Thursday, January 31, 2008

Tài nghề con lừa

Bài này có ý nói: Ở đời có lắm người, lắm sự, lúc mới biết cho là lạ, thì còn ưa, còn sợ, đến lúc đã biết rõ rồi thì lại khinh thường, chẳng coi vào đâu nữa

Đất Kiềm(1) xưa nay vốn không có lừa. Có người hiếu sự(2) tải một ít lừa đến đấy nuôi.

Lừa thả ở dưới chân núi. Buổi đầu, hổ trong núi ra, trông thấy lừa cao lớn, lực lưỡng, tưởng loài thần vật mới giáng sinh. Lại thấy lừa kêu to, hổ sợ quá, cong đuôi chạy. Dần dần về sau hổ nghe tiếng, thấy lúc nào lừa kêu cũng thế lấy làm khinh thường. Một hôm, hổ thử vờn, nhảy xông vào đầu lừa. Lừa giận quá, giơ chân đá, đá đi, đá lại, quanh quẩn chỉ có một ngón đá mà thôi. Hổ thấy vậy mừng, bụng bảo dạ rằng: “Tài nghề con lừa ra chỉ có thế mà thôi”. Rồi hổ gầm thét, chồm lên, vồ lừa, cấu lừa, cắn lừa, ăn thịt lừa, đoạn rồi đi.

Liễu Tôn Nguyên(3)

Lời bàn:

Bài này có ý nói: Ở đời có lắm người, lắm sự, lúc mới biết cho là lạ, thì còn ưa, còn sợ, đến lúc đã biết rõ rồi thì lại khinh thường, chẳng coi vào đâu nữa:

Nhác trông ngỡ tượng tô vàng,
Nhìn ra mới biết chẫu chàng ngày mưa.

Nhưng bài này lại có ý chê người khờ dại không biết giữ thân cho kín đáo, để đến nỗi người ta dòm được tâm thuật của mình mà làm hại mình, như con lừa bị con hổ hại vậy. Những nhà làm văn vẫn thường hay dùng hai chữ “Kiềm lô” (lừa đất Kiềm) để chỉ những người tài nghệ kém cỏi, không có gì lạ.


(1) Kiềm: nước Sở thời Chiến Quốc, tức là huyện Nguyên Lăng, tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc) bây giờ.

(2) Hiếu sự: hay bày việc, sinh việc.

(3) Tên tự là Tử Hậu, tinh nhanh tuyệt vời, văn chương nổi tiếng, đỗ Tiến sĩ, làm quan Thứ sử, là một bậc danh nhân đời nhà Đường.

No comments: