhà. Bên láng giềng có người đàn bà góa cũng ở một mình một nhà.

Một đêm, mưa to, gió lớn, nhà người đàn bà đổ, người đàn bà sang xin ngủ nhờ nhà người láng giếng. Người láng giềng đóng cửa, không cho vào. Người đàn bà đứng trước cửa sổ, nói rằng:

- Ngươi sao bất nhân thế! Không cho ta vào ư?

Người láng giềng đáp:

- Ta nghe đàn ông, đàn bà sáu mươi tuổi trở lên mới ở chung được. Nay ngươi còn trẻ, mà ta cũng còn trẻ, cho nên ta không cho ngươi vào ngủ nhờ được.

Người đàn bà nói:

- Ngươi sao không làm như ông Liễu Hạ Huệ ủ người con gái ngồi vào lòng mà không tai tiếng gì?

- Ông Liễu Hạ Huệ thì thế được, ta đây thật chưa thế được. Ví ta cho ngươi vào mà ta không được như ông Liễu Hạ Huệ thì thà rằng, ta không cho ngươi vào, mà ta cũng giữ không tai tiếng gì được như ông Liễu Hạ Huệ. Thế chẳng là ta không làm theo như Liễu Hạ Huệ mà cũng được như Liễu Hạ Huệ ư?

Khổng Tử nghe chuyện, nói:

- Phải lắm! Kẻ muốn học ông Liễu Hạ Huệ chưa ai giống được như người nước Lỗ này: Mong làm điều rất phải không bắt chước cách làm, rồi mà làm được, thế mới thật là khôn”.

Lã Thị Xuân Thu

LỜI BÀN:

Cái tình cảnh éo le khó xử thật!. Đêm khuya trời mưa gió, một người đàn ông trẻ tuổi có nên tiếp một người đàn bà trẻ tuổi vào nhà không? Không tiếp thì là bất nhân, vì không chịu cứu giúp một kẻ yếu đuối đang gặp lúc mưa gió khổ thân. Tiếp, thì là bất nghĩa và không khỏi cái tiếng trai gái có tình ý, mang cái tội tà dâm bất chính. Một đằng bất nhân, một đằng bất nghĩa, chọn đàng nào vì cái tình cảnh không sao giữ trọn vẹn được cả đôi đàng? Dễ chỉ có làm như ông Vân Trường đốt đuốc cầm suốt đêm chỗ trước cửa cho hai chị dâu ngủ, họa mới rõ là người nghĩa sĩ mà thôi. Như người nước Lỗ đây đành là bất nhân, cố giữ lấy cái “nghĩa” là theo lý tưởng rất nghiêm bên Á Đông ta là: “Nam nữ hữu biệt”.


(Theo “Cổ học tinh hoa” của Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân – NXB Trẻ)

Đạo vợ chồng

Tưởng mình sắp chết, thấy vợ trẻ trung, không muốn để cho ở vậy thế là quá yêu thương vợ, thể tất cho vợ lắm. Sợ chồng tiếc đẹp, chết đi không dứt, mà khoét mắt để tỏ ra thành tật cho yên lòng chồng, thế là chí tình và nhất tâm với chồng lắm.
Lư phu nhân, vợ ông Phòng Huyền Linh là người tuyệt đẹp và có đức hạnh.

Ông lúc tuổi trẻ hàn vi lắm. Một khi ốm nặng tưởng đã sắp chết, ông gọi Lưu thị đến bảo rằng:

- Tôi bệnh nguy quá, nàng tuổi còn trẻ không nên ở vậy, liệu mà ăn ở cho tử tế với người chồng sau.

Lư thị nghe nói, nức nở khóc. Đoạn vào trong màn khoét một mắt bỏ đi, có ý tỏ cho chồng biết rằng dù chồng bất hạnh có chết, cũng không lấy ai nữa.

Không bao lâu, ông Huyền Linh khỏi bệnh.

