Xin tóm tắt dưới đây những kiến thức cần thiết trên con đường tìm kiếm sự tự do về tài chính được đăng tải đến nay:
a) Theo Robert T. Kiyosaki và Sharon L. Lechter tác giả của 2 cuốn sách “Dạy con làm giàu ” và “Cha giàu cha nghèo” có thể chia nhân loại thành bốn loại người theo phương thức kiếm tiền của họ (Kim Tứ Đồ): Những người làm công ăn lương (L); Nhóm người làm tư (T); Nhóm Chủ doanh nghiệp, công ty (C); Nhóm Nhà đầu tư (Đ) trong đó Nhóm những người làm công ăn lương là những người ưa thích sự an toàn, ổn định, ngại mạo hiểm, không thích rủi ro nhất là trong vấn đề tiền bạc; Nhóm làm tư (T) thường là những người giỏi nghề và coi trọng sự tự do của cá nhân, thích được tự mình định đoạt công việc và cuộc sống cá nhân. Họ là người làm chủ một công việc và thường chỉ tin vào bản thân hơn là tin vào người khác; Nhóm Chủ doanh nghiệp (C) là những người có khả năng lãnh đạo người khác, thích phân chia công việc, thích mướn những người giỏi hơn làm việc cho mình. Nhóm người này làm chủ một hệ thống, một quy trình kinh doanh chứ không làm chủ một công việc; Nhóm các Nhà đầu tư (Đ) là những người làm ra tiền bằng tiền. Robert T. Kiyosaki và Sharon L. Lechter cũng cho rằng nếu bạn muốn trở thành người giàu có, bất kể bạn đang kiếm tiền từ nhóm nào bạn phải tìm cách trở thành Nhà đầu tư;
b) Bí quyết thành công của những người giàu không nằm ở chỗ họ thuần tuý gặp may hay thuận lợi hơn bạn nhờ được thừa kế một gia tài kếch sù …mà chính là do họ luôn mơ ước, luôn khát khao, luôn hành động vươn tới để làm giàu, để có sự tự do về tài chính;
c) Theo người giàu, Tài sản là bất cứ cái gì mang lại lợi nhuận, làm tăng thu nhập còn Tiêu sản là bất cứ cái gì không sinh ra lợi nhuận, làm giảm thu nhập. Chính vì thế người giàu luôn luôn cố gắng mua Tài sản và giảm thiểu Tiêu sản còn người nghèo và trung lưu thì ngược lại luôn luôn mua Tiêu sản mà tưởng nhầm đó là Tài sản. Kết quả là người giàu ngày càng giàu hơn còn người nghèo ngày càng nghèo đi; Muốn cải thiện tình hình tài chính, bạn phải giảm thiểu việc mua Tiêu sản và cố gắng tối đa mua Tài sản;
d) Thói quen bầy đàn của người nghèo và trung lưu là một thói quen tiêu tốn rất nhiều thời gian, tiền bạc và sức lực của nhân loại. Thói quen này làm cho bạn và những thế hệ mai sau của bạn không bao giờ thuộc hàng ngũ người giàu mà bạn và con cháu của bạn, chút chít của bạn chỉ có thể nằm trong số 95% người nghèo và trung lưu của nhân loại mà thôi;
e) Người giàu hành động bao giờ cũng có mục tiêu. Những người giàu hoặc muốn trở nên giàu không bao giờ hành động theo cảm tính, không a dua theo bầy. Họ biết cách chia mục tiêu của họ ra thành những mục tiêu nhỏ hơn, khả thi và thực hiện nó bền bỉ ngày này qua ngày khác như con ong chăm chỉ hút từng hạt phấn hoa nhỏ li ti để đến một ngày kia cho đời một chõ mật ong to ngọt lịm và vàng óng. Trong khi đó người nghèo thường đặt ra những mục tiêu to tát lúc đầu nhưng sau đó lại thực hiện theo kiểu “Đầu voi đuôi chuột”;
f) Người nghèo với mong muốn một mai được mở mặt với đời thường sống theo kiểu “Hy sinh đời bố củng cố đời con” . Nhưng kết quả thật buồn rầu vì những gì hôm nay bạn không muốn làm thì đường kỳ vọng rằng con cháu bạn sẽ làm điều đó trong tương lai. Và thật nghịch lý là cái cách sống vô tư “Đời cua, cua máy; Đời cáy, cáy đào” xem ra lại hợp với quy luật chọn lọc của tự nhiên, hợp với tạo hoá hơn, mặc dù vậy sống như vậy cũng không phải là cách sống tốt nhất, cách sống có trách nhiệm nhất;
