Tuesday, January 29, 2008

Thầy Tăng Sâm

Kẻ làm con khi thấy cha mẹ làm trái, còn có chức trách phải liệu đường trốn tránh hay uỷ khúc can ngăn mà vẫn không mắc tiếng bất hiếu.

Thầy Tăng Sâm bừa cỏ ruộng dưa lỡ tay làm đứt mất ít rễ. Cha là Tăng Tích giận, cầm gậy đánh vào lưng. Tăng Sâm đau quá, ngã gục xuống điếng đi một lúc mới hồi lại.

Khi về nhà, liền đến thưa với cha rằng:

- Lúc nãy con có tội để đến nỗi cha phải đánh, làm đau tay cha, thực là con lỗi đạo.

Nói xong lùi xuống, vừa gẩy đàn vừa hát, có ý để cha nghe tiếng, biết cho rằng mình không còn đau đớn gì nữa. Khổng Tử nghe thấy chuyện ấy, bảo học trò cấm cửa không cho Tăng Sâm vào.

Tăng Sâm tự nghĩ mình vô tội, mượn bạn lại hỏi vì cớ gì mà ngài giận.

Khổng Tử nói: “Ngày trước ông Thuấn phụng sự cha là Cổ Tẩu, lúc cha sai khiến gì, ở luôn bên cạnh; lúc cha giận dữ muốn giết thì lánh xa; cha đánh bằng roi vọt thì cam chịu; đánh bằng gậy gộc thì chạy trốn. Thế cho nên ông Cổ Tẩu không mang tiếng bất từ. Nay Sâm thờ cha liều mình để chiều cơn giận đến nỗi ngất đi. Giá lỡ cha đánh quá tay mà chết mất thì có phải là làm cho cha mắc tội không? Tội bất hiếu còn gì to hơn nữa!”.

Tăng Sâm nghe lại chuyện, biết là có lỗi đến tạ tội Khổng Tử.

Thuyết Uyển*

Lời bàn:

Người làm con có hiếu thì dẫu vì cha mà phải hy sinh tính mệnh cũng không có gì là quá lạm. Song liều mình mà cứu cha mẹ trong khi nguy cấp là chí hiếu, thì để cha mẹ nhân cơn giận dữ đánh đập, lỡ hại đến tính mệnh thì chẳng những là bất hiếu mà lại còn mang tiếng hãm cha mẹ vào tội bất từ nữa. Ông Sâm rất hiếu nhưng chưa phải cách, ông Thuấn cũng hiếu nhưng biết phải trái. Kẻ làm con khi thấy cha mẹ làm trái, còn có chức trách phải liệu đường trốn tránh hay uỷ khúc can ngăn mà vẫn không mắc tiếng bất hiếu.


(Theo “Cổ học tinh hoa” của Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân – NXB Trẻ)

No comments: