Tuesday, April 24, 2007

Hãy sống cuộc sống của mình!

Cái tôi thật đáng ghét nhưng không phải vì thế mà lúc nào cũng ghét nó. Hãy biết yêu lấy chính mình! Hãy sống cuộc đời của mình. Bạn không còn là bạn khi sống trong thân xác của người khác.

(Nhân xem “HỒN TRƯƠNG BA DA HÀNG THỊT” kịch bản sân khấu Lưu Quang Vũ, Đạo diễn Nguyễn Đình Nghi).

1. Câu chuyện cổ tích này như sau: Có một người giỏi cờ tên là Trương Ba, bản tính hiền lương, nhân ái kết bạn với Đế Thích là Tiên Cờ. Trương Ba bị cái chết đem đi đột ngột. Đế Thích thương tiếc bạn nên quyết định cho hồn Trương Ba sống lại trú ngụ trong thân xác một người hàng thịt vừa mới chết. Vợ Trương Ba và vợ người hàng thịt nảy sinh xung đột vì không biết cái người vừa sống lại là ai, Trương Ba hay người hàng thịt? Chuyện đem lên quan. Quan cho “người chết sống lại” tỉ thí với mấy người cao cờ thì xác định đúng là Trương Ba và dĩ nhiên cái xác hàng thịt mang hồn Trương Ba này đuợc trả về cho vợ Trương Ba.

Theo GS Chu Xuân Diên thì còn một kết thúc khác cho câu chuyện cổ tích này. Một thần tích khác kể rằng ở làng Liên Hạ, tỉnh Hải Dương có Trương Ba là một nho sĩ đời Lý, giỏi đánh cờ, sau cũng xảy ra chuyện hai nhà kiện nhau vì một người mà ai cũng cho là người thân của mình. Quan xử như kết thúc câu chuyện trên nhưng người vợ Trương Ba thấy vợ người hàng thịt khóc lóc thảm quá, lại thấy hình thức chồng mình là chồng người ta nên bàn bạc với (hồn) Trương Ba cưới làm vợ hai luôn thể.

2. Lưu Quang Vũ đã chuyển thể sự tích “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” thành kịch bản sân khấu, nâng triết lý của câu chuyện lên một tầm cao mới.

Ở cảnh thứ năm của vở kịch, hai bà vợ xâu xé, tranh giành hồn xác Trương Ba, việc đến tay Lý trưởng, Lý trưởng xử “cưa đôi” cuộc sống của Trương Ba: phải chia đều cuộc sống mỗi ngày cho hai bà vợ. Từ đây, Hồn Trương Ba phải sống ở hai nơi. Và chuyện bất ngờ xảy ra.

Cảnh thứ sáu, Hồn Trương Ba vô cùng đau khổ vì cuộc sống bị quy định “san sẻ” như vậy. Vợ anh hàng thịt vì phát hiện ra tâm hồn nhân hậu cao thượng của Trương Ba mà phải lòng Hồn Trương Ba, đã chủ động tỏ tình với Trương Ba và gần như quyến rũ Trương Ba. Hồn Trương Ba sợ rằng mình không thắng nổi cám dỗ nên cuối cảnh đã hoảng sợ…bỏ chạy.

Cảnh bảy, vì mang xác anh hàng thịt lâu ngày, hồn Trương Ba đâm quen thuộc với cái thân xác cồng kềnh dung tục mà ban đầu Hồn Trương Ba rất dị ứng. Hồn Trương Ba đã thành kẻ nát rượu và đang trượt dốc so với ông Trương Ba hiền lành, đôn hậu ngày nào, không vướng bất cứ thói hư tật xấu nào của người đời. Cho đến lúc chơi cờ, trưởng Hoạt mới phát hiện hồn Trương Ba có một lối đánh cờ khác hẳn ngày xưa “cách tiến cách lùi vụn vặt, thô phủ, thậm chí có một cách chiếu tướng không đàng hoàng đến mức bần tiện”.

Từ đây, bắt đầu một lớp kịch “Cuộc đối thoại giữa hồn và xác” trong cảnh kịch cuối đầy căng thẳng và bạo liệt này đã dẫn đến một kết cục không có hậu: Hồn Trương Ba đồng ý trả xác lại cho anh hàng thịt và không chịu nổi cuộc sống hai mang nữa.

Hồn Trương Ba vỡ lẽ ra một sự thật: mình không còn là mình khi sống trong thân xác của người khác! Trương Ba muốn được là mình trọn vẹn: “Tôi muốn được là tôi trọn vẹn”.

3. Bạn chán ghét bản thân mình và muốn có một thân xác khác? Mạnh mẽ như siêu mẫu Bình Minh, hay rạng rỡ như Anh Thư? Tóm lại, là ai cũng được miễn là một thân xác khác.

Nên chăng?

4. Cái tôi thật đáng ghét nhưng không phải vì thế mà lúc nào cũng ghét nó. Hãy biết yêu lấy chính mình! Hãy sống cuộc đời của mình. Bạn không còn là bạn khi sống trong thân xác của người khác.

Cafe chiều thứ 7

No comments: