Wednesday, February 24, 2010

Kỹ năng tập trung

Nguồn: KênhSinhViên.Net

(Hiếu học). Một trong những nguyên nhân khiến hầu hết mọi người gặp khó khăn trong học tập và làm việc là do thiếu tập trung. Đầu óc bạn cứ nghĩ hết cái này sang cái kia: bị lo lắng, bị cám dỗ...; vì lơ đểnh, thiếu tập trung nên chuyện học hành và làm việc của bạn trở nên khó khăn, nhàm chán.

Sự hứng thú và sự tập trung luôn đi cùng với nhau. Rõ ràng, hứng thú đã giúp bạn dễ dàng tập trung thì đồng thời, sự tập trung tốt cũng sẽ giúp bạn có thêm hứng thú, nó sẽ nâng cao năng suất học tập và làm việc cho bạn.
Có thể nói đơn giản, khả năng tập trung là: năng lực tập trung sự chú ý vào chính công việc đang làm. Đó có thể là đọc sách, nghe nhạc, chuyện trò hay giải quyết các vấn đề chuyên môn trong học tập và làm viêc. Có một thực tế không thể phủ nhận là hiện nay phần lớn chúng ta không thể tập trung, khả năng tập trung vào những việc bình thường nhất cũng là rất khó.
Quan trọng là bạn có nhận ra là mình đang bị mất tập trung và xác định quyết tâm rèn luyện để thay đổi hiện trạng đó hay không. Sau đây là một số gợi ý để bạn tham khảo:

1. "Quay lại ngay bây giờ”.
Phương pháp này đơn giản nhưng khá hữu hiệu. Thay vì cố gắng xua đuổi ý nghĩ về một cái gì đó, không chống đối nó, bạn hãy chỉ đơn giản “quay lại”:
nghĩ ngay về việc bạn đang làm, ý thức được việc bạn đang làm, nhận biết việc bạn đang làm - đang nghe - đang thấy.
Chẳng hạn như: Bạn đang học và bạn chợt nhớ tới một buổi hò hẹn, hãy nói với chính mình: “Quay lại ngay bây giờ”, nhẹ nhàng kéo sự chú ý của mình về với vấn đề bạn đang cần tập trung, quay trở lại với công việc bạn đang làm và tập trung vào công việc đó. Khi bạn lại thấy mất tập trung, hãy nhắc lại: ”Quay lại ngay bây giờ”, nghĩ ngay về việc bạn đang làm, ý thức được việc bạn đang làm, nhận biết việc bạn đang làm - đang nghe - đang thấy…

2. Tận dụng một cách đúng đắn năng lượng của bạn đúng thời điểm.
Bạn cảm thấy sung sức nhất khi nào? Bạn cảm thấy chùng xuống nhất là lúc nào? Ngày hay đêm? Hãy học những môn học hoặc làm những việc mà theo bạn là khó vào những lúc bạn thấy khỏe khoắn nhất. Còn vào những lúc bạn chùng xuống? Hãy học những môn học hoặc làm những việc thấy hứng thú, dễ dàng hơn. Bạn không nên làm những công việc quan trọng đòi hỏi tập trung đầu óc cao độ ngay sau khi vừa kết thúc các bài tập cường độ cao chẳng hạn. Chỉ riêng việc thực hiện “đúng giờ đúng việc” như thế cũng đã giúp bạn tập trung hơn.

3. Những mẹo nhỏ khác:
- Hãy chọn một chỗ thích hợp nhất, tránh điện thoại, nên có và thực hiện nghiêm túc một thời khóa biểu hiệu quả. Khi bạn chuẩn bị, hãy giành chút thời gian nghĩ xem bạn cần chuẩn bị những gì, đề ra một hướng giải quyết chung để có thể hoàn thành công việc, phân loại công việc và xác định các phương pháp hoàn thành các công việc phải làm, chia nhỏ bài học hoặc công việc thành từng phần nếu có thể.
- Để cho đỡ nhàm chán, bạn nên thay đổi môn học sau một đến hai giờ, nên có những lúc nghỉ giải lao thích hợp. Bạn nên đi lại ngoài hành lang hoặc đứng ngắm cảnh bên cửa sổ, lấy nước cho đầy bình nếu trên bàn làm việc của bạn luôn có một bình nước.
- Bạn hãy ngủ đủ thời gian mình thấy cần phải ngủ. Khi bạn thấy mình đã ngủ đẫy giấc, thấy tỉnh táo, bạn sẽ dễ dàng tập trung để hoàn thành công việc phải làm hơn. Bạn hãy cố gắng sống phù hợp với nhịp sống quen thuộc của cơ thể bạn.
- Nếu bạn hay bị phân tán đầu óc do có cái gì đó làm bạn buồn phiền chẳng hạn, thì hãy dành riêng thời gian cho các ý nghĩ buồn phiền đó. Bạn hãy thỏa thuận với chính mình là hàng ngày, có khoảng thời gian đặc biệt chỉ để suy nghĩ, xử lý lo lắng, buồn phiền. Không để nó ám ảnh một cách đeo đẳng, nếu có, hãy dùng phương cách: “Quay lại bây giờ” ở trên (1).

Sự rèn luyện một cách có ý thức năng lực tập trung trong cuộc sống hàng ngày sẽ cho phép bạn tận dụng hiệu quả hơn thời gian và chuẩn bị tinh thần để bước vào những trải nghiệm mới. Năng lực tập trung ngày nay có ý nghĩa lớn lao hơn bao giờ hết, phân tán tư tưởng cản trở việc học tập, làm giảm khả năng phát triển bản thân. Vì thế, hãy thực hành, luôn luôn thực hành, thường xuyên nhắc nhở bản thân tập trung. Sự hiểu biết về tập trung, sự hiểu biết này không đủ giúp nâng cao kỹ năng tập trung của bạn, duy chỉ có chủ ý thực hành là đi đúng hướng. Hãy thực hành, hãy thực hành bất kỳ phương cách tập trung nào mà bạn thấy thích hợp với mình, bạn nhé!

Văn Gia Kỳ
(http://kenhsinhvien.net)

Không dễ dàng chấp nhận thất bại.

Nguồn: KênhSinhViên.Net

Cố gắng tránh thất bại và nếu có gặp thất bại chúng ta phải đủ can đảm nhìn nhận, tìm lấy ở đó những kinh nghiệm để tạo lấy thành công trong tương lai, “Thất bại là mẹ thành công”, chúng ta thường được nghe như vậy!

Nhưng như thế chưa đủ, cố tránh thất bại là chuyện kế hoạch cho tương lai, nó có thể xảy ra hoặc không xảy ra. Biết chấp nhận thất bại để rút kinh nghiệm là điều cần thiết và đòi hỏi sự can đảm, nhưng lại là chuyện đã rồi.

Vì thế, người thật sự bản lĩnh không chỉ không sợ thất bại, mà còn phải luôn luôn nhận biết diễn trình của hành động. Bình tỉnh, linh hoạt sẵn sàng nắm bắt các cơ hội có được để thành công, nhất là tránh những tổn thất có thể cứu vãn, biết xoay chuyển tình thế, cân nhắc nặng nhẹ để ứng phó kịp thời với những vấn đề bất ngờ xãy ra.


Dù bạn thành công hay thất bại, sẽ không có ai làm được điều này cho bạn, ngoại trừ chính bạn. Chỉ có bạn là người nắm giữ chìa khóa của đời bạn. Lựa chọn là ở nơi bạn. Thái độ sống tích cực sẽ quyết định cho hạnh phúc và thành công của cuộc đời bạn.

Khi bạn là học sinh, nhận được một điểm số mà bạn cho là không công bằng, thì đừng ngồi khóc và buồn bã hoặc chấp nhận để rút kinh nghiệm! – Có gì mà rút kinh nghiệm? Bạn hãy mạnh dạn đi tìm thầy cô để cùng xem xét lại điểm số này. Tự tin, không e dè và ngang bướng là chuyện hoàn toàn khác nhau.

Khi bạn là một nhân viên kỳ cựu và làm việc rất tốt. Có người mới vào làm, lại được cất nhắc vào một vị trí tốt hơn, vị trí mà bạn đang mong muốn. Bạn cố tìm nhược điểm của người mới? kêu ca phân trần với bạn bè về sự bất công? Nghi ngờ mình sắp bị đuổi việc? Thái độ như vậy chỉ làm bạn thêm uể oải, chán nản. “Thất bại là mẹ của thành công” ư? Bạn tự ru ngũ mình với thái độ tiêu cực rồi. Không dễ dàng chấp nhận thất bại, tại sao bạn không: Tiếp tục học hỏi để nâng cao hiệu quả, làm việc siêng năng và trực tiếp hỏi tại sao người mới đến lại được nhận công việc đó? Nếu cần, hãy bắt đầu tìm một công việc khác, không sợ hãi. Can đảm chấp nhận thất bại để rút kinh nghiệm đôi khi chỉ là cách nói của sự nhút nhát trá hình mà thôi.

Nếu bạn là một nhân viên phục vụ nhà hàng ăn uống. Khi nhận thấy chiếc khay thức ăn trên tay nghiêng ngã sắp rơi, vận dụng chút sức lực còn lại, bạn cố lái chiếc khay rớt xuống đất hay chổ nào không có khách, phải thế không? Trường hợp nếu khách quá đông thì sao? Thì thà rớt vào người lớn, nam giới chứ không để rớt vào phụ nữ, trẻ em. Vạn bất đắc dĩ, thì để rớt vào người chứ không đổ lên đầu họ.


Không dễ dàng chấp nhận thất bại, cho dù là thất bại trước mắt không thể tránh khỏi, thì cũng phải ứng biến. Không xoay chuyển được tình thế hoàn toàn thì cũng phải chọn phương thức đỡ tổn hại nhất.
Không cam tâm dễ dàng chịu thất bại, còn nước còn tát, chiến đấu đến cùng, bạn sẽ đạt được điều gì mà bạn tìm kiếm.
“Tội lỗi thật sự duy nhất trên đời này là sự không biết đấu tranh, không nhận biết được hết cái bản năng tự nhiên của con người” (Nhà văn Charles McCape).
Văn Gia Kỳ(http://kenhsinhvien.net)