Sunday, April 29, 2007

Chuyện học tập trong đời

Tuổi học của con người không dừng lại ở bất cứ lứa nào. Tớ không nghĩ là cụ già 70 tuổi cắp sách đến giảng đường đại học lại nhận được những cái nhìn ái ngại, chê bai của sinh viên tuổi teen, mà nếu có thì họ cũng đáng được bỏ qua, bởi vì họ cũng còn chưa học đến nơi đến chốn. Học đại học xong, thực tình đó mới chỉ là một cái móng tay của kiến thức mà nếu ta dùng bấm thì chỉ 1 loáng là nó lìa khỏi một ngón tay búp măng nào đó ngay!

Nền giáo dục của chúng ta có câu "học tập và làm việc", với cái mô hình có vẻ phân hoạch rõ rệt ấy, đa phần đều nghĩ là, học xong là phải đi làm!!! Hỡi trời, chả lẽ không ai giảng giải cho nó rõ hơn hay sao? Học tập cũng là một cách làm việc, bạn chẳng cần phải đi làm. Đây là sự thật, vì nếu để ý, học tập cũng là một nghề, một nghề cực kỳ thú vị.

Tớ có một anh bạn học từ bé, rồi cũng học cấp 3, học đại học, học thạc sỹ, rồi lại học tiến sỹ, rồi lại học bằng khác, rồi lại nghiên cứu và học tiến sỹ v.v... Nếu tính sơ sơ thì cứ theo cái kiểu đó, 40-50 tuổi vẫn còn lộ trình học tập nghiên cứu. Vậy, bạn sẽ hỏi thế sống bằng gì nếu không đi làm kiếm tiền? Bạn lầm! Anh bạn tớ nói là làm tiến sỹ chứ vẫn nghiên cứu, giảng dạy, đóng góp cho người ta thì hiển nhiên người ta trả tiền chứ đâu có để đi quét dọn mà làm doctor? Hic, đấy là ở nước ngoài, ở ta thì... Mà suy cho cùng, nghề học là nghề cao quý, vì không có ăn bám xã hội đâu, mà cuộc sống cũng đầy đủ nào thiếu thốn gì? Và sự nghiệp của nó chưa chắc đã thua kém sự nghiệp lao động và xây dựng!

Ấy, nhưng làm được nghề học được như thế phải có tài năng và sự cần cù (hic, dân Việt ta hình như nổi bật 2 đức tính này???).

Bây giờ hãy so sánh, đi học và đi làm, cái nào bạn thích hơn? 90% thích đi học hơn, vì đi học luôn là niềm sung sướng, không thể có những áp lực công việc, ông chủ khó tính, cơ quan trì trệ, đồng nghiệp kèn cựa v.v... nguyên nhân gây nên sự lặp lại và nhàm chán cho con người. So sánh này cũng là tương đối thôi, cũng có lúc đi làm thích hơn đi học.

Những ai còn đi học hãy nhớ tới những lời này của một người cha: "Con ạ, đằng nào thì sau khi học ra trường, con cũng sẽ làm việc trong môi trường lao động từ đó đến cuối đời, mà môi trường lao động khắc nghiệt hơn ghế nhà trường nhiều, vậy tội gì con không kéo dài cái việc học càng xa càng tốt?". Đúng vậy, đừng vội đi làm, trừ phi hoàn cảnh ép buộc. Hàng triệu người đang đi làm hiện đang mơ được đi học đấy.

Còn những ai đang đi làm thì có thể nhớ tới những "bí quyết" sau.

1. Không có đúng-sai. Chỉ có sự quyết định và lựa chọn. Chớ có cố chọn cái đúng (mà chủ yếu là do ta nghĩ là đúng, là hợp, là ngon) và quay mặt lại dè bỉu với cái mà ta nghĩ là sai. Đừng tưởng bạn học hết kỳ đại học là đúng mà câu bạn bỏ dở năm thứ hai là sai, đừng tưởng bạn hàng ngày cắm cúi sổ sách là tốt hơn một người ngồi hàng nước và làm thơ. Nghề máy tính chưa chắc đã hơn nghề sinh học hay vật lý nguyên tử, dù giờ này vật lý nguyên tử thì quá khó tìm việc làm. Và càng chưa chắc đã bằng bỏ học kinh doanh cafe với quán ăn.