Sau ông thi đỗ, làm quan đến chức Tể tướng. Ông một niềm yêu mến, kính trọng Lư thị vô cùng, không hề lấy người tì thiếp nào nữa.

Người ngoài cho thế là tại ông sợ Lư thị có tính hay ghen.

Chính vua Đường Thái Tôn, muốn thử Lư phu nhân, một hôm cho hoàng hậu gọi vào bảo:

- Theo phép thường, các quan to vẫn có tì thiếp. Quan nhà ta tuổi đã cao, vua muốn ban cho một người mỹ nhân.

Lư thị nhất quyết không nghe. Vua nổi giận mắng rằng:

- Nhà ngươi không ghen thì sống, mà ghen thì chết.

Rồi sai người đưa cho một chén rượu, giả làm chén thuốc độc, phán rằng:

- Đã vậy thì phải uống chén thuốc độc này.

Lư thị không ngần ngại chút nào, cầm chén, uống hết ngay.

Vua thấy thế, nói:

- Ta cũng phải sợ, nữa là Huyền Linh.


Lư Phu Nhân truyện


Lời bàn:

Tưởng mình sắp chết, thấy vợ trẻ trung, không muốn để cho ở vậy thế là quá yêu thương vợ, thể tất cho vợ lắm. Sợ chồng tiếc đẹp, chết đi không dứt, mà khoét mắt để tỏ ra thành tật cho yên lòng chồng, thế là chí tình và nhất tâm với chồng lắm.

May khỏi bệnh, sau lại làm đến Tể tướng, ông chỉ biết có bà mắt khoét, không thiết gì đến tì thiếp xinh đẹp, thế là ông muốn giữ cho được trọn vẹn cái tình đối với bà. Còn bà không muốn để cho ông có tì thiếp, tuy gọi là thói ghen thường tình, nhưng cũng là vì chung tình với ông, không muốn cùng ai san sẻ mối tình nữa. Quý thay! Đôi vợ chồng này, chân tình và chí tình, suốt đời kính yêu nhau, vợ chỉ biết có chồng, chồng cũng chỉ biết có vợ, chồng một vợ một, không những thoát khỏi cái nạn “đa nhân duyên nhiều đường phiền não” mà còn gây được cái hạnh phúc lâu dài cho thân, cho gia đình, cho con cháu sau nữa.


(Theo “Cổ học tinh hoa” của Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân – NXB Trẻ)

Gặp quỷ

Hoàn Công thấy quỉ sinh lo ngờ mà thành bệnh, sau có người nói thấy quỉ làm được nghiệp bá thì khỏi bệnh ngay. Thế mới biết có quỉ hay không có quỉ, quỉ hại mình hay lợi cho mình, cũng là tự tâm mình tưởng tượng ra cả, rồi yên trí như thế mà thôi.

Hoàn Công (1) nước Tề đi săn ở ngoài đầm, có Quản Trọng theo hầu. Hoàn Công trông thấy quỉ, nắm tay Quản Trọng hỏi rằng: “Trọng phụ (2) có thấy gì không?”.

Quản Trọng thưa: “Thần không thấy gì cả”.

Hoàn Công về nghe trong người khó chịu, như là mất vía, rồi sinh ốm, mấy hôm không ra triều.

Có người học trò tên là Cáo Ngao vào ra mắt nói rằng:

- Nhà vua đau, là tự mình làm ra cả chớ ma quỉ nào làm được! Phàm chưng khí tán mà không thu lại được, thì tinh thần suy yếu; cái khí ấy bốc lên trên, không thông xuống được, thì làm cho người ta hay giận dữ, cái khí ấy tụ ở dưới, không vận lên được thì làm cho người ta hay mê lú chóng quên, cái khí ấy không lên không xuống, kết ở giữa bụng thì sinh ra hoảng hốt.

Hoàn Công hỏi: “Thế nhưng có quỉ thực không ?”.

Cáo Ngao thưa: “Đất có thổ công, sông có hà bá, núi có sơn thần, bể có long vương, đầm có thứ quỉ gọi là uy di”.

Hoàn Công hỏi: “Hình dạng uy di thế nào?”.

Cáo Ngao thưa: “Quỉ uy di to như cái cối xe, dài như cái càng xe, mặc áo tía, đội mũ đỏ, tính hay sợ tiếng sấm, hễ nghe thấy thì đứng sững, hai tay ôm lấy đầu. Ai trông thấy thì... rồi làm nên đến nghiệp bá (3)”.

Hoàn Công vẫn có chí muốn làm bá, nghe nói hớn hở cười rằng: “Ấy ta trông thấy cũng như thế đấy”.

Nói đoạn sửa mũ, mặc áo, ngồi dậy, chưa hết một ngày bệnh đã khỏi tự bao giờ không biết.

Trang Tử Tuyết

LỜI BÀN:

Hoàn Công thấy quỉ sinh lo ngờ mà thành bệnh, sau có người nói thấy quỉ làm được nghiệp bá thì khỏi bệnh ngay. Thế mới biết có quỉ hay không có quỉ, quỉ hại mình hay lợi cho mình, cũng là tự tâm mình tưởng tượng ra cả, rồi yên trí như thế mà thôi. “Đau là tại mình, chớ quỉ nào làm?”. Câu Cáo Ngao nói thật là xác lý. Cáo Ngao lại khéo biết trước lấy lẽ thuốc thang, làm như ông lang rõ bệnh của người ốm, khiến người ốm để tai nghe, sau lấy truyện vu vơ đâu đâu mà xử được việc mơ hoảng khiến người mơ phá được cái lòng lo ngờ mà hóa nên vua vẻ. Tiếc thay đời bấy giờ người mê như Hoàn Công thật lắm, mà người biết giải mê được như Cáo Ngao lại không được mấy người.


(Theo “Cổ học tinh hoa” của Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân – NXB Trẻ)

Lo , vui

Đã muốn làm nên việc, tất phải để tâm nghĩ vào đấy, nhưng nghĩ mà cứ theo thiên lý, chớ không có chút tư tâm nào, việc hỏng hay việc nên cũng không bợn đến lòng. Cho nên người quân tử không hề sợ bao giờ, bao giờ cũng bận việc mà cũng thản nhiên như không vậy. Kẻ tiểu nhân thì trái lại, làm việc gì cũng chỉ cốt cầu tự tư, tự lợi, cho nên dù được, dù hỏng, trong bụng lúc nào cũng áy náy không sao quên được, nghĩa là chưa được, thì lo sợ rằng chưa được, đã được lại lo sợ rằng nhỡ hỏng mất chăng.

Thầy Tử Lộ hỏi Khổng Tử rằng:

- Người quân tử cũng lo sợ ư?

Khổng Tử nói:

- Người quân tử chỉ cốt suy nghĩ định liệu công việc của mình, lúc chưa làm được vui rằng mình đã có ý định làm, lúc đã làm được lại vui rằng mình có trí làm được việc. Thế cho nên người quân tử có cái vui thú suốt đời, không có cái lo sợ một ngày nào cả.

- Kẻ tiểu nhân thì không thế, lúc chưa làm được việc thì lo sợ rằng không được. Lúc đã làm được việc thì lo sợ nhỡ hỏng mất. Thế cho nên kẻ tiểu nhân có cái lo sợ suốt đời, không có cái vui thú nào cả.

Thuyết Uyển

LỜI BÀN:

Đã muốn làm nên việc, tất phải để tâm nghĩ vào đấy, nhưng nghĩ mà cứ theo thiên lý, chớ không có chút tư tâm nào, việc hỏng hay việc nên cũng không bợn đến lòng. Cho nên người quân tử không hề sợ bao giờ, bao giờ cũng bận việc mà cũng thản nhiên như không vậy. Kẻ tiểu nhân thì trái lại, làm việc gì cũng chỉ cốt cầu tự tư, tự lợi, cho nên dù được, dù hỏng, trong bụng lúc nào cũng áy náy không sao quên được, nghĩa là chưa được, thì lo sợ rằng chưa được, đã được lại lo sợ rằng nhỡ hỏng mất chăng.


(Theo “Cổ học tinh hoa” của Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân – NXB Trẻ)

Friday, January 25, 2008

Linux và font tiếng Việt

Tình hình là thế này, Linux ngày nay có khá nhiều font đẹp và hiển thị tốt đặc biệt trong chế độ Anti-alias. Tuy nhiên thì trên mạng đa số các website thường được sử dụng Windows truetype font như Arial, Verdana hay Times New Roman... và nhìn chung là nhìn ko bộc lộ được ý đồ của người thiết kế khi xem trên Linux. Hơn nữa, anh em Việt Nam mình dùng Windows quen rồi, dùng Microsoft Office cũng quen mất rồi đâm ra khi viết tài liệu trên linux mà lại muốn phổ biến đi các nơi thì cũng nhiêu khê cái khoản font, à đúng rồi, đặc biệt là lúc đem đi in thì sẽ biết nhau ngay.

Bài viết này cũng nhằm mục đích khắc phục nhược điểm trên... Quy trình cài đặt cũng không phức tạp lắm.

Chú ý: các thao tác ở đây được thực hiện bằng user root, đăng nhập vào user root hoặc trên Terminal (tương tự cmd trên Windows) gõ vào su (substitute user), ENTER và nhập password, khi dấu nhắc chuyển thành # là thành công.
$ su
Password:

Cách 1:

Copy toàn bộ các file có phần mở rộng là ttf vào đường dẫn fonts:// bằng nautilus (chương trình quản lý file trong GNOME tương tự Windows Explorer). Có thể mở bằng cách vào Terminal và gõ lệnh:
# nautilus fonts:// &

Cách 2:

Tạo một thư mục có tên là .fonts trong thư mục home của user tương ứng và copy tất cả các font cần thiết vào đó. Bất lợi là mỗi user lại cần một thư mục như vậy nên cũng hơi tốn kém dung lượng.

Cách 3:

Nếu 2 cách trên cũng bất lực thì dùng cách này, cũng là cách ổn nhất... Trước hết là tìm xem thư mục font truetype của linux ở đâu đã, thông thường thì ở trong thư mục /usr/share/fonts/truetype/ hoặc có thể tìm bằng cách search xem nó ở đâu
# find /usr -iname \*.ttf |head -n 5

Sau khi đã biết vị trí thư mục đó ở đâu thì ta tạo một thư mục ở trong đó, ví dụ windowsfonts
# cd /usr/share/fonts/truetype
# mkdir windowsfonts

và dưới user root, copy toàn bộ các font ttf vào trong thư mục này... Như tớ cài Windows cùng với Linux thì copy thẳng từ partition của Windows sang cho nhanh như sau:
# cd windowsfonts
# cp /media/hda1/windows/Fonts/*.ttf .

Giờ thì ta đổi chủ và phân lại quyền cho các font!
# chown root.root *.ttf
# chmod 644 *.tff

Sau đó đánh index toàn bộ các font trong thư mục này
# mkfontdir

Lệnh này sẽ tạo ra các file tên là fonts.dirfonts.cache-1 trong cùng thư mục (nếu chỉ ra một file là fonts.dir thì thôi bỏ qua bước tiếp theo)

Ra ngoài thư mục mẹ:
# cd ..

Mở file fonts.cache-1 và thêm vào cuối file dòng in đậm
#File:
/usr/share/fonts/truetype/fonts.cache-1
...
"windowsfonts" 0 ".dir"

Cuối cùng chạy lệnh:
# fc-cache

Lệnh này sẽ quét toàn bộ thư mục font trong hệ thống và update lại font cache cho các chương trình.

Xong! Giờ thì có thể yên tâm duyệt web với Firefox và soạn thảo tài liệu với OpenOffice.org ngon lành với font của Windows.
(Theo otaku_2r)