g) Hãy sống với hiện tại! Hãy sống với từng giây, từng phút của ngày hôm nay! Hãy sống vì vì sự hoàn thiện của chính mình chứ đừng sống vì cái gì xa vời ở đâu đó! Hãy bắt đầu cuộc cách mạng với chính bản thân để làm nền móng vững chắc cho cái lâu đài nguy nga, tráng lệ mà ta muốn các thế hệ mai sau dựng nên. Đấy là lối sống văn hoá nhất và có trách nhiệm nhất. Sống trong một môi trường thấm đẫm khát khao vươn tới, trong một gia đình mà bố mẹ thật sự năng động, sáng tạo, độc lập, quyết đoán, trung thực, sống trong một gia đình mà mỗi hành vi ứng xử của các cá nhân tràn ngập tính nhân văn, lòng nhân ái, vị tha thì bạn lo gì con cái bạn không trưởng thành. Các cụ dạy “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng” và quy luật nhân quả của muôn đời là “Gieo hạt gì thì gặt vụ mùa đó” là như vậy;
h) Thời gian không chỉ là tiền bạc, thời gian chính là cuộc sống. Một khi bạn đã hành xử không đúng, bạn không chỉ mất tiền bạc mà còn mất luôn cả cuộc sống. Bạn sẽ sống phí hoài những năm tháng quý giá mà tạo hoá đã ban cho. Bạn sẽ sống vật vờ, nhàn nhạt theo bầy đàn, theo bản năng như bao người khác và đương nhiên là bạn sẽ luôn luôn gặp khó khăn về tài chính. Muốn cải thiện tình hình, bạn phải bắt đầu ngay từ ngày hôm nay chứ đừng đợi đến ngày mai.
Bạn có thể nóng ruột nói rằng những kiến thức này ai mà chả biết hoặc giả như nếu bây giờ mới biết thì nó cũng chẳng giúp ích gì. Cái bạn cần biết là những kế hoạch hay những mánh lới, những cơ hội kinh doanh cụ thể để tuần sau, tháng sau bạn đã trở thành chủ doanh nghiệp hay nhà đầu tư chứ không phải là mớ lý thuyết suông này.
Bạn nên nhớ rằng khi bạn bị cận thì bạn làm thế nào đọc được sách nếu bạn không sắm cho mình một cái kính thích hợp. Bạn có thể nhìn thấy vi khuẩn bằng mắt thường không? Chắc chắn là không rồi. Muốn nhìn thấy nó bạn phải sử dụng kính hiển vi có độ phóng đại lớn và có thể phải dùng kính hiển vi điện tử đấy.
Cận thị, vi khuẩn … những thứ này lại càng không liên quan gì đến tiền bạc, bạn bảo thế. Có đấy, chẳng qua là ý tại ngôn ngoại mà thôi. Bạn sẽ không bao giờ giàu khi bạn là (hay bạn có tính cách của) những người làm công lãnh lương hay những người làm tư (giống như bạn bị cận nên không thể đọc sách vì không có kính). Muốn giàu, bạn phải trở thành (hay phải có tố chất, tính cách của) chủ doanh nghiệp hay nhà đầu tư, tức là bạn phải phải khao khát làm giàu, phải có kế hoạch cụ thể thực hiện ước mơ, phải luôn hành động vươn tới, phải độc lập suy nghĩ, phải quyết đoán, phải không ngại rủi ro, mạo hiểm, vv và vv … Bị cận mà muốn đọc sách thì phải mua kính – tức là trang bị cho mình những điều kiện thích hợp với hoàn cảnh mới. Trong việc kiếm sống cũng vậy. Bạn đang có tư duy của những người nhóm L và T, nếu muốn giàu có, bạn phải thay đổi tư duy, thay đổi nhận thức, thay đổi cách hành động theo cách của Nhóm C và Đ. Bạn phải thay đổi bản thân cho thích hợp với mục tiêu trước khi đi tìm những mánh lới, những cơ hội kinh doanh cụ thể. Nếu bạn không thể thay đổi thì dù bạn có học hàng nghìn mánh lới kinh doanh, dù có được hàng nghìn cơ hội đầu tư do được ai đó mách bảo, bạn cũng chớ có tận dụng chúng vì chúng chỉ làm cho bạn khốn khổ hơn mà thôi giống như khi bạn cố gắng đọc sách không có kính với đôi mắt cận thị thì mắt bạn ngày càng tồi đi. Với cái cách đọc liều hay thiếu hiểu biết như vậy thì có thể đến một ngày nào đó bạn sẽ chẳng còn “Giàu hai con mắt” như các cụ vẫn dạy.
theo My Opera
No comments:
Post a Comment