Trong trường lớp, với một bài toán thì đúng và sai không thể cãi. Nhưng ngoài đời, ranh giới ấy mờ ảo, không phải đến một ngã ba ta rẽ đường này đúng, còn rẽ đường kia là sai và ngược lại. Đừng bao giờ thở ra câu" giá ngày ấy tớ đi học tiếp mà không đi làm" hoặc "giá ngày ấy tớ chọn cô ấy chứ không phải cô này", đó là suy nghĩ không mang lại gì tốt đẹp, vì khi đã nói giá mà, thì bạn không có năng lực thay đổi. Nếu bạn có gan bỏ làm để đi học lại, thì bạn chẳng nói hai cái chữ "giá mà" ấy. Hãy nghĩ là giờ ta đã chọn cô này rồi, ta có thể làm gì tốt hơn để mọi thứ tốt đẹp hơn?

Khi một người đồng nghiệp có ý kiến trái ngược ta, đừng vội nghĩ là ta đúng họ sai. Cười người hôm trước để làm gì?

2. Cuộc sống là không có công bằng. Không có là không có thật, dù tất cả xã hội đều hướng đến nó. Trên ghế nhà trường, hai sinh viên cùng làm đúng 10 câu thì cùng được 10 điểm, đó là công bằng, nhưng ngoài đời vĩnh viễn không có chuyện đó. Hai đồng nghiệp cùng hoàn thành 1 việc như nhau, vẫn có người hơn và người kém. Bởi vì chúng ta hết cái thời sống với barem điểm rồi và bản tính con người không tránh khỏi sự thiên vị, dù ta có nhận thấy hay không. Ngay cả hai đứa con của chính bạn, có chắc bạn đối xử và đánh giá chúng như nhau??? Vậy, ta phải chấp nhận thực tế đi làm là như vậy. Họ hơn ta vì họ nhỉnh hơn ta một chút, cái nhỉnh hơn ấy nó nằm ở chỗ khác, không nằm ở kết quả công việc.

Well, hehe, tớ viết bài này là vì... tớ vừa đi học một lớp ngắn hạn để củng cố vai trò của người quản lý. Giảng viên là một cô giáo dạy rất hay vì cô ấy có nhiều kinh nghiệm của gần 30 năm đi làm. Giờ đây, việc của cô ấy là tư vấn phát triển con người, hic... nghe kêu thế nhưng quả thực là một nghề hay.

Một nhà quản lý tốt, ngoài nhiệm vụ quản lý công việc ra còn phải quản lý con người. Quản lý công việc có quy trình giáo khoa, còn quản lý con người là một sự hiểu biết, khéo léo, nhạy bén và linh hoạt, có rất ít người làm được tốt phần này đó.

Cô ấy có nói một câu làm cảm hứng để viết entry này: "Tri thức của chúng ta hổng rất nhiều và có những chỗ trống đến khi chết cũng không có gì trong đó và sự trống rỗng này làm ta không thể bật lên cao vào môt thời điểm cần thiết. Vì thế dù bạn bao nhiêu tuổi và đang chuyên sâu lĩnh vực gì, học một cái khác luôn là điều cần thiết."

Tớ mới hỏi cô là bật lên cao là bật lên đâu? Cô giáo bảo: không phải chỉ là vị trí xã hội, mà là tất cả: một mối quan hệ, một chuyện tình cảm, một công việc làm ăn, một cuộc thi... Tớ nghĩ là phải, gọi chúng là "tiềm lực không bao giờ được kích hoạt" là hợp nhất. Chỉ vì không kiến thức mà thôi.

No comments: